Sáng Chủ nhật

sang-chu-nhat

Ngày thường, giờ này bạn đã ra khỏi nhà; nhưng hôm nay, bạn vẫn nằm trong chăn.

Ngày thường, giờ này bạn đã ra khỏi nhà; nhưng hôm nay, bạn vẫn nằm trong chăn. Bạn có thời gian để ý ánh sáng đang lách qua khe hở của rèm cửa. Bên ngoài yên tĩnh hơn thường lệ; âm thanh của dòng xe cộ dường như xa vời. Từ dưới đường, vang lên tiếng đóng cửa xe. Hôm nay, bạn chẳng có nhiều việc phải làm. Bạn có thể thong thả trong phòng tắm, không vội vã. Ngày thường, bạn vừa đánh răng vừa lướt điện thoại, đọc lướt những tin nhắn mới, đầu óc vội vàng điểm qua những việc cần làm, vừa gấp gáp mặc quần áo chuẩn bị đi làm.

Nhưng sáng nay, tất cả đều không quan trọng. Bạn tạm thoát khỏi áp lực của thời gian, chẳng cần phải vội vã theo kịp bất cứ điều gì. Không ai trông chờ gì ở bạn cho đến sáng mai. Nhìn qua cửa sổ, từng dải mây trôi chậm rãi, rất chậm. Chiều có thể trời sẽ mưa. Còn chiếc áo khoác bạn mua ở Edinburgh, cũng lâu rồi chưa mặc đến. Có thể lát nữa bạn sẽ ghé một quán cà phê, mang theo một cuốn sách hay cuốn sổ ghi chép, ăn một đĩa trứng bác với rau chân vịt. Biết đâu sau đó, bạn sẽ đi dạo trong công viên, ghé thăm lũ vịt.

Bạn có thể ví tính cách của mình như một vùng đất rộng lớn. Trong bạn có nhiều miền khác nhau: con người của công việc, con người của gia đình, hay khía cạnh xuất hiện khi bạn trò chuyện với cha mình, hoặc thoáng qua khi bạn ngắm nhìn bức ảnh những vịnh hẹp ở Na Uy. Nhưng bạn không phải lúc nào cũng ghé thăm hết những “miền đất” ấy. Thực tế, áp lực cuộc sống khiến chúng ta chỉ tập trung vào vài vùng quen thuộc, để những nơi khác gần như bị bỏ quên, tồn tại trong trạng thái hoang sơ. Có những nơi còn chưa được khám phá: nơi bạn có thể – nếu có cơ hội – trồng rau, học tiếng Ý, nhảy điệu rumba, hay say mê những căn biệt thự của Le Corbusier. Đó là những miền xa xôi trong bản thể của bạn, nơi mà thông tin ít khi, nếu không muốn nói là chẳng bao giờ, truyền đến những “trung tâm” bận rộn hàng ngày.

Chủ nhật là khoảng thời gian để bạn khám phá bản thân, tìm lại hoặc tìm ra những phần con người mình mà trước giờ chưa thật sự biết đến. Những phần đó đã bị gạt sang một bên một cách dễ hiểu bởi áp lực công việc và kỳ vọng của người khác.

Trong suốt một thời gian dài, đặc biệt là ở phương Tây, Chủ nhật gắn liền với tôn giáo. Đó là sự thích nghi của Cơ đốc giáo với ngày Sa-bát của Do Thái giáo: một ngày mà Thượng Đế dành riêng cho sự nghỉ ngơi. Điểm độc đáo của quan niệm tôn giáo về Chủ nhật là nó kết hợp các giới hạn với một chương trình tích cực cho ngày hôm đó. Để đảm bảo một ngày nghỉ ngơi, có những điều cấm đoán: các doanh nghiệp đóng cửa, các cửa hàng, nhà hát, quán bar không hoạt động; lịch trình tàu xe cũng giảm đi. Mục đích không phải để làm ngày ấy buồn tẻ mà là để đảm bảo thời gian được dành cho những điều khác. Những quy tắc tập thể như thế giờ đây gần như không còn. Nhưng nhu cầu cơ bản ấy vẫn còn: thời gian cần được bảo vệ. Bạn có thể quyết định tạm ngưng cuộc sống số, không đọc báo, không dành cả ngày để làm những việc lặt vặt quen thuộc. Có nguy cơ rất lớn là bạn sẽ vô tình lấp đầy ngày Chủ nhật bằng những thứ phân tâm không đâu.

Mặt khác, truyền thống Sa-bát không chỉ dừng ở những gì bạn không làm mà còn bao gồm những gì bạn nên làm trong khoảng thời gian đặc biệt này. Suy nghĩ rằng một ngày thì dài nhưng không phải là vô tận nhắc nhở ta không được lãng phí nó. Trước đây, mọi người thường đến nhà thờ, tham gia các nghi lễ khiến tâm trí hướng về những câu hỏi quan trọng thường bị bỏ qua: Mình đang làm gì với cuộc đời? Các mối quan hệ của mình ra sao? Điều gì thật sự có ý nghĩa và tại sao?

Ý tưởng truyền thống về Chủ nhật được đặt trong khuôn khổ tôn giáo, nhưng những nhu cầu mà nó giải quyết thực ra hoàn toàn vượt ra khỏi khuôn khổ ấy.

Niềm vui thế tục của buổi sáng Chủ nhật không chỉ là sự thư giãn và tự do; nó còn gắn liền với cảm giác (dù không phải lúc nào cũng rõ ràng) rằng bạn có cơ hội để kết nối lại với những chân trời rộng lớn hơn trong cuộc sống của mình.

Hy vọng rằng bạn có thể trong chốc lát quay lưng lại với những tin tức thời sự để hướng đến sự tĩnh lặng, cao cả và vĩnh hằng. Bạn chạm vào một trạng thái ý thức cao hơn – dù có thể không quen gọi nó như vậy. Thông thường, chúng ta đắm chìm trong những suy nghĩ thực dụng, nông cạn và tự biện minh – những đặc điểm của trạng thái ý thức “thấp”. Nhưng vào những khoảnh khắc ấy, thế giới hiện ra khác hẳn: một nơi đầy đau khổ, nỗ lực sai lầm, con người tranh giành sự chú ý và làm tổn thương lẫn nhau, nhưng cũng là nơi của sự dịu dàng, khát khao, vẻ đẹp và những tổn thương đáng thương cảm. Cảm giác phù hợp nhất lúc này là sự đồng cảm và lòng nhân ái vô điều kiện. Cuộc sống của chính bạn dường như bớt quan trọng hơn; bạn có thể bình thản nghĩ đến việc không còn tồn tại. Những mối bận tâm cá nhân được gác lại, và bạn hòa mình vào những điều tự nhiên, thoáng qua: cây cối, gió, một con thiêu thân, những đám mây hay sóng biển vỗ bờ. Từ góc nhìn này, địa vị trở thành hư vô, vật chất không còn ý nghĩa, những bất bình mất đi tính cấp bách. Nếu ai đó gặp bạn vào lúc này, có lẽ họ sẽ ngạc nhiên bởi sự biến đổi, lòng bao dung và đồng cảm mới mẻ trong bạn.

Dĩ nhiên, những trạng thái ý thức cao hơn này thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chúng ta cũng không nên cố duy trì chúng mãi, vì chúng không phù hợp với vô số công việc thực tế mà ta cần xử lý. Nhưng khi chúng xuất hiện, ta nên tận dụng tối đa và ghi nhớ những điều sâu sắc để dùng vào lúc cần thiết nhất.

Một phần quan trọng trong niềm vui của sáng Chủ nhật chính là nhận thức rằng đây là khoảng thời gian đặc biệt, khác lạ.

Nguồn:  ON SUNDAY MORNINGS - The School Of Life

menu
menu