3 dấu hiệu bạn có thể đang chịu đựng những chấn thương tâm lý chưa lành
Không phải mọi sang chấn đều có thể chữa lành, nhưng chúng không cần phải kiểm soát bạn
Thật khó để mường tượng ra một cuộc sống mà không có chấn thương. Chấn thương từ sự mất mát và đau thương. Chấn thương từ những đau đớn xã hội mang lại, như bị bắt nạt hoặc phân biệt chủng tộc. Chấn thương đến từ khó khăn tài chính hoặc bị chối từ. Danh sách cứ tiếp tục kéo dài kéo dài mãi.
Làm thế nào để bạn chữa lành những chấn thương? Quá trình để buông bỏ những vết thương sâu sắc như vậy là gì?
DI CHỨNG CỦA CHẤN THƯƠNG
Nhiều năm về trước, tôi đang lái xe đến bữa tiệc nướng vào một ngày lễ tưởng niệm. Ngoài trời nắng đẹp, bên trong xe là cuộc trò chuyện rôm rả của tôi cùng vợ và con cái, chúng tôi đang háo hức mong chờ món ăn do anh trai nấu. Không khí yên bình vỡ tan khi một người lái xe tải 18 bánh, bận nhắn tin cho bạn gái, đã tông vào xe chúng tôi từ phía sau.
Qua kính chắn gió đã vỡ, tôi có thể thấy mặt trời vẫn đang chiếu sáng. Thế nhưng chiếc xe minivan Honda yêu quý của chúng tôi, người bạn đồng hành trong nhiều kỷ niệm hạnh phúc của gia đình tôi, đang nằm lăn lóc dưới đáy vực sâu.
Điều kỳ diệu là chúng tôi chỉ bị bầm tím và đau nhức. Nhưng cho đến tận hôm nay, khi tôi đang lái xe trên xa lộ và một chiếc xe tải vượt qua tôi, tim tôi lại đập nhanh hơn và tôi cảm thấy dạ dày tôi đang hoảng loạn.
Đó là di chứng mà chấn thương để lại: một sự kiện khiến bạn cảm thấy bị đe dọa hoặc cảm nhận tình thế nguy hiểm, và chúng áp đảo bạn bằng sự hoảng loạn và sợ hãi.
Không quan trọng liệu mối nguy hiểm đó có thực hay không. Những cảm xúc tồn đọng sau chấn thương không thể giải thích bằng lý lẽ thông thường. Chấn thương miễn nhiễm với logic.
CHẤN THƯƠNG TÂM LÝ CHƯA ĐƯỢC XỬ LÝ LÀ GÌ?
Bất kể sự kiện gây ra chấn thương cho bạn là gì, có một điều chắc chắn là nó đau đớn và khiến bạn cảm thấy bị đe dọa. Vì lý do này, bạn có thể vội vàng nhằm vượt qua, chôn vùi nó, hoặc đẩy nó ra khỏi nhận thức của mình.
Việc đàn áp chấn thương không phải là vấn đề. Chỉ là bạn chưa sẵn sàng để đối mặt với nó. Ngoài ra, có những lúc tâm trí bảo vệ bạn khỏi chấn thương và chống lại nó bằng cách viết lại hoặc thậm chí xóa bỏ hoàn toàn ký ức cho đến khi bạn sẵn sàng đối mặt với nó.
Các triệu chứng của chấn thương tâm lý chưa lành thường xuất hiện dưới dạng:
- Triệu chứng thể chất: tim đập nhanh, đổ mồ hôi hoặc run rẩy.
- Triệu chứng cảm xúc: hoảng loạn, cảm thấy bị mắc kẹt hoặc sợ hãi.
- Triệu chứng tâm lý: tránh né những tình huống gợi lại chấn thương.
CHỮA LÀNH NHỮNG CHẤN THƯƠNG CHƯA ĐƯỢC GIẢI QUYẾT
Sự thật phũ phàng là: Không phải tất cả chấn thương đều có thể được giải quyết. Tuy nhiên, bạn có thể quản lý và giảm bớt các triệu chứng của chấn thương để nó không còn kiểm soát bạn.
Khi bạn đã sẵn sàng đối mặt trực tiếp với chấn thương, bạn có thể trải nghiệm các dấu hiệu sau:
- Phục hồi ký ức. Đôi khi, những mảnh vụn ký ức – những phần nhỏ chưa được giải mã của sự kiện gây ra chấn thương – bắt đầu trỗi dậy.
- Gia tăng cảm xúc rối loạn. Bạn có thể trải qua sự gia tăng đột biến của sự lo âu, ác mộng, khó ngủ, lo lắng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), tự cô lập hoặc các hành vi trầm cảm.
- Mong muốn nói chuyện. Sau một thời gian, bạn có thể đột nhiên có mong muốn nói về chấn thương của mình. Trò chuyện về nó sẽ giúp bạn giải tỏa những cảm xúc bị dồn nén bấy lâu.
TỪNG BƯỚC XỬ LÝ CHẤN THƯƠNG
- Viết nhật ký. Viết xuống những suy nghĩ, cảm xúc, và ký ức của bạn có thể giúp bạn bắt đầu hiểu, tách rời khỏi chúng và có thể kiểm soát chúng.
- Phá vỡ sự im lặng. Hãy chia sẻ chi tiết về chấn thương của bạn với những người sẽ hiểu và hỗ trợ bạn. Không một ai cần phải tự giải quyết chấn thương của mình cả.
- Giới hạn thời gian bạn dành để suy nghĩ về chúng. Tránh việc ám ảnh, suy nghĩ nhiều và suy nghĩ quá mức. Khi viết nhật ký hoặc nghĩ về sự việc, hãy giới hạn thời gian làm điều đó. Đặt hẹn giờ, đến phòng gym và chăm sóc bản thân. Đừng cố gắng quá mức.
- Làm việc với nhà trị liệu tâm lý. Trị liệu là một món quà mà bạn dành tặng bản thân. Một chuyên gia có thể cho bạn lời chỉ dẫn, sự hỗ trợ và những công cụ để giúp đỡ sự hồi phục của bạn.
- Tham gia vào nhóm trị liệu. Không gì hữu ích bằng việc ở trong một căn phòng với nhiều người sẵn sàng chia sẻ nỗi đau của bạn, mang đến sự hỗ trợ và trìu mến. Trong các nhóm trị liệu hằng tuần của tôi, chúng tôi thường xuyên xử lý những chấn thương chưa lành và bạn sẽ nhận ra mình sẽ phát triển nhanh hơn khi chúng ta phát triển cùng người khác.
- Hãy đối xử tốt với bản thân. Bạn đang sắp dấn thân vào một công việc sâu sắc, giàu cảm xúc khi quay trở lại khoảng thời gian đau khổ. Hãy bắt đầu khi bạn thật sự sẵn sàng. Hãy luôn đối xử tốt và tưởng thưởng cho bản thân.
- Đừng vội vã. Đừng cố gắng đốt cháy giai đoạn. Sẽ có những ngày bạn muốn chữa lành, và có vài ngày thì không. Hãy nghỉ ngơi. Đi du lịch. Để chấn thương sang một bên và ghé thăm nó sau khi bạn quay về. Không có gì khiến bạn phải vội cả nhé.
Tác giả: Sean Grover
Dịch giả: Hoàng Phúc - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Bài gốc: psychologytoday.com