Vì sao nhiều người trẻ không còn muốn giữ đồ đạc của bố mẹ nữa?
Thời nay, giá trị của "đồ đạc" đã khác xưa.
Đồ đạc. Bất kể món đồ ấy giá trị, đẹp đẽ, mang đậm chất lịch sử gia đình, hay ý nghĩa đến đâu, phần lớn thế hệ trẻ ngày nay đều chẳng mấy thiết tha. Với họ, một bộ đồ ăn bằng sứ, bộ ly pha lê, bộ dao dĩa bằng bạc của ông bà hay bộ bàn ăn gia truyền với chiếc tủ trưng bày bóng loáng chẳng còn sức hút. Những món đồ mà chúng ta trân quý, nâng niu, thì con cái lại từ chối nhận, thậm chí sau này còn phải vất vả xử lý chúng khi ta không còn.
Thật thú vị khi nghĩ xem vì sao chúng ta - thế hệ đi trước - lại coi trọng những thứ ấy đến vậy, rồi ngạc nhiên không hiểu tại sao con cái mình lại không. Có lẽ là tâm lý mỗi thế hệ có phần khác nhau, khiến ta dễ dàng phán xét lẫn nhau hơn là tìm hiểu lý do. Nhiều phụ nữ cùng thời với tôi hay thở dài nhìn bọn trẻ ngày nay, nghĩ rằng sau này tụi nhỏ sẽ không ngại đem đồ quý của cha mẹ gửi thẳng ra cửa hàng đồ cũ thay vì giữ gìn, trưng bày, hay kể cho thế hệ sau nghe những câu chuyện gắn liền với chúng.
Nhưng mà tôi hiểu. Thật sự là tôi hiểu.
Image: Elena Elisseeva/Shutterstock
Ba mẹ tôi thuộc thế hệ trải qua chiến tranh, họ yêu quý và trân trọng việc chia sẻ những gì mình có. Họ tổ chức tiệc cocktail trang trọng, những buổi tối ăn uống cầu kỳ với bàn ăn bày biện đẹp mắt, đâu ra đấy. Từng chiếc dao bơ, bình rượu vang, tách cà phê với đĩa lót, và đĩa tráng miệng trên tủ, sẵn sàng cho đến giây phút món chính vừa kết thúc là được mang ra.
Nhà tôi lúc nào cũng sạch tinh, giường nệm thẳng tắp, phòng nào ra phòng nấy (vì biết đâu có khách ghé qua đòi đi tham quan một vòng). Mà không, gia đình tôi chẳng hề giàu có. Ba mẹ tôi thuộc lớp trung lưu điển hình, chỉ có một nguồn thu nhập nhưng tự hào vì sở hữu được một chiếc xe, hàng năm có kỳ nghỉ 2 tuần, và bất cứ lúc nào cũng có thể mở cửa đón bạn bè, người thân đến chơi. Tiết kiệm với họ là một nghệ thuật. Đèn chỉ bật khi cần dùng, tối thứ Bảy là tối “tắm táp”, dây thun gom lại, giấy bạc rửa sạch xài tiếp, còn mẹ thì mấy khi không hết hơi gọi con về nhà trước khi trời tối hẳn.
Mỗi lần tổ chức tiệc không phải là để khoe mẽ, mà là để “chiêu đãi” khách, mà hầu như luôn ngầm hiểu rằng sẽ có dịp đáp lễ. Mấy cô bạn môi đỏ mọng, áo khoác nước hoa thơm phức, đeo găng tay trắng, cười khúc khích nói, “Lần tới phải mời anh chị sang nhà tụi em nhé!” rồi mới bước ra khỏi cửa sau một buổi tối tràn ngập tiếng cười, những câu bông đùa vui vẻ, bữa ăn ngon, nhạc và tiếng ly chạm nhau leng keng.
Rồi đến thế hệ bùng nổ dân số — những đứa trẻ lớn lên trong lời dặn “đừng đụng vào khay bánh hay đĩa tráng miệng” và bị gửi đi ngủ sớm để “người lớn có chuyện cần làm”. Dù rất biết ơn những gì cha mẹ đã truyền lại, từ hy sinh thời chiến đến hành trình di cư đầy gian khổ, chúng tôi cũng từng cố gắng bước vào đời với ý định tiếp nối truyền thống tiếp khách sang trọng ấy. Nhưng khi chúng tôi trưởng thành, mọi thứ đã khác đi nhiều. Các bà mẹ thế hệ bùng nổ có học vấn cao hơn, sự nghiệp cũng rộng mở hơn bao giờ hết. Để có lối sống như mong muốn, gia đình cần có hai nguồn thu nhập. Thế là những tuần chuẩn bị kỹ lưỡng cho một buổi tiệc cầu kỳ chỉ còn là những dịp đặc biệt ngày lễ. Con cái của chúng tôi lớn lên thấy bộ đồ ăn, ly pha lê, dao dĩa bạc chỉ thi thoảng được bày ra, còn phần lớn thời gian, chúng nằm lặng lẽ trong ngăn tủ, góc tủ, hay các hộp được dán nhãn cẩn thận.
Khi trưởng thành, tôi chợt nhận ra mình không nhất thiết phải cố trở thành một bà mẹ mẫu mực như mẹ mình — thành thật mà nói, tôi cũng chẳng bao giờ đạt được đến cái độ tự hào gia đình như bà. Trong khi mẹ tôi có thể ngắm nghía đầy trìu mến từng món đồ sáng bóng trong tủ kính, tôi lại tự hỏi vì sao nhà mình cần có một “cửa sổ trưng bày của cửa hàng bách hóa” trong phòng ăn — một nơi cứ lặng lẽ được phủi bụi mà chẳng mấy khi dùng đến, nhất là khi bà già đi.
Rồi khi tôi bước sang tuổi 50, sau khi mẹ đã ra đi từ lâu, tôi bán luôn chiếc tủ kính đựng đồ sứ của mình. Bộ đồ ăn được đẩy hết vào tủ dưới gầm cầu thang — dễ lấy ra khi cần nhưng chẳng còn để trưng. Dù vẫn thích đãi khách, tôi ngừng dùng bộ đồ sứ và đồ bạc (quà cưới từ thời xa xưa), thay vào đó là đồ gốm vui nhộn của Crate & Barrel và khăn trải bàn của Pier 1. Khách dường như thoải mái hơn khi bàn tiệc bày biện giản dị, và tôi cũng hồ hởi muốn họ có cảm giác thư giãn khi bước vào, trong bộ trang phục thoải mái như chính chủ nhà đang mặc.
Còn bây giờ? Tôi vẫn giữ lại vài món mình thật sự yêu quý, nhưng gần đây tôi đã chụp hình những món đồ hoặc bộ sưu tập mà mình sẵn sàng buông tay, rồi hỏi ý con gái xem có hứng thú chút nào không. “Mẹ ơi, đồ của con đã chất đầy nhà rồi,” nó bảo. Và dù tôi biết con vẫn quý một vài thứ lặt vặt từ bà ngoại (như đôi ghế sofa phong cách giữa thế kỷ chẳng hạn), thật lòng mà nói, chẳng có món nào của tôi mà nó muốn giữ. Thế hệ trẻ ngày nay thích lối sống tối giản. Phòng ăn cầu kỳ không phải là thứ bắt buộc. Và họ vui vẻ bày tiệc cho bạn bè bằng chính bộ đĩa ăn hằng ngày của mình.
Denise Crosby của tờ Chicago Tribune, khi viết về các thế hệ sau, có nói rằng: “Những nhà đấu giá, người định giá, dịch vụ dọn dẹp và các công ty chuyển nhà đều đồng thanh nhận xét rằng: Thị trường ngập tràn đồ bỏ đi của thế hệ bùng nổ dân số. Có rất nhiều lý do khiến con cái chúng ta từ chối nhận những món đồ mà ta hào phóng trao tặng. Chúng thuê nhà thay vì mua, sống trong không gian nhỏ hơn, sưu tầm những thứ kỹ thuật số thay vì đồ vật hữu hình, và thường dành tiền cho trải nghiệm hơn là vật chất.”
Vậy nên, tôi quyết định bán một số thứ và dùng tiền đó cho chuyến du lịch lớn tiếp theo, khi thế giới mở cửa trở lại. Có những trang như eBay, Craigslist, Facebook Marketplace, và hàng loạt nơi chuyên mua bán đồ bạc, đồ sứ sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận.
Ngày trước, tôi từng nghĩ sẽ truyền lại cho con gái mình những món đồ quý giá. Nhưng giờ đây tôi nhận ra rằng làm thế chỉ là tạo gánh nặng cho con — con sẽ phải loay hoay tìm chỗ cất, hoặc phải đưa mớ đồ ấy vào tiệm đồ cũ. Và tôi hoàn toàn không cảm thấy buồn phiền vì điều đó, vì thứ con trân trọng không phải là những món đồ tôi sở hữu. Con quý trọng con người tôi, và một ngày nào đó, sẽ là những ký ức về tôi.
Vì thế, tôi thường xuyên viết từng chương hồi ký cuộc đời mình (những gì tôi còn nhớ được) để con, và cả những thế hệ sau này, có thể hiểu hơn về tôi — về những điều mà có lẽ nếu không viết ra, con sẽ chẳng bao giờ biết. Đó là món quà tôi muốn dành cho con. Và tôi tin rằng nó có giá trị hơn hẳn bất kỳ chiếc ly pha lê nào.
Nguồn: