Sáu cách luyện trí óc minh mẫn
Giống như bất cứ cỗ máy nào, bộ não của chúng ta cần được quan tâm chăm sóc để đảm bảo hoạt động tốt.
Giống như bất cứ cỗ máy nào, bộ não của chúng ta cần được quan tâm chăm sóc để đảm bảo hoạt động tốt.
Điều này có lẽ sẽ dễ thực hiện hơn rất nhiều nếu như có một bộ cẩm nang hướng dẫn bảo trì giúp chúng ta điều chỉnh các mạch điện tử của bộ máy này. Đáng tiếc rằng những lời khuyên được đưa ra về chủ đề này thường trái ngược nhau và khó hiểu.
Tuy nhiên, BBC Future đã nghiên cứu các bằng chứng thực tế và đưa ra sáu cách tốt nhất để giữ cho đầu óc luôn minh mẫn.
1. KHÔNG NÊN: MẤT NIỀM TIN VÀO KHẢ NĂNG CỦA BẢN THÂN
Bạn đã từng khi nào bước vào một căn phòng nhưng chợt nhận ra rằng bạn không nhớ vì sao mình lại ở đó?
Càng lớn tuổi, người ta càng dễ nghĩ rằng trí nhớ kém là chuyện bình thường.
Thế nhưng, thực tế là điều này xảy ra với người già lẫn trẻ, và chúng ta cũng không nên vội vã đưa ra kết luận xấu nhất, vì sự nghi ngờ đôi lúc có thể biến một điều tưởng tượng thành sự thật.
Trong 10 năm qua, Dayna Touron từ Đại học Bắc Carolina nhận ra rằng càng già, chúng ta càng mất tự tin về trí óc của mình, dù mọi thứ vẫn vận hành bình thường.
Hậu quả là chúng ta phụ thuộc vào những thiết bị trợ giúp như máy chỉ đường trên xe hơi, hoặc sổ tay điện tử trên điện thoại.
Nghịch lý ở đây là trí nhớ của chúng ta sẽ chỉ tồi đi nếu ta không thường xuyên rèn luyện bản thân.
Vì vậy, nếu một lúc nào đó bạn đứng trước lối ra vào và không nhớ mình phải đi đâu tiếp theo thì hãy xem đó là tín hiệu cảnh báo bạn cần rèn luyện trí nhớ thường xuyên hơn.
2. NÊN: BẢO VỆ TAI
Trí óc của chúng ta sẽ không thể hoạt động tốt nếu bị tách biệt khỏi các giác quan.
Bệnh khiếm thính cũng làm giảm chất xám trong não, có lẽ vì nó ngăn không cho não bộ được kích thích.
Một nghiên cứu cho thấy bệnh khiến thính làm tăng nguy cơ mất khả năng nhận biết lên 24% trong vòng 6 năm.
Dù bạn bao nhiêu tuổi đi nữa thì cũng nên lưu ý đến những tình huống có thể làm ảnh hưởng đến tai.
Nghe nhạc rock với âm lượng lớn chỉ 15 giây một ngày cũng đủ làm tổn thương tai. Sử dụng máy sấy tóc 15 phút một ngày cũng đủ làm tổn hại đến các tế bào tí hon đảm trách việc tiếp nhận âm thanh.
Nếu bạn cho rằng thính giác của mình có vấn đề thì hãy đi khám ngay, bởi tình trạng này có thể trở nên xấu đi nếu để lâu ngày.
3. NÊN: HỌC MỘT NGOẠI NGỮ HOẶC MỘT LOẠI NHẠC CỤ NÀO ĐÓ
Thay vì loay hoay với các ứng dụng rèn luyện não bộ hoặc trò chơi đố ô chữ (vốn thường không thực sự hiệu quả), bạn nên nghĩ đến các bài luyện trí óc phức tạp hơn, như học dương cầm hoặc ngoại ngữ.
Cả hai kỹ năng này đều đòi hỏi rèn luyện trí nhớ, độ tập trung, sự cảm nhận, khi bạn luyện một gam nhạc mới hoặc học các từ vựng mới.
Việc rèn luyện này sẽ để lại những lợi ích về lâu dài, ngay cả về già. Một nghiên cứu gần đây cho thấy các nhạc công thường ít có nguy cơ mắc chứng mất trí hơn 60% so với những người không chơi nhạc cụ gì.
Một nghiên cứu khác cho thấy việc học ngoại ngữ có thể giúp hoãn thời điểm bộc phát bệnh lãng trí thêm 5 năm.
Chưa kể rèn luyện bản thân theo hướng này sẽ giúp bạn trân trọng khả năng đang có của bản thân hơn.
Nếu bạn nghĩ rằng mình quá bận rộn với công việc đến nỗi không thể học các kỹ năng mới, thì bạn là người may mắn; Các nghề nghiệp năng động thường giúp củng cố thần kinh, dù lợi ích từ điều này có thể không kéo dài sau khi nghỉ hưu.
4. KHÔNG NÊN: CHÉN ĐỒ ĂN VẶT
Bệnh béo phì có thể gây tổn hại cho não của bạn theo nhiều cách.
Lượng cholesterol trong huyết mạch có thể hạn chế lượng máu chảy lên não, khiến não không đủ thức ăn và oxy cần thiết để hoạt động.
Bên cạnh đó, các tế bào thần kinh cũng rất nhạy cảm trước lượng insulin tiết ra từ ruột.
Nếu bạn thường xuyên ăn đồ ngọt chứa nhiều calories, điều này có thể làm tác động tới insulin, gây nên một phản ứng dây chuyền dẫn đến các căn bệnh chết người trong não.
Tin tốt lành ở đây là một số chất dinh dưỡng, như acid béo omega 3, và vitamin D và B12, dường như giúp giảm thiểu các tổn thương liên quan đến tuổi tác đối với não.
Điều này có thể giải thích vì sao những người có tuổi theo chế độ ăn kiêng vùng Địa Trung Hải thường có kỹ năng nhận biết ngang với những người trẻ hơn 7,5 năm.
5. NÊN: RÈN LUYỆN THỂ LỰC
Chúng ta thường phân biệt giữa não và cơ bắp. Trên thực tế, việc giữ cho cơ thể khoẻ mạnh là một trong những cách tốt nhất để có một trí óc khoẻ mạnh.
Hoạt động thể lực không chỉ giúp đưa máu lên não tốt hơn mà còn tạo ra hàng loạt các protein có chức năng như ‘yếu tố phát triển thần kinh’, vốn giúp kích thích tăng trưởng và bảo trì các mối kết nối tế bào thần kinh trong não.
Việc tập luyện thể thao hữu ích cho cả người già và trẻ em.
Trẻ em đi bộ tới trường thường có điểm cao hơn, trong khi thường xuyên đi tản bộ giúp tăng sự tập trung và trí nhớ ở người già.
Có nhiều bài tập luyện mà bạn có thể áp dụng, từ thể dục nhịp điệu cho đến cử tạ, hãy chọn một chế độ tập luyện phù hợp nhất cho cơ thể mình.
6. NÊN: VUI CHƠI NHƯ TUỔI 21
Một trong những cách tốt nhất để bảo vệ não bạn là duy trì giao tiếp xã hội.
Nói một cách đơn giản thì con người là một sinh vật trong xã hội, những người bạn và người thân xung quanh kích thích chúng ta, thách thức chúng ta có những trải nghiệm mới, giúp làm dịu những nỗi buồn và sự căng thẳng.
Một nghiên cứu đối với những người độ tuổi 70 cho thấy ở những người thường xuyên giao tiếp, nguy cơ suy giảm khả năng nhận biết thấp hơn 70% trong 12 năm so với những người ít giao tiếp.
Tất cả mọi thứ từ trí nhớ, sự tập trung và tốc độ xử lý các vấn đề của não bộ dường như đều hưởng lợi từ việc giao tiếp với người khác.
Các nhà khoa học cho rằng không có một phép nhiệm màu nào có thể giúp huấn luyện não của bạn.
Về già, tốt hơn hết là ta nên có lối sống kết hợp mỗi thứ một chút: chế độ ăn đa dạng, thường xuyên vận động và được bao quanh bởi nhiều bạn bè đáng mến.
Đó có vẻ nhưng không chỉ là công thức cho một bộ não khoẻ mạnh, mà còn cho một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc.
Tác giả: David Robson