Sau khi họ rời đi

Suốt bao năm, chúng ta chẳng mấy bận tâm đến chuyện sở hữu.
Suốt bao năm, chúng ta chẳng mấy bận tâm đến chuyện sở hữu. Chẳng ai nghĩ đến việc hỏi xem chiếc bình nhỏ xinh từ Kos thuộc về ai, hay cây dù gấp, hay quyển sách hướng dẫn du lịch Indonesia – nơi ta thường đặt chân đến trong tưởng tượng nhưng chưa bao giờ trong đời thực. Cuộc sống khi ấy như một điều vĩnh cửu đánh lừa ta, sự ổn định của nó phụ thuộc vào những khoảnh khắc cảm xúc liền mạch: những cuộc trò chuyện mà cả hai đều thấy mình được lắng nghe, những cái nhìn thấu hiểu nhau không cần lời, những cái ôm dịu dàng.
Giờ đây, chính những khoảng trống mới thu hút ánh mắt ta. Ngôi nhà chẳng khác nào một viện bảo tàng của những điều đã mất: chiếc ghế mà họ từng ngồi trong buổi tối đầu tiên (cả hai chúng ta đều rụt rè biết bao), góc vườn nơi ta tận hưởng chút nắng yếu ớt cuối hè, nơi họ đội chiếc mũ ta đã mua từ Bồ Đào Nha, những chiếc đinh trơ trọi trên tường, nơi bức tranh Agnes Martin của họ từng treo. Mỗi lần tưởng chừng mình đã qua khỏi nỗi đau lớn nhất, ta lại bị đánh gục bởi một thứ tưởng chừng vô tri bỗng hét lên trong hoảng loạn – ai mà ngờ một chiếc gối cũng có thể tuyệt vọng đến vậy: "Nhưng họ đi rồi! Và mọi thứ sẽ không bao giờ, không bao giờ ổn nữa..."
Jacques-Émile Blanche, Still Life with Knife, 1889
Có những ngày, ta chỉ muốn chạy trốn khỏi nấm mồ cảm xúc này. Ở chỗ làm, ta gần như cảm thấy mình đã sống sót, ít nhất trong vài tiếng đồng hồ. Nhưng khi về nhà – nơi đáng ra phải là chốn bình yên – thì ký ức đau đớn lại bám chặt lấy từng ngóc ngách. Lối thoát duy nhất là một ngày nào đó, ta sẽ phủ lên nơi này những kỷ niệm mới, để chiếc ghế sofa thôi gợi nhớ về sự ấm áp của họ, để phòng tắm không còn vang vọng những cuộc đối thoại cũ kỹ. Sẽ có ngày, một người khác tựa đầu lên gối, một chiếc điện thoại khác nằm trên bàn cạnh giường. Nhưng lúc này, ý nghĩ đó chỉ khiến ta thấy buồn nôn và tội lỗi đến mức không chịu nổi.
Hạnh phúc tính lãi suất thật quá đắt. Giá như những ngày êm đềm kia có kèm theo lời cảnh báo. Ta đã thừa biết những cuộc tranh cãi cuối cùng thật khủng khiếp. Nhưng điều ta chưa kịp nhận ra, là chúng hóa ra lại dễ chịu hơn rất nhiều so với nỗi đau khi họ đã rời đi. Chính những ngày tươi đẹp mới thực sự giày vò ta. Dù là kỷ niệm vui hay buồn, giờ đây, mọi thứ đều khiến ta nhói lòng.
Không có lối thoát nào cả. Ta chỉ có thể chờ đợi. Có lẽ ta còn năm trăm giờ tang thương phía trước, cho đến khi những tấm thảm, những ngăn tủ, những hộc đựng dao nĩa, những kệ sách và từng món đồ trong nhà bắt đầu thương xót ta. Và có lẽ, một ngày nào đó, chúng sẽ để ta yên.
Nguồn: AFTER THEY LEFT | The School Of Life