Sinh nhầm thành phố?
Một thành phố vĩ đại sẽ thu hút những con người tham vọng. Bạn có thể cảm nhận được điều đó khi bước đi trong bất cứ thành phố nào. Theo hàng trăm cách vô cùng tinh tế, mỗi đô thị gửi cho bạn một thông điệp.
“Ở những thành phố hẻo lánh và tầm thường nhất, ta lại hay bắt gặp những con người tài năng nhưng cô đơn. Qua sách vở họ biết rằng có những thành phố sẽ hiểu và công nhận tài năng của mình, những thành phố giúp họ không còn lạc lõng bơ vơ; nhưng họ không có cơ hội sống ở một nơi như vậy, và có người bất hạnh đến mức cả đời không gặp được một tâm hồn đồng điệu để chuyện trò.”
Bertrand Russell – The Conquest of Happiness
Một thành phố vĩ đại sẽ thu hút những con người tham vọng. Bạn có thể cảm nhận được điều đó khi bước đi trong bất cứ thành phố nào. Theo hàng trăm cách vô cùng tinh tế, mỗi đô thị gửi cho bạn một thông điệp. Điều đáng ngạc nhiên là những thông điệp này có thể rất khác nhau. New York giục bạn phải kiếm nhiều tiền hơn. Ngoài ra bạn còn phải sành điệu hơn và xinh đẹp hơn. Nhưng thông điệp rõ ràng nhất là bạn phải giàu hơn.
Điều tôi thích ở Boston (cụ thể là Cambridge) là thông điệp ở đó: “Bạn cần thông minh hơn. Bạn thật sự nên đọc tất cả những cuốn sách bạn luôn muốn đọc.”
Thông điệp của một thành phố ảnh hưởng lên bạn tới mức nào?Theo kinh nghiệm của tôi, nó có tác động rất mạnh mẽ.
Bạn có thể nghĩ rằng nếu bạn đủ sức mạnh tinh thần để làm những việc vĩ đại, bạn sẽ vượt qua giới hạn của môi trường và bạn sống nơi nào không quan trọng. Nhưng nếu nhìn vào lịch sử, bạn sẽ thấy nơi ở có ảnh hưởng khá mạnh tới con người.
Phần lớn các vĩ nhân, tại một thời điểm vĩ đại nào đó, đều sống cùng một thành phố, nơi một loại công việc vĩ đại nào đó đang được thực hiện (Ví dụ như Sillicon Valley ngày nay).
Bạn sẽ thấy các đô thị có tầm ảnh hưởng thế nào nếu bạn đọc bài viết của tôi về trường hợp gọi là Milanese Leonardo (bài viết nói về giả định như sau: một người có tài năng thiên phú như Leonardo da Vinci nhưng lại sinh ra ở Milan chứ không phải Florence – trung tâm nghệ thuật thời ấy). Tất cả các họa sĩ Ý thế kỷ 15 bạn từng nghe tên đều sinh ra ở Florence chứ không phải Milan, mặc dù Milan cũng là một thành phố lớn.
Cư dân ở Florence không có khác biệt gì về gene, vậy ta phải giả định rằng ở Milan cũng sinh ra một người có tài năng tự nhiên như Leonardo. Điều gì đã xảy ra với người đó?
Nếu như ngay cả một người có tài năng ngang ngửa với Leonardo cũng không thể chống lại sức ảnh hưởng của môi trường, bạn nghĩ rằng bạn có thể?
Tôi cho là không. Tôi khá cứng đầu, nhưng tôi sẽ không chống lại sức ảnh hưởng ấy. Tôi sẽ lợi dụng nó. Vì vậy tôi đã nghĩ rất nhiều về việc mình sẽ sống ở đâu.
Tại thời điểm tôi viết bài này, Cambridge có vẻ là kinh đô trí tuệ của toàn thế giới. Trước hết, dựa vào số lượng sinh viên ưu tú ở Mỹ, đại học Mỹ có vẻ đứng đầu thế giới. Và ở Mỹ thành phố nào có thể cạnh tranh với Cambridge? New York ư? Khá nhiều người thông minh, nhưng họ bị áp đảo bởi những con khỉ mặc suit. Bay Area cũng có nhiều người thông minh, nhưng cũng bị hòa loãng. Ở đó có hai trường đại học lớn, nhưng chúng ở xa nhau. Tại Cambridge, Harvard và MIT nằm gần như sát vách; và quanh đó là khoảng 20 trường đại học khác.
Cambridge cho ta cảm giác rằng ngành công nghiệp chính của thành phố này là ý tưởng, trong khi ở New York là tài chính và Sillicon Valley là startup.
Một trong những điều tuyệt vời mỗi khi trở lại Cambridge vào mùa xuân là việc đi bộ qua những con phố vào buổi chiều tà, khi bạn có thể nhìn vào bên trong mỗi căn hộ. Đi bộ qua Palo Alto (một khu giàu có ở Sillicon Valley) bạn không thấy gì ngoài màn hình TV rực sáng. Ở Cambridge bạn nhìn thấy những giá chứa đầy sách đang mời gọi.
Mỗi thành phố trò chuyện với bạn một cách tình cờ, thông qua những thứ bạn nhìn thấy qua khung cửa sổ hay trong những cuộc trò chuyện bạn vô tình nghe được. Bạn không cần đi tìm thông điệp của một đô thị: nó sẽ gào vào tai bạn và bạn không thể bảo nó im đi.
Một người bạn của tôi chuyển đến sống ở Sillicon Valley vào cuối thập niên 90 nói rằng điều tệ nhất trong việc sống ở đó là chất lượng của việc nghe lén: những câu chuyện bạn tình cờ nghe thấy chỉ toàn thứ dở hơi. Lúc ấy tôi nghĩ cô bạn mình cố tỏ ra lập dị. Nghe lỏm người khác có thể rất thú vị, nhưng liệu chất lượng của những câu chuyện nghe lỏm được có quan trọng tới mức nó ảnh hưởng đến việc bạn chọn nơi nào để sống? Giờ thì tôi biết bạn tôi rất có lý.
Những cuộc trò chuyện bạn tình cờ nghe thấy sẽ cho biết bạn đang sống cùng loại người nào.
Dù quyết tâm đến đâu bạn cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Không đến mức bạn sẽ làm bất cứ thứ gì đô thị ấy muốn, nhưng bạn sẽ nhụt chí khi xung quanh không có ai quan tâm đến cùng một thứ bạn đang làm.
Mặc dù có nhiều người đủ mạnh mẽ để từ chối hùa theo xã hội, nhưng rất ít người đủ mạnh để tiếp tục làm một việc mà quanh họ chẳng ai thèm quan tâm.
Paris từng là trung tâm trí thức lớn. Nếu bạn tới đó vào năm 1300, nó hẳn đã gửi một thông điệp như Cambridge bây giờ. Nhưng tôi đã thử sống ở đó vào năm ngoái, và người dân không có ai mang tham vọng về những công việc trí thức. Thông điệp của Paris ngày nay là: hãy sống có phong cách. Tôi thích điều đó. Paris là thành phố duy nhất tôi từng ở mà mọi người thực sự quan tâm đến hội họa. Ở Mỹ chỉ có một vài người giàu mua tranh, và ngay cả những tay sành sỏi cũng chỉ đánh giá tranh dựa vào tên họa sĩ. Nhưng nhìn qua những khung cửa sổ vào lúc chiều tà ở Paris, bạn sẽ thấy người Paris thật sự quan tâm đến nghệ thuật.
Về mặt thị giác, chất lượng nhìn trộm ở Paris rất cao.
Phải chăng nếu bạn muốn làm một việc vĩ đại thì bạn phải sống ở một thành phố vĩ đại? Không. Tất cả những thành phố vĩ đại đều truyền cảm hững cho một loại tham vọng nhất định, nhưng đó không phải nơi duy nhất gợi những cảm hứng ấy. Trong nhiều nghề, bạn chỉ cần vài đồng nghiệp tài năng là đủ.
Điều các đô thị cung cấp là khán giả và những người cùng chí hướng. Hai điều này không quá quan trọng với những nghề như toán học hay vật lý: bạn không cần khán giả nào khác trừ những người cùng nghề, và việc đánh giá năng lực của một nhà toán học thì khá đơn giản nên việc tuyển nhân viên trong nghề đó rất dễ dàng. Trong toán học hay vật lý, tất cả những gì bạn cần là một văn phòng với những đồng nghiệp tốt, còn văn phòng ấy có thể ở bất cứ đâu: Los Alamos hay New Mexico, chỗ nào cũng được.
Trong những ngành như nghệ thuật, viết lách hoặc công nghệ, môi trường xung quanh ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Các họa sĩ hoặc nhà văn giỏi nhất không tụ tập ở chỉ một vài trường Đại học hay phòng nghiên cứu xịn. Một phần vì sản phẩm của họ có thể đem bán ngay lập tức, vì vậy họa sĩ không cần phụ thuộc nhiều vào tiền dạy học hoặc tiền xin quỹ nghiên cứu.
Chính trong những ngành nghề đầy hỗn loạn này mà việc sống ở một thành phố vĩ đại mới trở nên cực kỳ quan trọng: bạn cần sự động viên, cần cảm thấy rằng mọi người xung quanh quan tâm đến nghề của bạn, và vì bạn phải tự tìm những người cùng chí hướng, một thành phố vĩ đại sẽ giúp điều ấy trở nên dễ dàng hơn.
Bạn không cần phải sống ở một thành phố vĩ đại cả đời để có thể hưởng lợi từ nó. Những năm quan trọng nhất là những năm ở đầu và giữa sự nghiệp của bạn. Tất nhiên bạn không cần đi học hoặc lớn lên ở một thành phố vĩ đại. Với phần lớn sinh viên, một thế giới vài ngàn người là đủ lớn. Thêm nữa, ở đại học bạn chưa phải đối diện với công việc khó khăn nhất: phát hiện ra những vấn đề mới cần giải quyết.
Chỉ khi tiến lên những nấc thang khó khăn hơn trong nghề bạn mới thấy một nơi cung cấp những người cùng chí hướng và sự khích lệ quan trọng tới dường nào. Khi bạn tìm ra một thành phố cung cấp cho bạn cả hai thứ ấy, hãy chuyển tới đó ngay. Một ví dụ điển hình là các họa sĩ trường phái Ấn tượng: họ sinh ra ở những nơi khác nhau trên khắp nước Pháp (trừ Pissarro đẻ ở Carribe) và qua đời ở những thành phố Pháp cách xa nhau, nhưng chính những năm tháng họ sống cùng nhau ở Paris đã rèn luyện tay nghề và biến các chàng thanh niên ấy trở thành huyền thoại. (Trong cuốn Lust for life tác giả có tả cảnh Van Gogh và những họa sĩ lớn – khi ấy vẫn còn là thanh niên – như Toulouse-Lautrec, Gauguin, Seurat, Pissarro, Monet thường tụ tập uống rượu buổi chiều và…cãi nhau ở quán Tambourin.)
Trừ khi bạn biết chắc chắn mình muốn làm gì và nơi nào đang là trung tâm hàng đầu trong nghề ấy, còn lại thì cách tốt nhất là thử sống ở nhiều nơi khi bạn vẫn còn trẻ. Cho đến khi bạn sống ở đó, bạn không thể biết thông điệp một thành phố gửi cho bạn là gì, hoặc liệu thông điệp ấy đã thay đổi chưa. Tôi thử sống ở Florence hồi 25 tuổi, nghĩ rằng đó là trung tâm hội họa, nhưng hóa ra tôi đã đến muộn 450 năm.
Từ năm 16 tuổi một vài người đã biết rất rõ mình muốn làm gì. Nhưng với phần lớn những đứa trẻ tham vọng, tham vọng thường xuất hiện trước cả khi đứa trẻ ấy biết phải tham vọng về cái gì. Chúng biết chúng muốn làm một điều vĩ đại. Chỉ là chúng chưa quyết định được nên trở thành ngôi sao nhạc rock hay bác sĩ phẫu thuật não. Không sao cả. Nhưng nếu bạn có kiểu tham vọng rất phổ biến này, bạn sẽ phải tìm nơi nào đáng sống bằng phép thử sai. Trước hết bạn phải tìm một thành phố làm cho bạn cảm thấy dễ chịu, sau đó bạn sẽ biết mình phải dành cuộc đời theo đuổi hoài bão nào.
Bài viết trên được lược dịch từ một tiểu luận của Paul Graham,
một nhà đầu tư nổi tiếng ở Sillicon Valley. Xem thêm tại:
http://www.paulgraham.com/cities.html
Nguồn: https://chiep.co/sinh-nham-thanh-pho-ban-co-nen-bo-ha-noi-ngay-hom-nay/