Sợ hãi bản thân không có năng lực gánh vác tương lai của chính mình? Làm thế nào để sống hết tiềm năng của bạn?
Kiểu mẫu phụ nữ truyền thống đã khiến một số phụ nữ chìm trong quan niệm "tự mình hạn chế chính mình".
Dịch bởi: Trang Thu Trang
Mới hôm qua, chúng tôi nhận được một tin nhắn như vậy:
"Know Yourself thân mến, tôi là một sinh viên sắp tốt nghiệp Thạc sĩ, là một cô gái có thành tích học tập tốt, nghiên cứu sinh Thạc sĩ tại trường đại học top 2 ở Trung Quốc. Nhưng khi sắp phải bước chân vào xã hội, tôi lại lần nữa đối mặt với nỗi sợ hãi lúc tôi tốt nghiệp đại học, đó là nỗi sợ hãi muốn trốn tránh hiện thực ẩn sâu bên trong nội tâm tôi.
Tôi đặc biệt sợ phải bước vào xã hội vì cảm thấy bản thân bất lực. Tôi sợ rằng tôi không thể gánh vác được tương lai của mình. Sau khi rời trường, tôi sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mà tôi không quen thuộc. Mẹ tôi nói với tôi rằng những cô gái hướng nội như tôi không phù hợp với việc phấn đấu vì sự nghiệp. Học hành rồi sau đó kết hôn với một người vẫn là tốt nhất, nhưng tôi lại sợ sẽ không tìm được một chàng trai tốt để có thể giao phó cuộc đời mình.
Tôi đã lo lắng đến mất ngủ và rụng tóc. Ngay cả việc học cũng bị ảnh hưởng. Vì nỗi sợ này, tôi đã nghĩ đến việc tiếp tục học lên Tiến sĩ, nhưng tôi biết rằng đó chỉ là sự trì hoãn đối mặt với nỗi sợ này một lần nữa. Bạn có thể giúp tôi không KY? "
Từ tin nhắn này, chúng ta có thể nhận thấy rõ tác động của "nhận thức" đối với sự phát triển của một người. Sự không tin tưởng vào khả năng của cô ấy và sự thiếu hiểu biết về các giá trị mà cô ấy đã theo đuổi đã khiến cô ấy hoảng sợ, và sự hoảng sự này ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực của cô ấy.
Vì vậy, làm thế nào phụ nữ có thể phá vỡ hạn chế của những nhận thức cố hữu này về bản thân, tìm ra giá trị của chính họ và truyền cảm hứng cho tiềm năng thực sự của họ?
1. Kiểu mẫu phụ nữ truyền thống đã khiến một số phụ nữ chìm trong quan niệm "tự mình hạn chế chính mình".
Một người sống trên đời này, sẽ rất đáng tiếc nếu anh ta không sống đúng với tiềm lực của bản thân, hiểu được bản thân rốt cuộc có thể làm nên chuyện gì. Tuy nhiên, rất ít cô gái được khuyến khích làm như vậy.
Mặc dù ngày càng có nhiều phụ nữ độc lập và có năng lực trong xã hội ngày này, chúng ta vẫn cứ nghe thấy nhiều tiếng nói ràng buộc phụ nữ rằng: con gái thì không cần học cao quá làm gì. Phụ nữ không nên quá tham vọng. Thế giới kinh doanh là thế giới của đàn ông. Phụ nữ trong thế giới kinh doanh là chỉ là đồ chơi của đàn ông hoặc là kẻ bắt chước đàn ông mà thôi. Điều quan trọng nhất đối với các cô gái là kết hôn với một người đan ông tốt. Chăm sóc gia đình chu đáo là điều đầu tiên con gái cần làm. Con gái nên an phận, không nên quăng lăn lộn ngoài xã hội làm gì. Phụ nữ là phái yếu, cần được bảo vệ. Họ không thể tự mình đi mạo hiểm....
Nếu chúng ta chỉ coi chúng là những tiếng nói ngoài tai, chúng ta sẽ có thể chọn cách những tiếng nói này ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng nếu một người phụ nữ coi những tiếng nói này là sự thật tuyệt đối và "hợp nhất nhận thức" (cognitive fusion) của bản thân với những lời nói này, thì vấn đề sẽ nảy sinh.
Trong cuốn sách giới thiệu ACT (Acceptance and Commitment Therapy) (Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết), các nhà nghiên cứu nhận định: "Hợp nhất nhận thức có nghĩa là chúng ta đứng yên trong thế giới ngôn ngữ: chúng ta bị vây chặt bởi những từ ngữ và hình ảnh đang lấp đầy tâm trí chúng ta. Kết quả là, chúng ta đã mất trải nghiệm trực tiếp với thế giới. "(Harris, 2019). Sau đó, chúng ta bắt đầu trốn tránh. Trốn tránh phải đối mặt với lo âu, nhưng chúng ta càng cố gắng tránh nó, chúng ta càng lo âu về bản thân. Đây là một vòng luẩn quẩn.
Cô gái để lại tin nhắn này là một ví dụ điển hình. Cô ấy tin rằng mình không có năng lực và sau đó trốn tránh việc đi làm.
Sự hợp nhất và tránh né có thể dễ dàng khiến chúng ta không thể tiếp cận được với hiện tại, rơi vào quá khứ và tương lai được khái niệm hóa: chúng ta thất vọng vì sự không hoàn hảo của quá khứ, lo lắng về tương lai chưa xảy ra. Đi cùng với quá trình này, chúng ta đã bỏ lỡ cuộc sống của chúng ta ở ngay tại đây và ngay bây giờ. Điều tiếp theo là chúng ta không thể có được sự tự nhận thức chính xác từ cuộc sống thực. Từ đó khó điều chỉnh hành động của bạn một cách phù hợp, bám sát mục tiêu của bạn.
Bởi vì tin vào những tiếng nói khiến chúng ta mất sức mạnh, còn hợp nhất với chúng, chúng ta sẽ mất đi, bỏ qua hoặc quên đi giá trị chúng ta thực sự có. Do đó, để phát huy tiềm năng lớn hơn của chúng ta, điều đầu tiên chúng ta cần làm là điều chỉnh thái độ của chính mình - đúng theo sự thật, để có được sự tự nhận thức đúng đắn, sau đó hướng dẫn cho hành vi của mình.
2. Luôn kết nối với "sức sống" của bạn và sống trong hiện tại với một thái độ cởi mở.
Cô gái đã gửi cho chúng tôi tin nhắn trong đoạn văn trước dường như đã rơi vào tình huống khó xử trong nhiều năm, nhưng cách để giải quyết vấn đề nan giải này thực sự rất đơn giản: cô ấy chỉ cần thoát khỏi sự hiểu biết của mình rằng cô ấy "không có khả năng", và quyết định nhìn lại bản thân từ góc độ một người hoàn toàn xa lạ. Miễn là cô ấy chấp nhận mọi nhiệm vụ của hiện tại, bắt đầu thực hiện một cuộc thám hiểm thực sự về nghề nghiệp của mình trong thế giới thực. Sau đó, cô ấy sẽ có được kiến thức đúng đắn về bản thân từ sự khám phá thực tế như vậy, đồng thời hiểu được những gì cô ấy thực sự muốn từ cuộc sống, để cô ấy có thể chọn một mục tiêu phù hợp với mình và thúc đẩy cuộc sống của cô ấy.
Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng việc từ bỏ nhận thức vốn có và đầu tư vào trải nghiệm hiện tại là điểm khởi đầu để chúng ta thực sự bắt đầu phát triển. Lúc này chúng ta cần mượn kỹ thuật chánh niệm.
Chánh niệm có nghĩa là: tập trung vào trải nghiệm hiện tại với sự linh hoạt, cởi mở và tò mò.
“Định nghĩa đơn giản này chứa ba khía cạnh quan trọng: Thứ nhất, chánh niệm là một quá trình nhận thức (awareness) chứ không phải là một quá trình suy nghĩ (thinking). Nó bao gồm việc giữ ý thức hoặc sự chú ý trong trải nghiệm hiện tại của bạn, chứ không phải ngủ gật trong tâm trí bạn.”
“Thứ hai, chánh niệm liên quan đến một thái độ đặc biệt: cởi mở và tò mò. Ngay cả khi hiện tại bạn gặp đủ loại khó khăn, đau khổ hoặc không vui vẻ, bạn có thể chấp nhận nó với một thái độ cởi mở và thấu hiểu nó với một thái độ tò mò, thay vì trốn tránh hoặc cố chiến đấu với nó.”
“Cuối cùng, chánh niệm liên quan đến khả năng chý ý một cách linh hoạt. Nó dạy bạn thao túng sự chú ý của bạn, để sự chú ý của bạn được đặt một cách ngoan ngoãn ở nơi bạn cần.”
Nếu chúng ta nói rằng sự hợp nhất nhận thức với một số tiếng nói ràng buộc chúng ta là một cơ chế tự kiềm chế. Vậy thì chánh niệm là kỹ thuật có thể giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc này. Ở đây chúng tôi giới thiệu hai loại tư duy chánh niệm quan trọng:
- Tư duy của người mới bắt đầu (beginner’s mind)
Điều này có nghĩa là, hãy quên hết mọi thứ bạn biết về đối tượng mục tiêu trong quá khứ. Ví dụ, nếu bạn đang ăn cam, bạn phải quên mọi thứ bạn biết về "mặt hàng" này trong quá khứ. Như thể bạn nhìn thấy nó lần đầu tiên, hãy nhận thức mặt hàng này một lần nữa. Về hình dạng, màu sắc, mùi vị, v.v. Tư duy của người mới bắt đầu là một vũ khí quan trọng giúp chúng ta thoát khỏi định kiến. Giống như với quả cam, dưới tư duy của người mới bắt đầu, bạn cũng nên quên đi tất cả những nhận thức trong quá khứ về bản thân. Khi bạn đang làm một việc gì đó, bạn cũng có thể sử dụng loại suy nghĩ này, giống như lần đầu tiên hiểu về việc đó.
Ưu điểm của việc này là chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi những định kiến và sai lầm trong quá khứ, ví dụ như, tưởng tượng nhiệm vụ quá khó khăn và sau đó là quá lo lắng (chẳng hạn như cô gái trong trường hợp trên), hoặc tự dán cho mình rất nhiều nhãn dán giới hạn bản thân.
- Không phán xét, chỉ quan sát
Điều này có nghĩa là, hãy buông bỏ suy nghĩ và ám ảnh với những gì là tốt và những gì là xấu. Chỉ cần quan sát những gì đang xảy ra. Các bài tập chánh niệm bắt đầu bằng cách hướng dẫn mọi người quan sát cảm giác cơ thể của chính họ mà không phán xét, từ đó luyện tập được khả năng tư duy theo kiểu này. Lợi ích của việc này rất rõ ràng: có nhiều lúc, chúng ta vì một số đánh giá của mình mà không thể nhìn nhận bản thân và những người khác theo cách chân thực nhất. Ví dụ như bạn nhận định rằng "yếu đuối là không tốt" rồi phủ nhận cảm xúc thật của bản thân. Vì chúng ta sống trong một xã hội đầy sự đánh giá, hầu hết mọi người sẽ trốn tránh một số cảm xúc và suy nghĩ của họ - hoặc kiềm nén, hoặc phủ nhận, hoặc giả vờ rằng chúng không tồn tại.
Nhưng chỉ khi chúng ta có thể nhận thức được tất cả những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân một cách không sai lệch, chỉ khi chúng ta có được năng lực làm cho thế giới nội tâm của chúng ta trở nên rõ ràng nhất có thể với chính mình, chúng ta mới có thể hiểu được chính mình một cách chân thực và sâu sắc nhất. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể hiểu được những nhu cầu, mong muốn và giá trị thực tế nhất và sâu sắc nhất của chúng ta - và chỉ khi đó chúng ta mới có cơ hội chiến đấu và thăng tiến cuộc sống theo hướng đó. Sống cuộc sống mà bạn muốn sống nhất.
Harris (2019) nói rằng chánh niệm có thể kết nối chúng ta với sức sống của mình. “Sức sống (vitality) không phải là một cảm giác, nhưng cho dù lúc này chúng ta cảm thấy thế nào, chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta đang sống nhiều nhất có thể và chúng ta đang ở trong từng khoảnh khắc. Chúng ta thậm chí có thể nhận thức được cuộc sống ngay cả lúc lâm chung hoặc trong những lúc thống khổ nhất, bởi vì, cuộc sống là những niềm vui và nỗi đau cùng tồn tại’.”
Khi chúng ta thoát khỏi sự tự kiềm chế và bắt đầu sống với một thái độ đối mặt với thực tế và sống trong hiện tại, chúng ta mới sẵn sàng giải phóng tiềm năng của cuộc sống.
3. Tìm thấy giá trị bạn thực sự đồng tình, và sau đó tiếp tục hành động.
Khi bạn không bị ràng buộc bởi quá khứ và tương lai, bạn có quyền tự do lựa chọn cuộc sống của chính mình. Câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để lựa chon phương hướng phát triển của chính mình? Bạn có thể thử một kỹ thuật được gọi là "thiền thị giác":
“Hãy tưởng tượng một ngày bình thường của bạn vào năm năm sau hoặc mười năm sau. Bạn thức dậy và bắt đầu một ngày mới. Không cần suy nghĩ về khả năng trở thành hiện thực của nó, hãy tưởng tượng cuộc sống của ngày đó theo cách lý tưởng nhất trong tim bạn. Trong trí tưởng tượng của bạn, cuộc sống của bạn lúc đó sẽ như thế nào?”
Kiểu thiền đơn giản này có thể cho chúng ta biết định hướng giá trị của bạn đối với cuộc sống: Bạn yêu thích cuộc sống náo nhiệt hay yên tĩnh? Một cuộc sống ổn định có quy luật hay một cuộc sống đầy những điều mới lạ? Bạn thích làm một công việc lặp đi lặp lại hay công việc có tính sáng tạo? Vân vân.
Harris (2019) chỉ ra rằng giá trị tương đồng với mục tiêu. Giá trị giống như một cái kim chỉ nam, một phương hướng xuyên suốt cuộc sống của chúng ta. Mục tiêu là những gì chúng ta muốn đạt được hoặc hoàn thành trong quá trình sống. Những nỗ lực để đạt được mục tiêu có thể thất bại, nhưng nó sẽ không xóa sạch định hướng giá trị. Giá trị mạnh hơn nhiều so với mục tiêu, nó là thứ có thể tiếp tục thúc đẩy hành vi của bạn. Ví dụ, nếu bạn muốn kiếm một công việc, đây là một mục tiêu, nhưng nếu bạn muốn trở thành một nhân công hiệu xuất và luôn tự thử thách, thì đó là một định hướng giá trị dài hạn. Bạn có thể chưa kiếm được một công việc cụ thể, nhưng điều này sẽ không thay đổi định hướng giá trị mà bạn nhận định. Chúng ta phải hoàn toàn tôn trọng định hướng giá trị của bản thân. Nhà tâm lý học Rogers đã chỉ ra nhiều thập kỷ trước rằng ngay cả một cá nhân nhỏ bé cũng có động lực bản năng để tìm kiếm sự phát triển bản thân từ lâu đã ngủ sâu bên trong để đưa chúng ta đến một giai đoạn phát triển cao hơn.
Do đó, định hướng giá trị của mỗi cá nhân rất quan trọng. Chỉ khi chúng ta phát triển theo hướng giá trị mà chúng ta nhận định, tiềm năng và sức mạnh trong chúng ta mới liên tục được kích thích. Bạn có thể thử sắp xếp giá trị của mình và thiết lập mục tiêu với ba bước sau:
Ba bước: thiết lập mục tiêu dựa trên giá trị
Bước 1: Chọn các lĩnh vực của cuộc sống mà tôi đang cố gắng để thay đổi (vui lòng chọn một hoặc hai, không chọn quá nhiều): công việc, sức khỏe, giáo dục, xã hội, phương pháp nuôi dạy con cái, bạn bè, gia đình, tinh thần, cộng đồng, môi trường, giải trí, phát triển bản thân.
Bước 2: Định hướng giá trị của bạn đằng sau mục tiêu là (trong lĩnh vực mà bạn đã chọn): (chẳng hạn như một gia đình hạnh phúc, hoặc phát triển khả năng làm việc liên tục).
Bước 3: Viết ra mục tiêu dài hạn, mục tiêu ngắn hạn (trong vòng một năm) và mục tiêu trực tiếp (bước đầu tiên có thể được thực hiện trong vòng 24 giờ).
Khi đặt mục tiêu, bạn cần lưu ý rằng chúng nên:
Cụ thể: Cụ thể hóa hành động của bạn, khi nào, ở đâu, ai, cái gì và phải làm gì. Ví dụ: mục tiêu không rõ ràng và không cụ thể: "Tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho con tôi.” Và khi nó được cụ thể hóa: "Tôi sẽ dành thời gian cho con tôi vào thứ Bảy." Cụ thể hơn nữa: “Tôi sẽ cùng với con tôi đi công viên để chơi bóng chày vào chiều thứ Bảy.” Hãy cố gắng cụ thể hóa mục tiêu để bạn có thể xác nhận rằng liệu bạn đã thực hiện nó hay chưa.
Có ý nghĩa: Mục tiêu của bạn không phải là để hùa theo cho một số quy tắc, hoặc để làm hài lòng người khác, hoặc để trốn tránh một số nỗi đau khác mà bạn đang thực sự để tâm. Những nguyên nhân này cho thấy rằng chúng không có giá trị thực sự với bạn. Chỉ những mục tiêu phù hợp với định hướng giá trị của bạn mới có thể cho bạn động lực để tiếp tục hành động.
Thực tế: Mục tiêu phải thực tế và khả thi. Xem xét sức khỏe của bạn, xung đột thời gian và tình hình tài chính, và sau đó xem liệu bạn có khả năng đạt được mục tiêu của mình không.
Trên thực tế, bạn không phải lo lắng về việc mục tiêu có đạt được hoàn toàn hay không. Nghiên cứu chỉ ra rằng thông qua việc đặt mục tiêu, bạn có thể tiến gần hơn và gần hơn với giá trị bạn muốn - bởi vì bằng cách đặt mục tiêu, bạn sẽ tự chỉnh đốn bản thân từ đó có ý thức thực hiện các hành động gần hơn với định hướng giá trị của riêng bạn. Ngay cả khi mục tiêu không đạt được, thông qua việc hành động vì mục tiêu và tuân thủ các giá trị, chúng ta sớm muộn cũng sẽ đến được nơi chúng ta muốn đến và trở thành người mà chúng ta muốn trở thành.
Tài liệu tham khảo:
Harris, R. (2019). ACT made simple: An Easy-to-read primer on acceptance and commitment therapy. New Harbinger Publications.
_______
Nguồn: https://zhidao.baidu.com/daily/view?id=203396