Social briefing - Hướng dẫn giao tiếp

social-briefing-huong-dan-giao-tiep

Khuôn mẫu hành vi giao tiếp cũ còn có tác dụng?

Social briefing 1: Khuôn mẫu hành vi giao tiếp cũ còn có tác dụng?

“Hướng dẫn giao tiếp” sẽ chủ yếu tập trung vào những lời khuyên thiết thực giúp bạn cải thiện khả năng tương tác với người khác. Nhưng trong những số đầu tiên này chúng ta sẽ bàn đến một cấp độ cao hơn, bắt đầu bằng hai câu hỏi sẽ giúp bạn có một cái nhìn chính xác hơn về cách bạn giao tiếp, và cách để bạn có thể giao tiếp tốt hơn.

Chúng ta sẽ bắt đầu với câu hỏi đầu tiên, và kỳ sau sẽ là câu hỏi thứ hai. Sau đây là câu hỏi:

        Khuôn mẫu hành vi giao tiếp kiểu cũ của bạn còn có tác dụng không?

Cách ta tương tác với người khác phần lớn được hình thành khi ta còn trẻ, và một phần là vì những gì đã xảy đến với ta trong khoảng thời gian ấy.

Có thể bạn là một đứa trẻ vừa chuyển đến trường mới, để gây ấn tượng với bạn cùng lớp, khiến họ thích bạn, bạn xây dựng cho mình một khiếu hài hước với tinh thần hướng ngoại và trở thành chú hề của lớp.

Hoặc bạn trải qua một thời kỳ thử theo phong cách “Goth” hay tính tình thanh niên nghiêm túc, bạn né tránh mọi thứ, thờ ơ, ít nói, từ chối tham gia trò chuyện tán gẫu và luôn hỏi những câu hỏi “lắt léo” và khiêu khích.

Hoặc bạn rất nổi tiếng, không bao giờ phải bắt chuyện để kết bạn vì người khác luôn chủ động làm bạn với bạn, và bạn dần trở nên thỏa mãn với việc chờ người khác tiếp cận mình.

Những hành vi này đều rất ổn ở thời niên thiếu của bạn, nhưng bạn nên xem lại liệu chúng còn có tác dụng khi bạn trưởng thành hay không.

Có thể những câu đùa mỉa mai, châm biếm từng khiến bạn học cười lăn cười bò, nay lại có thể trở nên xúc phạm, trẻ con, hay nghiêm túc thái quá. Hoặc có thể hình ảnh chú hề của lớp đầy sức sống kia được xem là quá tăng động, thực chất lại ngăn cản người khác gắn kết với bạn một cách sâu sắc hơn và hiểu được con người thật của bạn.

Thói quen bỏ qua những cuộc trò chuyện tán gẫu để nhảy thẳng vào bàn luận nghiêm túc sẽ khiến người khác nghĩ bạn thật tự phụ và vô duyên.

Bạn nổi tiếng ở trường trung học không có nghĩa bạn cũng sẽ là hot boy, hot girl ở công ty mới tại một thành phố mới, và bạn có thể sẽ phải chờ tới mười đời thì người khác mới chủ động làm quen với bạn và rủ bạn đi chơi.

Dù những thói quen giao tiếp cũ của bạn không còn có tác dụng trong cuộc sống mới nữa, đôi lúc ta rất khó nhận ra được điều ấy vì nhiều lý dó.

Một trong số đó là, những hành vi đã ăn sâu vào con người của bạn khiến bạn cảm thấy rất thoải mái và thân thuộc, giống như đôi giày mà bạn thường đi. Bạn gắn kết với chúng rất sâu sắc. Ở một lúc nào đó trong cuộc sống bạn đã sử dụng chúng thường xuyên, còn bây giờ những thói quen ấy như một phần con người “thật” của bạn.

Thứ hai, chúng có thể vẫn “còn tác dụng” với những người bạn cũ và người thân trong gia đình. Nhưng tất nhiên, là do họ biết lúc nào bạn đang châm biếm, có khi họ còn không nhận ra những hành vi gây khó chịu của bạn, hoặc họ biết những điểm tích cực của bạn khiến họ không bận tâm những điều ấy nữa. Những khuôn mẫu ấy sẽ không có hiệu quả tương tự khi bạn đang tạo ấn tượng đầu với người mới quen, người bạn theo đuổi, và khách hàng tiềm năng, vì tất cả những gì họ cần biết về bạn chính là hình ảnh ban đầu của bạn.

Cuối cùng, bạn thường nhìn nhận hành vi của mình khác với những gì người khác thực sự nghĩ. Đa số chúng ta có quan điểm khá cao về bản thân, hay ít nhất là ta rất thỏa mãn với những thói quen của mình. Và ta nghĩ rằng người khác cũng có cái nhìn giống như vậy.

Nhưng có khi không phải đâu.

Nếu bạn từng rơi vào tình huống bên ngoài vòng an toàn của bạn - trong một tình cảnh mà bạn không quen biết ai cả - và nghĩ rằng bạn đã thể hiện rất tốt vì bạn bè cũ của bạn rất yêu quý bạn, nhưng thay vì cố gắng giao tiếp và gắn kết với người khác hết sức có thể, bạn lại không quan tâm đến khoảng cách giữa việc bạn nhìn nhận bản thân thế nào và người khác nhìn nhận về bạn ra sao.

Social briefing 2: Người khác có thấy những gì bạn đang thấy?

        Người khác có nhìn thấy ở bạn những gì bạn đang thấy hay không?

Dù hành vi giao tiếp của bạn được hình thành trong một hoàn cảnh nhất định hay đã được ấn định sẵn từ trong DNA, những gì ta nghĩ người khác nghĩ lại hoàn toàn khác với những gì họ thực sự nghĩ.

Dưới đây là bảng những hành vi thường gặp mà ta hay thực hiện khi tương tác với người khác, những gì bạn nghĩ, và những gì người khác thấy. Bảng này được trích (với sự cho phép) từ quyển First Impressions: What You Don’t Know About How Others See You (Ấn tượng đầu tiên: Những điều bạn chưa biết về những gì người khác nghĩ về bạn), bạn có thể tìm thêm nhiều ví dụ hơn trên website của họ.

Từ ngữ chủ chốt trong những ví dụ này là có thể. Một số hành vi có thể có hiệu quả như bạn nghĩ, và giúp đỡ bạn trong những tình huống nhất định, với những người nhất định, và trong hoàn cảnh tính cách tổng thể của bạn.

Vì vậy, cho dù chúng không hiệu quả theo cách bạn nghĩ, bạn cũng không nhất thiết phải thay đổi chúng nếu bạn cảm thấy đó là những biểu cảm quan trọng đối với con người thật của bạn.

Theo lời những tác giả của First Impressions, mục đích của bài tập tự kiểm điểm này chỉ đơn giản là để “nhận diện những khoảng cách giữa những gì bạn nghĩ về bạn và những gì người khác thực sự nghĩ về bạn, vậy nên bạn có thể thay đổi nếu bạn muốn và bất cứ khi nào bạn muốn.”

Cải thiện kỹ năng giao tiếp không phải là cố gắng trở thành một con người khác, mà là đảm bảo người khác nhìn nhận bạn theo cách mà bạn muốn được nhìn nhận - đảm bảo những ấn tượng bạn tạo nên phô bày những phẩm chất tốt đẹp nhất của mình, và những ấn tượng đó phải chính xác hơn, chứ không kém.

Có rất nhiều trường hợp hành vi giao tiếp của bạn lại khác với những gì bạn tưởng - theo một cách trái ngược với tính cách và mong muốn thật của bạn, và che giấu con người thật của bạn, thay vì phô bày nó. Trong những trường hợp này, bạn phải sửa đổi những thói quen ấy để thể hiện bản thân một cách tích cực và chân thật hơn.

Social Briefing 3: 4 lối suy nghĩ trong giao tiếp

Khi tương tác với một người nào đó mới gặp, bạn thường nghĩ về điều gì nhất? Những suy nghĩ này sẽ quyết định rất nhiều vào cách cư xử của bạn, cùng với mức độ thành công của lần gặp mặt ấy.

Theo lời tác giả của quyển First Impressions: What You Don't Know About How Others See You (Ấn tượng đầu tiên: Những điều bạn chưa biết về những gì người khác nghĩ về bạn), có 4 “trọng tâm” mà con người hình thành (và thường luân chuyển qua lại) khi tương tác với người khác:

  1. Bạn cảm thấy thế nào về bản thân
  2. Bạn cảm thấy thế nào về đối phương
  3. Đối phương cảm thấy thế nào về bạn
  4. Đối phương cảm thấy thế nào về bản thân họ

Lối suy nghĩ trong giao tiếp của đa số người thường xoay quanh từ số 1 đến số 3.

Bạn nghĩ rất nhiều về việc bạn đang cảm thấy thế nào (#1): liệu mình đang hồi hộp, tự tin, chán chường, vui vẻ, phiền toái, xấu hổ, vân vân.

Bạn cứ nghiền ngẫm liệu mình có thích người mà mình đang nói chuyện hay không (#2): Họ đang hồi hộp hay tự tin? Họ nói chuyện có nhàm chán không? Họ có thu hút không? Người này có thể nào là bạn/bạn gái của mình được không?

Và bạn cũng thường dành thời gian suy nghĩ điều thứ 3 - liệu người mới quen này nghĩ gì về bạn. Họ có hứng thú với những gì bạn đang nói không? Họ có cười khi bạn nói đùa không? Họ có thích bạn không?

Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi con người ta đa số chỉ quanh quẩn ba lối suy nghĩ đầu tiên. Khi ta gặp người lạ, và tìm hiểu người mới quen, ý thức về bản thân một chút cũng là lẽ thường - nhận thức được tường tận những gì đang diễn ra với mình, và người khác đang đánh giá mình thế nào.

Dù rất phổ biến, nhưng lối suy nghĩ này không phải là một cách giao tiếp hiệu quả.

Ý thức bản thân thái quá không chỉ khiến bạn cảm thấy lo âu và thiếu tự tin, nếu đặt bản thân mình làm cái rốn của vũ trụ khi đang tương tác, bạn sẽ rất dễ nhầm lẫn rằng khi mình đang có một trò chuyện vui vẻ thì người khác cũng thế. Nhưng không phải lúc nào cũng có mối tương quan giữa hai bên như vậy. Có thể bạn nói rất nhiều về tất cả những chủ đề bạn yêu thích, khiến bạn cảm thấy hào hứng, và dần bạn sẽ đi quá xa khỏi cuộc đối thoại mà vẫn nghĩ rằng mọi thứ đang tốt đẹp. Trong khi đó người kia hiếm khi nói lời nào, và thực chất đang cảm thấy chán chường và mệt mỏi.

Khi có một sự mất kết nối giữa cảm giác của bạn và cảm giác của người khác, cơ hội xây dựng mối quan hệ trong tương lai cũng theo đó chìm dần.

Sức mạnh của trọng tâm số 4

Một trong những động lực quan trọng nhất để hiểu về giao tiếp là nguyên lý có qua có lại là tiền đề của sự hào hứng và thích thú. Khi người khác thấy bạn có hứng thú với họ, họ tự nhiên sẽ trở nên có hứng thú với bạn. Con người thích những ai thích họ - chỉ đơn giản vậy thôi.

Vì vậy, khi bạn khiến người khác cảm thấy vui, những cảm xúc tích cực ấy thường như booomerang mà quay lại phía bạn, khiến người khác nhìn nhận về bạn theo hướng lạc quan hơn.

Chính vì lý do đó, trọng tâm số 4 là lối suy nghĩ uy lực nhất giúp bạn thành công khi giao tiếp.

Bạn càng nghĩ về cảm nhận của người khác, và đưa ra hành động để tăng cường và nâng cao cảm xúc của họ, nhận thức của họ về bạn sẽ càng được tăng cường và nâng cao. Hay như lời của tác giả quyển First Impressions: “ấn tượng của người khác về bạn không phải qua lời nói hay cảm xúc của bạn, mà là qua việc bạn khiến cho đối phương cảm thấy như thế nào về chính bản thân họ”.

Nguyên lý này nhìn có vẻ hiển nhiên, và có thể bạn đã nghe qua ở đâu đó rồi, nhưng đây là một điều bạn cần phải liên tục nhắc nhở chính mình.

Đạt đến trọng tâm số 4 đòi hỏi chủ đích thực sự, trong khi ba trọng tâm còn lại là lối suy nghĩ mặc định - không cần tốn chất xám, bản năng con khỉ trong chúng ta sẽ tự động có những suy nghĩ này. Thử nhớ lại lần cuối cùng bạn giao tiếp: ngay cả khi bạn đã nhắc nhở bản thân phải tỏ ra hứng thú với đối phương, rất có thể sau đó bạn nhận ra mình chẳng hề nghĩ gì về việc người kia cảm thấy thế nào, mà chỉ chăm chăm xem mình đã thể hiện ra sao. Trong lúc nóng vội, ý thức bản thân sẽ liên tục đá bay trọng tâm số 4, và hướng suy nghĩ của bạn loanh quanh số 1, 2 và 3. Bạn phải học cách dừng lại và xem xét đối phương đang cảm nhận thế nào với cuộc trò chuyện này, và bạn chỉ có thể đạt được trình độ giao tiếp này bằng cách luyện tập thường xuyên.

Giờ bạn đã biết rằng khiến người khác cảm thấy tốt về bản thân họ là chìa khóa để họ cảm thấy tốt về bạn. Nhưng làm sao để đem lại những cảm xúc tích cực ấy?

Social briefing 4 - 4 món quà giao tiếp

Trong những kỳ đầu của Hướng dẫn giao tiếp chúng ta đã tìm hiểu nền tảng của sự lôi cuốn cần có để những thói quen giao tiếp có thể trở nên hiệu quả.

Trong bài hướng dẫn trước, chúng ta đã bàn về việc khi ta khiến người khác cảm thấy tốt về bản thân, họ thường sẽ phóng chiếu những cảm xúc tích cực ấy lên bạn, và cũng cảm thấy tốt về bạn.

Nhưng làm cách nào để khơi gợi những cảm xúc tích cực ấy từ người khác?

Hãy đóng vai trò chủ nhà, và tặng họ 4 món quà giao tiếp.

Bạn luôn là chủ nhà

Khi ta gặp người mới, ta thường nghĩ đây là lần gặp mặt giữa hai người lạ - hai “vị khách”.

Nhưng để làm một người giao tiếp cuốn hút, bạn phải nghĩ mình là chủ nhà trong mọi tình huống. Không cần biết ai mời ai đi chơi, hay ai chủ động, hay bạn mới là vị khách thiện chí ở nhà một người khác. Lối suy nghĩ chủ nhà là một thứ bạn định hình trong đầu ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.

Khi nghĩ bản thân luôn là chủ nhà, sự tập trung của bạn sẽ luôn hướng đến việc khiến người khác cảm thấy được hoan nghênh và “tự nhiên như ở nhà” (ngay cả khi các bạn đang đi chơi ngoài đường). Những ý định và hành vi của bạn nói rằng, “xõa đi bạn ơi”, bạn luôn tìm cách khiến những người mình gặp mặt cảm thấy thoải mái và được quan tâm nhiếu nhất có thể.

Là một chủ nhà, bạn là người điều phối cuộc trò chuyện, thúc đẩy cuộc trò chuyện khi nó bắt đầu tụt chậm lại. Bạn đảm bảo người khác đang cảm thấy vui, và cố gắng tỏ lòng “hiếu khách” và đáp ứng những nhu cầu của họ.

Bạn phải hào phóng khi giao tiếp, và luôn mang theo những món quà phù hợp với những nhu cầu ấy ở mỗi lần gặp mặt.

4 món quà giao tiếp

Chính xác là điều gì khiến một người hấp dẫn, đáng yêu, quyến rũ, cuốn hút? Dù có rất nhiều hành vi thể hiện những đặc tính này, nhưng bên dưới những điều ấy, thông điệp thực sự được gửi đi là: Tôi có vài thứ muốn thêm vào cuộc đời của bạn.

Ta hay nghĩ động lực học của tương tác xã hội là một thứ gì đó trừu tượng và lu mờ, nhưng thực chất có một cách lý giải hợp lý hơn. Mỗi một mối quan hệ đều thể hiện đặc quyền và trách nhiệm, cả bạn bè và người yêu đều tiếp thêm vào cuộc đời của bạn, nhưng cũng cần từ bạn thời gian, trợ giúp, hỗ trợ về mặt cảm xúc - và đôi khi là tài chính. Vì thế con người tìm kiếm sự gắn kết với những người khiến cho phương trình của họ đưa ra kết quả có lợi nhất - những người đem lại “lợi ích” nhiều hơn “tổn thất”. Họ tìm kiếm những người tích cực trong cuộc đời họ và khước từ những ai bòn rút nhiều hơn là cho đi.

“Kinh tế học” của việc “đổi chác trong giao tiếp” này nghe có vẻ hờ hững và tính toán, nhưng đó là bản chất của con người, của bạn và của tôi.

Đó là lý do bạn cảm thấy hứng khởi khi tìm thấy một người thích bàn về tôn giáo giống như mình, hay gặp một người bạn cử tạ tiềm năng mà bạn cảm giác là họ có thể giúp mình đạt được mục tiêu. Và ngược lại, đó cũng là lý do khi bạn gặp một người chán đến phát ngán, hay nói đủ thứ trên trời dưới đất về những “bi lụy” trong cuộc đời của họ, bạn chỉ muốn chạy cho khuất mắt.

Khi biết rằng người ta tìm kiếm những đồng minh, và muốn gắn kết với những người có thể củng cố cuộc đời của họ thay vì trở thành gánh nặng, rất dễ dàng để nhận thấy tại sao chìa khóa giao tiếp thành công lại là hào phóng trong giao tiếp - chứng minh bạn là kiểu người cho đi nhiều hơn, hay ít nhất là tương đương, những gì bạn đòi hỏi.

Bạn có thể làm được điều này bằng cách cho đi thứ mà tác giả của First Impressions: What You Don’t Know About How Others See You (Ấn tượng đầu tiên: Những điều bạn chưa biết về những gì người khác nghĩ về bạn) gọi là 4 “món quà giao tiếp”. Những món quà này đáp ứng những nhu cầu cơ bản, phổ biến nhất, thay đổi cách họ cảm nhận về bản thân (và sau đó là về bạn), và thuộc bốn thể loại sau:

  • Trân trọng - Thừa nhận, tôn trọng, và tán dương những phẩm chất tích cực của một người. Đừng tiếc những lời khen.
  • Gắn kết - Tìm kiếm những nơi cuộc sống của bạn giao thoa với cuộc sống của người khác. Hai người chung trường trung học, thích cùng một ban nhạc, có một người bạn chung nào đó, thích cùng một nhà hàng, có cùng sở thích, có những niềm tin giống nhau, và những điều tương tự. Con người ta thích những ai giống mình!
  • Nâng tầm - Nâng cao tinh thần của người khác, làm họ cười, khiến họ cảm thấy vui, giới thiệu họ một hoạt động mới thú vị.
  • Khai sáng - Cho người khác xem một cuốn tiểu thuyết, thông tin, ý tưởng và suy nghĩ hấp dẫn. Không nhất thiết phải nặng nề, chính trị, hay học thuật, mà có thể là những điều nhỏ nhặt hay tin tức hằng ngày - bất cứ thứ gì có thể khiến người khác thích thú và mở mang đầu óc.

Trong số 4 món quà này, có thể một hoặc hai món quà là thế mạnh của bạn - bạn có thể cho đi những món quà ấy một cách tự nhiên. Điều đó rất tuyệt vời, nhưng hãy nhớ rằng dựa dẫm quá nhiều vào chỉ một món quà đôi khi sẽ phản tác dụng, nếu sử dụng bừa bãi, một món quà có thể trở thành một gánh nặng, và từ lợi ích biến thành tổn thất. Ví dụ, một người liên tục đùa cợt mà không bao gời nói chuyện nghiêm túc, hoặc “dạy đời” người khác không ngừng nghỉ với những thông tin “hay ho” mà họ biết, sẽ không có kết quả tốt. Sự lôi cuốn được sinh ra từ 4 món quà giao tiếp này một cách cân bằng.

Cho đi cũng là nhận lại

Sẽ rất tuyệt vời khi sống suốt cuộc đời với tư cách “chủ nhà” - giúp đỡ người khác hòa nhập, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và cho họ hơi ấm của sự thừa nhận và sự nâng đỡ mà họ khao khát - đặc biệt là trong thế giới mà mọi người cảm thấy siêu gắn kết nhưng đồng thời cũng thường siêu cô đơn.

Nhưng đây không chỉ đơn thuần là vì người khác.

Hào phóng trong giao tiếp ngược đời ở chỗ, bằng cách tặng người khác những món quà giao tiếp mà họ khao khát, bạn có thể thu hồi vốn liếng mình bỏ ra.

Đầu tiên, khi ngừng tập trung vào bản thân và hướng sự tập trung ấy vào một người khác, bạn thực chất ít hồi hộp và ngượng ngùng hơn, và hành xử cũng tự tin hơn. Khi quên đi bản thân, con người tốt đẹp nhất của bạn được dịp tỏa sáng.

Thứ hai, cách chắc cú nhất để nhận được sự chú ý là cho đi sự chú ý. Khi bạn tỏ ra hứng thú với người khác, họ cũng sẽ hứng thú với bạn.

Cuối cùng, nên nhớ rằng sự “mất cân bằng” này không kéo dài lâu, dù ban đầu là bạn chủ động giao tiếp hào phóng, nhưng sau khi đã thành lập một mối quan hệ với một người, nó tự nhiên sẽ tiến hóa thành một thứ có lợi cho cả hai bên, nếu không thì người kia đơn giản không phải là người bạn muốn duy trì mối quan hệ! Tất nhiên, đôi lúc bạn sẽ gặp những người cũng giao tiếp hào phóng ngay từ giây phút đầu giống như bạn - trong trường hợp đó hai người sẽ có một khoảng thời gian vô cùng vui vẻ. Nhưng điều đó rất hiếm, khá là không may, nhưng thực ra lại rất may đối với bạn, các độc giả của Hướng dẫn giao tiếp, vì nó hiếm nên bạn sẽ trở nên rất nổi bật.

Social briefing 5: Làm gì để khỏi... ấm ớ khi đến những nơi bạn chẳng quen ai?

Tham gia một bữa tiệc hay tới một sự kiện đông người mà chẳng biết ai, có thể là một trong những nỗi đáng sợ lớn nhất đối với rất nhiều người.

Thực ra đôi khi bạn quen chủ nhà—nếu may mắn họ sẽ dẫn bạn đi một vòng và giới thiệu với những người xung quanh, nhưng chuyện đó sẽ không thường xảy ra. Hoặc bạn tham gia một sự kiện cùng với đứa bạn, nhưng nó nhanh chóng biến mất vào đám đông ngay khi vừa tới và bỏ mặc bạn ở đó. Hoặc bạn tới một sự kiện networking, nơi tất cả đều là những người lạ của nhau—nhưng túm lại cũng chẳng khả quan hơn là bao... Trong mọi trường hợp, thì thật không đơn giản tí nào để tránh cái cảm giác... muốn độn thổ. Đến những nơi đông người mà chẳng quen ai là tình huống gây ra không ít lo lắng, khi bạn đứng đó bối rối, trơ trơ như cột điện, chẳng biết phải bắt đầu câu chuyện với ai và như thế nào.

Nếu những cảm giác này đúng với bạn, thì một vài "tuyệt chiêu" dưới đây từ cuốn sách của Jeanne Martinet có tên gọi The Art of Mingling (tạm dịch: "Nghệ thuật trà trộn") có lẽ sẽ rất hữu ích.

Làm thế nào để thực sự tham gia vào một sự kiện

Ngạn ngữ phương Tây có câu "Fake it 'til you make it", đại ý cứ giả vờ cho tới khi bạn thực sự làm được điều gì đó. Dẫu bạn thực sự cảm thấy căng thẳng hay lo lắng, thì cũng hãy cố gắng hành xử theo cách ngược lại. Khi bạn toát ra sự tự tin và thoải mái, thì bạn cũng sẽ có vẻ ấm áp, thân thiện và dễ tiếp cận hơn, đồng thời cũng sẽ bớt luống cuống hơn. Theo Martinet, trong vài phút khó khăn đầu tiên khi hoà vào đám đông, cách bạn thể hiện bên ngoài thực ra lại quan trọng hơn những cảm xúc đang diễn ra bên trọng bạn. Tỏ ra thoải mái trong khi đầu gối đang va lập cập chẳng phải là một trải nghiệm dễ dàng gì, song hãy tự lặp lại với chính mình rằng bạn sẽ vượt qua chuyện đó trong vòng 10 phút mà thôi. Tới thời điểm đó thì "tảng băng" của cuộc hội thoại sẽ được phá tan, và bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn từ chính bên trong mình.

Nói chuyện với một vài nhân vật "cùng cảnh ngộ" trước tiên. Họ—những người cũng đang bối rối y chang bạn—là những người dễ để tiếp cận nhất. Bạn có thể nhận ra họ bằng việc quan sát xem ai đang ăn vận có đôi chút lạc lõng với sự kiện, đứng tách riêng một mình hoặc theo đôi có chủ ý, đi lang thang không định hướng chỉ để ngắm nhìn những bức tranh treo trên tường, hoặc đang nhìn chằm chằm vào khoảng không vô định. Họ chắc chắn sẽ chào đón sự chủ động của bạn, và cảm thấy "dễ thở" khi có ai đó sẵn sàng bắt chuyện với mình.

Đây là một cách rất tốt để "làm nóng" kỹ năng giao tiếp xã hội của bạn trong một sự kiện. Nếu bạn nhận ra mình và người "cùng cảnh ngộ" này hợp nhau ngay lập tức, thì đương nhiên hãy cứ thoải mái nói chuyện với họ thêm một lúc nữa. Nhưng nếu mục tiêu của bạn khi tới sự kiện là để gặp gỡ nhiều hơn một người, và bạn không thực sự hợp với kẻ "cùng cảnh ngộ", thì sau vài phút trò chuyện bạn nên hướng tới một mục tiêu mang tính thử thách cao hơn: tham gia trò chuyện với một nhóm người.

Hãy tìm kiếm những người mà bạn nghĩ rằng mình có thể kết nối với họ. Khi bước chân vào một bữa tiệc, hầu hết mọi người sẽ nhanh chóng bắt đầu nói chuyện với nhau theo những nhóm nhỏ. Nhiệm vụ của bạn là phải tìm ra nhóm nào để thử gia nhập, và giới thiệu bản thân. Hẳn nhiên là bạn mong muốn tìm kiếm những người trông có vẻ thân thiện và cởi mở. Nhưng bạn cũng có thể tìm kiếm những vị khách cùng tuýp người với mình. Bản năng của bạn sẽ mách bảo bạn rằng liệu một ai đó có phải kiểu người phù hợp với bạn hay không.

Hãy thử tìm kiếm cả những nhóm "đóng" và "mở". Một nhóm "đóng" sẽ gồm những người đứng gần nhau, đôi khi tựa vào nhau, và say sưa trò chuyện. Những vòng-tròn-người này sẽ không chỉ khó gia nhập bởi khoảng cách rất hẹp giữa những thành viên, mà còn bởi việc tham gia của bạn rất có thể sẽ "phá đám" cuộc hội thoại đang hồi gay cấn—tệ nhất là có thể dẫn tới một khoảng lặng khó xử. Thậm chí, một vài người trong nhóm còn có thể cảm thấy hơi khó chịu khi việc bạn chen vào đã phá hỏng khoảng thời gian vui vẻ của họ.

Thay vì cố thực hiện thử thách tham gia trò chuyện trong một nhóm "đóng", hãy tìm một nhóm "mở" hơn. Những thành viên của các nhóm này không quá thân thiết, cuộc nói chuyện cũng nhẹ nhàng hơn, và ngay chính các thành viên của nhóm cũng có thể đang tìm kiếm các cơ hội trò chuyện khác. Việc bạn gia nhập những nhóm kiểu này sẽ dễ dàng hơn, và không tạo ra một sự "phá đám" đáng kể nào.
Tiếp theo là số lượng người. Những nhóm nhỏ khoảng 2 - 3 người là loại khó tham gia nhất. Sự xuất hiện của bạn sẽ rất đáng chú ý, và khả năng cao là bạn sẽ tạo ra một tình huống phá đám không mong muốn.

Gia nhập một nhóm đông người hơn sẽ là một sự lựa chọn đơn giản hơn, bởi bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Dù sự xuất hiện của bạn sẽ ít nổi bật hơn, song cơ hội bạn được ai đó trong nhóm để ý tới và bắt chuyện sẽ cao hơn. Ngay cả khi không ai nhận ra sự có mặt của bạn thì đó cũng là cơ hội tốt: bạn sẽ có thời gian theo dõi xem nội dung cuộc đối thoại đang ở đoạn nào, và chen vào vài lời bình luận ở thời điểm thích hợp để tranh thủ giới thiệu bản thân. Và ngay cả trong trường hợp bạn nhận ra nhóm này không thuộc gu của mình, cũng dễ để "đánh bài chuồn" hơn.

4 cách để gia nhập một nhóm người

Khi bạn đã chọn được một nhóm mình muốn tham gia, thì cách bạn nên mở lời và bắt đầu cuộc hội thoại là gì? Dưới đây là một vài chiến thuật giúp bạn khởi đầu cuộc nói chuyện.

Đưa ra một lời khen. Cách dễ nhất để hoà vào một nhóm người là đưa ra một lời khen cho cả nhóm ("Ở đây mọi người đang có chuyện gì vui vẻ quá!"), hoặc một người cụ thể trong nhóm. Nếu bạn quyết định khen một cá nhân, hãy tập trung vào thứ mà khiến cả nhóm có thể hùa vào tiếp chuyện.

Đặt một câu hỏi. Đây cũng là cách vào đề dễ dàng, và mục đích của nó tương tự như trên cũng là nhằm lôi cuốn sự chú ý của cả nhóm thay vì chỉ một người. "Mấy bạn cho hỏi đằng kia có phải thầy giáo X dạy Triết trường mình nổi tiếng đa tài đẹp trai đó không?". Hỏi ý kiến cũng luôn luôn là một cách hay để khởi đầu một cuộc trò chuyện: "Mọi người thấy món tráng miệng ở đây hôm nay ngon không?".

Tham gia "vô tình" như thể một người qua đường. Vờ đứng "không liên quan" bên ngoài một vòng tròn người đang trò chuyện, cố gắng đừng để bị chú ý. Lắng nghe xem họ đang nói gì, rồi bất chợt buông lời bình luận vào thời điểm hợp lý. Đừng ngần ngại và quá lịch sự, điều đó sẽ khiến cho mọi người thấy bạn giống một kẻ rình mò. Thay vào đó, cứ nói một cách rất tự nhiên như thể bạn chỉ buông lời bình luận một quan điểm của ai đó. Hãy trò chuyện như thể là bạn là một thành viên trong nhóm từ trước.

Cuối cùng là cách tiếp cận theo lối... chân thành. Đôi khi thì việc tỏ ra thành thật lại là kế sách hoàn hảo nhất cho mọi việc. "Chào mọi người, mình xin lỗi nhưng mình không quen ai ở đây cả. Mình là An, có thể cho mình tham gia cùng được không?". Việc đó thực tế cũng không hẳn là đáng sợ cho lắm. Trong nhiều tình huống, mọi người sẽ sàng giúp đỡ bạn thoát khỏi tình trạng bối rối và giúp bạn tham gia vào cuộc trò chuyện.

Vậy thì nên chọn phương án nào? Việc đó tuỳ thuộc vào tính cách của bạn, cũng như hoàn cảnh cụ thể, và đương nhiên là phương án đó sẽ giúp cho mọi chuyện diễn biến theo hướng tự nhiên nhất.

Đương nhiên nếu may mắn, có thể những người khác đã tiếp cận bạn trước khi bạn phải nghĩ tới chuyện làm quen với mọi người. Nhưng dù sao thì trong cuộc sống, người chủ động cũng sẽ nắm bắt nhiều cơ hội hơn phải không nào?

Social briefing 6: làm sao để trở nên dễ gần?

Trong bài Social Briefing lần trước, chúng ta đã nói về cách làm thế nào để tiếp cận với những người khách mà bạn chẳng biết là ai tại một sự kiện nào đó.

Là người bắt chuyện trong những tình huống như thế này sẽ gia tăng sự tự tin và mang bạn đến với thành công về mặt xã hội: người ta thích những người có hứng thú với họ và đánh giá cao việc người khác chủ động đến bắt chuyện trước.

Nhưng hiển nhiên, bạn cũng đề cao việc người khác đến bắt chuyện với mình nữa. Thật tuyệt khi có người nào đó đến mở đầu, hơn là việc phải tự thân cố gắng làm điều tương tự. Đặc biệt khi bạn lại đang khá ngại ngùng với việc ấy.

May mắn thay, cơ may để người khác chủ động đến không phải hoàn toàn là ngẫu nhiên; bạn hoàn toàn có thể làm những việc đòi hỏi ít nỗ lực thôi, nhưng lại khiến nó thực sự trở thành việc mọi người đến với bạn xuất phát từ chính mong muốn của họ.

Làm theo những mẹo nhỏ dưới đây không chỉ khiến người khác dễ gần với bạn hơn, mà còn giúp bạn kêt thúc việc phải quyết định chuyện trở thành người mở đầu. Ấn tượng đầu tiên của mọi người về việc bạn làm để bắt đầu một cuộc trò chuyện cũng sẽ được nâng cao trong mắt họ.

Làm sao để trở nên dễ gần?

Hãy nghĩ về câu hỏi ấy:làm thế nào bạn chọn cho mình được người để trò chuyện khi mà bản thân hoàn toàn chẳng biết ai khi đang ở trong một bữa tiệc (hay việc hỏi đường ai, chụp hình tập thể chung với ai)? Bạn hiển nhiên sẽ tìm kiếm những người trông vẻ thân thiện, cởi mở và ấm áp. Não của bạn sẽ quét qua những nguy cơ tiềm ẩn, và lựa chọn những người tỏ ra an toàn và hoan nghênh mọi người.

Vậy, để tìm ra cách để trở nên dễ gần, bạn chỉ cần nghĩ về việc bạn sẽ chọn người mà mình đến nói chuyện như thế nào, phân tích đánh giá và bắt chước lại những yếu tố ấy của họ, để bạn có thể áp dụng nó vào bản thân mình. Dĩ nhiên, rất nhiều những quá trình đưa ra quyết định đó xảy ra bên trong tiềm thức của bạn, vậy nên hãy cùng chỉ ra những biểu hiện giúp bạn thể hiện sự dễ gần gũi của mình:

Dùng ngôn ngữ cơ thể "mở": Như chúng tôi đã giải thích trong *hướng dẫn để tạo nên ấn tượng đẹp ban đầu với ngôn ngữ hình thể của bạn* (dẫn link), dáng vẻ, biểu cảm gương mặt và hiểu hiện của bạn có thể được nhìn theo hướng "đóng" hoặc "mở". Ngôn ngữ cơ thể "mở" được bộc lộ ra khi bạn mở người ra hơn để tạo cảm giác thân thiện ở những bộ phận mà ở thời xa xưa, được xem là yếu đuối và dễ bị tấn công, hoặc những phần thể hiện sự chủ ý của bạn một cách dễ dàng nhất. Mở rộng các vùng trên cơ thể cho thấy bạn là người dễ lại gần, chào đón mọi người và không lẩn trốn điều gì.

+ Mở rộng trải tim: đừng đứng khoang tay trước ngực, tư thế được xem là kiểu đang phòng thủ đối phương. Đừng giữ đồ uống cao quá ngực. Thay vào đó, hãy buông thõng hai tay thoải mái dọc theo hai bên người bạn.

+ Đưa ra lòng bàn tay của bạn: từ xưa, người ta chặt lòng bàn tay chỉ khi đang cầm vũ khí. Vậy nên giữ bàn tay của bạn mở ra, không đút vào túi quần và gữi lòng bàn tay hơi hướng về phía ngoài.

+ Để cổ trần: Khi mặc những chiếc áo sơ mi kín cổ kèm với cà-vạt, cổ được bao bọc đến 2 lần, bạn đã truyền đế mọi người thông điệp về sự tách biệt, bảo vệ quyền lực, dù có thể giúp ích cho bạn trong môi trường kinh doanh cạnh tranh, nhưng lại được xem là thiếu ấm áp và thân thiện ở những tình huống ngoài xã hội. Vậy nên vào những giờ giải lao, tháo và-vạt và mở một vài chiếc nút áo, hoặc mặc một chiếc áo thun cổ chữ V không những để lộ ra phần cổ của bạn, mà còn khiến người khác dễ đến gần với trái tim của bạn hơn.

+ Giao tiếp bằng mắt: đừng chỉ nhìn chăm chăm và chân hoặc điện thoại của bạn, đừng mang kính mát trừ khi bạn thật sự cần chúng. Thay vào đó, hãy quan sát xung quanh và đừng ngại tạo nên những ánh nhìn cởi mở và thân thiện với người khác. Giao tiếp bằng mắt sẽ như một lời mời gọi người khác đến với bạn.

+ Mỉm cười: một nụ cười ấm áp và gần gũi sẽ là dịu mọi người và khiến họ (và cả bạn) cảm thấy nhẹ nhàng. Khi bạn đi vòng quanh, hãy cười nhẹ thôi. Và sau khi đã đưa những giao tiếp bằng mắt đến người khác, hãy nở một nụ cười thật tươi và chân thành.

+ Đứng riêng một mình: Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi phải đến gần người khác vì hi vọng họ sẽ đến với bạn trước, điều này hoàn toàn không gì khó khăn cả! Nhưng những dây thần kinh của bạn không hoàn toàn có thể giúp bạn toạn nguyện được; như đã thảo luận ở lần trước, việc lại gần một nhóm người nhỏ sẽ dễ dàng hơn so với một nhóm đông người, và điều đó là dễ dàng nhất cho mọi người khi tiến lại gần một người đang chỉ đứng riêng một mình.

+ Tạo khoảng trống cho những người khác: Chỉ bởi vì bạn đang đứng thành vòng tròn và trò chuyện với mọi người, không có nghĩa là bạn không hi vọng sẽ có những người khác nữa sẽ tiến về phía bạn. Có thể cuộc nói chuyện với nhóm người hiện tại trở nên thật nhàm chán, và bạn đang cầu cho ai đó sẽ đến và tham gia vào chung. Để khiến mọi người dễ dàng gia nhập hơn, thay vì chỉ đứng san sát nhau và tập trung về phía trung tâm, hãy mở dáng điệu của mình bằng cách nghiêng nhẹ người, và tạo khoảng cách giữa bạn và người đứng kế bên, để tạo khoảng trống cho người khác khi đến tham gia cùng.

+ Ăn mặc thật tươm tất và thời thượng: đối với não cảm xúc của bạn, một người râu tóc xồm xoàm hoặc không giữ vệ sinh tốt được đánh giá là những nguy cơ tiềm ẩn - không những ngay lúc ấy bị coi là gian xảo hay mắc các chứng bệnh về tâm thần, mà còn chỉ rõ rằng họ giống như là gánh nặng của xã hội hơn là người hữu ích về lâu dài. Dù công bằng hay không, những định kiến này vẫn xảy ra một cách vô thức trong vài mili giây.

Vậy nên luôn thể hiện bạn một cách tốt nhất: nhưng đừng ăn mặc quá lố - như thế sẽ khiến một vài người lánh xa và khiến bạn trở nên có vẻ bốc đồng - mà hãy diện những bộ quần áo thật tinh tươm, sạch sẽ và hợp thời. Vẻ ngoài tốt cũng thể hiện tầng lớp, một nét điểm thu hút (hãy nhớ rằng tầng lớp không phải chỉ luôn là vấn đề về tiền bạc mà còn là tất cả những nét điểm mang lại giá trị của bạn đến người khác: tính ký luật, sự tự nhận thức về bản thân và xã hội, sự sáng tạo, tính ổn định, vv...)

+ Chuẩn bị những mẫu đối thoại: Nhiều người khác cũng đang phải vật lộn với việc bắt đầu một cuộc trò chuyện như bạn đang mắc phải. Hãy khiến họ cảm thấy mọi thứ dễ dàng hơn bằng các chuẩn bị một vài điều gì đó thú vị để họ có thể đưa thêm ý kiến của mình vào đó. Một chiếc cà-vạt bắt mắt (dù không mới), một cách thắt cà-vạt thú vị, một cái nhãn, một chiếc nhẫn, đồng hồ, vòng cổ độc đáo (nhưng hấp dẫn), hoặc một chiếc áo thun có in chữ ("Bạn là fan của đội bóng/ ban nhạc/ trang web X ấy à?") được mặc một cách bình thường thôi, có thể gợi lên những câu hỏi tò mò từ mọi người để khơi lên một cuộc trò chuyện. Nón, kính mắt, hình xăm, và vâng, những giống chó nuôi cũng gây được hiểu quả tương tự.

+ Râu cũng là một nhân tốt bắt chuyện hứa hẹn. Ở một buổi hòa nhạc gần đây, một người đàn ông đứng cạnh tôi quay sang và nói: "Tôi có cảm giác như là ai đó đang nói về chuyện con voi trong căn phòng này, đấy là bộ ria mép tuyệt nhất tôi từng thấy". Rồi anh ta hỏi tôi rằng tôi có phải "cớm' không, tôi đùa rằng nếu tôi thật sự là "cớm", thì tôi sẽ không tiết lộ chuyện đó ra đâu, và rồi chúng tôi có một buổi nói chuyện thân thiết với nhau.

Social briefing 7 : Hướng dẫn giao tiếp: Bắt chuyện với phương pháp ARE

Giờ thì bạn đã biết cách tiếp cận người khác để bắt chuyện, và cách khiến người khác tiếp cận và bắt chuyện với bạn.

Nhưng một khi bạn đã “bước vào” cuộc trò chuyện thì sao? Làm thế nào để thực sự bắt đầu tán gẫu và làm thế nào để xây dựng cuộc trò chuyện từ đó?

Chuyên gia giao tiếp Tiến sĩ Carol Fleming đã lập ra một công thức được xem là phương pháp dễ dàng và hiệu quả nhất để bắt đầu tán gẫu: một quá trình gồm ba bước từ Anchor (Thả neo), đến Reveal (Tiết lộ), đến Encourage (Khuyến khích) - “ARE”.

Ta hãy cũng phân tích từng bước một.

Anchor - Thả neo

Bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách thả neo trong “thực tế chia sẻ tương quan”. Lời mở đầu của bạn nối dài sợi chỉ nhỏ đầu tiên liên kết bạn với đối phương - những điều vui vẻ nhỏ nhặt nhất về một thứ mà các bạn cùng nhìn thấy hoặc trải nghiệm. Bạn có thể nói về những gì xảy ra xung quanh mình - thời tiết, khí hậu, môi trường, thức ăn, sự việc tình huống bạn đang gặp phải - hoặc khen ngợi người bạn đang muốn trò chuyện.

  • Dọn đồ đạc sau bữa học: “Mấy câu hỏi trong bài kiểm tra khác hoàn toàn so với những gì tớ nghĩ luôn.”
  • Vô tình gặp nhau trong phòng tập tạ: “Nâng cừ đấy!”
  • Đứng xếp hàng chờ thức ăn trong một đám cưới: “Bánh nướng cho món tráng miệng đám cưới! Tôi chưa từng thấy bao giờ, nhưng ngon phết đấy.”

Đừng lo lắng mà nghĩ rằng những câu bình luận này quá hời hợt, và tìm kiếm trong hư vô một điều gì đó thật xuất thần để nói. Fleming gọi những trao đổi ấy là “tiếng ồn thân thiện”, và cả hai đều biết chúng chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng đó là một cách chậm rãi và lịch sự để nối tiếp đến một cuộc trò chuyện “thật sự”.

Reveal - Tiết lộ

Tiếp theo, tiết lộ một điều gì đó về bản thân bạn có liên quan đến mỏ neo bạn vừa thả ra:

  • “Đây là lần đầu tiên tớ quyết định học hành đàng hoàng trong học kỳ này, nhưng có lẽ tớ học sai bài hết rồi!”
  • “Tôi cũng muốn nâng được tạ nặng như thế.”
  • “Đó giờ tôi cũng chả thích bánh ngọt ở đám cưới cho lắm.”

Bằng cách cởi mở hơn một tí, ta nối dài đến đối phương thêm một vài sợi chỉ liên kết và tin tưởng, đồng thời cung cấp cho họ một tín hiệu để đáp lại.

Encourage - Khuyến khích

Giờ thì bạn trao gậy tiếp sức đến đối phương bằng cách đưa ra một câu hỏi:

  • "Đề kiểm tra có khiến cậu bất ngờ không?"
  • “Bạn có đang theo một chương trình đặc biệt nào không?”
  • “Bạn có [thích bánh ngọt ở đám cưới không?]”

Tiếp tục xây dựng cuộc trò chuyện

Bằng cách áp dụng phương pháp ARE hiệu quả, bạn sẽ thành công trao đổi một số vui thú, nhưng những sợi chỉ tán gẫu mỏng manh này vẫn rất dễ mòn và đứt ở thời điểm này.

Vì vậy nên bạn sẽ muốn dệt những sợi chỉ ấy thành một sợi dây chắc chắn. Bạn có thể làm điều này bằng cách đưa ra những lời bình luận và câu hỏi nối tiếp được thiết kế để gợi ra câu trả lời và tiếp tục xây dựng cuộc trò chuyện. Đưa ra bình luận cần nhiều kỹ năng hơn, vì lời bình luận ấy phải tiếp tục sự đối đáp qua lại của cuộc trò chuyện. Trong trường hợp lý tưởng, bạn nên xây dựng một bình luận và cả một câu hỏi dự phòng trong đầu để nếu như đối phương chỉ đáp lại lời bình của bạn bằng một tiếng cười hoặc một cái “ờ hớ”, bạn vẫn sẵn sàng để tiếp tục câu chuyện.

Hãy cùng xem ba cuộc trò chuyện mẫu trên sẽ tiến triển thế nào:

Bạn: “Mấy câu hỏi trong bài kiểm tra khác hoàn toàn so với những gì tớ nghĩ luôn. Đây là lần đầu tiên tớ quyết định học hành đàng hoàng trong học kỳ này, nhưng có lẽ tớ học sai bài hết rồi! Đề kiểm tra có khiến cậu bất ngờ không?”
Đối phương: “Hẳn rồi. Tớ đã rất chú tâm ôn giai đoạn Nội chiến mà không có câu nào về cái đó cả!”
Bạn: “Tớ nghĩ là nên tranh thủ điểm cộng đi tham quan viện bảo tàng. Cậu có biết chỗ nào được nhất không?”
--
Bạn: “Nâng cừ đấy! Tôi cũng muốn nâng được tạ nặng như thế. Bạn có đang theo một chương trình đặc biệt nào không?”
Đối phương: “Bạn có nghe qua Sức mạnh Khởi đầu chưa?”
Bạn: “Tôi chưa nghe bao giờ. Cái đó người mới bắt đầu có theo được không?”
--
Bạn: “Bánh nướng cho món tráng miệng đám cưới! Tôi chưa từng thấy bao giờ, nhưng ngon phết đấy. Đó giờ tôi cũng chả thích bánh ngọt ở đám cưới cho lắm. Còn bạn thì sao?”
Đối phương: “Không, bánh lúc nào cũng khô queo à.”
Bạn: “Chuẩn rồi! Có một lần tôi đi đám cưới chỉ có một bàn lớn đầy bánh quy và mấy ly sữa to vầy nè, tôi thấy đó là một ý tưởng tuyệt vời đấy.”
Đối phường: “Ừ nghe cũng hay đấy chứ.”
Bạn: “À bạn làm thế nào mà quen cô dâu chủ rể vậy?”

Dù bạn tiếp nối bằng bình luận hay câu hỏi, hãy đảm bảo cân bằng giữa hai sự lựa chọn: quá nhiều câu hỏi liên tiếp nhau sẽ khiến cuộc trò chuyện giống như một cuộc thẩm tra, và quá nhiều bình luận từ phía bạn khiến đối phương không có cơ hội để nói. Điều đó là không tốt, vì sự chú ý của bạn đến điều họ muốn nói mới chính là thứ khiến họ quý mến bạn.

Vậy nên hãy thiên cán cân về phía câu hỏi một tí, đặc biệt là câu hỏi mở rộng. Vậy làm thế nào để đưa ra câu hỏi mở và câu hỏi đóng? Đó là chủ đề ta sẽ bàn ở phần sau.

Social briefing 10: Bạn nên tiết lộ bao nhiêu thông tin với người mới quen?

Tỏ ra lạnh lùng, dè chừng hay quá cởi mở khi trò chuyện với người mới quen có lẽ đều không phải là cách để gây ấn tượng tốt. Muốn trở nên hấp dẫn và bí ẩn hơn trong mắt đối phương, chỉ nên tiết lộ một lượng thông tin vừa đủ bạn đầu - vừa khiến đối phương cảm thấy đủ gần gũi nhưng vẫn vương vấn đâu đó chút bí ẩn, khiến họ phải tò mò về bạn.

Vậy bao nhiêu là đủ? Đây quả là một câu hỏi khó!

Nếu bạn đang cảm thấy các mối quan hệ mới của mình thường có khuynh hướng “chết yểu” thì rất có khả năng bạn đang hơi quá cẩn trọng. Một chút thông tin về bản thân ban đầu có thể tạo cho đối phương sự tò mò và sức hấp dẫn nhất định. Và đôi khi, sự kín đáo của bạn sẽ bị hiểu như là sự lạnh lùng, thiếu quan tâm, hay thậm chí bị coi là bạn đang cố giấu diếm một điều gì đó về bản thân - cho dù có thể thực tế chỉ đơn giản là bạn không có gì nhiều để thể hiện.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, những người cởi mở thường tạo được thiện cảm hơn những người khép kín. Tiết lộ thông tin cá nhân với người mới quen cho họ cảm giác bạn tin tưởng họ, đánh giá cao họ, và muốn mối quan hệ này gần gũi hơn. Như chúng ta đã biết, trong một mối quan hệ, sự hứng thú phải đến từ hai phía. Bằng cách thể hiện cho ai đó thấy rằng bạn đang quan tâm đến họ thì nhiều khả năng họ cũng sẽ quan tâm đến bạn.

Trong các mối quan hệ mới, chúng ta luôn có tâm lý muốn biết đối phương là ai, chúng ta khó có thể nảy sinh tình cảm với một người lạ: không thể có sự gần gũi nếu không thấu hiểu. Nếu bạn không tháo lớp mặt nạ bảo vệ xuống, dần dần đối phương sẽ cảm thấy chán nản và muốn từ bỏ mối quan hệ này.

Vậy nên việc tự tiết lộ về bản thân là một điều cực kỳ cần thiết cho việc xây dựng mối quan hệ gần gũi với người khác. Vấn đề là nên tiết lộ bao nhiêu? Bởi vì quá cởi mở cũng là một điểm khiến bạn trở nên thiếu hấp dẫn.

Làm thế nào để có thể tránh rơi vào cái bẫy “overshare”? Một vài nguyên tắc cơ bản sau đây sẽ rất hữu ích để giúp bạn gây ấn tượng tốt với người mới quen.

Cân bằng thông tin

Đây là nguyên tắc đầu tiên cần ghi nhớ về việc tiết lộ thông tin cá nhân. Bạn nên tiết lộ những thông tin tương tự như thông tin mà đối phương đưa ra.

Tác giả cuốn First Impressions (Ấn tượng đầu tiên) đã áp dụng quy tắc tương tự trong trò chơi Poker: bạn sẽ không thể ngồi ở đó mà không có gì trong khi tất cả mọi người đều được trang bị đầy đủ.

Nguyên tắc thứ hai sau đây sẽ giúp bạn rõ cách để giữ lượng thông tin cân bằng với đối phương.

Trò chuyện theo từng giai đoạn

Trong cuốn Conversationally Speaking, chuyên gia truyền thông Alan Garner mô tả 4 giai đoạn để một cuộc trò chuyện có tiến triển tốt, trở nên quan trọng và có ý nghĩa hơn, bao gồm:

GĐ1 - Sáo rỗng: "lời chào hỏi" - đây là những nghi thức cơ bản để khởi đầu các cuộc trò chuyện. Bạn có thể bắt đầu với những câu đơn giản như: "Xin chào! cậu khỏe chứ?" hay "Rất vui khi được gặp em!"

GĐ 2 - Sự thật: Sau khi qua màn chào hỏi, mọi người bắt đầu trao đổi một số thông tin cơ bản về bản thân như quê quán hay công việc,... Garner lưu ý ở giai đoạn này mỗi người đều cố gắng tìm hiểu liệu mối quan hệ này có đủ chia sẻ, để biến nó trở nên tốt đẹp hơn hay không.

GĐ 3 - Quan điểm: Khi đã hiểu hơn về nhau, họ bắt đầu chia sẻ về quan điểm sống, góc nhìn về các sự kiện diễn ra xung quanh hay thể thao, tiền bạc, tình yêu,...

GĐ 4 - Cảm xúc: Garner cũng cho biết, "cảm xúc" khác với "sự thật" và "quan điểm" vì nó không chỉ mô tả những gì đã xảy ra và cách bạn quan sát chúng, nếu những thông tin ở giai đoạn 2 và 3 khiến cuộc trò chuyện trở nên hơi cứng nhắc và khô khan, thì đây chính là lúc thể hiện con người bạn. Cảm xúc mới chính là trái tim bạn, thứ thực sự khiến đối phương quan tâm và bị hấp dẫn.

"Cảm xúc" có thể là thứ đáng mong chờ nhất trong một cuộc trò chuyện nhưng bạn không nên vội vàng chia sẻ chúng. Hãy tiến hành từng giai đoạn một, từ những thông tin ngoài lề, rồi mới từ từ đào sâu vào những vấn đề mang tính cảm xúc nhiều hơn, nên thay đổi các chủ đề từ mức độ nhẹ đến mạnh.

Vậy câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để nhận biết đối phương đã sẵn sàng chuyển từ giai đoạn này qua giai đoạn khác? Bí quyết để kiểm soát tốc độ cuộc hội thoại là nếu bạn nhận ra bạn đang nói chuyện với một người mà bạn không muốn biết thêm về họ, hay bạn hi vọng mối quan hệ này sẽ kết thúc sớm, bạn có thể giảm tốc độ cuộc trò chuyện lại bằng cách chỉ nói về những điều “nông cạn”, không thay đổi quá nhiều chủ đề. Nhưng, nếu bạn phát hiện ra rằng, bạn đang bắt đầu hứng thú với đối phương, bạn muốn trở nên gần gũi với họ hơn, hãy tăng tốc độ lên một chút.

Trong trường hợp thứ hai, một khi bạn nghĩ rằng bạn đã dành đủ thời gian cho giai đoạn nào đó, hãy tiết lộ một chút thông tin trong giai đoạn tiếp theo để thử xem đối phương có hứng thú hay không.

Vd, nếu bạn đang ở giai đoạn “sự thật”, hãy là người đưa ra "quan điểm" trước, nếu người đó trao đổi lại một cách nhiệt tình thì nghĩa là bạn nên sẵn sàng để bắt đầu giai đoạn tiếp theo. Trong trường hợp họ vẫn muốn tiếp tục chia sẻ về thông tin cá nhân, hãy tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi trước khi gửi một tín hiệu khác.

Bắt đầu với các thông tin tích cực

Kể từ khi bước qua giai đoạn tạo sự thân mật, bạn có thể bắt đầu chia sẻ các vấn đề “nặng ký” hơn, ví dụ như về quá khứ không mấy đẹp đẽ hay vấn đề tài chính của bạn,...

Tuy nhiên, khi mới bắt đầu chia sẻ về cảm xúc và quan điểm của bản thân, hãy bắt đầu bằng các thông tin tích cực trước. Hãy để đối phương có cảm nhận tích cực về bạn trước khi muốn họ đón nhận những thông tin tiêu cực. Điều này sẽ giúp đối phương cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi đón nhận những thông tin đó.

Cân bằng giữa câu hỏi và đưa ra các nhận xét

Đặt nhiều câu hỏi là một cách để thể hiện sự quan tâm và thiện chí xây dựng mối quan hệ. Đây cũng là cách để giúp bạn kiểm soát cuộc trò chuyện (có thể đây là một điều giúp bạn lợi thế). Nếu bạn tự tin về kiến thức xã hội, bạn có thể hướng cuộc trò chuyện này về những chủ đề mà bạn quan tâm, hay giúp những người có tính cách nhút nhát có điều kiện để thoát khỏi vỏ bọc của họ.

Dùng câu hỏi để trả lời cho một câu hỏi khác cũng là một cách thông minh nhằm tránh tiết lộ bất cứ điều gì về bản thân bạn. Tuy nhiên đôi khi nó sẽ bị coi là quá cẩn trọng, khiến đối phương cảm thấy bạn có điều gì đó muốn che giấu hoặc bạn chẳng có gì hay ho để chia sẻ cả.

Dẫu việc đặt nhiều câu còn còn tốt hơn là cứ liên tọi nói về bản thân mình, tuy nhiên cũng đừng nên quá lạm dụng đặt câu hỏi nếu không muốn biến cuộc trò chuyện trở thành một buổi thẩm vấn. Hãy để đối phương có cơ hội được đặt câu hỏi ngược lại.

Một cách để đánh giá xem bạn có đang tiết lộ quá nhiều thông tin so với đối phương hay không là hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân: những thông tin mà bạn có được về người bạn mới có bằng lượng thông tin mà họ biết được về bạn hay không?

Nếu câu trả lời là không, nghĩa là bạn đang nói về bản thân mình quá nhiều trong khi lại đặt quá ít câu hỏi hoặc bạn đã hỏi quá nhiều mà quên mất chia sẻ về bản thân mình. Hãy cân bằng lại điều này trong những mối quan hệ mới để tạo nên sự hấp dẫn và thu hút cần thiết.

Và cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng: cái gì nhiều quá cũng không tốt, vừa đủ mới là nhất. Chúc các bạn sẽ áp dụng được các tips trong bài này để cải thiện các mối quan hệ một cách tốt nhất. 

Người dịch: Hồng Phương - Nga Levi - Bùi Hồng Anh


Nguồn: http://www.artofmanliness.com/2017/02/08/social-briefing-2-others-see-differently-see/

menu
menu