Sự buông xả trong Phật giáo có giúp mối quan hệ lành mạnh hơn?

su-buong-xa-trong-phat-giao-co-giup-moi-quan-he-lanh-manh-hon

Những người yêu nhau thèm khát sự cuồng nhiệt, những tín đồ Phật giáo nói rằng dục vọng đem lại đau khổ. Liệu chúng ta có thể yêu say đắm nhưng vẫn trong tâm thái buông xả hay không?

Con người là những động vật xã hội. Chúng ta sống theo bầy đàn. Chúng ta chăm sóc con cái của mình trong nhiều năm dài. Chúng ta hợp tác với nhau (trừ Quốc Hội Mỹ ra). Đa số con người chúng ta đều có những mối quan hệ lâu dài với những cá nhân khác–điều mà các nhà sinh học gọi là ghép đôi lâu dài.

Một số những kết nối này, như bạn chắc đã chứng kiến, lại lành mạnh hơn những kết nối khác. Đó là lúc lĩnh vực khoa học mối quan hệ xuất hiện. Những nhà khoa học mối quan hệ nghiên cứu cách thức để xây dựng và duy trì những mối quan hệ lâu dài, thắm thiết. Chúng tôi thực hiện những thí nghiệm trong phòng thí nghiệm để hiểu được những nhân tố làm cho một mối quan hệ thăng hoa hay lụi tàn.

Trong những năm gần đây, những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học mối quan hệ, bao gồm chúng tôi, đã hướng về một nguồn cảm hứng đầy bất ngờ: Phật Giáo. Chúng tôi nói “bất ngờ” bởi vì những tâm điểm giáo lý của Phật giáo là buông bỏ những sự dính mắc dai dẳng, nhưng một mối quan hệ lại chính là định nghĩa của một sự dính mắc dai dẳng. Làm sao mà những ý tưởng mâu thuẫn này có thể được dung hòa với nhau? Và ý kiến của khoa học là gì?

Hãy bắt đầu với những kiến thức căn bản về sinh học. Trong một mối quan hệ lành mạnh, bạn cảm thấy thật tuyệt khi người yêu của mình ở bên cạnh. Không có gì ngạc nhiên cả. Nhưng bạn có thể không biết rằng cảm giác tuyệt vời đó xảy ra bởi vì bạn và người yêu của mình đang điều hòa hệ thống thần kinh của nhau.

Quá trình đó bắt đầu với bộ não của bạn. Trái lại với niềm tin thông thường, công việc quan trọng nhất của tâm trí bạn không phải là suy nghĩ. Mà đó là duy trì tất cả hệ thống sinh học trong cơ thể của bạn để nội tạng, hormone và hệ miễn dịch có thể hoạt động trơn tru và giữ được cân bằng. Bộ não của bạn làm được điều này bằng cách dự đoán và đáp ứng nhu cầu cơ thể của bạn 24/7. Ví dụ, nếu bạn cần đứng dậy, bộ não của bạn dự đoán và tạo ra sự thay đổi huyết áp (hy vọng là) vừa phải để bạn không ngất đi. Nếu bộ não của bạn dự đoán bạn đang thiếu muối, bạn sẽ cảm thấy thèm đồ mặn v.v.

Quá trình đang diễn ra này giống việc quản lý hầu bao cho cơ thể bạn vậy. Hãy nghĩ về việc quản lý tài chính, đó là khi bạn theo dõi thu nhập và chi tiêu để không bị thâm hụt. Bộ não của bạn cũng làm công việc tương tự, thay vì tiền của bạn, nó quản lý những tài nguyên như nước, muối và đường. Nếu ngân quỹ của bạn chạm tới vạch đỏ (như khi bạn mua một chiếc xe mới), bạn sẽ phải trả lại số tiền mà bạn mượn, và nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, thì sau một thời gian ngân quỹ của bạn vẫn giữ được cân bằng. Điều đó cũng đúng với quỹ của cơ thể: bạn có thể tham gia một cuộc chạy đua đến kiệt sức nhưng sau đó bạn phải bổ sung hoặc ‘hoàn trả’ những tài nguyên của bạn bằng cách nghỉ ngơi, ăn uống. Cái tên khoa học cho hành động cân bằng này chính là allostasis (quá trình nội cân bằng). Mục tiêu của bộ não đó là duy trì việc thu chi của cơ thể sao cho cân bằng trong phần lớn thời gian và hoàn trả bất kỳ món nợ nào nếu có. Quá trình này phải diễn ra thật nhanh và hiệu quả, bởi vì bản thân việc cân bằng thu chi cũng đòi hỏi bộ não phải làm việc cật lực rồi.

Bây giờ là phần hay ho đây. Con người cũng giúp nhau cân bằng thu chi trong cơ thể. Khi một đứa trẻ được sinh ra, những người trưởng thành trong cuộc đời trẻ giúp điều hòa quỹ trong cơ thể của trẻ bằng cách cho trẻ ăn, ôm ấp và nói chuyện với trẻ. Họ dạy trẻ lúc nào phải đi ngủ. Họ chơi game với trẻ và đọc truyện cho trẻ. Những hoạt động này đem lại sự quản lý thu chi mà trẻ cần để bộ não có thể phát triển bình thường. Đây chính là lý thuyết sinh học căn bản của sự gắn kết giữa đứa trẻ và những người nuôi dưỡng. Cuối cùng, đứa trẻ trở nên có thể tự điều hòa hệ thống thần kinh của mình và cân bằng quỹ cơ thể của chính mình, nhưng việc quản lý quỹ cơ thể nhờ vào xã hội chưa bao giờ dừng lại hoàn toàn.

Sự gắn kết giữa những người lớn cũng hoạt động tương tự. Đa số chúng ta có thể cung cấp quần áo và thức ăn cho chính mình và biết khi nằm nên mặc áo ấm để điều hòa thân nhiệt của mình, nhưng chúng ta cũng phải xử lý những yêu cầu của công việc, việc thiếu ngủ và thiếu thời gian vận động, ăn quá nhiều thức ăn độc hại, có thể phải sống hoặc làm việc ở những điều kiện ồn ào hoặc đông đúc, và phải chiến đấu với những gã ngu xuẩn luôn cản đường ta hết lần này đến lần khác. Việc quản lý quỹ cơ thể là một nhệm vụ cực kỳ quan trọng trong cuộc đời này. Cho nên chúng ta cần những người khác xung quanh ta để giúp quỹ của chúng ta ổn định và giữ cơ thẻ khỏe mạnh.

Cái giá phải trả khi không có được sự gắn kết lành mạnh với những người khác là gì? Những nhà khoa học nghiên cứ về sự cô đơn đã đem đến một câu trả lời rõ ràng: có một nguy cơ tử vong cao hơn 30% đối với những người khai báo rằng họ đang sống trong cô độc tại thời điểm bảy năm sau cuộc phỏng vấn. Đó là một nguy cơ cao hơn nguy cơ chết vì một căn bệnh phổ biến như béo phì. Một bộ não đơn độc và cô đơn dành quá nhiều tài nguyên để cân bằng đến nỗi nó bắt đầu rơi vào thâm hụt trong thời gian dài. Bộ não sau đó đối xử với cơ thể như thể nó đang bị bệnh. Nếu quá trình này xảy ra đủ lâu, hệ miễn dịch sẽ can thiệp và hậu quả đó là các chứng bệnh xuất hiện sớm bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, trầm cảm, ung thư và những bệnh khác liên quan đến trao đổi chất.

Những mối quan hệ lành mạnh giúp bạn sống lâu hơn. Bạn và người yêu của bạn trong vô thức điều hòa hệ thống thần kinh của nhau để cả hai cùng có lợi. Nhịp tim của hai người cũng đồng điệu. Cả hơi thở cũng vậy. Ngay cả những hormones cũng hòa hợp với nhau. Trong những thời khắc căng thẳng, một cái ôm, một cử chỉ âu yếm nhẹ nhàng hay một lời nói êm diệu từ người yêu có thể giúp xóa tan đi những gánh nặng về thu chi của cơ thể. Việc chia sẻ gánh nặng này chính là nền tảng sinh học của sự gắn bó.

Thứ tốt nhất dành cho hệ thống thần kinh của bạn chính là một người khác. Đáng tiếc thay, thứ tồi tệ nhất cho hệ thống thần kinh của bạn cũng là một người khác. Một mối quan hệ thiếu lành mạnh có thể hủy hoại ngân quỹ cơ thể của bạn và, kèm theo điều đó, sức khỏe và cuộc sống của bạn. Vậy điều gì tạo nên một mối quan hệ lành mạnh hay thiếu lành mạnh, và làm sao bạn có thể duy trì một mối quan hệ? Phật giáo đưa ra một bộ những hướng dẫn về cách đối xử với người yêu của bạn (và bản thân bạn) để giảm sự đau khổ xuống mức thấp nhất. Logic ở đây không hề rõ như ban ngày mà cần giải thích một vài điểm, sau đây là bài học vỡ lòng ngắn về Phật giáo.

Đạo Phật đã tồn tại hàng nghìn năm. Một số người nghĩ đó là một tôn giáo, những người khác nghĩ đó là một bộ những chuẩn mực để sống một cuộc sống tốt đẹp. Dù là theo cách nào đi nữa, hàng triệu người ở thế giới phương Tây đã nhận ra rằng bạn chẳng cần phải là một tín đồ Phật giáo để thấu hiểu và áp dụng một số tư tưởng trong đó. Nhiều quyển sách giải thích cách áp dụng Phật giáo vào cuộc sống để hạnh phúc, khỏe mạnh và tập trung hơn. Nhưng Phật giáo vĩ đại hơn là một lý do để bạn tậu về một tấm đệm tọa thiền. Nó còn dung chứa những bí mật ngược đời giúp đưa bạn đến một mối quan hệ thỏa mãn và chất lượng hơn.

Một triết lý quan trọng của Phật giáo đó là mọi thứ đều vô thường. Bất cứ sự vật gì, như bông tulip đỏ trong vườn nhà bạn, đều thay đổi theo từng khoảnh khắc. Màu sắc của nó thay đổi theo ánh sáng. Sự lộng lẫy của cánh hoa thay đổi dựa trên độ ẩm trong không khí. Nếu bị đặt sai chỗ, như vườn rau, bông tulip sẽ không làm một bông hoa nữa mà trở thành cây dại. Bông tulip không có một bản tính duy nhất và thường còn. Điều đó cũng đúng với bạn. Bạn là thật – bạn tồn tại – nhưng, từ góc nhìn của một tín đồ Phật giáo, bạn không hề có một thể tánh cốt lõi chia tách bạn với sự vật xảy ra quanh bạn. Thể tánh của bạn được thành tựu trong từng giây phút, theo từng phần, và dựa vào hoàn cảnh của bạn.

Nếu bạn tin rằng bạn có một ‘bản ngã’ trung tâm độc nhất, thường hằng và bất biến, thứ định nghĩa nên bạn theo cách độc nhất vô nhị, thì niềm tin này, dựa theo triết lý Phật giáo, chính là căn nguyên của sự đau khổ. Ở đây, đau khổ không đơn giản là sự bất an thể xác, như bị cúm hay đóng cửa trúng tay. Đau khổ mang tính cá nhân: bạn sẽ phải vất vả để tránh phải cảm thấy khiếm khuyết theo cách nào đó. Bạn sẽ phải lo nghĩ mãi về danh tiếng của mình hay khi bạn thất bại trong việc sống theo kỳ vọng của người khác. Theo cách này, việc tin rằng bạn có một bản ngã chân thực tệ hại hơn là một cơn bệnh ngoài thân đang khỏi từ từ; đó là một sự khổ não trường tồn (nói cách khác: ngân quỹ cơ thể của bạn bị thâm hụt thường xuyên).

Nhiều người đi qua cuộc đời với niềm tin rằng họ có một thể tánh trung tâm bất biến. Họ cũng thường nghĩ rằng bạn bè, gia đình, người quen và người yêu cũng có những bản ngã thường hằng. Không có gì lạ, bởi vì lúc nào chúng ta cũng diễn tả bản thân theo cách này. Chúng ta đến những buổi hẹn hò và vấn đáp nhau về con người của chúng ta. Trong những cuộc phỏng vấn xin việc, câu hỏi kinh điển nhất đó là: ‘Hãy nói tôi nghe về bản thân bạn.’ Hàng tỉ những bài khảo sát bạn thấy trên mạng và trong những tạp chí yêu cầu bạn mô tả bản thân mình: bạn là người hướng nội hay hướng ngoại? Người yêu chó hay yêu mèo? Khi chúng ta trả lời những loại câu hỏi này, chúng ta gần như luôn trông chờ để phát hiện ra những đặc tính bất biến của một thể tánh trung tâm thường hằng.

Hãy chiêm ngưỡng bông hoa tulip bởi vì nó đang hiện hữu ở đó, không phải bởi vì bạn đang ở đó

Đạo Phật cảnh báo rằng một bản ngã thường hằng chỉ là sự ảo tưởng. Thay vì vậy, ‘bản ngã’ của bạn dựa theo từng tình huống. Không có gì khác thường khi bạn thân thiện vào lúc này, nhút nhát vào lúc khác, và thô lỗ vào lúc khác nữa. Khi bạn bám chấp vào ảo tưởng bạn có một bản ngã quan trọng, chân thực, và thường hằng – được gọi là hành vi thực thể hóa bản ngã – điều này sẽ chuẩn bị cho bạn một cuộc sống khổ đau. Bạn sẽ thèm muốn những thứ vật chất bên ngoài để nâng đỡ cho ảo tưởng này. Bạn sẽ thèm khát danh lợi. Bạn sẽ thèm khát quyền lực. Bạn sẽ bám lấy những lời khen và tán dương từ người khác, ngay cả khi đó là những lời dối trá. Nhưng vấn đề thực sự ở đây không phải là người khác dối gạt bạn, mà đó là bạn đang dối gạt bản thân mình. Những sự thèm khát này chính là những chiếc còng bằng vàng, thứ đem lại cho bạn sự thỏa mãn nhất thời nhưng cũng củng cố thêm cho cái bản ngã hư ảo của bạn, đánh bẫy bạn và đem lại cho bạn nỗi khổ đau không hồi kết, cảm xúc tiêu cực và kiếp sống nô lệ cho một sự tồn tại ảo vọng và mong manh.

Một trong những công cụ chủ yếu của đạo Phật để tránh hành vi thực thể hóa bản ngã (hay những sự vật trên thế giới) đó là thiền chánh niệm. Dựa theo một số dòng tư tưởng triết lý Phật giáo, những trải nghiệm của con người có thể được chia tách ra thành những thành tố cơ bản, cũng giống như những ‘nguyên tử’ tạo nên suy nghĩ, cảm giác và nhận thức. Trí tuệ trong đạo Phật, nghĩa là trải nghiệm những thành tố căn bản này một cách trực tiếp, mà không bị kẹt trong lớp vô minh của tham vọng và thèm muốn đi cùng với niềm tin về một bản ngã thường hằng bất biến. Thiền chánh niệm có thể phá vỡ lớp màn vô minh cho rằng những sự vật, người khác và ngay cả chính bạn đều không thay đổi trong mọi thời điểm. Sau đó chúng ta có thể nhìn nhận mọi thứ theo bản chất của chúng, để trải nghiệm mỗi khoảnh khắc như cảm giác ban sơ mà không có bất kỳ sự suy luận nào thêm cả.

Ví dụ, nếu bạn thấy một cây tulip mọc dại trong vườn rau của bạn, bạn có thể muốn nhổ nó đi, hoặc ngắt nó để tặng cho người yêu. Nhìn trên quan điểm của Phật giáo, bạn đang nhìn bông tulip dưới lăng kính của nhu cầu và tham vọng của bạn, những thứ dính chặt với ảo tưởng về bản ngã của bạn. Để nhìn thấy bông tulip theo đúng bản chất thực của nó, bạn phải buông bỏ những câu chuyện xung quanh bản ngã về bông hoa tulip–tại sao nó không thuộc về nơi này, hay người yêu bạn sẽ thích nó đến nhường nào–và trải nghiệm bông hoa tulip theo cách không kéo theo nhu cầu của mình vào. Hãy chú ý màu sắc tuyệt đẹp của nó, ngỡ ngàng trước sức mạnh của tự nhiên, trải nghiệm nghịch lý khi một bông hoa lớn cùng với đám rau củ. Hãy trân trọng bông hoa tulip bởi vì nó ở đó, không phải bởi vì bạn ở đó. Trong triết lý Phật giáo, đây chính là khía cạnh quan trọng nhất của trí tuệ.

Trí tuệ này có ý nghĩa gì trong thực tế? Bạn có thể vận dụng nó để tiếp cận với trải nghiệm của bạn một cách rõ ràng hơn. Khi bạn cảm thấy tức giận và tim đập thình thịch rồi lông mày ướt mồ hôi, bạn sẽ rất dễ bị kẹt lại trong tình huống giận dữ và càng làm vấn đề tệ hơn. Nhưng thiền định giúp bạn nhận thức được nhịp tim và đổ mồ hôi như những cảm giác vật lý, và cho phép cơn giận tan đi. Trong thuật ngữ Phật giáo, bạn đang phá từng lớp cơn giận của mình – và bản ngã hư ảo của bạn – thành từng thành tố cơ bản của nó và đạt được trí tuệ trong suốt quá trình. Phá từng lớp bản ngã không phải việc dễ dàng: sẽ có thể mất nhiều năm để thành thạo (cứ thử hỏi một tu sĩ Phật giáo mà xem), nhưng điều đó hoàn toàn có thể với sự hành trì.

Một cách áp dụng thực tế của trí tuệ này đó là sự nhận ra quá trình thay đổi. Một cái nhìn sâu sắc hơn vào bông hoa tulip cho ta thấy một quá trình thay đổi không ngừng, và điều đó cũng đúng với bạn. Cho nên, bạn có thể thẳng như ruột ngựa vào một ngày nọ và lươn lẹo như rắn vào một ngày khác, và không có cái nào đại diện cho bản ngã thực của bạn cả bởi vì bạn làm gì có một bản ngã thực. Bạn chỉ hành xử khác nhau trong hai trường hợp. Góc nhìn này có thể giúp bạn huân tập lòng từ bi cho chính mình khi bạn hành xử sai lầm hay làm mọi thứ rối tung lên. Bản thân bạn không phải là một người xấu – bạn chỉ hành xử không tốt ở một số tình huống mà thôi.

Ý tưởng về một bản ngã luôn hằng biến chuyển được nhắc đến nhiều lần trong tâm lý học hiện đại. Đôi khi bạn nghĩ bạn trình diện bản thân bằng sự nghiệp của mình. Đôi khi bạn là một người bạn. Đôi khi bạn là một bậc cha mẹ, hay con cái, hay người yêu. Đôi khi bạn là một nhạc sĩ, một nghệ sĩ, một đầu bếp, một thợ sửa chữa. Đôi khi bạn chỉ là cơ thể của bạn. Những nhà tâm lý học xã hội đã xây dựng mô hình của sự đa dạng này gọi là ‘đa bản ngã’ (multiple selves), dựa trên nghiên cứu tiên phong vào những năm 80 thế kỷ 20 bởi nhà tâm lý học xã hội Hazel Markus, người đã cho mọi người thấy rằng họ có hàng loạt những cái tôi khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau.

Tất cả những ý tưởng này không chỉ đúng với bản ngã của chính bạn mà còn với bản ngã của người khác. Khi bạn thực thể hóa người khác, bạn nhầm lẫn con người đang ở bên cạnh bạn trong giây phút hiện tại với một hiện hữu trường tồn với thời gian, bất di bất dịch. Do đó, “gã người yêu cũ điên rồ” mà bạn đã hẹn hò năm ngoái vừa là ‘người yêu cũ’ vừa là ‘kẻ điên rồ’ trong hôm nay và mãi về sau. Não trạng này được cho là một rào cản ngăn bạn đạt được lòng từ bi và làm tăng thêm sự đau khổ trên thế giới. Thay vào đó, Phật giáo khuyên bạn nên cố gắng nhìn nhận những người khác theo đúng bản chất của họ, ngay với với gã người yêu cũ ngu ngốc. Khi bạn không thực thể hóa họ theo nhu cầu của bạn – hãy nghĩ về bông hoa tulip ở đây–bạn có thể dễ dàng có được lòng từ bi với họ hơn. Trong quá trình đó, bạn làm nhẹ đi đau khổ của họ và của bạn.

Thoạt nhìn qua thì Phật giáo dường như đối nghịch với bằng chứng khoa học cho rằng con người là động vật xã hội. Chúng ta biết những sự gắn kết chặt chẽ với người khác là rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta; nếu không có chúng, chúng ta sẽ dần hao mòn và chết sớm hơn. Mặt khác, Phật giáo lại nói rằng những mối quan hệ liên quan đến những sự bám chấp có là đem lại rắc rối cho bạn, chính xác là bởi vì những sự bám chấp đó làm cho ta khó có thể nhìn ra bản thân và người khác một cách rõ ràng. Nhưng thật nghịch lý thay, tư tưởng Phật giáo cũng đưa ra những lời khuyên đầy thuyết phục để xây dựng và duy trì những sự gắn kết lành mạnh và được ngành khoa học về mối quan hệ nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây.

Lời khuyên đầu tiên đó là đừng thực thể hóa đối phương. Bạn có từng nghe một người bạn than vãn về người yêu (hoặc người yêu cũ), nói rằng: ‘Anh ta không phải là người như mình nghĩ,’ hay ‘Cô ấy là một người khác rồi’ chưa? Trong quan điểm Phật giáo, người bạn của bạn đang chịu đau khổ bởi vì anh ấy đã thực thể hóa người yêu của mình nhằm thực thể hóa bản thân. Đó là một câu chuyện bình thường. Hai người gặp nhau, họ tìm hiểu nhau, và họ trải qua những cảm xúc mãnh liệt dành cho nhau dựa trên hiểu biết đó. Trong quan điểm của khoa học thần kinh, những cảm xúc mãnh liệt dành cho một người khác luôn đi cùng với những niềm tin của bộ não về đặc điểm của con người kia. Những niềm tin này, những nhà khoa học thần kinh gọi là những dự đoán, giống như một lăng kính mà qua đó bạn học hỏi và trải nghiệm người khác theo những nhu cầu của chính mình. Những lăng kính như vậy làm cho bạn phải thực thể hóa cái tôi ảo của bạn và của người yêu bạn.

Triết lý Phật giáo lại mở ra một con đường khác. Đam mê, khao khát và sự mãnh liệt trong cảm xúc không hẳn là xấu nếu bạn kiềm chế chúng để hiểu được người kia là ai – không phải là một cái tôi thường hằng, nhưng là một cá nhân trong một tình huống nhất định. Hãy cứ giữ những cảm xúc mạnh mẽ đó đi, nhưng hay buông xả câu chuyện về người tình của mình (đó chính là việc chống lại hành vi dự đoán), những câu chuyện đi kèm với những cảm xúc đó. Thay vì vậy, hãy xem những cảm xúc đó như là một dấu hiệu để hiểu ra con người hiện tại của người yêu bạn là như thế nào, trong giây phút này. Hãy mở lòng ra để chấp nhận những điều mới mẻ (hay như những nhà khoa học thần kinh nói, chấp nhận ‘sai lầm trong dự đoán’.)

Khoa học mối quan hệ cho rằng những mối quan hệ tình cảm sẽ lành mạnh hơn khi bạn và người yêu của bạn nhìn nhận nhau theo hướng thiếu thực tế kiểu tích cực. Hiện tượng này, gọi là ảo tưởng tích cực, bao gồm việc phóng đại hay thậm chí là tưởng tượng ra những phẩm chất tốt đẹp ở đối phương. Thật kỳ lạ thay, có những bằng chứng cho thấy những ảo tưởng tích cực có thể làm bệ phóng cho những mối quan hệ lành mạnh. Những cặp đôi thần tượng hóa lẫn nhau thường cảm thấy hài lòng trong mối quan hệ. Tuy nhiên, từ góc nhìn Phật giáo những loại ảo tưởng này thường xuất phát từ nhu cầu bám víu lấy cảm giác về bản ngã đã được thực thể hóa. Trong quá trình dài, điều này có thể dẫn đến phát sinh những kỳ vọng thiếu thực tế và nỗi thất vọng. Thay vì vậy, hãy chú tâm vào những điều tích cực mà không có những ảo tưởng. Con người thường hài lòng hơn với hôn nhân của họ khi người bạn đời của họ thấy được những đức tính tốt ở họ mà bản thân họ không thấy. Một cách dễ dàng để thực hiện điều này chính là nhìn nhận hành động của người bạn đời dưới một con mắt độ lượng nhất.

Ví dụ, giả sử như người bạn đời của bạn không chú ý đến chi tiết, và vứt đồ đạc vào tủ lạnh mà không xem xét thứ gì bị ngã đổ. Bạn có thể đánh hành vi này là ngu ngốc, hay  theo những bất tiện mà nó gây ra cho bạn, hay thậm chí là một ảo tưởng tích cực (‘Anh ta là một thiên tài hay quên’). Hay thay vì vậy, bạn có thể đánh giá hành vi này theo một hướng độ lượng hơn: người bạn đời của bạn có quá nhiều việc phải nhớ, hoặc dấu hiệu của lão hóa. Bạn thậm chí có thể nhìn nhận sự thiếu chú ý của bạn như một đặc điểm tích cực, như không chú ý đến ngấn mở mới trên vòng bụng của bạn.

Khi bạn nhìn nhận hành động của người bạn đời mình qua một con mắt độ lượng, bạn không tạo ra một ảo tưởng, bạn đang thấu hiểu nhiều khả năng về ý nghĩa của hành động mà người bạn đời mình làm. Như đóa hoa tulip, người bạn đời của bạn luôn thay đổi.

Nếu bạn từ chối hơn thua, sự mâu thuẫn sẽ lắng xuống và đem lại một cơ hội để phát triển

Nhưng lỡ như vấn đề của bạn và người yêu nghiêm trọng hơn một cuộc chiến vì không gian tủ lạnh thì sao? Lỡ như người yêu của bạn nói bóng gió cố tình làm cho bạn đau khổ thì sao, hay thậm chí là đánh bạn thì sao? Đầu tiên và trên hết, bạn phải đảm bảo rằng mình đang an toàn về mặt thể chất. Quan điểm của Phật giáo không bao giờ là đứng yên một chỗ và giữ chánh niệm. Mà Phật giáo đưa ra một góc nhìn về điều bạn phải làm kế tiếp. Những người yêu thường có hành vi bạo hành đang cố để đạt được mục tiêu nào đó, thường là để cho bản thân cảm thấy tốt hơn, lấy lại sự tự tin và thực thể hóa bản ngã. Họ không biết cách để giải tỏa khổ đau của mình. Nếu bạn hiểu được nguồn gốc của sự hung hăng của họ, sẽ dễ hơn để bạn huân tập lòng từ bi và sự thấu cảm đối với họ. Lòng từ bi không có nghĩa là bạn chấp nhận làm một bao cát. Mà nó sẽ cho bạn bạn không gian để xem xét những phương hướng để ngăn người khác làm tổn thương bạn sau hơn, và ngăn họ làm tổn thương chính họ.

Một ví dụ tuyệt vời xảy ra vào tháng 12 năm 2017 khi diễn viên Sarah Silverman bị Jeremy Jamrozy trêu chọc trên Twitter, người này gọi cô với ngôn từ khiếm nhã. Thay vì ăn miếng trả miếng hay bỏ qua dòng Tweet, Silverman đã hồi đáp với lòng từ bi, Cô đọc profile của Jamrozy và đoán rằng anh ta thích bạo hành vì anh ta đang trải qua đau khổ. Cô đã bắt đầu nói chuyện với anh, anh xin lỗi, và Silverman giúp anh tìm một chuyên gia. Câu chuyện này đã thu hút được sự chú ý của dư luận, và Jamrozy đã gây quỹ để có 150 đô là chi trả tiền điều trị. Cuối cùng đã kêu gọi được hơn 4,500 đô là – tất cả bởi vì Silverman đã dành thời gian để thấu hiểu những cảm giác phía sau lời xúc phạm. Một cuộc chiến cần hai đối thủ, cho nên nếu bạn từ chối chiến đấu thì mâu thuẫn sẽ lắng xuống và mở ra cơ hội để phát triển.

DĨ nhiên, lòng từ bi thôi đôi khi là chưa đủ để giúp người khác thoát khỏi mê cung của sự vô minh của họ. Trí tuệ cũng có nghĩa là biết khi nào nên chấm dứt một mối quan hệ. Một cách tiếp cận theo Phật giáo là để chia tay mà không giận dữ hay thù hằn. Sự giận dữ chính là một dạng thiếu hiểu biết về quan điểm của người khác. Nếu bạn không thể hóa giải cơn giận đó với một liều chánh niệm, thì ít ra hãy cố gắng cho bản thân một chút giọt nước từ bi.

Lời khuyên thứ hai lấy cảm hứng từ Phật giáo cho một mối quan hệ lành mạnh đó là đừng nhìn nhận người yêu của mình qua lăng kính của chính mình. Bạn có thể biết một số người luôn nghĩ rằng mọi thứ đều xoay xung quanh họ. Họ làm những thứ cho người khác bởi vì điều đó cho họ cái họ muốn. Ví dụ, nếu bạn nhận được một lời đề nghị cho một công việc mới, người yêu của bạn có thể thúc ép bạn thỏa thuận một mức lương cao hơn không phải vì hạnh phúc của chính bạn, mà bởi vì bạn chính là phiếu ăn của người tình kia. Bạn bị đối xử như là một đồ vật vì người yêu của bạn thực thể hóa bản thân anh ấy hoặc cô ấy. Trong một mối quan hệ lành mạnh hơn, người yêu của bạn sẽ nhìn nhận bạn như là một cá nhân với những suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm và nhu cầu quan trọng riêng của mình. Sẽ không sao dù bạn được trả ít hơn vì đó là công việc làm cho bạn được thỏa mãn. Tâm thức này, thứ mà các nhà khoa học mối quan hệ gọi là sự đáp ứng (responsiveness), thể hiện lòng từ bi với bạn, và cuối cùng giảm thiểu khổ đau cho bạn và người yêu bạn.

Lời khuyên thứ ba lấy từ quan niệm trong Phật giáo rằng những mối quan hệ được xây dựng bởi hai người đồng điệu. Một quan niệm Phật giáo gọi là nhân duyên (hay cộng nghiệp) có nghĩa là hai người có thể có những ý định và hành động giống nhau dẫn đến những kết quả giống nhau. Trong môn khoa học mối quan hệ, nhân duyên được gọi là sự phụ thuộc lẫn nhau vì mục tiêu chung.

Nhân duyên rất có lợi cho những mối quan hệ tình cảm. Ví dụ, giả sử như người yêu của bạn đến sau lưng bạn và xoa bóp cho bạn. Có thể cử chỉ này có nghĩa là anh ấy hoặc cô ấy biết ơn khi được ở bên cạnh bạn hay chỉ bởi vì họ muốn được gần bạn. Hay có thể đó là một lời yêu cầu tình dục. Dù là cách nào đi nữa, miễn là bạn và người yêu của mình cùng chấp nhận một ý nghĩa – sự biết ơn, sự gần gũi, ham muốn – bạn đang xây dựng một mối quan hệ cùng với nhau. Trong góc nhìn khoa học thần kinh, nhân duyên nghĩa là những dự đoán phát ra từ não của bạn và người yêu của bạn đang trùng khớp với nhau trong giây phút hiện tại.

Nhân duyên nghĩa là cùng nhau viết nên một câu chuyện, chứ không phải mỗi người là nhân vật phụ trong lời kể chuyện của người kia

Tuy nhiên, cả hai cùng đồng thuận thôi vẫn chưa đủ, nếu người yêu của bạn cũng thực thể hóa bạn: cảm thấy sở hữu hơn là trân trọng, hay xem bạn như một món đồ vật thay vì gắn kết với bạn. Những ý nghĩa này không có liên quan gì đến bản thân bạn, và mọi thứ chỉ xoay quanh nhu cầu của người bạn yêu. Ngay cả khi hai người có sự thỏa thuận với nhau, mối quan hệ của bạn cũng đang gặp vấn đề đấy. Nhân duyên nghĩa là cùng nhau viết nên một câu chuyện, chứ không phải mỗi người là nhân vật phụ trong lời kể chuyện của người kia.

Cùng với các đồng nghiệp Christy Wilson-Mendenhall tại Đại học Wisconsin-Madison và Paul Condon tại Đại học Southern Oregon, chúng tôi nghiên cứu các cặp vợ chồng để khám phá các mối liên hệ giữa Phật giáo, sự gắn kết và ngân quỹ cơ thể. Khi một cặp vợ chồng tương tác với nhau, họ thường trân trọng nhau trong thời khắc hiện tại? Khi nào họ có thể trân trọng nhau nhau, điều đó có dẫn đến lối sống tử tế hơn, nhiều lòng từ bi hơn và một mối quan hệ lành mạnh hơn không? Và họ có giúp cân bằng ngân quỹ cơ thể của nhau trong quá trình này?

Cho đến khi nghiên cứu của chúng tôi được hoàn thành, Phật giáo vẫn là một nguồn cảm hứng hấp dẫn cho việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ có ý nghĩa. Như Markus viết: 'Bạn không thể có tự ngã khi chỉ có một mình’.

 

Tác giả:

Lisa Feldman Barrett là giáo sư tâm lý học tại Đại học Northeastern ở Boston và là tác giả của cuốn sách How Emotions Are Made: The Secret Life of the Brain (2017).

John Dunne là giáo sư tại Đại học Wisconsin-Madison.

 

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về quan điểm Phật giáo bàn về các vấn đề trong tình yêu, gia đình, mối quan hệ trong cuốn sách Tìm bình yên trong gia đình của thầy Thích Nhất Hạnh & Nghiệp Tình yêu của Geshe Michael Roach

"Tìm bình yên trong gia đình” cuốn sách của Sư ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh là tập hợp nhiều câu hỏi vấn đáp của quý Phật tử, mọi người ở khắp nơi gửi về cho Sư ông để giải đáp những vấn đề xoay quanh các mối quan hệ trong gia đình, giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái và cả cách vượt qua nỗi đau khi mất đi người thân… Quyển sách giúp chúng ta trở về với giây phút hiện tại, nhận diện và trân quý những gì mình đang có để nuôi lớn hạnh phúc của mình và những người mình thương.

https://thaihabooks.com/san-pham/tim-binh-yen-trong-gia-dinh/

Dịch: TLHTP

Nguồn: https://aeon.co/essays/does-buddhist-detachment-allow-for-a-healthier-togetherness

menu
menu