Sự đố kị: thuốc độc của tâm hồn

su-do-ki-thuoc-doc-cua-tam-hon

Bản chất con người là ích kỷ. Chúng ta muốn có mọi thứ và muốn thấy mình là trung tâm thế giới, muốn mọi thứ phải xoay quanh mình.

Tác giả: Bác sĩ trị liệu Wilhelm Stekel 

Thật không may, chúng ta không hiểu nhiều về bản thân mình!

Chúng ta thường coi mình là một khuôn mẫu của phẩm hạnh, đôi mắt sắc lạnh của ta chỉ trông thấy lỗi lầm của người khác. Chỉ khi ta hiểu được (điều này rất ít khi xảy ra) rằng mọi sinh mệnh đều như nhau, những điều tốt xấu đều nằm trong chính lồng ngực mỗi con người, thì ta mới có thể nhận ra lỗi lầm của người khác trong chính chúng ta. Khi ấy chúng ta có thể thấu biết mọi sự. Chúng ta cũng có thể có một cái nhìn sâu hơn vào bên trong sự đố kỵ của tâm lý cá nhân.

Bản chất con người là ích kỷ. Chúng ta muốn có mọi thứ và muốn thấy mình là trung tâm thế giới, muốn mọi thứ phải xoay quanh mình.

SỰ ĐỐ KỊ ĐẦU TIÊN KHỞI PHÁT KHI NHÌN TÀI SẢN CỦA NGƯỜI KHÁC

Bất chấp sự thật rằng, đó là thứ thuộc quyền sở hữu của người khác thì nó vẫn khiến con người ganh tị. Chúng ta thấy điều này lặp đi lặp lại trước mắt mình mỗi ngày.

Giờ bạn hãy thử chia một quả táo thành hai nửa. Nửa của người khác lúc nào trông cũng có vẻ to hơn, ngon hơn nửa của chúng ta, dù sự thực hai phần bằng nhau và như nhau.

Tôi từng có một chiếc áo khoác cũ mà tôi không mặc được nữa, tôi đem cho một người đồng nghiệp nghèo khổ. Với anh ấy thì đó là chiếc áo tốt nhất. Lần đầu tiên khi tôi trông thấy anh ta mặc chiếc áo “mới” này trước mặt mình, tôi đã rất ngạc nhiên trước vẻ lộng lẫy của nó. Rồi tôi tự trách không hiểu tại sao mình lại đem cho nó. Chính việc người khác sở hữu nó đã tác động đến suy nghĩ của tôi. Bằng tâm lý so sánh, chúng ta luôn thấy đồ của người khác đẹp hơn đồ của mình.

Bao nhiêu lần tôi khuyên giải cậu trai trẻ đang yêu nọ. Cậu ta nói về sự cay đắng tuyệt vọng đến mức muốn chết đi chỉ vì không có được tình yêu. Tôi bảo cậu ta rằng, những hình ảnh lí tưởng về người thương vẫn chiếm giữ tâm trí cậu ta, thời gian cũng không thể phá hủy hình ảnh đó. Nỗi nhớ tạo tác và tô điểm thêm vẻ quyến rũ cho nó.

Nhưng khi sự hào nhoáng của đam mê dần phai nhạt, khi chúng ta chiếm hữu được đối tượng, những khiếm khuyết sẽ dần lộ diện. Lí tưởng của họ rốt cuộc chỉ là một lỗi lầm họ nhìn thấy đều làm rạn vỡ một chút ảo tưởng của họ. Cuối cùng chỉ còn lại một vài mảnh vỡ khốn khổ, một vài mảnh vụn của sự tự hào mà họ đã từng trang hoàng cho nữ thần của họ.

SỞ HỮU CHÍNH LÀ MẤT MÁT!

Đấy là cảm giác của tôi với chiếc áo cũ của mình: của mình thì xấu, của người thì đẹp.

Đây thực sự là lời nguyền nặng nề giáng xuống con người thế gian. Chúng ta không có khả năng mãn nguyện với sở hữu của mình ở hiện tại. Cái chúng ta sở hữu chỉ cao giá khi người khác ganh tị với nó. Cảm giác được người khác ganh tị ngây ngất làm sao!

Toàn bộ cái ác của nhân loại phơi bày trong tính cách ganh ghét, đố kị này.

Chúng ta nên nhận ra, sự đố kị cay đắng đến thế nào, nó có thể gặm nhấm đến nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn và tra tấn con người ra sao.

Nhưng sự thực là chúng ta không thể nhận ra nó, hoặc chúng ta thực không muốn nhận ra nó, không dám đối diện với nó. Chúng ta chiến đấu cho thành công, thứ mang lại cho ta danh lợi. Nhưng danh lợi là gì? Danh lợi chính là sự ganh tị về tiếng tăm, là sự đố kị về tài sản. Một người không bao giờ nổi danh với chính mình. Người ta chỉ nổi tiếng giữa những người khác.

Hãy cùng quan sát sự xoay vòng của cuộc sống hàng ngày qua góc nhìn của một chú chim:

Những người phụ nữ ăn vận đỏm dáng y như một con công, với bao đồ trang sức trên người, giễu bộ trên phố. Kim cương, áo lông thú và váy lụa của họ đều đồng loạt thốt lên: “Tôi sở hữu nó, tôi sở hữu nó, tôi sở hữu nó. Các anh chị có thấy tôi sở hữu bao thứ không? Các anh chị có ganh tị với tôi không? Tôi vẫn còn nhiều thứ nữa. Ngày mai, tôi sẽ đến với nhiều thứ lộng lẫy hơn.” Và hiệu ứng xảy ra. Những chị em gái khác phát cuồng vì ganh tị. Không phải vì bất cứ điều gì cao đẹp trên thế gian này, họ nói ra sự thật tàn nhẫn rằng họ đố kị với những người giàu có hơn mình. Họ muốn có mọi thứ, trừ lòng thương hại.

HAI MẶT CỦA ĐỐ KỴ: SỰ GANH TỊ VÀ LÒNG THƯƠNG HẠI

Sự đố kỵ chỉ trở nên im lặng trước sự bất hạnh, và rồi nó biến thành lòng thương hại. “Ôi, sao lại có người đáng thương đến thế!” Lòng thương hại không phải là thật, nó chỉ là một sự vui thú ngầm ẩn trước đau khổ của người khác mà thôi. Nó là mặt sau của sự đố kị, một niềm vui bí mật dành cho những kẻ yếu kém hơn mình. Tiếng nói nội tâm của họ chính là “Như thế giờ ta chẳng cần phải ganh tị với tên hàng xóm bên cạnh nữa.” Vâng, lời nói của chúng ta dù trái lòng mình lại tiết lộ những bí mật đằng sau nó. Người ta thường cất lời trước những bất hạnh là: “Tôi không ganh tị với những người nghèo khổ.” Điều đó cũng ngụ ý rằng: “Tôi chỉ ganh tị với những kẻ hơn mình.”

Chúng ta nên thấy một sự thật rằng:

NGƯỜI LUÔN SẴN SÀNG CẢM THÔNG VỚI SỰ BẤT HẠNH CỦA BẠN CHẮC CHẮN THÀ KHÓC VỚI BẠN CẢ TRĂM LẦN CÒN HƠN MỘT LẦN CHIA SẺ NIỀM VUI CÙNG BẠN. Có những người không bao giờ để lỡ bất cứ cuộc ma chay nào, họ khóc lóc thảm thiết với đầy sự cảm thông. Bạn cũng thấy họ rất sẵn lòng nghe bạn than thở kể lể về những bất hạnh, mất mát, đau khổ, không may của bạn. Thực tế là những người này cũng hoang mang và khóc vì bản thân mình rất nhiều. Sâu thẳm trong lòng, họ vui khi có một cái cớ để rơi nước mắt. Họ mang trong mình một cảm giác mãnh liệt rằng chẳng cần phải ganh tị với ai cả. Nhưng sự thực thì khác, họ nuôi dưỡng lòng đố kỵ ngấm ngầm với những kẻ họ cho là hơn mình. Bởi vậy, hãy tỉnh táo trước những người thích bày tỏ lòng cảm thông bên cạnh bạn. Nếu một ngày nào đó, họ cảm nhận được sự vượt trội của bạn, thay vì cảm thông, họ sẽ chĩa mũi dùi đố kị sang bạn, đó là điều chắc chắn.

Có những người tự hào về gia sản của mình, về nhà cửa, mảnh vườn nhỏ, vợ chồng và những đứa con của mình, mọi thứ dường như đều rất có giá trị đối với họ, họ không ganh tị với bất cứ “ông vua giàu có” nào. Cảm giác họ có thể giải phóng bản thân khỏi sự đố kị nhỏ nhen. Ấy vậy trái lại, hơn ai khác, họ rất để ý tới ánh mắt ganh tị người khác dành cho mình. Trong lòng họ sẽ rất vui nếu thấy những ánh mắt vừa ngưỡng mộ vừa đố kị. Bạn có thấy cảnh tượng này quen thuộc: Một kẻ giàu có vút nhanh chiếc xe hơi qua những con phố, theo sau anh ta là vô số con mắt khao khát của những người ngoài kia. Những tia ganh tị phát ra xuyên qua những ô cửa kính và lởn vởn xung quanh kẻ diễu hành đầy vui mừng. Những ánh nhìn ấy chỉ làm tăng lên sự tự hào cho kẻ kia mà thôi, nó không thể làm cho họ nghèo khổ bất hạnh đi. Song, dưới lớp vỏ hãnh diện khoe khoang đấy cũng tồn tại một sự đố kị bí mật, giống như kẻ thù ngụy trang và chỉ chờ cơ hội đến. Bất cứ ai cũng có thể trở thành đối tượng để sự đố kị ấy nhằm vào.

Cuối cùng, chúng ta dù giàu có hay nghèo khó, dù tài giỏi hay kém cỏi, đều bất hạnh như nhau.

Kẻ bất hạnh chính là kẻ đố kị. Đó là thuốc độc giết chết chính tâm hồn họ, thay vì làm kẻ khác bất hạnh như họ thầm mong.

Ngay cả trong tình bạn, giữa những người bạn cũng có chỗ cho sự đố kị, ghen tị. Người nào càng thành công và càng may mắn, càng dễ cô đơn trong cuộc đời. Một người bạn sẽ rời bỏ ngôi đền của tình bạn thánh thiện chỉ bởi một ý nghĩ ghen tị nhỏ nhặt nhất. Tình bạn với con người chúng ta có nghĩa là một người nào đó mang đến cho ta thành công, và ta yên tâm giữ anh ta lại bên mình. Người không mang đến cho chúng ta tia sáng của danh lợi tình thì phải là một người có tâm hồn thật đặc biệt, thì ta mới giữ người bạn đó ở lại mà không vì ganh tị. Con người ích kỉ thế!

Nếu nhìn tận sâu vào trong cuộc sống của con người thế gian, bạn sẽ thấy một thứ ánh sáng lạnh lẽo, tàn độc kinh khủng. Bạn có thể bị hãm hại, xa lánh và mất đi những người bạn chỉ bởi bạn thành công và chiến đấu theo cách của mình.

Chúng ta quá bạc nhược để thú nhận với bản thân mình rằng chúng ta không thể chịu đựng được sự hạnh phúc của người khác. Chúng ta luôn tìm thấy những cái cớ để biện minh (Ai cũng tìm được cớ, chỉ là ta có muốn hay không).

Một sự thật cay đắng là khi bạn đang tận hưởng hạnh phúc của mình thì đồng thời những cái nhìn đố kị cũng ngấm ngầm hướng đến bạn. Con người có nhu cầu ganh tị với hạnh phúc của nhau còn hơn cả việc kết bạn với nhau.

SỰ ĐỐ KỊ KHÔNG CHỈ LÀ HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ CÁ NHÂN, ĐÓ LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ XÃ HỘI

Hãy thử nghĩ xem, tại sao chúng ta lại mong đợi được hàm ơn và công nhận đến vậy?

Có phải tất thảy con người đều được sinh ra với một cái Tôi đầy ích kỉ? Có lẽ gia đình và giáo dục nắm phần quyết định. Chúng ta hãy nhìn lại tuổi thơ và tuổi trẻ của mình, nhớ về những lời chúng ta được nghe: “Hãy nhìn đi, thằng bé mới ngoan làm sao. Cha mẹ nó chắc hẳn sẽ vui lắm!” Chúng ta luôn được giáo dục bằng ví dụ từ một người khác. Cái nhìn của chúng ta luôn bị hướng ra ngoài.

Điều đó dẫn đến việc phán xét quá mức về một người khác. Những gì ta thiếu sót, ta sẽ tìm kiếm nó ở những người xung quanh.

Lúc ta bất lực trong việc kiếm tìm hạnh phúc, thì tự khắc những người khác sẽ xuất hiện trước mắt và cho ta thấy họ hạnh phúc như thế nào.

Tự ti về điểm yếu của chính mình khiến ta luôn tưởng tượng về sức mạnh của người khác.

Tất cả những điều mà ta thiếu thì người khác đều có.

Ta kiếm tìm mọi điều ở những người xung quanh thay vì kiếm tìm trong chính ta. Bởi ta không nhận ra những phẩm chất của riêng mình, không thấy nó quý giá đến thế nào.

Ta đánh mất lòng tự trọng của mình bởi luôn đề cao người khác, bởi luôn đánh giá thấp bản thân mình.

Thay vì so sánh mình với người xung quanh, chúng ta nên đi sâu vào bên trong mình và sử dụng sức mạnh của chính tâm hồn mình.

Emerson từng được hỏi là tại sao ông không đi du lịch để ngắm nhìn vẻ đẹp của thế giới. Ông đáp lời: “Tại sao tôi phải tìm kiếm cảnh đẹp ở nước ngoài khi tôi có thể thoải mái ngắm nhìn không chán những cảnh đẹp trong chính khu vườn của tôi.”

Những phẩm chất cao quý nhất chỉ có thể tôi rèn khi không có sự đố kị, và tình yêu đích thực không có chỗ cho lòng ganh tị.

Những người không đố kị không phải là người có tất cả mọi thứ mà những người khác không có. Đơn giản là họ không so sánh mình với ai cả. So sánh thì sẽ thấy kẻ này thấp hơn người kia cao hơn. Họ chỉ sống với niềm vui hiện hữu trong chính những thứ mà họ có.

Nguồn tham khảo: Sách “Cái tôi được yêu thươngRa Vậy, Chúng Ta Đều Tự Yêu Chính Mình Quá Đỗi” - M.D. Wilhelm Stekel (Nhà tâm thần học & Bác sĩ trị liệu). Cuốn sách giúp bạn hiểu rõ muôn mặt của một tâm hồn vị kỷ đau khổ, vượt qua cái tôi vị kỷ để có một cái nhìn thực tế với cuộc đời và tìm thấy mục tiêu cuộc sống.

Xem sách tại: https://shope.ee/7zgczl5euh

menu
menu