Sự im lặng của nam giới trong các mối quan hệ

su-im-lang-cua-nam-gioi-trong-cac-moi-quan-he

Nỗi sợ xung đột trong các mối quan hệ của nam giới dẫn đến sự che giấu cảm xúc thật. 

Tóm tắt:

  • Phụ nữ đôi khi bị coi là đại diện cho sự thống trị và kiểm soát, trong khi nam giới được cho là tuân thủ và ngại nói lên những mong muốn thực sự.
  • Nam giới có thể ngại lên tiếng trong các mối quan hệ vì họ không thích xung đột và sợ bị bỏ rơi.
  • Nam giới thường cố gắng hết sức kiềm chế bản thân để tránh xung đột với phụ nữ nhưng điều này có thể gây ra hậu quả nặng nề.

Mục sư hỏi cô ấy

Cô ấy đáp bằng lòng

Mục sư lại hỏi tôi

“Anh ấy cũng bằng lòng” – cô nói

Mục sư liền tuyên bố

Hai con sẽ sống trọn đời bên nhau

Cô ấy không còn là phụ nữ, cô ấy là vợ con.

-Lyle Lovett, “Cô ấy không còn là phụ nữ”

Lời bài hát của Lyle Lovett là một trong những câu chuyện cười châm biếm mà ở đó người phụ nữ được mô tả với hình ảnh thống trị và đầy tính kiểm soát, còn nam giới được cho là tuân lệnh và ngại nói lên điều họ muốn. Nhà tâm lý học Dana Jack nổi tiếng với công trình nghiên cứu của cô ấy về áp lực gia trưởng buộc người phụ nữ phải im lặng trong các mối quan hệ thân mật và hậu quả về cảm xúc, sinh lý và văn hóa xã hội. Jack đồng ý rằng mặc dù nguyên nhân cũng như hậu quả nó gây ra là khác nhau, nam giới cũng phải thực sự đấu tranh để tránh sự im lặng trong các mối quan hệ thân mật. Kinh nghiệm lâm sàng của tôi cho thấy rằng nam giới thường có xu hướng kín đáo hơn nửa kia của họ trong việc cởi mở về cuộc sống nội tâm. Hầu hết các liệu pháp làm việc với các cặp đôi khác giới, người phụ nữ thường mở lòng về mặt tình cảm trước tiên. Nếu liệu pháp diễn ra một cách suôn sẻ, nam giới sẽ đi theo sự chỉ dẫn của người phụ nữ trong mối quan hệ đó và thích nghi với sự nhạy cảm của cô ấy.

Hai vấn đề lớn cản trở nam giới lên tiếng trong các mối quan hệ thân mật.

Đầu tiên đó là sự xấu hổ. nam giới đặc biệt miễn cưỡng khi nói lên nhu cầu và mong muốn của bản thân trong các mối quan hệ bởi định kiến xã hội cho rằng nam giới phải có khả năng tự chủ về mặt cảm xúc và thật xấu hổ khi thể hiện sự dựa dẫm vào bất kỳ ai.

Vấn đề thứ hai khiến nam giới không thể lên tiếng đó là nỗi sợ xung đột và hơn thế là nỗi sợ bị bỏ rơi. Nam giới thường ngại nói lên nhu cầu của mình trong một mối quan hệ bởi vì họ lo lắng rằng việc lên tiếng sẽ làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Nỗi sợ bị bỏ rơi của nam giới thường trở nên rõ ràng nhất trong khoảng thời gian mà họ né tránh những xung đột trong mối quan hệ. nam giới theo dõi trạng thái cảm xúc của người tình liên tục và cẩn thận, tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào có thể xảy ra xung đột, chỉ trích hoặc phản đối. Bất kỳ bằng chứng nào về sự không vui hay không bằng lòng thường được nam giới hiểu như là một sự trì triết hoặc thất bại. Họ ngay lập tức cho rằng họ đã sai ở đâu đó, bạn đang tức giận và sẽ không hài lòng cho đến khi họ tìm ra mình đã làm sai điều gì và sửa chữa nó. Sự trấn an từ những người vợ như “anh không làm gì sai” thường hiếm khi là đủ để nam giới buông tha cho những suy nghĩ đó của mình.

Nam giới thường sẵn sàng kiềm chế bản thân hết mức để tránh người phụ nữ nổi giận với họ. Nam giới có xu hướng biến sự né tránh xung đột và xoa dịu nửa kia trở thành điều quan trọng nhất trong một mối quan hệ. Câu thần chú “Nếu mẹ không hạnh phúc, không ai là hạnh phúc” trong thời thơ ấu của họ được thay thế bằng “Người vợ hạnh phúc là cuộc đời hạnh phúc”. Nam giới có thể trở nên bất an khi nửa kia của họ tức giận hoặc thái độ không hài lòng với họ đến nỗi họ coi tất cả những thứ xung quanh chẳng là gì cho đến khi vấn đề với người bạn tình của họ được giải quyết. Tất cả những gì họ muốn bây giờ là cô ấy đừng giận nữa.

Theo thời gian, đàn ông có thể sợ xung đột đến mức họ ngừng nỗ lực để xây dựng mối quan hệ. Khi đàn ông nói với tôi về những điều họ không hài lòng trong cuộc hôn nhân của mình, tôi hỏi anh ấy rằng anh đã bao giờ nói với người yêu của mình về những điều anh nói với tôi hay chưa. Thường họ sẽ nhìn tôi như thể tôi bị điên vậy. Làm sao mà tôi không hiểu được rằng việc nói với người bạn đời của họ về việc này sẽ chỉ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn?

Một trường hợp thực tế

Bill và Jane đến gặp tôi khi cuộc hôn nhân của họ đang gặp rắc rối nghiêm trọng. Bill trầm tính, sống nội tâm, không muốn giao tiếp nhiều với vợ hoặc tôi về những điều đang diễn ra trong tâm trí anh ấy. Jane thì hoàn toàn ngược lại: bộc trực, thường xuyên nói ra những suy nghĩ của mình mà không cần cân nhắc xem lời nói của cô ấy có thể ảnh hưởng như thế nào đến người cô ấy đang nói chuyện. Bạn có thể tưởng tượng được mối quan hệ của Bill và Jane bất ổn như thế nào. Bill thường xuyên đi công tác nhưng kể cả khi anh ấy ở nhà thì Jane vẫn cảm thấy thật sự cô đơn. Jane càng thúc ép mối quan hệ với Bill bao nhiêu thì anh ấy càng thu mình và im lặng hơn bấy nhiêu.

Tôi quyết định có một buổi nói chuyện riêng với từng người trong số họ. Khi Bill và tôi ở một mình, anh ấy bắt đầu giãi bày những năm tháng thất vọng về cuộc hôn nhân. Thật sự choáng váng, tôi hỏi Bill rằng anh ấy đã nói bao nhiêu trong số những điều này với vợ mình. Bill ngơ ngác nhìn tôi như thể đó là ý tưởng điên rồ nhất mà anh ấy từng được nghe. Bill đã không hé lộ bất cứ điều gì về những điều đang gây khó khăn cho mối quan hệ của anh với Jane và chưa từng có ý định làm như vậy. Bill nghĩ rằng ngay cả khi anh chưa anh chưa đả động gì đến những mối bận tâm của mình về mối quan hệ này mà Jane đã luôn tức giận anh đến như vậy. Anh ấy không thể tưởng tượng nổi sự tranh cãi sẽ nổ ra như thế nào khi anh nói cho cô biết về những gì thực sự đang diễn ra trong đầu mình.

Một vài tháng sau, Bill và Jane lại có một cuộc tranh cãi bùng nổ khác. Jane quyết định rằng cô ấy không thể chịu nổi nữa và đệ đơn xin ly dị với Bill. Bill vẫn chưa nói cho cô bất cứ điều gì về những suy nghĩ của anh trong mối quan hệ, và tại thời điểm này, có lẽ anh ấy cũng sẽ không bao giờ làm như vậy.

Tác giả: Avrum Weiss, Ph.D

-------------

Dịch giả: Trường Giang

Link bài gốc: Men's Silence in a Relationship

Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

menu
menu