Sự lạm dụng khái niệm "VICTIM BLAMING"

su-lam-dung-khai-niem-victim-blaming

Victim blaming - hay "Đổ lỗi cho nạn nhân" là hiện tượng người ta chửi mắng, chê bai, miệt thị nạn nhân để bao biện cho những kẻ gây tội ác. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ ràng và tỉnh táo giữa ĐỔ LỖI cho nạn nhân và CHỈ RA VẤN ĐỀ của nạn nhân trong vụ

Victim blaming - hay "Đổ lỗi cho nạn nhân" là hiện tượng người ta chửi mắng, chê bai, miệt thị nạn nhân để bao biện cho những kẻ gây tội ác. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ ràng và tỉnh táo giữa ĐỔ LỖI cho nạn nhân và CHỈ RA VẤN ĐỀ của nạn nhân trong vụ việc.

Sự lạm dụng khái niệm "victim blaming" để quy chụp cho bất kỳ ai như hiện nay có thể mang lại hậu quả không tốt, khiến cho nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm do chủ quan tăng lên nhiều hơn.

Bởi, ta hãy thử tìm hiểu các lý thuyết của Nạn nhân học:

- Lý thuyết về lối sống (Lifestyle theory)

Lý thuyết này được Hindelang, Goffredson và Garofalo đưa ra vào năm 1978. Theo cách nhìn của lý thuyết, việc trở thành nạn nhân của tội phạm phụ thuộc vào lối sống của nạn nhân, loại người mà nạn nhân kết giao, các hoạt động thường nhật của nạn nhân, giờ giấc mà nạn nhân lui tới các nơi công cộng.

- Lý thuyết về cơ hội (Opportunity model theory)

Lý thuyết này cho rằng những người là tội phạm có sự lựa chọn duy lý và họ sẽ chọn lựa những mục tiêu mang lại nhiều món lợi nhưng ít rủi ro nhất. Như vậy hành vi tội phạm có diễn ra hay không sẽ phụ thuộc vào hai điều kiện: có sự hiện diện của ít nhất một người có động cơ phạm tội và bối cảnh thuận lợi để người này thực hiện hành vi phạm tội.

Như vậy, nếu như các hoạt động của con người làm nảy sinh cơ hội cho tội phạm, họ sẽ trở thành nạn nhân của tội phạm.

- Lý thuyết về nạn nhân thúc đẩy cho tội phạm (Victim precipitation theory)

Đây là lý thuyết do Wolfgang phát triển vào năm 1958 mà theo đó, trong sự kiện tội phạm, có sự đồng chịu trách nhiệm của nạn nhân lẫn thủ phạm. Như vậy, việc trở thành nạn nhân của tội phạm là kết quả của những mối tương tác giữa hai hoặc nhiều người chứ không hẳn chỉ từ phía thủ phạm.

Theo các nghiên cứu của ngành Tội phạm học, Xã hội học Tội phạm, Nạn nhân học, Tâm lý học Tội phạm - thì thông thường sẽ có mối quan hệ giữa nạn nhân với nguyên nhân của tội phạm.

Nhưng khi phong trào tâm lý và quyền con người lên ngôi (mà những người tham gia lại không hiểu rõ về các lý thuyết xoay quanh nó), thay vì chỉ chống lại việc mạt sát và đổ tất cả lỗi lên nạn nhân, xúc phạm nạn nhân, bênh vực thủ phạm... Thì xu hướng xã hội đang dần chuyển sang tư tưởng rằng trong mọi trường hợp, "tất cả nạn nhân hoàn toàn không liên quan gì đến tội phạm, nạn nhân có quyền làm điều mình muốn còn tội phạm thì không được phép như thế". Họ phủ nhận sự thật rằng có thể nạn nhân cũng là một phần nguyên nhân liên quan đến hành vi phạm tội. Và tội phạm thì không quan tâm đến quyền của nạn nhân.

Những người chỉ đưa ra các lời khuyên rằng hãy tự phòng chống, cảnh giác để tránh tội phạm (như đừng uống say, đừng đi một mình, đừng tin người, đừng đeo quá nhiều đồ quý giá hớ hênh...) chứ không hề bênh vực tội phạm, nay liền bị xã hội gán nhãn là "cổ hủ, coi thường quyền con người, victim-blaming".

Ví dụ: người ta nói rằng "mặc hở hang đi một mình nơi vắng vẻ là quyền của nạn nhân, tội phạm không có quyền đụng vào cô ấy".

Nhưng trên thực tế, nếu biết tôn trọng quyền của nạn nhân và kiềm chế thú tính thì hắn đã không phải là tội phạm. Tội phạm là những kẻ sẽ không quan tâm đến quyền hay lợi ích của nạn nhân, chúng chỉ muốn thỏa mãn thú tính của chính mình thôi. Và theo phân loại tội phạm hiếp dâm, thì trong 4 loại đó có loại tội phạm "Hiếp dâm bốc đồng" – chính là loại sẽ tấn công các cô gái khi cảm thấy có kích thích tình dục bất ngờ.

Đừng quên Phòng, bao giờ cũng hiệu quả hơn là Chống.

Sự im lặng của những người đưa ra cảnh báo (vì sợ bị xã hội chửi nếu nói ra những lời không vừa ý đám đông) cũng sẽ tạo ra một khoảng trống về giáo dục sự cảnh giác, tự bảo vệ bản thân của mỗi người.

Vì vậy, tư duy sai lệch này đang đi ngược lại các lý thuyết chuyên ngành về tội phạm, khiến con người ta dần trở nên chủ quan, tự đẩy mình vào bối cảnh bất lợi và trở thành mồi ngon cho tội ác.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

CHÚ THÍCH

(1) Wolfgang được Tạp chí Tội phạm học Anh (The British Journal of Criminology) đánh giá là nhà nghiên cứu tội phạm học có ảnh hưởng nhất trong thế giới Anh ngữ (nguồn: Ellen G.Cohn, David P. Farrington. 1984, "Who are the Most Influantial Criminologists in the English-Speaking World?". The British Journal of Criminology. 34, 204-225).

(2) Thuật ngữ "Victim precipitation" hay "Victim faciliation" - tạm dịch là "Nạn nhân thúc đẩy cho tội phạm" là một thuật ngữ được dùng để phân tích các mối quan hệ tương tác giữa nạn nhân và thủ phạm. Thuật ngữ này thường được sử dụng trong nghiên cứu các loại tội phạm như giết người, hiếp dâm, hành hung, cướp của... bởi hành vi trong những loại tội phạm này có một phần nguyên nhân xuất phát từ chính nạn nhân.

Nguồn: Tâm lý học Tư pháp

menu
menu