Sự lo âu như một hình thức phủ nhận
Con người chúng ta, ai cũng là bậc thầy trong việc “phủ nhận” theo nhiều cách khác nhau.
Điều rắc rối là, có những dạng phủ nhận vô cùng khó nhận biết – và vì thế, khó mà đối phó được. Đôi khi, sự chối bỏ rất rõ ràng: có người kiên quyết không nghĩ hoặc không nói về một vấn đề nào đó hoặc trốn chạy vào ma túy hay rượu.
Nhưng cũng có những kiểu trốn tránh tinh vi hơn, mà một trong những kiểu khó nhận ra nhất chính là lo âu. Chúng ta thường không nghĩ lo âu là một phương thức trốn tránh. Bởi vì có quá nhiều điều đáng để lo, nên thật khó để nhận ra rằng có những lúc chúng ta đang dùng lo âu theo cách rất đặc biệt và phải trả giá về mặt tâm lý: chúng ta lo lắng về mọi thứ, không ngừng nghỉ, chỉ để không phải đối diện, không phải buồn – rất buồn – về một điều gì đó trong quá khứ. Lo âu đã trở thành một cách để né tránh hiểu biết về chính mình.
Piet Mondrian, Broadway Boogie Woogie, 1942
Ranh giới giữa những mối quan tâm chính đáng và lo âu như một hình thức phủ nhận là rất mong manh. Mất nhiều thời gian để nhận ra rằng có ai đó (có thể là chính bản thân chúng ta) đang lo lắng về tiền bạc, sự nghiệp, danh tiếng hay sức khỏe một cách thái quá và không cần thiết, như một cách để lảng tránh một phần tâm hồn còn bỏ ngỏ trong chính mình.
Điều thúc đẩy nỗi lo không ngừng nghỉ này là một sự từ chối để buồn về một điều gì đó. Chúng ta lo lắng liên tục như một cách để không phải đối diện. Chúng ta đắm mình trong những mối lo âu cụ thể – để đảm bảo rằng những suy nghĩ còn khó khăn hơn sẽ không tràn vào ý thức.
Cách để bắt đầu phá vỡ vòng xoáy lo âu thay thế này là tự hỏi mình một câu hỏi thẳng thắn (nhưng không phải không dịu dàng): Nếu tôi không lo lắng về việc [điền vào đây], thì tôi sẽ cần phải nghĩ về điều gì khác?
Câu hỏi này có thể khiến ta bối rối, trầm ngâm và buồn bã. Ta có thể phải đối diện với một suy nghĩ kỳ lạ: có thể không có quá nhiều điều để lo, nhưng lại có quá nhiều điều để tiếc nuối. Điều cần thay thế cho lo âu có lẽ chính là nỗi buồn. Suy nghĩ này tuy khó chấp nhận, nhưng cũng đầy hy vọng. Ta có thể giảm bớt lo âu đi rất nhiều một khi ta đủ can đảm để chấp nhận mất mát.
ANXIETY-AS-DENIAL