Sự mầu nhiệm của lòng từ ái

su-mau-nhiem-cua-long-tu-ai

Khi chúng tôi mua mười ba mẫu đất đầu tiên ở Tây Virginia để thành lập Hội Bhavana, một số người quen của tôi đã hỏi: “Thưa Bhante, tại sao Ngài lại chọn West Virginia để mua đất làm trung tâm tu tập? Nơi đó người ta đâu có ủng hộ Phật Pháp.”

Đây có thể không phải là một lựa chọn dễ dàng, nhưng chúng tôi đã làm hết sức mình. Chúng tôi đã đi đến từng nhà giới thiệu bản thân với từng người hàng xóm của chúng tôi. Gia đình ở mảnh đất gần nhất với chúng tôi không thể chấp nhận chúng tôi ở đó. Tôi đã thành thực nói với họ: “Khi nào trung tâm chúng tôi bắt đầu hoạt động, xin mời ông bà hãy đến tham dự với chúng tôi bất cứ khi nào thuận tiện.”

Ông hàng xóm của tôi tỏ ra hết sức tức giận: “Ông muốn làm cái quái gì thì cứ làm. Tôi là một tín đồ Cơ đốc giáo!” Đó chính xác là những gì bạn bè tôi đã cảnh báo. Và trong nhiều năm sau đó, người hàng xóm đó đã gây ra cho chúng tôi rất nhiều vấn đề.

Chúng tôi bắt đầu mời bạn bè tham gia khóa tu, và đôi khi có tới hai mươi hay ba mươi người đến. Thậm chí trước khi chúng tôi xây được bất kỳ tòa nhà nào, chúng tôi đã ngồi thiền ngay trên mặt đất dưới những tán cây. Tôi đã hướng dẫn mọi người thực hành thiền Tâm Từ, gửi những suy nghĩ thật lòng về Từ ái và không để cho sự bực tức xâm nhập, len lỏi vào tâm họ. Ngôi nhà của người hàng xóm này nằm cách khu rừng nơi chúng tôi đang ngồi khoảng năm mươi mét, và hai vợ chồng ông ta bắt đầu hát thật lớn những bài thánh ca để phá chúng tôi. Nhưng chúng tôi rất thích nghe những bài hát của họ. Giọng người vợ rất ngọt và cô ấy hát rất hay.

Lần tiếp theo khi chúng tôi ngồi thiền, họ chơi trống qua loa lớn. Họ nghĩ rằng tiếng trống sẽ chỉ bay về phía chúng tôi, nhưng âm thanh phát tán khắp nơi và những người hàng xóm khác bị làm phiền. Họ gọi điện cho cảnh sát trưởng, và ông này đến can thiệp. Vì vậy, lần tiếp theo khi chúng tôi thiền, họ lại la hét ầm ĩ ngay giữa đêm. Một lần nữa, chúng tôi không phản ứng. Vì vậy, họ lấy khẩu súng trường ra bắn để hù dọa những người tu tập, nhưng chúng tôi cũng chẳng bao giờ kêu ca gì.

Chúng tôi để một hộp thư ở trên lối vào khu đất của chúng tôi. Nó bị bắn thủng. Chúng tôi lấy băng keo bịt những lỗ đạn bắn và tiếp tục sử dụng hộp thư. Sau đó, nó bị đập bẹp. Chúng tôi vẫn sử dụng nó. Rồi nó bị nhổ lên và vứt ra xa. Chúng tôi vẫn không có phản ứng gì. Rồi nó bị đổ phân chó vào. Khi người đưa thư đến, anh ta thấy có phân. Vì vậy, chúng tôi đã mua một hộp thư khác, nhưng nó vẫn bị phá hỏng tương tự như vậy.

Sau đó, nhà hàng xóm loan tin chúng tôi ăn thịt chó của họ. Họ nói rằng họ đã mất tám con chó. Một người hàng xóm khác nói với họ: “Họ là những người ăn chay đấy. Họ không ăn thịt, làm sao họ có thể giết chó của nhà anh chị được?”

Họ đưa ra một bản kiến nghị phản đối chúng tôi, nhưng những người hàng xóm khác từ chối ký và bảo với họ rằng Phật tử là những người hiền lành mà họ muốn chào đón đến đó ở chứ không phải đuổi đi.

Hàng xóm thù địch của chúng tôi có bốn đứa con nhỏ. Họ khuyến khích các con ném đá vào chúng tôi, nhổ nước bọt vào chúng tôi và sử dụng ngôn ngữ tục tĩu để xúc phạm chúng tôi. Bọn trẻ đã làm theo lời bố mẹ chúng.

Có một mùa đông, tuyết rơi nhiều và trời rất lạnh. Những người hàng xóm đó đã không có đủ củi để sưởi ấm. Chúng tôi mời họ đến lấy củi của chúng tôi. Bất chấp tất cả những điều họ đã làm đối với chúng tôi, họ đã đến lấy củi, và vẫn tiếp tục cách hành xử gây rối của họ trong bảy năm nữa. Sau đó, người chồng ra đi; chúng tôi không biết đi đâu. Chúng tôi không bao giờ gặp lại ông ta nữa. Những đứa trẻ lớn lên và đi xa.

Vài năm sau, người con trai lớn đã trưởng thành và trở về. Anh ta sang trung tâm Thiền của chúng tôi để nói lời xin lỗi. Anh ta nói: “Khi còn nhỏ, chúng tôi không hiểu biết gì cả. Chúng tôi đã làm những gì cha chúng tôi yêu cầu. Tôi đã tham gia hải quân và biết rằng Phật giáo là một tôn giáo hòa bình. Vì vậy, tôi tới đây để nói lời xin lỗi vì tất cả những gì chúng tôi đã làm với các vị.”

Chúng tôi đã chấp nhận lời xin lỗi và làm cho anh ấy cảm thấy thoải mái. Chúng tôi thấy hài lòng với chàng trai trẻ này và mong anh ta thành công trong việc tìm kiếm Chân lý.

Tôi kể câu chuyện này bởi vì thực hành Tâm Từ không dễ dàng. Đôi khi cần rất nhiều nhẫn nại để thực hành Từ ái.

Bây giờ chúng tôi không bị ai bắn súng, đánh trống, hoặc la hét nữa. Suốt tất cả những năm đó, chúng tôi đã gửi Tâm Từ năm lần mỗi ngày - vào các thời thiền buổi sáng sớm, giờ ăn sáng, giờ ăn trưa, khi tụng Kinh vào buổi tối và thời thiền tối.

Có lẽ việc gửi Tâm Từ đó cuối cùng đã giúp cải thiện mọi thứ từ phía người hàng xóm. Tôi biết điều đó đã có ích cho chúng tôi!

-----------------------

Bài viết trích từ cuốn sách TÂM TỪ THỰC HÀNH CĂN BẢN của Thiền sư Bhante H. Gunaratana, dịch giả: Trịnh Thị Phương Liên.

Tu tập Tâm Từ là để hóa giải những sân hận, những nội kết trước đây mà ta đã từng có. Trong cuộc sống hàng ngày, không phải mọi điều đều thuận theo ý muốn của chúng ta. Khi mọi khó chịu, bất an… bị tích tụ, đè nén lại, giam cầm trong tâm thức của chúng ta mà không được hóa giải thì đến một lúc nào đó nó sẽ bùng nổ ra ở dạng này hay dạng khác, và nó sẽ làm hại chính cơ thể của chúng ta. Hoặc nó sẽ làm hại tâm tính của chúng ta, chúng ta vô tình trở thành một người cáu bẳn tự lúc nào không biết. 

Khi tu tập Tâm Từ, chúng ta dần dần nhận diện và làm chủ cảm xúc của mình, đào xới những ký ức ấm ức, ẩn ức từ thời thơ ấu đã bị dồn nén, hóa giải những tầng tâm thức sâu hơn nữa, từ từ gỡ bỏ những nội kết, những nỗi khổ niềm đau và chuyển hóa chúng.

Chỉ khi nào chúng ta tu tập Tâm từ, chúng ta biết yêu thương chính mình và những người khác, biết chấp nhận những khiếm khuyết của chính mình và những khiếm khuyết ở những người khác thì những hận thù, xung đột trong chính mình và giữa mình với những người khác mới được hóa giải.

Mời bạn đặt sách tại:

Lazada: https://shorten.asia/xCguHs6n

Tiki: https://tiki.vn/tam-tu-thuc-hanh-can-ban-p89492851.html?spid=89492852

Fahasa: https://shorten.asia/EHxrdQ9y

menu
menu