Sức mạnh của sự khích lệ
Vào một ngày khi ai đó nói với bạn :”Mày chỉ cố gắng được đến mức đấy thôi hả?”, tâm trạng của bạn sẽ u tối ra sao?
Vào một ngày khi ai đó nói với bạn :”Mày chỉ cố gắng được đến mức đấy thôi hả?”, tâm trạng của bạn sẽ u tối ra sao?
Vậy nếu ở trong trường hợp ngược lại, bạn nhận được lời khích lệ: “Tôi tin vào năng lực của bạn, hãy cố gắng và bạn sẽ tỏa sáng vào một ngày không xa”, bạn sẽ cảm mến người đó nhường nào?
Một điều chắc chắn rằng nếu ở trong trường hợp đầu, cổ họng tôi sẽ nghẹn đắng lại, cơ thể run lên vì vừa nhận được gáo nước đá lạnh tê tái. Nhưng nếu ở hoàn cảnh còn lại, dù tâm trạng có đang tuyệt vọng đến đâu thì ít nhất tôi cũng sẵn lòng đáp lại bằng nụ cười dịu dàng nhất.
Bạn hãy vận dụng óc quan sát vào cuộc sống để thấy được ngôn ngữ có sức mạnh thật tuyệt vời. Khi bạn đang trên đỉnh ngọn núi mang tên danh vọng, vài lời tiêu cực có thể dễ dàng khiến bạn chơi vơi. Tại thời điểm thế giới như đang sụp đổ bên cạnh bạn, có những từ ngữ kì diệu đến mức có thể hàn gắn các mảnh vỡ và giúp bạn hồi sinh.
Những từ ngữ mà bạn hấp thụ được từ lời nói của người khác trong quá trình trưởng thành góp phần lớn định hình nên thái độ của bạn đối với cuộc sống. Nếu bạn thường xuyên nhận được nhóm từ ngữ của sự phản đối, cuộc đời bạn sẽ có xu hướng phải đấu tranh với nỗi lo sợ không nhận được sự ủng hộ. Rõ ràng bạn không hề chủ động trong việc lựa chọn những lăng kính đó, nhưng chúng đã vô tình được gắn chặt vào cuộc đời bạn từ khi bạn chỉ là một đứa trẻ thơ ngây.
Và đó chính là lý do vì sao bạo lực để lại hậu chấn thương cho trẻ em về cả thể chất lẫn tinh thần. Tâm hồn những đứa trẻ được ví như mầm non - mềm yếu, dễ bị tổn thương bởi ngoại cảnh. Chúng coi sự phản hồi của người khác như tấm gương để định hình nên con người mình. Khi nhận được lời phản ánh, chỉ trích từ người khác, bộ não chúng gần như ở chế độ tự động lưu lại và ghi nhớ. Điều này củng cố thêm niềm tin “ Mình có quá nhiều khuyết điểm nên người ta sẽ không bao giờ có thể yêu quý mình”, và sẽ không ai đo đếm nổi sự nguy hiểm của lối suy nghĩ này.
Nếu bạn được nuôi dưỡng trong môi trường của niềm tin, sự lạc quan, có thể bạn sẽ được trang bị với hành trang tốt hơn khi bước vào đời. Nhưng không ai dám chắc rằng đôi chân bạn sẽ đứng vững trước lời cay đắng của xã hội.
Và không chỉ có bạn mới phải trải qua điều này. Có những danh nhân hay người nổi tiếng có thực lực trong lĩnh vực chuyên môn của họ, nhưng chỉ một bình luận tồi tệ cũng có thể khiến họ ngã quỵ ngay từ đỉnh vinh quang.
VẬY TẠI SAO CHÚNG TA LUÔN HƯỚNG SỰ TẬP TRUNG VÀO SỰ TIÊU CỰC?
Vào cuối mỗi buổi dạy trên giảng đường, tôi thường cho sinh viên điền vào phiếu đánh giá bài học, trên thang điểm từ 1-10, tiêu chí bao gồm: nội dung, khả năng truyền thụ và sự hữu ích đối với sinh viên. So sánh với những đồng nghiệp có cùng thói quen sư phạm này, tôi rút ra cách làm của chúng tôi đem lại một số kết quả chung như sau:
Tiêu chí được quan tâm nhất là “sự hữu ích” thay vì “nội dung”. Chúng tôi muốn biết cảm nhận của sinh viên về cách dạy của mình.
Trong 50 phiếu đánh giá, thường có 1/49 bài có số điểm ở mức dưới trung bình.
Và phiếu điểm cá biệt này khiến chúng tôi thất vọng về bản thân mình.
Khoa học đã chỉ ra rằng, nếu 49/50 người thỏa mãn về bài giảng, lỗi thuộc về cá nhân còn lại. Nhưng nếu 49/50 người chưa hứng thú với bài học thì tôi mới chính là nguyên nhân.
Tương tự như vậy, tại sao chúng ta chưa tìm được nửa kia của mình, phải chăng mối quan hệ tan vỡ trong quá khứ khiến chúng ta mặc định sự tiêu cực này lên các mối quan hệ trong tương lai? Nếu có ai đó từng than phiền rằng bạn là một đứa trẻ cáu kỉnh, thì trong quá trình trưởng thành bạn sẽ có xu hướng hạn chế sự tức giận với người khác ở mức tối đa.
Thực tế này được giải thích bởi khoa học tâm lí như sau: tín hiệu của sự kích thích tiêu cực được truyền tới bộ não người nhiều hơn so với các kích thích tích cực. Hay có thể tưởng tượng rằng bộ não như một chất hóa học phản ứng mạnh mẽ với trải nghiệm tiêu cực nhưng lại là một chất trơ đối với điều tích cực. Chúng ta quá chú ý vào sự nguy hiểm và đồng thời đánh giá thấp giá trị của niềm vui.
Hạch hạnh nhân (tiếng Anh: Amygdala) - phần nhỏ nằm giữa sâu bên trong thùy thái dương của não là nơi xử lí cảm xúc của não bộ. Khi nó tiếp nhận tín hiệu tiêu cực, ngay lập tức tín hiệu này sẽ được gửi vào bộ nhớ dài hạn. Nhưng với tín hiệu tích cực, thời gian truyền tín hiệu kéo dài đến tận 12 giây.
Bộ não con người có bản năng săn đón tin tức xấu và bỏ qua nhiều điều tốt đẹp ngay trước mắt, lí do vì sao chúng ta bận tâm về rủi ro thay vì suy nghĩ về những trải nghiệm tuyệt vời có thể xảy ra. Nếu một cơ hội vụt qua, bộ não sẽ trấn an chúng ta rằng :”Điều này hoàn toàn ổn, tương lai sẽ có thêm nhiều cơ hội đang chờ đón”. Nhưng nếu chúng ta đang cảm thấy không an toàn, bộ não sẽ nhắc nhở :”Có thể đây là một mối nguy cho mình, thứ sẽ gây ra đau đớn thật lâu”.
Nói một cách khác, không mất quá nhiều công sức để kéo tinh thần của chúng ta xuống hố sâu. Nhưng nhờ hiểu được gốc rễ của vấn đề, chúng ta có thể sử dụng từ ngữ có chọn lọc để vực dậy tâm hồn của người khác.
Ở đâu cũng vậy.
Viện Smithsonian - viện nghiên cứu, bảo tàng của Chính phủ Hoa Kỳ - có một gian trưng bày những đồ vật mà cố Tổng thống Abraham Lincoln đã mang theo bên mình trong đêm ngài bị ám sát. Trong đó bạn sẽ tìm ra một mẩu báo cũ ca ngợi về những thành tựu của ông trong nhiệm kỳ tổng thống với tiêu đề :”Abe Lincoln là một trong những chính trị gia tài ba của mọi thời đại”.
Hãy tin rằng không chỉ có bạn mới cần tới sự khích lệ!
Khi còn là một sinh viên cao học, tôi nhớ một giáo sư tâm lý học đã nói với tôi rằng: “Rất khó để con người có thể đơn độc chống lại tâm lý chán nản. Sự tức giận, sợ hãi và những cảm xúc khác ẩn giấu năng lượng bên trong nó, vì vậy cậu có thể truyền đi hay sử dụng chúng. Nhưng khi cậu thấy chán nản, cơ thể cậu sẽ không phát ra bất kì năng lượng nào để làm vơi bớt cảm giác này. Do vậy cách duy nhất chính là vay mượn năng lượng từ một ai đó.”
Ai trong chúng ta cũng đều có lúc cảm thấy trống rỗng. Và đây là mảnh ghép cảm xúc tồn tại trong bất cứ con người nào. Những lúc đó thật khó để có thể tự giúp mình cảm thấy dễ chịu hơn, giống như bạn không thể hi vọng một bình ga cạn có thể tự đầy trở lại. Tất cả đơn giản chỉ là trống trải. Điều chúng ta cần làm để thoát khỏi tình thế này chính là vay mượn năng lượng từ người khác.
Và bạn hãy để ý mà xem, chính cấu trúc từ ngữ cũng cho chúng ta thêm manh mối để hiểu hơn về ý nghĩa nó ẩn chứa:
Courage (n): dũng khí, dũng cảm
“Dis”-courage : tước bỏ dũng khí khỏi ai đó
“En”-courage : truyền dũng khí tới người khác
Chắc hẳn đã có những lúc bạn nhận được những lời bình phẩm có vẻ như vô hại, nhưng sâu bên trong tâm hồn, bạn đã bị chúng vắt kiệt nhựa sống. Có thể không một ai, kể cả những người đã vô tình làm bạn kiệt quệ, nhận ra bạn đang rơi vào tình trạng tinh thần này.
Hay có những khi tâm hồn bạn được vực dậy ngay sau khi được người nào đó rót vào tai lời an ủi, động viên thông qua một câu nhận xét đơn giản. Tấm pin năng lượng trong bạn đã cạn kiệt, và một câu từ thôi đã sạc đầy lại nó nhanh chóng.
Ai trong chúng ta cũng có khả năng mang lại động lực tới người khác bằng cách dành đủ sự quan tâm để thấu hiểu. Không phải lúc nào sự thật cũng được phơi bày qua biểu cảm hay nét mặt, vì vậy chúng ta thường không thể nhận ra mỗi khi ai đó đang suy sụp. Nhưng, những đoạn hội thoại thường ngày có khả năng đẩy một người tới vực thẳm hay mở ra bầu trời tươi đẹp trước mắt họ.
Mark Twain đã từng nói: “Một lời nói đẹp có thể giúp tôi sống hạnh phúc suốt hai tháng”
Chắc hẳn bạn cũng đồng ý với tôi rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta cần lời khích lệ như một nhu cầu tất yếu, và ai cũng có năng lực đáp ứng nhu cầu này tới người khác.
LÀM SAO ĐỂ CÓ THỂ ĐEM TỚI ĐỘNG LỰC CHO NGƯỜI KHÁC?
Nhà văn, diễn giả John Maxwell từng mời nhà sáng lập và CEO có tiếng của chuỗi nhà hàng tầm cỡ quốc gia tới nhà ông để ăn tối. Trong cuộc trò chuyện, vị khách có hỏi John rằng :”John, anh có biết khi nào một người cần sự khích lệ không?”
“Không,” John đáp. “Anh biết được điều đó bằng cách nào?”
“Họ đang thở”
Có những cách đơn giản sau bạn có thể áp dụng để giúp những ai chưa tìm thấy năng lượng cho bản thân:
Nghĩ về những điều người khác làm bạn cảm thấy được khích lệ, và trao cho họ đúng những thứ đó
Hãy gửi cho ho một bức thư tay với lời cảm hơn, động viên với lời muốn nói ẩn sau đó là: ”Bạn luôn có tớ ở bên mà”
Có mặt lúc họ làm điều gì đó tốt đẹp và công nhận nó (một cách công khai)
Nói tốt về người đó với mọi người khi bạn ấy không có mặt trong cuộc nói chuyện này.
Hãy dành sự quan tâm bằng cách không sử dụng thiết bị di động hay xem đồng hồ khi đi chơi cùng họ.
Nếu bạn đang là những vị phụ huynh, đừng tránh né con bạn mà hãy giao tiếp trực tiếp và nhìn thẳng vào mắt chúng.
Gửi một lời nhắn tới sếp của người bạn đó khi người bạn đó vừa làm được điều gì đó khác biệt và thú vị
Khi bước vào nhà hàng, hãy dành cho nhân viên phục vụ ánh nhìn thiện cảm và tìm ra điều thú vị về họ. Có thể bạn sẽ là người khách duy nhất trong ngày không coi họ đơn giản như một người hầu bàn
Ưu tiên lắng nghe câu chuyện từ người khác một cách tập trung. Hãy để dành câu chuyện của bạn vào hồi sau.
Đừng khuyên nhủ khi ai đó đang bị tổn thương. Bạn chỉ cần có mặt ở đó thôi
Đặt niềm tin vào họ. Và niềm tin ấy cũng sẽ được truyền trở lại cho người cần nó.
Hãy thử xin lời khuyên từ những lĩnh vực mà người đó am hiểu hay quan tâm sâu sắc.
Nhắc lại về những lúc bạn được giúp đỡ từ chính họ trong quá khứ.
Trở nên mất cảm hứng giống như phải bước qua cánh rừng u ám hay dọc theo con phố vắng tanh giữa đêm. Thật đáng sợ khi chỉ có bạn song hành cùng cái bóng của mình, nhưng sẽ an toàn hơn khi bạn có ai đó để cùng vượt qua.
Niềm khích lệ tới từ con người và nó cũng có thể được con người trao tặng nhau. Trong tất cả những lúc bị mất niềm tin vào cuộc sống, chúng ta cần sự đồng hành của những người bạn thân thiết nhất. Họ sẽ cho ta động lực mạnh mẽ khi ta bất lực để thực hiện điều đó.
Trên tất thảy, đây chính là món quà của sự đồng hành.
Dịch: Jade - A Crazy Mind - Ybox.vn
Nguồn: mikebechtle
Photo by Hybrid on Unsplash