Tại sao chúng ta bị thu hút bởi những người "khó yêu"

tai-sao-chung-ta-bi-thu-hut-boi-nhung-nguoi-kho-yeu

Trên lý thuyết, chúng ta có quyền tự do lựa chọn người mình yêu.

Trên lý thuyết, chúng ta có quyền tự do lựa chọn người mình yêu. Ta có thể đã chọn một ai khác. Không ai ép buộc ta phải tuân theo những lề thói xã hội, những bà cô mai mối hay những mệnh lệnh từ gia tộc. Nhưng trên thực tế, lựa chọn của ta có lẽ ít tự do hơn ta vẫn tưởng. Một số ràng buộc vô hình – mà ta ít khi nghĩ tới – lại xuất phát từ chính nơi sâu kín nhất: tuổi thơ của ta. Lịch sử tâm lý của mỗi người định hình rất mạnh mẽ những kiểu người mà ta có thể yêu và cảm thấy bị thu hút.

Chúng ta yêu thương dọc theo những “rãnh cảm xúc” đã hình thành từ thời thơ ấu. Ta tìm kiếm những con người khơi gợi lại cảm giác tình yêu mà ta từng biết khi còn nhỏ. Vấn đề là, tình yêu ta tiếp nhận thuở ấy hiếm khi chỉ toàn sự bao dung, dịu dàng hay ngọt ngào. Với những bất toàn của cuộc đời, tình yêu ấy thường gắn liền với những cảm xúc đau đớn: cảm giác bản thân không bao giờ đủ tốt; tình yêu dành cho một người cha hay mẹ dễ tổn thương, trầm cảm; hay một nỗi bất an rằng ta không thể hoàn toàn bộc lộ sự yếu đuối trước người chăm sóc mình.

Điều này dẫn ta đến việc tìm kiếm ở tuổi trưởng thành những người bạn đời không chỉ đơn thuần tốt bụng, mà trên hết – họ mang lại cảm giác thân quen, dù sự quen thuộc đó có thể khác biệt tinh tế nhưng lại rất quan trọng. Ta có thể quay lưng với những đối tượng tiềm năng vì họ không thỏa mãn được khát khao những phức tạp ta mặc định là một phần của tình yêu. Ta dễ gán cho ai đó là “không hấp dẫn” hay “nhàm chán”, nhưng thực chất ý ta là: họ không làm ta khổ sở theo cách mà ta cần để cảm nhận rằng tình yêu là có thật.

Thường thì lời khuyên cho những ai bị thu hút bởi người "khó yêu" là hãy rời bỏ họ và tìm một người "lành mạnh" hơn. Nghe qua thì hợp lý, nhưng thực tế điều này lại thường bất khả thi. Ta không thể nào điều chỉnh lại một cách kỳ diệu nguồn gốc sâu xa của sự hấp dẫn trong ta. Thay vì cố gắng thay đổi hoàn toàn kiểu người mà ta bị thu hút, có lẽ ta nên tập trung điều chỉnh cách ta phản ứng và hành xử trước những tính cách "khó chịu" mà quá khứ đã khiến ta thấy lôi cuốn.

Những vấn đề thường nảy sinh là vì ta tiếp tục phản ứng với những người “thú vị” ấy giống như cách ta từng làm khi còn nhỏ đối với những người đã tạo ra khuôn mẫu tình yêu trong ta. Chẳng hạn, nếu ta từng có một người cha hoặc mẹ nóng tính, thường hay nổi giận, ta đã học cách yêu thương họ bằng cách nhận lỗi về mình mỗi khi họ giận dữ. Ta trở nên rụt rè, nhún nhường. Khi lớn lên, nếu ta bị thu hút bởi một người bạn đời hay cáu gắt, ta sẽ lại phản ứng như một đứa trẻ bị mắng: buồn bã, tự trách, cảm thấy bị tấn công nhưng vẫn nghĩ mình đáng bị phê phán, rồi tích tụ sự oán giận. Hoặc nếu ta từng có một người cha/mẹ yếu đuối, dễ tổn thương, ta có xu hướng chọn một người bạn đời cũng mỏng manh như vậy, người khiến ta cảm thấy cần phải chăm sóc. Nhưng rồi, ta lại dễ thất vọng trước sự yếu đuối ấy – vừa thương, vừa trách, vừa cố an ủi nhưng trong lòng vẫn không cam lòng.

Chúng ta có lẽ không thể thay đổi khuôn mẫu hấp dẫn đã ăn sâu trong tiềm thức. Nhưng thay vì cố gắng tái lập lại bản năng của mình, điều ta có thể làm là học cách phản ứng với những người cuốn hút ta không như cách ta từng làm thời thơ ấu, mà theo cách trưởng thành và lý trí hơn.

Đây là cơ hội lớn để ta chuyển từ lối phản ứng trẻ con sang lối phản ứng trưởng thành trong mối quan hệ với những khó khăn mà ta bị thu hút.

 

A: Hành vi khó chịu của đối phương B: Phản ứng trẻ con từ phía chúng ta C: Phản ứng trưởng thành hơn mà chúng ta nên hướng tới
Nói to, lớn giọng "Tất cả là lỗi của mình..." "Đây là vấn đề của họ: mình không cần phải cảm thấy tệ."
Tỏ thái độ bề trên "Mình thật ngu ngốc." "Có rất nhiều kiểu thông minh khác nhau. Mình vẫn ổn."
U sầu, buồn bã "Mình phải sửa chữa họ." "Mình sẽ cố hết sức, nhưng mình không chịu trách nhiệm cuối cùng cho tâm trạng của họ – và điều này không nên ảnh hưởng đến sự tự tôn của mình..."
Thái độ áp đặt, kiểm soát "Mình xứng đáng bị như vậy." "Mình không bị họ làm cho khiếp sợ."
Phân tâm, bận tâm quá mức Tìm kiếm sự chú ý: "Hãy chú ý đến mình." "Họ bận, mình cũng bận, điều đó không sao cả."

 

Gần như chắc chắn ta đang yêu một người mang theo một "mớ bòng bong" những vấn đề rối rắm, khiến ta vừa khao khát vừa vô thức lặp lại những cơ chế phòng vệ từ thời thơ bé. Nhưng câu trả lời không phải là chấm dứt mối quan hệ, mà là nỗ lực đối mặt với những thử thách ấy bằng sự khôn ngoan mà ta chưa có khi lần đầu đối diện với những điều này ở cha mẹ hay người chăm sóc mình.

Có lẽ, ta không thể tìm được một người trưởng thành hoàn hảo. Nhưng ta luôn có thể học cách hành xử một cách trưởng thành hơn trước những khía cạnh non nớt của người bạn đời mình.

Nguồn: WHY WE’RE COMPELLED TO LOVE DIFFICULT PEOPLE – The School Of Life

menu
menu