Tại sao chúng ta phải tìm kiếm nỗi đau và mời nó bước vào cuộc sống của mình

tai-sao-chung-ta-phai-tim-kiem-noi-dau-va-moi-no-buoc-vao-cuoc-song-cua-minh

Khi ấn về phía nỗi đau của cán cân, liệu chúng ta có đạt được nguồn khoái cảm lâu dài hơn?

Xuyên suốt phần lớn lịch sử nhân loại, con người đều tắm nước lạnh. Chỉ những người sống gần suối nước nóng tự nhiên mới thường xuyên tắm nước nóng. Có lẽ vì ngại tắm nước lạnh nên người xưa thường ở bẩn hơn người ngày nay.

Người Hy Lạp cổ đại đã phát triển một hệ thống sưởi ấm cho các khu tắm công cộng nhưng vẫn tiếp tục ủng hộ việc sử dụng nước lạnh để điều trị nhiều loại bệnh. Vào những năm 1820, một nông dân người Đức tên Vincenz Priessnitz đã khuyến khích sử dụng nước đá để chữa tất cả các chứng rối loạn thể chất và tâm lý. Ông ấy thậm chí còn biến nhà riêng thành viện điều dưỡng để trị liệu bằng nước đá.

Kể từ khi ra đời bình tắm nóng lạnh, bồn tắm nước nóng và vòi tắm hoa sen đã trở thành tiêu chuẩn; nhưng gần đây, việc ngâm mình trong nước đá đã phổ biến trở lại.

Các vận động viên sức bền cho rằng tắm nước lạnh giúp họ phục hồi cơ bắp. Mới đây, “Vòi tắm James Bond”, do nhân vật James Bond sử dụng trong bộ tiểu thuyết Điệp viên 007 của nhà văn Ian Fleming, cũng trở nên phổ biến với quy trình tắm nước nóng và kết thúc với ít nhất một phút tắm nước lạnh.

Những chuyên gia ngâm mình trong nước đá như chuyên gia người Hà Lan Wim Hof đã nổi tiếng nhờ khả năng ngâm mình hàng giờ liền ở nhiệt độ gần đóng băng.

Trong một bài báo trên European Journal of Applied Physiology (Tạp chí châu Âu về sinh lý học ứng dụng), các nhà khoa học tại Đại học Charles ở Prague đã tiến hành một cuộc thử nghiệm, trong đó 10 người đàn ông tự nguyện ngâm mình (chỉ chừa đầu) trong nước lạnh (14 độ C) suốt một giờ. Sau khi xét nghiệm mẫu máu, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc ngâm mình trong nước lạnh làm tăng nồng độ dopamine huyết tương (máu) lên 250% và nồng độ norepinephrine huyết tương lên 530%.

Dopamine tăng dần đều trong suốt thời gian ngâm mình trong nước lạnh và duy trì ở mức cao trong một giờ sau đó. Norepinephrine tăng mạnh trong 30 phút đầu tiên, giữ nguyên trong 30 phút sau đó, và giảm một phần ba sau một giờ, nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao so với mức cơ bản thậm chí hai giờ sau khi tắm. Mức dopamine và norepinephrine tiếp tục duy trì trên mức kích thích gây đau đớn đó, điều này giải thích cho tuyên bố của Michael: “Ngay sau khi ra khỏi bồn… tôi cảm thấy sảng khoái trong nhiều giờ.”

Các nghiên cứu khác về tác động của việc ngâm mình trong nước lạnh lên bộ não con người và động vật cho thấy sự gia tăng tương tự ở các chất dẫn truyền thần kinh monoamine (dopamine, norepinephrine và serotonin), chính là những chất dẫn truyền thần kinh chi phối niềm vui, động lực, tâm trạng, cảm giác thèm ăn, giấc ngủ và sự tỉnh táo.

Ngoài các chất dẫn truyền thần kinh, nghiên cứu ở động vật cho thấy nước cực lạnh sẽ thúc đẩy sự phát triển của tế bào thần kinh, điều đáng chú ý hơn cả bởi vì các tế bào thần kinh được biết có khả năng tự thay đổi cấu trúc vi mô của chúng để phản ứng với một số ít hoàn cảnh.

Christina G.von der Ohe và các đồng nghiệp của bà đã nghiên cứu bộ não của loài sóc đất ngủ đông. Trong suốt quá trình ngủ đông, cả nhiệt độ bên trong cơ thể lẫn bộ não của chúng đều giảm xuống dưới mức từ 0.5-3 độ C. Ở nhiệt độ đóng băng, các tế bào thần kinh của loài sóc đất ngủ đông trông giống như những cái cây khẳng khiu với ít cành (sợi nhánh) và thậm chí càng ít lá (sợi nhánh nhỏ).

Tuy nhiên, khi sóc đất ngủ đông được sưởi ấm, các tế bào thần kinh này phát triển đáng kể trở lại, giống như một khu rừng thay lá giữa mùa xuân. Sự phát triển trở lại này diễn ra nhanh chóng, có thể sánh ngang với độ khả biến thần kinh chỉ thấy ở quá trình phát triển phôi thai.

Các tác giả của nghiên cứu trên đã viết về những phát hiện của họ: “Những thay đổi cấu trúc đáng kể nhất trong não ngủ đông mà chúng tôi đã chứng minh diễn ra ở những loài được tìm thấy trong tự nhiên… Trong khi độ dài của sợi nhánh có thể đạt tới 114 micromet mỗi ngày ở vùng hồi hải mã của phôi thai khỉ vàng đang phát triển, những con khỉ vàng trưởng thành ngủ đông cũng cho thấy những thay đổi tương tự chỉ trong hai giờ.”

Phát hiện tình cờ của Michael về lợi ích của việc ngâm bồn nước đá là một ví dụ cho thấy việc ấn về phía nỗi đau của cán cân có thể đưa ta đến phía đối lập – lạc thú. Không giống như khi ấn về phía lạc thú, chất dopamine bắt nguồn từ nỗi đau là gián tiếp và có khả năng tồn tại lâu hơn. Vậy nó hoạt động như thế nào?

Nỗi đau có thể dẫn đến lạc thú nhờ kích hoạt các cơ chế cân bằng nội môi tự điều chỉnh của cơ thể. Trong trường hợp này, sau hoạt động kích thích cơn đau ban đầu, các sinh vật tí hon sẽ nhảy lên phía lạc thú của cán cân.

Niềm vui mà chúng ta cảm thấy là phản ứng sinh lý theo phản xạ tự nhiên của cơ thể. Việc hành xác của nhà thần học Martin Luther bằng cách nhịn ăn và tự dùng roi quất vào thân mình có thể mang đến cho ông ấy chút hưng phấn, ngay cả khi hành vi đó là vì mục đích tôn giáo.

Khi tiếp xúc từng hồi với cơn đau, điểm thiết lập khoái cảm tự nhiên của chúng ta sẽ nghiêng về phía lạc thú, do đó chúng ta ít cảm thấy đau đớn hơn và có thể tận hưởng niềm vui theo thời gian.

Vào cuối thập niên 1960, các nhà khoa học tiến hành một chuỗi thí nghiệm với loài chó – một việc làm mà ngày nay sẽ không được phép bởi bản chất tàn ác của nó. Nhưng các thí nghiệm đó cung cấp thông tin quan trọng về sự cân bằng nội môi của não (hay tạo sự thăng bằng cho cán cân).

Sau khi kết nối hai chân sau của chó vào dòng điện, các nhà nghiên cứu quan sát: “Chó bắt đầu sợ hãi sau vài cú sốc điện đầu tiên. Nó rít lên và đập người xuống, mắt lồi, đồng tử giãn, lông dựng đứng, hai tai cụp ra sau, đuôi cuộn vào giữa hai chân. Có hiện tượng đại tiện và tiểu tiện ra máu cùng với nhiều triệu chứng khác từ phản ứng mạnh của hệ thần kinh tự chủ.”

Sau cú sốc ban đầu, khi được tháo dây, “chó đi lại thật chậm quanh phòng, có vẻ rón rén, do dự và không thân thiện.” Nhịp tim của nó tăng lên 150 nhịp mỗi phút so với mức nghỉ ngơi cơ bản trong lần sốc điện đầu tiên. Khi cú sốc trôi qua, nhịp tim của chó chậm lại 30 nhịp dưới mức cơ bản trong suốt một phút.

Trong những cú sốc điện tiếp theo, “hành vi của chó dần thay đổi. Trong thời gian bị sốc điện, các dấu hiệu sợ hãi đã biến mất. Thay vào đó, chó có vẻ đau đớn, khó chịu hoặc lo lắng nhưng không sợ hãi. Ví dụ, chó rên rỉ thay vì rít lên, và không có biểu hiện của tiểu tiện, đại tiện hay vật vã nữa. Sau đó, khi được thả ra đột ngột vào cuối buổi thí nghiệm, chó lao tới, nhảy lên người mọi người, vẫy đuôi, những biểu hiện mà khi đó được gọi là ‘niềm vui vỡ oà’”.

Với những cú sốc điện tiếp theo, nhịp tim của chó tăng nhẹ lên trên mức nghỉ ngơi cơ bản và chỉ duy trì trong vài giây. Sau khi kết thúc quá trình sốc điện, nhịp tim giảm mạnh xuống 60 nhịp mỗi phút dưới mức nghỉ ngơi cơ bản, gấp đôi lần giảm đầu tiên. Phải mất 5 phút để nhịp tim của chó trở về mức nghỉ ngơi cơ bản.

Khi tiếp xúc thường xuyên với kích thích đau đớn, tâm trạng và nhịp tim của chó đã tự thích ứng. Phản ứng ban đầu (đau đớn) ngày càng ngắn và yếu hơn. Phản ứng sau (khoái cảm) càng ngày kéo dài và mạnh mẽ hơn. Đau đớn chuyển thành trạng thái tăng cảnh giác rồi chuyển thành “niềm vui vỡ oà.” Nhịp tim tăng cao – phù hợp với phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy – chuyển thành nhịp tim tăng tối thiểu, sau đó là nhịp tim chậm kéo dài, một kiểu nhịp tim chậm thường thấy ở trạng thái thư giãn sâu.

Không thể không thấy thương cảm cho những con vật tội nghiệp bị tra tấn khi tham khảo tài liệu thí nghiệm này. Tuy nhiên, cái gọi là “niềm vui vỡ oà” cho thấy một khả năng trêu ngươi: Khi ấn về phía nỗi đau của cán cân, liệu chúng ta có đạt được nguồn khoái cảm lâu dài hơn?

Ý tưởng này không mới. Các nhà triết học cổ đại đã quan sát một hiện tượng tương tự. Socrates đã suy ngẫm về mối quan hệ giữa lạc thú và nỗi đau từ hơn 2000 năm trước:

Lạ lùng làm sao khi con người gọi thứ này là lạc thú! Và thật bất ngờ làm sao khi nó có liên quan đến thứ được cho là đối lập với nó – nỗi đau! Hai thứ này sẽ không bao giờ được tìm thấy ở cạnh nhau trong cùng một người, nhưng nếu tìm thấy một thứ và có được nó, bạn hầu như chắc chắn luôn có được thứ còn lại, cứ như thể chúng được gắn vào cùng một đầu… Bất cứ khi nào tìm thấy thứ này, thứ kia sẽ xuất hiện ngay sau đó. Cho nên, trong trường hợp của tôi, vì tôi bị đau ở chân do xiềng xích, niềm vui dường như cũng xuất hiện ngay sau đó.

Bác sĩ tim mạch người Mỹ Helen Taussig có một bài viết trên tạp chí American Scientist (Nhà khoa học Mỹ) vào năm 1969, trong đó bà mô tả trải nghiệm của những người bị sét đánh và còn sống để kể lại. “Con trai người hàng xóm của tôi bị sét đánh khi cậu ấy vừa từ sân golf trở về. Cậu ấy bị quật xuống đất. Chiếc quần short bị xé toạc thành từng mảnh còn cậu ấy bị bỏng khắp hai bắp đùi. Khi được người đi cùng đỡ dậy, cậu ấy hét lên ‘Chết tôi rồi, chết tôi rôi.’ Hai chân cậu ấy tê cứng, xanh xao và không thể cử động. Vào thời điểm được đưa đến bệnh viện gần nhất, cậu ấy rất hưng phấn. Mạch đập rất chậm”. Bài viết này gợi nhớ đến “niềm vui vỡ oà” của chú chó, bao gồm cả việc mạch đập chậm.

Tất cả chúng ta đều trải nghiệm một phiên bản của nỗi đau đớn nhường chỗ cho niềm vui nào đó. Có lẽ giống như Socrates, bạn nhận thấy tâm trạng được cải thiện sau một thời gian bị ốm, hoặc cảm nhận trạng thái hưng phấn sau khi chạy bộ, hoặc cảm nhận niềm vui không thể giải thích được khi xem một bộ phim đáng sợ. Giống như nỗi đau là cái giá mà chúng ta phải trả cho niềm vui, niềm vui cũng là phần thưởng mà chúng ta nhận được nhờ nỗi đau.

KHOA HỌC CỦA THUYẾT HORMESIS

Hormesis là một ngành khoa học nghiên cứu về tác dụng có lợi của việc sử dụng chất độc và/hoặc tác nhân kích thích đau đớn ở liều lượng vừa hoặc nhỏ, chẳng hạn như lạnh, nóng, những thay đổi về trọng lực, bức xạ, hạn chế trong chế độ ăn uống và tập thể dục. 

Edward J.Calabrese, nhà nghiên cứu chất độc người Mỹ và là người đứng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu hormesis, mô tả hiện tượng này như “phản ứng thích nghi của các hệ thống sinh học trước những thách thức tự áp đặt hoặc thách thức môi trường vừa phải mà qua đó hệ thống sẽ hoàn thiện chức năng và/hoặc khả năng chịu đựng của nó để đương đầu với những thách thức nghiêm trọng hơn.”

Những con giun đất tiếp xúc với nhiệt độ trên mức nhiệt độ 20 độ C yêu thích của chúng (35 độ C trong hai giờ) sống lâu hơn 25% và có khả năng sống sót ở nhiệt độ cao sau đó hơn 25% so với những con giun không bị tiếp xúc với nhiệt độ như trên. Nhưng nhiệt độ quá cao sẽ không tốt. Bốn giờ tiếp xúc so với hai giờ sẽ làm giảm khả năng chịu nhiệt sau đó và giảm tuổi thọ của giun xuống một phần tư.

Những con ruồi giấm bị quay trong máy ly tâm từ 2 đến 4 tuần không chỉ sống thọ hơn những con ruồi giấm không bị quay mà còn nhanh nhẹn hơn khi về già, có khả năng leo cao hơn và lâu hơn. Thế nhưng, những con ruồi bị quay lâu hơn mức đó lại không thể phát triển.

Trong số những công dân Nhật Bản sống bên ngoài tâm chấn của vụ tấn công hạt nhân năm 1945, những người nhiễm xạ ở mức thấp có tuổi thọ dài hơn và tỷ lệ mắc ung thư thấp hơn so với những người không bị nhiễm xạ. Nhưng trong số những người sống ngay tại tâm điểm của vụ nổ bom nguyên tử, khoảng 200.000 người đã chết ngay lập tức.

Các tác giả đã đưa ra giả thuyết rằng “kích thích liều lượng nhỏ để sửa chữa tổn thương ADN, loại bỏ các tế bào khác thường thông qua quá trình tự chết có kích thích [tế bào chết theo chương trình], và loại bỏ các tế bào ung thư thông qua hệ thống miễn dịch chống lại tế bào ung thư có kích thích” là trọng tâm của những tác động có lợi từ quá trình bức xạ liều lượng nhỏ.

Lưu ý rằng những phát hiện này vẫn còn gây tranh cãi và một bài viết sau đó được đăng trên tạp chí uy tín Lancet đã bác bỏ những lập luận trên.

Nhịn ăn gián đoạn và hạn chế calo giúp kéo dài tuổi thọ và tăng khả năng chống lại những căn bệnh liên quan đến tuổi tác ở chuột và khỉ, cũng như giảm huyết áp và tăng độ biến thiên nhịp tim. Nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một cách giảm cân và cải thiện sức khoẻ. Các phương pháp nhịn ăn bao gồm nhịn ăn cách ngày, nhịn ăn một ngày mỗi tuần, nhịn ăn đến 9 giờ, nhịn ăn một bữa mỗi ngày, nhịn ăn 16:8 (nhịn suốt 16 giờ và ăn trong 8 giờ)...

Người dẫn chương trình truyền hình người Mỹ Jimmy Kimmel cũng thực hành nhịn ăn gián đoạn. Anh chia sẻ: “Việc tôi đã làm trong vài năm nay là nhịn ăn hai ngày mỗi tuần… Vào thứ Hai và thứ Năm, tôi ăn ít hơn 500 calo mỗi ngày, sau đó tôi ăn như lợn trong những ngày còn lại. Bạn ‘gây bất ngờ’ cho cơ thể, khiến nó mãi phỏng đoán.

Cách đây không lâu, những hành vi nhịn ăn như vậy có thể bị dán nhãn là “rối loạn ăn uống”. Quá ít calo sẽ có hại cho sức khoẻ vì những lý do hiển nhiên. Nhưng ngày nay, đối với một số nhóm người, nhịn ăn được xem là bình thường, thậm chí lành mạnh.

Vậy còn tập thể dục thì sao?

Tập thể dục sẽ ngay lập tức gây hại cho các tế bào, làm tăng nhiệt độ cơ thể và tăng các chất oxy hoá độc hại, gây thiếu hụt oxy và glucose. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy rằng tập thể dục có tác dụng tăng cường sức khoẻ, và việc không tập thể dục, đặc biệt khi kết hợp với chế độ ăn uống ít vận động mạn tính – ăn quá nhiều suốt cả ngày – sẽ gây tử vong.

Tập thể dục làm tăng nhiều chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến quá trình điều chỉnh tâm trạng tích cực: dopamine, serotonin, norepinephrine, epinephrine, endocannabinoids và các opioid peptide nội sinh (các endorphin). Tập thể dục góp phần sản sinh các tế bào thần kinh mới và hỗ trợ các tế bào thần kinh đệm. Tập thể dục thậm chí còn làm giảm khả năng sử dụng và nghiện ma tuý.

Khi chuột có sử dụng bánh xe chạy bộ trong 6 tuần trước khi được tiếp cận lượng cocaine không giới hạn, thì sau đó chúng biết tự quản liều lượng cocaine và sử dụng ít thường xuyên hơn so với chuột không được dùng bánh xe chạy bộ. Phát hiện này cũng giống hệt với heroin, methamphetamine và rượu. Khi chuột không tự nguyện mà bị ép tập thể dục, kết quả là mức tiêu thụ tự nguyện chất gây nghiện vẫn giảm.

Ở con người, mức hoạt động thể chất cao ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông và những năm đầu của tuổi trưởng thành (20-35 tuổi) dự báo các mức sử dụng ma tuý thấp hơn. Tập thể dục cũng được chứng minh là giúp người nghiện cai nghiện hoặc cắt giảm liều lượng.

Đối với mỗi ngành động vật được sử dụng trong nghiên cứu, có bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của dopamine đối với các mạch vận động của chúng. Ngành giun tròn C. elegans, một trong những động vật thí nghiệm đơn giản nhất, tiết ra dopamine để phản ứng với các kích thích từ môi trường báo hiệu sự phong phú của thức ăn tại nơi đó. Vai trò cổ xưa của dopamine trong vận động thể chất có liên quan đến vai trò của nó trong động cơ thúc đẩy: Để có được vật hoặc đối tượng mong muốn, chúng ta cần phải tiến tới để lấy nó.

Tất nhiên, nguồn dopamine dễ tiếp cận ngày nay không yêu cầu chúng ta phải rời khỏi ghế. Theo các báo cáo khảo sát, một người Mỹ điển hình ngày nay dành một nửa số giờ thức giấc để ngồi, tăng 50% so với hơn 50 năm trước. Có thể so sánh với dữ liệu từ các quốc gia giàu có khác trên thế giới. Khi bạn nghĩ đến việc chúng ta tiến hoá để vượt hàng chục cây số mỗi ngày nhằm tranh giành một nguồn cung thực phẩm giới hạn, thì những tác động bất lợi của lối sống ít vận động hiện đại cũng trở nên thật tàn khốc.

Thỉnh thoảng, tôi tự hỏi liệu khuynh hướng nghiện ngập hiện đại của chúng ta có phần nào bị thôi thúc bởi cách ma tuý nhắc nhở rằng chúng ta vẫn còn cơ thể. Những trò chơi điện tử phổ biến nhất đều có hình đại diện đang chạy, nhảy, leo trèo, bắn và bay. Điện thoại thông minh yêu cầu chúng ta lướt qua các trang và chạm vào màn hình, khéo léo khai thác thói quen cổ xưa của chuyển động lặp đi lặp lại, được tích lũy qua nhiều thế kỷ xay lúa mì và hái quả mọng. Chúng ta bận tâm về tình dục bởi vì đây là hoạt động thể chất cuối cùng vẫn được thực hiện rộng rãi.

Chìa khoá để có được một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh là rời khỏi ghế sô-pha êm ái và vận động cơ thể thực, không phải cơ thể ảo của chúng ta. Như tôi thường nói với bệnh nhân của mình, chỉ cần đi bộ quanh khu phố của bạn 30 phút mỗi ngày là có thể tạo ra sự khác biệt. Bởi vì có bằng chứng không thể chối cãi: Tập thể dục có tác động tích cực, sâu sắc và lâu dài đến tâm trạng, chứng lo âu, nhận thức, năng lượng và giấc ngủ hơn bất kỳ loại thuốc nào mà tôi kê đơn.

Nhưng theo đuổi nỗi đau khó hơn theo đuổi lạc thú. Nó đi ngược lại với phản xạ bẩm sinh né tránh nỗi đau và theo đuổi lạc thú của chúng ta. Nó làm tăng tải trọng nhận thức: Chúng ta phải nhớ rằng mình sẽ cảm nhận niềm vui sau nỗi đau, và chúng ta rất dễ quên những điều như vậy. Tôi biết tôi phải học lại những bài học về nỗi đau mỗi sáng khi ép bản thân ra khỏi giường và tập thể dục. 

Theo đuổi nỗi đau thay vì lạc thú cũng là một hành vi phản văn hoá, đi ngược lại tất cả các thông điệp dễ chịu đang xuất hiện tràn ngập ở nhiều khía cạnh của đời sống hiện đại. Đức Phật dạy ta tìm kiếm con đường “Trung dung” giữa nỗi đau và lạc thú, nhưng ngay cả con đường “Trung dung” cũng đã bị vẩn đục bởi “kẻ độc tài mang tên tiện lợi.”

Do đó, chúng ta phải tìm kiếm nỗi đau và mời nó bước vào cuộc sống của mình.

Ảnh: Simon Abranowicz

Bài viết được trích từ cuốn sách GIẢI MÃ HOÓC-MÔN DOPAMINE – SỐNG CÂN BẰNG TRONG THỜI ĐẠI ĐẦY CÁM DỖ:

Shopee: https://shope.ee/5KiR5rB9z2

Fahasa: https://shorten.asia/erB6gZ2q

Dựa trên những câu chuyện có thật về bệnh nhân của giáo sư Anna Lembke, cuốn sách là sự kết hợp giữa khoa học ham muốn và hiểu biết từ kinh nghiệm phục hồi của chính người trong cuộc để giúp chúng ta đạt đến trạng thái cân bằng tốt hơn, lành mạnh hơn giữa lạc thú và nỗi đau. Độc giả sẽ lần lượt được gặp gỡ từ anh chàng Jacob nghiện tự sướng tới mức chế tạo ra một chiếc máy để thỏa mãn nhu cầu, chàng sinh viên David nghiện đủ thứ thuốc an thần và mỗi ngày phải nốc hàng tá thuốc mới tỉnh táo, cho tới cô bé Delilah mê hút thuốc lá điện tử vì rối loạn lo âu, v.v.

Duyên dáng, sinh động, hấp dẫn, rất đời thường là những tính từ của mình dành cho Giải mã hoóc-môn dopamine. Dù đây là một cuốn sách khoa học do một nhà khoa học hàng đầu về thần kinh và tâm thần viết, nhưng nó không hề khô khan mà ngược lại đọc còn rất cuốn, và bất cứ độc giả nào cũng có thể nhìn thấy chính bản thân mình qua các bệnh nhân của tác giả. Có một câu mà cả dịch giả và mình đều thích trong sách: “Người nghiện nặng là những nhà tiên tri đương thời bị bỏ mặc bởi vì họ phơi bày cho chúng ta thấy con người thật của mình” (nhà triết học kiêm thần học Kent Dunnington).

Thông qua những người nghiện và thói nghiện ngập dopamine trong thời đại số, chúng ta càng thấy rõ hơn tương lai mà cả xã hội này đang dần tiến đến. Hiểu biết về dopamine và cán cân lạc thú – nỗi đau cũng là phương cách để chúng ta có thể sống cân bằng trong một thời đại đầy cám dỗ.


menu
menu