Về việc nấu ăn không giỏi lắm

ve-viec-nau-an-khong-gioi-lam

Trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống, thật dễ để cảm thấy tuyệt vọng khi chúng ta không thể sống đúng với kỳ vọng của chính mình.

Chúng ta nhận ra mình chẳng đủ đẹp, đủ giàu, đủ thông minh, đủ tử tế hay đủ tài giỏi. Và tất nhiên, trong danh sách đó, chúng ta cũng chẳng phải là những người nấu ăn giỏi như mình từng mơ tưởng. Ta đã nhìn thấy những hình ảnh đẹp đẽ trong những cuốn sách nấu ăn bóng bẩy, đã sắm sửa đầy đủ dụng cụ và bát đĩa đúng chuẩn. Ta quen biết không ít người có kỹ năng bếp núc đáng nể. Ta hiểu rõ mình cần phải làm thế nào. Ấy vậy mà, những nỗ lực của bản thân dường như không thể đạt đến tiêu chuẩn mong muốn. Ta thấy hổ thẹn, buồn bã về sự “vụng về” của chính mình trong căn bếp.

Khoảng cách bi kịch giữa con người ta muốn trở thành và con người thực sự của mình từng là điều gây tò mò sâu sắc cho nhà phân tâm học trẻ em tiên phong Donald Winnicott. Ông nhận thấy nhiều bậc cha mẹ chân thành, có ý tốt, đến gặp ông trong tâm trạng khổ sở. Họ bị ám ảnh bởi nỗi sợ rằng họ đang làm sai rất nhiều thứ trong cách nuôi dạy con cái. Họ ghê tởm bản thân và vì thế, không thể tận hưởng vai trò của mình hay cải thiện những điều mình làm chưa tốt. Để giúp họ, Winnicott đã đưa ra khái niệm “bậc cha mẹ đủ tốt” (good enough parent).

Ông trấn an rằng cha mẹ chắc chắn sẽ mắc lỗi, nhưng hầu hết những lỗi lầm này đều không nghiêm trọng như họ tưởng. Ông lập luận rằng, một đứa trẻ không cần một người cha mẹ hoàn hảo; chúng chỉ cần một người thường xuyên tử tế, đôi khi hơi lúng túng, nhưng nhìn chung có thiện chí và là một con người thật sự. Nói cách khác, chúng cần một bậc cha mẹ “đủ tốt”.

Tương tự, chúng ta cần loại bỏ chủ nghĩa hoàn hảo khắc nghiệt trong chuyện nấu ăn. Chúng ta đã bị hành hạ quá lâu bởi những hình ảnh về những bữa ăn lý tưởng. Ta ghét bỏ thành quả của mình, khinh thường bản thân và không dám để người khác nếm thử món ăn ta làm – chỉ vì ta bị ám ảnh bởi những lý tưởng hoàn mỹ lấp lánh ấy. Khát khao nấu ăn thật hoàn hảo đã vô tình làm suy yếu khả năng trân trọng những thành quả tuy chưa hoàn hảo nhưng vẫn rất đáng yêu, thậm chí đôi lúc vụng về, mà ta thực sự có thể làm ra.

Và dẫu những bất an hay thất bại nhỏ nhặt trong bếp vẫn tồn tại, Winnicott chắc chắn sẽ nhắc nhở rằng ta đã là những người nấu ăn “đủ tốt” rồi. Trong bức tranh lớn của cuộc đời, chẳng hề quan trọng nếu miếng thịt của ta bị nấu quá chín, món mì ống chẳng mấy khi đạt độ al-dente, hay chiếc bánh ta làm trông chẳng giống hình ảnh trên sách dạy.

Phần này là một cẩm nang và cũng là lời ca ngợi dành cho một điều hiếm khi xuất hiện trong những cuốn sách nấu ăn nhưng lại vô cùng quan trọng: sự nấu nướng và thưởng thức “đủ tốt” – dù có đôi chút vụng về.

1. Tôi không thể nấu ăn!

Điều đó không thể đúng.

Khẳng định rằng mình không biết nấu ăn thường chỉ là tương đối, dựa trên một tiêu chuẩn “nấu ăn” do chính ta đặt ra trong tâm trí. Ta nghĩ một người biết nấu ăn thật sự là người tự làm sốt mayonnaise, có cách đặc biệt để rửa và phơi khô rau xà lách, cực kỳ khắt khe về chất lượng dao họ dùng. Họ luôn làm đúng công thức hoặc tự sáng tạo ra những biến tấu tuyệt vời. Họ có tủ chứa đầy nguyên liệu tự chuẩn bị, biết cách làm bánh mì, làm bánh souffle phồng cao. Họ am hiểu chất lượng nguyên liệu, thường xuyên ghé những cửa hàng đặc biệt để tìm nguyên liệu tốt nhất. Họ không bao giờ căng thẳng trong bếp. Và khi nấu gà, phần thịt ức của họ không bao giờ bị khô.

Dựa trên tiêu chuẩn ấy, tất nhiên, ta không thể nấu ăn.

Nhưng sự thật là ta hoàn toàn có thể nấu rất nhiều món ngon lành để thưởng thức – ngay cả khi chúng không hoàn hảo. Một quả trứng chiên vẫn có thể thơm ngon, dù viền trứng hơi cháy hay lòng đỏ có phần chín quá. Ta vẫn có thể hài lòng với món mì trộn pesto của mình, dù đã quên cho muối vào nước luộc mì và một ít mì bị dính đáy nồi khi đổ ra. Những món ăn như thế – và hàng ngàn món ăn tương tự – đều khá dễ tính trước những lỗi lầm nho nhỏ. Giống như một người bạn tốt, chúng không để bụng những sai sót nhỏ nhặt của ta. Điều quan trọng nhất là ta tận hưởng được bữa ăn của mình.

Việc ta đang làm không chỉ là nấu ăn. Thông qua những trải nghiệm giản dị trong bếp, ta đang tự nhắc nhở mình một chân lý phổ quát: sự đủ tốt có thể được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Đó có thể là một cuộc hôn nhân đủ tốt, một công việc đủ tốt, hay một kỳ nghỉ đủ tốt.

Việc chạy theo chủ nghĩa hoàn hảo không phải là con đường dẫn đến kết quả tốt đẹp hay một cuộc sống viên mãn hơn. Ngược lại, đó gần như là bảo chứng cho việc ta sẽ cảm thấy mình là kẻ thất bại. Miếng gà áp chảo chưa đủ đều, hơi cháy xém ở vài chỗ hay quá tay ở chỗ khác chính là biểu tượng vĩ đại của một ý tưởng lớn lao: sự hòa hợp khôn ngoan với bản chất không hoàn hảo của thực tại.

2. Có nên gọi đồ ăn về nhà không?

Nếu xem qua hầu hết các sách dạy nấu ăn, bạn sẽ thấy khái niệm “gọi đồ ăn” dường như chẳng tồn tại, thậm chí nó còn bị xem như hành động của những kẻ man rợ hoặc vô đạo, chỉ xuất hiện sau khi họ vừa cướp phá một thành phố.

Thế nhưng, gọi đồ ăn về lại có chỗ đứng hợp lý và đầy ý nghĩa trong hành trình của một người nội trợ “đủ tốt”. Biết khi nào nên không nấu ăn cũng là một kỹ năng, đòi hỏi sự tự tin và trưởng thành cảm xúc chẳng kém gì việc tự tay nấu một bữa ăn.

Trước tiên, để dám gọi đồ ăn, ta cần học cách yêu thương chính mình – và chấp nhận rằng đôi lúc, mình xứng đáng được người khác giúp đỡ. Ta phải đối mặt với khái niệm về sự phụ thuộc và thừa nhận cảm giác kiệt sức của bản thân là điều hoàn toàn chính đáng. Có lẽ chúng ta đã làm đủ mọi thứ trong khả năng của mình và giờ là lúc để tiệm Star of India hay Jade Garden gánh vác phần việc còn lại. Nhờ cậy người khác, nhận ra rằng mình không thể tự xoay xở mọi thứ một mình, đôi khi là biểu hiện của sự tự nhận thức khôn ngoan. Ta đang thừa nhận với chính mình – một điều mà quá khứ có thể đã khiến ta khó lòng chấp nhận – rằng ta có thể mệt mỏi, chán nản hay kiệt sức, và những điều đó không đồng nghĩa với việc ta đang trốn tránh trách nhiệm hay lười biếng. Có thể ta vừa trải qua cú sốc tình cảm, vừa kiệt sức vì công việc, hoặc đêm qua ta đã mất ngủ… Và khi ta ra mở cửa, nhận túi đồ ăn từ một người giao hàng đội mũ bảo hiểm, ta đang đón nhận một ý tưởng quan trọng: đôi khi, ta cũng xứng đáng được chăm sóc.

Chúng ta có thể tạm ngưng vài trách nhiệm mà vẫn là những con người đáng trân trọng và tử tế.

Ta cũng không cần ngại ngùng khi thừa nhận những yếu đuối của mình trước người khác. Hãy tưởng tượng bạn bè cũ đến thăm, và lý tưởng nhất là ta muốn chuẩn bị một bữa ăn thật ngon để chiêu đãi, làm họ ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Nhưng lúc đó, ta chỉ muốn nằm co trong giường, được ai đó ôm ấp, vì ta đang kiệt sức và buồn bã. Ta cảm thấy áp lực phải thể hiện tốt nhất trước bạn bè – như thể chỉ khi ta nấu một chiếc bánh nướng hoàn hảo hoặc gà nướng chanh thơm phức, họ mới yêu quý ta. Nhưng ta đã quên đi điều cốt lõi của tình bạn: bạn bè yêu quý ta chính vì – và đôi khi nhờ vào – những yếu đuối, thiếu sót và sự không hoàn hảo của ta.

Việc luôn tỏ ra hoàn hảo chỉ khiến người khác cảm thấy xa cách và dè dặt. Trong khi đó, chính sự dễ tổn thương lại là cầu nối tạo nên tình bạn sâu sắc. Ta có thể khiến người khác ngưỡng mộ bằng sự tài giỏi, nhưng chính sự chân thật – dù là rệu rã, bất lực – mới giúp kết nối thực sự.

Hãy mạnh dạn đón bạn bè vào gian bếp bừa bộn của ta, trong bộ áo phông cũ sờn và quần jeans, với những vệt nước mắt còn lấm trên má (ta sẽ kể hết cho họ nghe ngay thôi), rồi không chút xấu hổ thông báo rằng một túi đồ ăn lớn từ Memories of China đang trên đường tới. Đó chính là khởi đầu đích thực của lòng hiếu khách.

3. Ta nên làm gì với đồ ăn thừa?

Câu trả lời thường thấy là: hãy đổ chúng vào thùng rác. Giống như cách ta loại bỏ mọi điều khiếm khuyết, không hoàn hảo và kém chấp nhận được trong cuộc sống con người.

Nhưng với một người nấu ăn “đủ tốt”, đồ ăn thừa là phần không thể thiếu trong thực đơn hàng tuần. Nếu nhìn bằng sự sáng tạo và tinh thần tự do, ta sẽ thấy vẻ quyến rũ đặc biệt của cà-ri lạnh, miếng bít-tết đã đông lại, những hạt đậu mềm sền sệt hay mấy quả cà chua nướng dở tối qua.

Niềm vui không chỉ nằm ở hương vị (mà đôi khi còn ngon hơn cả lúc mới nấu), mà những món ăn thừa ấy còn gợi lên một chủ đề lớn hơn: cách mà những điều từng bị bỏ đi, trong hoàn cảnh phù hợp, có thể trở thành trung tâm và đầy ấn tượng.

Ý tưởng này từng xuất hiện trong tôn giáo. Trong Phúc Âm Thánh Matthew, Chúa Giêsu nói: “Hòn đá mà thợ xây loại bỏ đã trở thành đá tảng góc tường.” Điều Ngài muốn nói là những con người “thừa thãi” mà xã hội thường coi là không xứng đáng – người yếu đuối, nghèo khổ, hay kém tài – sẽ có chỗ đứng hoàn toàn khác trong Vương Quốc của Chúa, nơi những giá trị tiềm ẩn của họ được công nhận.

Vượt xa khỏi tôn giáo, ý tưởng ấy cũng đúng trong cuộc sống đời thường. Đôi khi, ta nhận ra rằng những điều có vẻ thấp kém (những “đồ thừa” của nền văn hóa chính thống) lại trở nên đẹp đẽ nếu được trao cơ hội. Ví dụ, có thể chẳng ai nghĩ đi du lịch cùng bà dì già trên một chiếc xe cắm trại là ý tưởng hay. Nhưng việc dành thời gian trong một ngôi nhà di động thông minh, gọn gàng ở những nơi chưa ai khám phá cùng một người dì – dù bà ấy có nhuộm tóc lố bịch hay ăn mặc chẳng đẹp – lại hóa ra rất thú vị, bởi bà ấy có một quá khứ đầy màu sắc và những quan điểm đáng suy ngẫm về văn học, chính trị.

Lòng rộng lượng trong trí tưởng tượng là thứ mà một ngày nào đó, ai cũng sẽ cần đến. Bởi một lúc nào đó, chính chúng ta cũng sẽ trở thành “đồ thừa” – một món đồ bị quên lãng nơi góc khuất cuộc đời – và cần người khác nhìn thấu vẻ đẹp tiềm tàng sau lớp vỏ xù xì của mình.

Khi ta biến những món ăn thừa thành một bữa ăn ngon lành vào ngày hôm sau, ta đang thực hiện một chủ đề sâu sắc trong cuộc sống: sự tái sinh.

4. Có thể ăn đồ ăn của con không?

Ý nghĩ một người lớn muốn ăn món ăn làm riêng cho trẻ con nghe có vẻ hơi kỳ quặc. Trong nhà hàng, ta hẳn sẽ không đủ can đảm để gọi món trong thực đơn trẻ em; ta buộc phải nén lại sự tò mò về chiếc pizza mặt cười hay bát súp đi kèm bánh quy hình động vật. Nhưng trong thâm tâm, có lẽ ta lại rất bị cuốn hút bởi những món ăn mềm mại, hương vị dịu nhẹ và hình dạng ngộ nghĩnh ấy.

Sự hấp dẫn đó không chỉ nằm ở hương vị, mà còn ở ký ức. Những món ăn ấy đưa ta trở về một thời thơ bé xa xăm nhưng đầy sức mạnh: khi ta được yêu thương chăm sóc, không có trách nhiệm, khi chỉ cần tồn tại cũng đủ để được yêu thương. Đó là lúc ta có thể hạnh phúc chỉ vì một cơn mưa tuyết hay một vũng nước nhỏ, khi có người bế ta lúc mỏi chân, khi ta chưa bị ràng buộc bởi những cảm xúc phức tạp hay những thôi thúc bản năng tối tăm.

Có một sự thụt lùi lành mạnh – được khơi gợi nhờ những món ăn – giúp ta kết nối lại với những gì đẹp đẽ, ngây thơ và hồn nhiên nhất trong tuổi thơ. Ta không trở thành một đứa trẻ năm tuổi nữa, nhưng nhờ chiếc bánh burger tí hon hay món mì chữ cái, ta để phần đẹp nhất của tuổi thơ đối thoại với con người trưởng thành phức tạp và đôi phần u buồn mà ta đang là.

Việc ăn thức ăn còn sót lại trên đĩa con trẻ cũng là một biểu hiện của tình yêu thương sâu sắc và sự gắn kết với chúng. Khi lũ trẻ đã chạy ra vườn chơi, còn chúng ta vẫn ngồi lại bàn ăn, mệt mỏi chưa muốn dọn dẹp, có thể ta sẽ với tay nhón miếng xúc xích vương vãi chút sốt cà chua mà chúng bỏ dở, ăn nốt phần sandwich còn sót lại, cắn nốt quả táo chỉ mới bị cắn vài miếng, hay thậm chí là thưởng thức phần cá chiên chưa kịp hết. Những việc như thế này sẽ thật kinh khủng nếu xảy ra trong một quán ăn nơi công sở, hoặc trên chuyến bay, khi ta đưa tay lấy miếng sandwich còn dang dở từ khay của người lạ ngồi bên cạnh. Nhưng trong vòng tay gia đình, đặc biệt là với con cái, hành động này lại trở thành một biểu hiện tuyệt đẹp của sự thân mật.

Ta thể hiện sự gần gũi qua việc không chỉ ăn cùng loại thức ăn mà còn ăn chính phần thức ăn còn dang dở, thậm chí mang dấu răng của chúng. Và với đứa trẻ, khi bất ngờ quay lại và bắt gặp cảnh cha mẹ đang vui vẻ thưởng thức nốt phần đậu hay món mousse yêu thích của mình, có lẽ đó là một khoảnh khắc đáng yêu. Chúng nhận ra rằng cha mẹ thực sự thích thứ mình có – điều này mang lại cảm giác khác lạ và thú vị. Bởi trong nhiều trường hợp, chính đứa trẻ thường xuyên thèm muốn những gì thuộc về cha mẹ: chiếc cưa điện mà chúng không được chạm vào, chiếc xe hơi mà chúng không thể lái, hay chiếc thẻ tín dụng cha mẹ luôn vẫy trong cửa hàng. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc ấy, với sự hiện diện của miếng cá chiên hay quả bơ nghiền, thứ tự “quyền lực” được đảo ngược một cách đầy duyên dáng. Chính đứa trẻ mới là người sở hữu những điều khiến cha mẹ ao ước, và vị trí của chúng – dù nhỏ bé – bỗng trở nên hấp dẫn và đáng yêu vô cùng.

5. Tán Dương Những Món Ăn Hỏng

Thay vì vàng óng mịn màng và sóng sánh như chúng ta mong đợi, món trứng khuấy lại nhợt nhạt và vụn vỡ. Thay vì lát cá hồi nguyên vẹn, chắc nịch nằm gọn trên đĩa, nó đã tơi ra thành hàng tá mảnh nhỏ lộn xộn. Phần vỏ bánh mà lẽ ra phải nở phồng, óng ánh như chiếc vòm nhỏ, lại xẹp lép và nhợt nhạt.

Trong giây lát, ta có thể muốn ném tất cả vào thùng rác. Nhưng đừng làm vậy. Khi thưởng thức những món ăn tưởng chừng là "thảm họa" ấy, ta đang gửi đi một thông điệp quan trọng đến chính mình: một điều gì đó dù có vẻ sai sót, vụng về, thậm chí kém hấp dẫn, vẫn có thể hoàn toàn "ổn", thậm chí đủ tốt.

Hầu hết các công thức nấu ăn đều không chỉ bạn cách làm vỏ bánh trở nên nhão nhoẹt, hay biến món súp trong thành đục. Nhưng có lẽ, chúng nên làm thế.

Bằng việc chủ động thực hiện những thử thách nấu nướng mà bạn biết rằng khả năng cao sẽ không hoàn hảo (dựa trên một tiêu chuẩn lý tưởng nào đó), nhưng vẫn đủ ngon để thưởng thức, ta đang buộc mình – và một cách hữu ích – chạm đến một sự thật sâu sắc: rằng chúng ta có thể thất bại nếu nhìn qua lăng kính của một thế giới đầy tham vọng, nhưng vẫn ổn, và thậm chí, vào một số ngày, vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn.

Nguồn: ON NOT BEING ABLE TO COOK VERY WELL 

menu
menu