Tại sao chúng ta sợ hãi những điều vô định?
Bất cứ khi nào thực hiện một việc mà không rõ kết quả, chúng ta đang chấp nhận rủi ro.
Ký ức của mùa xuân năm 2020 hẳn vẫn còn rõ ràng trong mỗi chúng ta. Chỉ trong vòng vài tuần, từ chỗ ngờ vực, hoang mang, chúng ta buộc phải chấp nhận rằng có một đại dịch mới đang lây lan với tốc độ khủng khiếp trên toàn cầu. Trong thời gian dài, chúng ta bị tấn công bởi những thông tin về sự gia tăng tỷ lệ tội phạm, các cuộc biểu tình đông đảo diễn ra ở các quốc gia phát triển, sự lo lắng và trầm cảm trở nên phổ biến hơn vì giãn cách xã hội.
Đại dịch lần này đã đánh vào điểm yếu tâm lý lớn nhất của nhân loại: nỗi sợ hãi trước những điều chưa xác định.
Cuộc sống của chúng ta bị thay đổi hoàn toàn trong một khoảng thời gian dài. Virus gây chết người như thế nào? Chúng ta không biết. Đại dịch sẽ kéo dài bao lâu? Chẳng ai rõ. Có phương pháp điều trị hiệu quả không? Hên xui. Và còn rất nhiều câu hỏi khác mà không ai dám tự tin trả lời cho bạn.
Chúng ta có xu hướng bấu víu vào niềm tin giả định của mình mặc dù không chắc về độ chính xác của nó. Bởi càng tin tưởng, chúng ta càng có thể tránh xa nỗi sợ hãi về điều mình chưa chắc chắn. Tuy nhiên, chính điều đó khiến chúng ta gặp rắc rối.
Tại sao chúng ta sợ hãi những điều vô định?
Bất cứ khi nào thực hiện một việc mà không rõ kết quả, chúng ta đang chấp nhận rủi ro. Bạn bỏ bữa trưa để hoàn thành công việc và chấp nhận bụng mình sẽ “lên tiếng” vào giữa buổi chiều. Bạn mua cho bạn mình một món quà và biết rằng có thể họ sẽ không thích.
Cuộc sống luôn chứa đựng những ẩn số. Khi đối mặt với những quyết định không chắc chắn, ta chỉ có thể cân nhắc giữa chi phí rủi ro và lợi ích. Nếu cảm giác không chắc chắn này có thể kiểm soát được thì chúng ta lại cảm thấy ổn với quyết định của mình. “Mình đã bỏ qua bữa trưa một vài lần mà vẫn ổn”, bạn có thể nghĩ như vậy và tiếp tục lặp lại hành động đó.
Đôi khi, chúng ta không biết mình đang mạo hiểm điều gì vì có quá nhiều thứ chưa chắc chắn đến nỗi ta thậm chí không thể tính toán sẽ từ bỏ hay giữ lại những gì. Vì không biết những lựa chọn mình đưa ra có thể rủi ro đến mức nào nên ta càng lo lắng và sợ hãi tột độ. Đây là lý do tại sao sự không chắc chắn lại gây nên lo lắng.
Khi không biết phải nói gì với ai đó, chúng ta cho rằng họ sẽ cười nhạo bất kể chúng ta làm gì. Khi không biết gì về sếp mới của mình, chúng ta có xu hướng tưởng tượng rằng họ sẽ là một người hà khắc hay kinh khủng. Khi bị ốm không rõ nguyên nhân, nhiều người ngay lập tức nghĩ đến những trường hợp xấu nhất. Về cơ bản, khi không rõ điều gì đó có thể là mối đe dọa hay không, trong vô thức chúng ta sẽ tự kết luận theo hướng tiêu cực.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG
Khi không chắc chắn về những gì đang xảy ra, chúng ta xem mọi thứ xung quanh như là một mối đe dọa. Khi không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra trong tương lai, chúng ta thấy tương lai chính là một mối đe dọa.
Học cách đối mặt với sự không chắc chắn là một kỹ năng quan trọng mà bạn phải hình thành. Nếu không, nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bạn. Ngay cả khi nỗi sợ hãi về điều vô định không dẫn đến các bệnh tâm lý, nó vẫn có thể khiến chúng ta lo lắng quá mức, đưa ra quyết định tồi tệ và làm việc kém hiệu quả.
SỰ CHẮC CHẮN CŨNG CHỈ LÀ... ẢO TƯỞNG!
Có rất ít điều chắc chắn trong cuộc sống của chúng ta. Vì thế, chúng ta dành rất nhiều thời gian và năng lượng để xây dựng nên kỳ vọng xung quanh những điều sắp xảy ra. Chúng ta tạo ra lịch, đặt lịch trình và các cuộc hẹn, thiết lập những nguyên tắc và mục tiêu... Tất cả những điều này là nỗ lực không ngừng nhằm chống lại cảm giác thiếu chắc chắn đó.
Nhưng đôi khi, dù lên kế hoạch kỹ thế nào, bạn vẫn không lường trước được những gì mà cuộc sống đã chuẩn bị ở phía trước. Giống như khi một cơn đại dịch bùng phát trên toàn thế giới, tất cả mọi người đều cảm thấy bất an vì không ai biết nó sẽ xảy đến và khi nào thì kết thúc.
Trong bối cảnh đó, nhiều người đã đưa ra các giả thuyết trong nỗ lực giải thích tuyệt vọng về những điều đang thật sự diễn ra. Các lý thuyết về âm mưu phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc và ngày càng trở nên ít đáng tin hơn. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta không thể cứ ngồi yên và chịu đựng sự vô định đó. Cách hầu hết mọi người đối phó với nỗi sợ hãi này là tưởng tượng ra sự chắc chắn. Khi đã quá mệt mỏi vì phải lo lắng về mọi thứ, chúng ta sẽ sẵn lòng đánh đổi nó để đổi lấy sự ảo tưởng.
Tuy nhiên, không thể chỉ vì bạn cảm thấy chắc chắn về điều gì đó có nghĩa là nó đúng. Trên thực tế, biết điều gì đó là đúng và “cảm giác” biết điều gì đó là đúng là hai thứ khác nhau.
Bạn phải thừa nhận rằng, chính những điều bất ngờ, không đoán trước được sẽ giúp chúng ta luôn sẵn sàng thay đổi, học hỏi và thích nghi với những thách thức trong cuộc sống.
CÁCH ĐỂ CHUNG SỐNG VỚI NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ ĐOÁN TRƯỚC
Đối mặt
Càng tránh những cảm xúc tiêu cực thì chúng sẽ càng khiến bạn suy sụp vào một thời điểm nào đó. Kìm nén sự giận dữ chỉ khiến cơn tức giận đó bùng phát vào một thời điểm khác. Tương tự như vậy, ngó lơ sự lo lắng và khó chịu khi đối mặt với những điều bất định chỉ làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Có một số nghiên cứu thú vị về mối liên kết giữa sử dụng điện thoại di động với việc gia tăng lo lắng về sự không chắc chắn. Nghiên cứu này chỉ ra khi bạn cố thoát ly bằng cách vùi mặt vào điện thoại, bạn đang giảm khả năng tiếp xúc với những ẩn số trong cuộc sống hằng ngày. Và khi không có kinh nghiệm đối mặt với chúng thì những điều xảy ra tiếp theo sẽ khiến bạn bối rối hơn rất nhiều.
Vì vậy, bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, là hãy học cách đối diện và chấp nhận. Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều thú vị và đừng lo lắng mà hãy xem đó như cơ hội để thử thách khả năng thích nghi của mình.
Xây dựng thói quen
Bạn có thể xây dựng những thói quen mà mình kiểm soát được, từ đó tạo ra sự ổn định để không còn lo lắng với những điều không tên có thể xảy đến với mình.
Bạn cần lưu ý là, sự ổn định không giống như sự chắc chắn. Việc xây dựng những thói quen lành mạnh giúp bạn đối mặt với những gì mình có thể và không thể kiểm soát trong cuộc sống. Điều này sẽ giúp bạn thoải mái hơn khi có những giây phút lưỡng lự.
Ví dụ, hầu như tất cả các nghiên cứu về thói quen trên mạng đều cho thấy rằng sức mạnh ý chí của bạn không quan trọng bằng môi trường xung quanh trong việc tạo ra và duy trì những thói quen lành mạnh. Bạn không thể quyết định khi nào mình thèm ăn bánh nhưng bạn có thể kiểm soát những gì mình mua ở cửa hàng tạp hóa. Nếu chuẩn bị sẵn một ít đồ ăn nhẹ lành mạnh trong tủ lạnh, bạn sẽ tránh được việc ăn bánh vào lúc yếu lòng.
Sự thay đổi tinh tế trong suy nghĩ này có tác động rất lớn: bạn có rất ít quyền kiểm soát về cảm giác của mình nhưng lại có rất nhiều quyền kiểm soát đối với môi trường mà những cảm giác đó sẽ xảy ra. Vì vậy, hãy tập trung tạo môi trường tốt nhất cho bản thân. Bạn có thể tự hỏi chính mình, "Tôi không thể kiểm soát X, nhưng tôi có thể làm gì để khiến kết quả tốt nhất xảy ra nhiều hơn?"
Theo thời gian, bạn sẽ bắt đầu chấp nhận sự không chắc chắn như một phần khác của cuộc sống. Bạn sẽ thấy rằng “không biết” không phải là ngõ cụt và bạn có quyền kiểm soát một số thứ để thay đổi tình hình.
Hãy sáng tạo
Nếu đã quen với những sự kiện không lường trước, bạn thường có xu hướng sáng tạo hơn. Khi phải làm quen với điều gì mới, chắc chắn bạn sẽ có rất nhiều câu hỏi và không biết nên bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với những yêu cầu không nằm trong kế hoạch sẽ khiến bạn suy nghĩ nhiều hơn để tìm ra hướng giải quyết, từ đó trở nên sáng tạo hơn.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà thông tin được chia sẻ nhanh và nhiều hơn bao giờ hết nhưng không phải tất cả những thông tin đó đều đáng tin cậy. Đôi khi, chúng sẽ tạo nên sự hồ nghi cho người tiếp nhận. Có thể vài người sẽ thấy nó hợp lý nhưng vài người khác lại nghĩ rằng chẳng có lý do gì để tin tưởng điều đó cả. Do đó, nhu cầu thường xuyên đối phó với sự không chắc chắn này, kỳ lạ thay, lại là một vấn đề của thế kỷ 21. Dù vậy, bạn hoàn toàn có thể trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng cần thiết để không bị bối rối trước những điều dễ gây hoang mang.
Nguồn tham khảo: https://markmanson.net/how-to-deal-with-uncertainty
Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa