Tại sao nam lại tự tử nhiều hơn nữ?
Trong một xã hội mà mọi người coi việc thể hiện cảm xúc là đặc quyền của phụ nữ thì những câu như “đừng có mít ướt” hay “dừng ngay việc hành xử như một đứa con gái" lại ép buộc người đàn ông phải chối bỏ hay giấu đi sự nhạy cảm mà tự nhiên ban cho.
Và tại sao tôi lại ủng hộ bình đẳng giới?
Khi cuộc tranh cãi giữa tôi và bạn trai trở nên căng thẳng và không thể tìm được hướng giải quyết ngay khi đó, có đôi lúc anh khóc. Và trong những cuộc nói chuyện giữa chị em bạn dì với nhau, khi nghe chuyện này không ít người thốt lên “Con trai mà khóc à?”
Nếu là tôi vài năm trước có lẽ tôi sẽ khinh thường anh vì sự “yếu đuối” ấy vì trong suy nghĩ của tôi đàn ông phải mạnh mẽ và không ủy mị. Nhưng rất may là tôi được học, được thấy, được chứng kiến nhiều thứ nên tôi không thấy anh yếu đuối mà ngược lại mặc dù có hơi mệt mỏi nhưng tôi phần nào lại yên tâm khi thấy anh khóc, và bộc lộ cảm xúc của bản thân thoải mái. Tôi cũng yên tâm khi biết rằng mình sẽ không mất anh bởi những định kiến ngu ngốc nào đấy.
Tỷ lệ nữ giới mắc rối loạn cảm xúc, như rối loạn trầm cảm thường dẫn đến tự tử, cao hơn nam giới nhưng tỷ lệ nam giới tự tử lại cao hơn gấp nhiều lần so với nữ giới. Trong số 5812 người chết do tự tử ở Anh năm 2012, có 3/4 là nam giới, và ở Mỹ năm 2010 con số này là 79% (1).
Ngoài những nguyên nhân như nam giới thường chọn cách tự tử bạo lực hơn như dùng súng, treo cổ và nam giới thường bốc đồng (impulsive) hơn nữ giới, thì những định kiến xã hội về nam giới cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ tự tử ở nam giới tăng mạnh trong những năm gần đây. Nam giới đang phải vật lộn trong tuyệt vọng để thể hiện cảm xúc của mình và sự khó khăn này ảnh hưởng mạnh đến chất lượng cuộc sống của họ.
Trong một xã hội mà mọi người coi việc thể hiện cảm xúc là đặc quyền của phụ nữ thì những câu như “đừng có mít ướt” hay “dừng ngay việc hành xử như một đứa con gái" lại ép buộc người đàn ông phải chối bỏ hay giấu đi sự nhạy cảm mà tự nhiên ban cho. Họ không dám tìm kiếm sự giúp đỡ, không dám đi gặp bác sĩ khi bản thân có thể mắc rối loạn tâm lý, không dám bộc lộ cảm xúc của mình, và họ ép mình sống sau chiếc mặt nạ “nam tính” để phù hợp với định kiến xã hội. Như một hệ quả, những cảm xúc ấy chất chồng và biến thành giận dữ – một cảm xúc được “cho phép” thể hiện ra ngoài ở nam giới. Đúng như những gì mà nhà tâm lý học người Mỹ James Gilligan nói trong bộ phim tài liệu Chiếc Mặt Nạ Bạn Sống Cùng – A Mask You Live In, bộ phim tài liệu tìm hiểu sự nam tính ở bé trai và thanh niên nam giới: “Dù cho đó là giết người bạo lực hay tự tử bạo lực, người ta chỉ tìm đến những hành vi tuyệt vọng như vậy khi họ cảm thấy xấu hổ hay bị sỉ nhục hoặc cảm thấy họ sẽ bị như thế nếu họ không chứng minh được mình là một người đàn ông thực thụ.” Đối với nhiều người đàn ông, cảm giác như có một thủy triều cảm xúc dâng lên bên trong họ và làn sóng ấy sẽ nuốt chửng họ nếu họ không giữ sự im lặng tuyệt đối. Henry David Thoreau, một nhà triết học đã viết vào giữa thế kỷ 19 rằng “phần lớn nam giới sống trong sự tuyệt vọng im lặng” và chẳng hề có sự thay đổi nào cho đến ngày nay (2).
Và đó là lý do tôi ủng hộ bình đẳng giới, không phải chỉ để tôi, một nhà khoa học nữ, được trả lương bằng nam giới trong ngành mà nam giới chiếm phần trăm khá lớn, không phải chỉ để tôi được học cao hơn mà không cần nghe những câu nói như “con gái học cao khó lấy chồng”, “con gái học cao để làm gì”, mà còn để bảo vệ ba tôi, anh tôi và bạn trai tôi, những người đàn ông quan trọng trong đời tôi, để họ có quyền được bộc lộ cảm xúc, để họ không bị gò ép trong khuôn mẫu cổ hủ và định kiến, để tôi không mất họ vì những lý do như thế.
Bình đẳng giới không hạ thấp vị thế nam giới mà nó giải phóng nữ giới và cả nam giới ra khỏi những định kiến xã hội gò ép họ. Họ có cơ hội được hưởng sự công bằng về mặt xã hội và kinh tế và có một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc hơn với bạn bè và người thân (3). Lượng công việc họ phải làm sẽ giảm đi. Trong một nghiên cứu dài 15 năm ở Mỹ, tiền lương của nam giới tăng 6% với từng đứa con họ có, trong khi ở nữ giới thì số tiền đó lại giảm 4%. Tuy nhiên, việc tăng lương đi kèm với lượng công việc nặng hơn, giờ làm cao hơn, và không có thời gian chăm lo gia đình cũng như nuôi dưỡng mối quan hệ cha-con. Nghiên cứu khoa học mới đây cho biết những người đàn ông nghỉ thai sản thường tham gia nhiều vào quá trình nuôi dưỡng và dạy dỗ con mình và con họ thường có kết quả tốt hơn với một số bài kiểm tra khả năng nhận thức và suy nghĩ.
Bên cạnh đó, nam giới cũng có sự lựa chọn ở nhà nuôi con nếu họ muốn và kinh tế cho phép. Đồng thời bình đẳng giới cũng tạo ra một tương lai tươi sáng hơn với con gái của họ. Nghiên cứu từ hiệp hội khoa học sinh lý báo cáo rằng nam giới tham gia vào những “việc phụ nữ” ở nhà như rửa chén, dọn dẹp hay giặt đồ thì con gái của họ thường lựa chọn những ngành nghề đa dạng hơn. Và dù cho có những người đàn ông ủng hộ bình đẳng giới nhưng nếu ở nhà họ vẫn phân biệt công việc nam – nữ thì con gái của họ thường hình dung bản thân với những ngành nghề chủ đạo cho phụ nữ như giáo viên, y tá, hoặc ở nhà nuôi con. Câu hỏi khó tránh khỏi ở đây là “Bạn có muốn con gái mình làm việc cho một công ty có kỳ vọng khá thấp với cô ấy? (4).
Sự thay đổi nên bắt đầu từ bây giờ, bắt đầu từ bạn và tôi.
Viết: Hải Đường Tĩnh Nguyệt