Tại sao nói chuyện phiếm đối với hầu hết mọi người lại mang nhiều lợi ích đến vậy?
Sự kết nối rất quan trọng, kể cả với những người không quan trọng đối với bạn.
NHỮNG Ý CHÍNH
- Hầu hết mọi người đều không mong muốn tương tác với những người mới.
- Tuy nhiên, phần lớn mọi người đều thấy rằng những trải nghiệm đó mang lại nhiều lợi ích hơn những gì họ nghĩ.
- Việc kết hợp thói quen nói chuyện phiếm một cách có lợi vào cuộc sống cần phải có sự luyện tập.
Vài năm trước, tôi đang xếp hàng ở cửa hàng hợp tác địa phương khi tôi nhìn thấy một người khách hàng khác đang mặc áo phông Old 97s. Đến chính bản thân tôi cũng ngạc nhiên khi tôi lẩm bẩm một câu ngắn gọn như “Ah, Old 97s” với cái lông mày nhướng lên trông thật ngớ ngẩn của mình. May mắn thay, nỗ lực kết nối con người nửa vời của tôi đã thành công một cách đáng kinh ngạc, người phụ nữ mặc chiếc áo phông đó cùng chồng, con và cả bố mẹ của cô ấy bây giờ là những người bạn thân thiết của gia đình tôi, những người mà nếu không có họ thì cuộc sống của tôi sẽ cảm thấy thiếu thốn đi ít nhiều phần nào đó. Người ta sẽ nghĩ rằng tôi có thể thường xuyên tạo ra những mối liên kết dựa trên những cuộc trò chuyện về bản sắc chung phải không?
Các bạn độc giả à, tôi không thể.
Thực ra, tôi và bạn bè thường đùa với nhau về việc nói chuyện phiếm không phải tính cách của tôi, đó là lý do tại sao tôi chỉ có đúng 7 người bạn. Đây có lẽ là cách sống sai lầm và các nhà tâm lý học biết điều đó.
Cùng gặp gỡ Gillian Sandstorm (nếu bạn sống ở một khu vực nào đó nước Anh, tài khoản Twitter thú vị và lành mạnh của cô ấy khiến tôi tin rằng bạn có thể đã nghe đến tên cô ấy rồi). Cô ấy là một nhà tâm lý nhân cách và xã hội học tại Đại học Sussex, người đã nghiên cứu về tác động của những mối quan hệ yếu cả trong phòng thí nghiệm và ngoài thế giới trong một thời gian. Một mối quan hệ yếu là một mối liên hệ xã hội tạm thời với một người không quan trọng lắm trong cuộc sống của bạn, trái ngược với những mối quan hệ mạnh, là những mối quan hệ sâu sắc, gần gũi hơn.
Mối liên hệ được mô tả ở trên hóa ra là một mối quan hệ yếu. Chúng tôi thực ra đã làm việc cùng một nơi và cuối cùng trở thành một mối quan hệ chặt chẽ. Nhưng có lẽ ngược lại với trực giác, những mối quan hệ yếu không nhất thiết phải trở nên mạnh mẽ để có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tinh thần. Đó là những gì Sandstrom và Dunn (2014) đã tìm ra khi họ yêu cầu mọi người báo cáo về mức độ hạnh phúc của họ cùng với tần suất tương tác các mối quan hệ mạnh và yếu của mình trong một khoảng thời gian. Những người tham gia tương tác nhiều hơn bên ngoài mạng xã hội có xu hướng cảm thấy hạnh phúc hơn vào những ngày đó.
Điều này không thể được giải thích với lý do rằng những người hướng ngoại đều dễ nói chuyện với người lạ và dễ có cảm xúc tích cực hơn (cả hai đều đúng) bởi vì mọi người có xu hướng cảm thấy hạnh phúc hơn vào những ngày mà họ có nhiều mối quan hệ yếu hơn so với trung bình số lượng mối quan hệ cá nhân mà họ có. Việc giao tiếp với người lạ, ngay cả khi là những người không quan trọng lắm, dường như có ích cho sức khỏe tinh thần.
Cùng năm đó, Epley và Schroeder đã thực hiện một nghiên cứu có liên quan và nghiên cứu này khá nổi tiếng ở hiện tại, trong đó họ khuyến khích các hành khách kết nối với những người mới trong chuyến đi của mình. Họ nhận thấy rằng mặc dù phần lớn chúng ta ít quan tâm đến việc làm như vậy nhưng chúng ta thực sự cảm thấy tốt hơn sau khi làm điều đó. Việc không thích nói chuyện phiếm người lạ có thể xuất phát từ nỗi lo lắng về khả năng của chính mình với tư cách là người ít nói hoặc nghi ngờ về lợi ích tiềm năng của việc nói chuyện phiếm. (Cá nhân tôi có thể xác nhận cả hai động cơ phản động này.) Nhưng xét đến việc hiện có khá nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc tham gia vào những tương tác yếu hoặc với người lạ có thể cải thiện tâm trạng ngay cả đối với những người hướng nội, có lẽ đã đến lúc xem xét làm thế nào để lôi kéo mọi người hành động vì lợi ích tốt nhất của họ trong vấn đề này.
Ban đầu, mọi thứ trông có vẻ tự nhiên khi chúng ta tham gia vào cuộc nói chuyện phiếm. Định luật về sự hiệu quả cho chúng ta biết rằng nếu một hành động được thực hiện theo sau là sự hài lòng, hành động đó có khả năng sẽ được lặp lại. Hóa ra mọi người có thể nhận ra lợi ích của việc tương tác với người khác ngay sau đó, nhưng hiệu quả chỉ là nhất thời. Thật vậy, năm 2014, Sandstrom và Dunn đã lưu ý rằng các nghiên cứu lấy mẫu trải nghiệm như nghiên cứu của họ có số lượng tương tác được ghi nhớ cao hơn so với các nghiên cứu hồi cứu* điển hình về tương tác xã hội, nghiên cứu cho ta thấy có khả năng rằng bất kể là tính tích cực, chúng ta có thể đơn giản quên đi nhiều mối tương tác của mình ngay sau khi chúng xảy ra. Do đó, điều đó có thể là mồi lửa ngắn ngủi nhạt nhòa của cảm xúc tích cực, việc bắt đầu các mối quan hệ yếu không thực sự có cơ hội để trở thành thói quen. (Chú thích của dịch giả: Nghiên cứu hồi cứu: Nhà nghiên cứu sẽ xem xét từ kết quả để tìm ra nguyên nhân có thể gây ra kết quả đó.)
May mắn thay, Sandstrom có một số ý tưởng hay ở đây, chủ yếu dựa trên ý tưởng rằng cần một lượng lớn các hành vi như vậy và sự củng cố tiếp theo để hành vi được duy trì. Thật vậy, nghiên cứu cho thấy rằng việc hình thành một thói quen một cách có chủ đích thường mất một vài tháng (theo Lally và cộng sự, 2010). Trong trường hợp này, có thể tồn tại hai cơ chế trong việc hình thành thói quen: Cơ chế đầu tiên liên quan đến những cơ hội củng cố đã đề cập trước đó: Vì nhiều tương tác thực sự là tích cực, tham gia nhiều hơn sẽ làm mạnh lên mối liên hệ hành vi/phản ứng. Cơ chế thứ hai hơi trái ngược và có dạng là sự thích nghi hệ thống, trong đó mọi người hiểu được rằng những hình phạt dự kiến (ví dụ như bị từ chối xã hội) không có xu hướng xảy ra như mong đợi, do đó lo lắng được giảm bớt. Sandstrom và cộng sự đã khảo sát cả hai khả năng này trong một nghiên cứu gần đây. Lần này, nhóm của cô đã đưa ra cho mọi người những “thử thách” trong đó họ phải gặp gỡ những người lạ ngoài đời thực mà phù hợp với một số tiêu chí nhất định, ví dụ như bắt đầu một cuộc trò chuyện với ai đó có đôi giày thú vị hoặc có hình xăm hoặc vẻ ngoài trông năng động, thể thao.
Mỗi người tham gia vào một hoạt động mà họ chọn từ danh sách ít nhất một ngày mỗi tuần. Trong điều kiện kiểm soát, mọi người được yêu cầu đơn giản là quan sát cá nhân có hình xăm, trong khi ở điều kiện thử nghiệm, họ được yêu cầu nói chuyện với cá nhân ấy. Khi bắt đầu nghiên cứu, những người ở hai điều kiện này đều báo cáo mức độ tương tự nhau về khả năng đàm thoại, cảm giác lúng túng khi nói chuyện với người lạ, thích nói chuyện với người lạ và ấn tượng tích cực mà họ tạo ra với người khác.
Sau một tuần, nhóm điều trị đã báo cáo những tiến bộ đáng kể. Hầu hết trong số đó vẫn duy trì được trong một lần theo dõi sau một tuần trong tất cả các chỉ số sau: giảm sự bối rối và các chỉ số khác đều tăng. Nhóm kiểm soát thì không có mẫu báo cáo như vậy. Những người trong nhóm điều trị cũng báo cáo rằng họ đã mở đầu nhiều cuộc trò chuyện với người lạ trong tuần tiếp theo sau can thiệp, có lẽ vì họ cũng nhận thấy nhiều cơ hội hơn để làm như vậy.
Cuối cùng và cũng quan trọng, mọi người cảm thấy ít có khả năng bị từ chối xã hội sau khi tham gia vào điều kiện điều trị. Điều này dường như không phải bởi vì họ đã trải qua vài sự từ chối nhẹ nhàng mà là vì họ không gặp nhiều sự từ chối. Bài báo đi sâu vào chi tiết hơn những gì tôi đã nói ở đây, nhưng kết quả khá rõ ràng rằng: Khiến bản thân phải giao tiếp với người lạ có thể giúp thay đổi thái độ của bạn đối với hoạt động đó, điều này có tiềm năng thay đổi hành vi, điều mà chúng ta đã biết, có khả năng dẫn đến nhiều khoảnh khắc vui vẻ bình thường hơn. Ai lại không cần những điều đó?
Lời kết
Khi tôi đang làm bài báo cáo này, chúng tôi đang đi bộ đến nhà của người bạn mặc chiếc áo Old 97s của tôi để ăn tối thì một đứa trẻ trong một chiếc xe đang chạy hét lên với đứa con 5 tuổi của tôi. Tôi đi sau vài bước và không nghe được nó nói gì: Tại sao có người lại hét lên với chúng tôi từ một chiếc xe đang chạy? Vợ tôi cho tôi biết rằng họ đã nói: “Hey! Tôi thích váy tutu của bạn!”
Tôi bật cười khúc khích khi nghĩ đến phản ứng có thể xuất hiện nếu tôi làm một hành động tương tự, sau đó tôi nhận ra rằng tôi đang chịu đựng sự sai lầm tiêu chuẩn rằng không ai sẽ cảm thấy vui nếu tôi bắt chuyện ngẫu nhiên với họ và điều đó có thể là một trải nghiệm tệ hại. Nhưng bạn có biết ai không hề có những nỗi lo lắng đó không? Con gái 5 tuổi của tôi. Con bé luôn tiếp cận những mối quan hệ yếu và người lạ với một loạt những lời khen nào là về cho con chó, đôi giày, cài tóc,... của họ.
Tôi cảm thấy hơi buồn khi nghĩ đến việc một ngày nào đó con bé sẽ trở nên giống tôi hơn, ngưỡng mộ những đôi giày từ xa, lủi thủi một mình. Trong bài hát của Purple Mountains được nhắc đến ở đầu bài viết này, anh than vãn về việc người yêu của mình kết thêm bạn mới và anh ấy thì trở thành người lạ. Tôi chắc chắn rằng mình đã trở thành người lạ, nhưng chúng ta không phải vậy. Bài tập của chúng ta tuần này là tìm một người có đôi giày thú vị.
Tác giả: Tiến sĩ Andrew Beer
Dịch giả: Ngọc My – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Bài gốc: Why Small Talk, With Almost Anyone, Is So Rewarding