Tại sao sếp của tôi lúc nào cũng xấu tính thế?
Vấn đề bắt nạt tại nơi làm việc đang lan rộng. Nhà phân tâm học Carl Jung sẽ xem ảnh hưởng toàn cầu này như là một biểu hiện của “vô thức tập thể” và cho rằng có thể Bóng Âm đang vận động.
Tác giả: Carl Jung • Wilfred Bion • Harold J. Leavitt • René Girard
Vấn đề bắt nạt tại nơi làm việc đang lan rộng. Các cuộc khảo sát ở Anh và Hoa Kỳ liên tục phát hiện thấy cho tới nay, khoảng 33% người lao động từng phải chịu đựng hành vi bắt nạt. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO – International Labour Organization) cho rằng nguy cơ bạo lực thể xác và cảm xúc là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà các tổ chức sẽ phải đối mặt trong thiên niên kỷ này. Đó là một tuyên bố táo bạo, và thế có nghĩa là nếu bạn thấy sếp của mình xấu tính, thì thực chất không phải chỉ có một mình bạn đang phải gánh chịu điều này đâu, mà bạn đang dự phần vào một xu hướng đáng lo ngại ở các công ty trên thị trường toàn cầu. Nhà phân tâm học Carl Jung sẽ xem ảnh hưởng toàn cầu này như là một biểu hiện của “vô thức tập thể” và cho rằng có thể Bóng Âm đang vận động.
Carl Jung nhận thấy mỗi người chúng ta đều có cả phần ý thức và vô thức trong nhân cách, và ông tin rằng vô thức được tạo nên từ nhiều cấu trúc được nhân cách hóa khác nhau và tương tác với nhau trong thế giới nội tâm. Các cấu trúc này được gọi là các nguyên mẫu, và chúng là các khuôn khổ để tiếp cận với thế giới bên ngoài. Theo ngôn ngữ thông thường, một nguyên mẫu là khuôn mẫu hoặc mô hình đầu tiên của thứ gì đó, mà các phiên bản sau này đề cập lại theo một cách nào đó, và cách sử dụng thuật ngữ của Jung cũng khác là bao. Ông cho rằng tâm trí con người có quyền tiếp cận ý niệm về các nhân vật - chẳng hạn như người hùng hoặc bà mẹ kế độc ác – để giúp chúng ta diễn giải và hiểu được thế giới, rồi xác định cần hành động thế nào. Theo ông, những nhân vật hoặc nguyên mẫu này xuất hiện trong truyện cổ tích, thần thoại và thậm chí các tôn giáo trên khắp thế giới, là bởi vì chúng nằm trong vô thức tập thể; chúng là “cái két chôn giấu những trải nghiệm lặp đi lặp lại liên tục của nhân loại”.
“Mỗi người đều mang theo một Bóng Âm, và khi nó càng ít hiện thân trong cuộc sống của cá nhân, thì Bóng Âm càng đen đặc hơn.”
Carl Jung
Điều này cho thấy rằng những kiểu người và những cách sống nhất định vẫn luôn tồn tại. Khi đã được đưa vào vô thức tập thể, các quan điểm về nguyên mẫu được truyền vào tâm trí của mọi thế hệ, cho phép chúng ta nhận ra sự vận hành của chúng ở người khác, và còn ở chính bản thân chúng ta. Hai nguyên mẫu quan trọng nhất trong số đó là Mặt Nạ (Persona) và đối trọng của nó là Bóng Âm (Shadow). Mặt Nạ là thứ chúng ta đeo lên để thể hiện bản thân cho đời; đó là hình ảnh mà chúng ta muốn trình diện trước người khác, và với cả bản thân chúng ta nữa. Freud và Jung đều nhất trí rằng tất cả chúng ta đều rất thích công nhận “những phần tốt đẹp” của mình nhưng lại ghét thú nhận về những phần mà chúng ta xem là “xấu xa” hoặc đáng xấu hổ ở khía cạnh nào đó.
Đổ vấy tội lỗi
Girard cho rằng khi xung đột khiến cho một tập thể bị chia rẽ, các thành viên của nhóm thường tìm cách hòa giải thông qua việc chọn một nạn nhân làm “con dê tế thần”. Sau đó người này bị lên án “một cách sốt sắng và chân thành” trước khi bị khai trừ khỏi nhóm. Những người bên ngoài nhóm thì thấy rõ ràng là nạn nhân thực sự không gây nên “tội lỗi” mà họ bị cáo buộc.
Năm mô hình loạn thần của các tổ chức rối loạn chức năng có thể dẫn đến sự hình thành mối quan hệ “con dê tế thần” với tập thể:
1 Những tổ chức hoang tưởng
Các công ty này thường xuyên lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của các mối nguy gây ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Mọi vấn đề hoặc mối đe dọa tiềm tàng đều được phân tích bằng cách xem xét tất cả các yếu tố có thể xảy ra, ngay cả khi điều này cực kỳ tốn tiền hoặc tốn thời gian.
2 Những tổ chức bị ám ảnh
Phương thức kiểm soát thông qua quản lý trong các công ty này được thiết kế để giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh nội bộ, hiệu quả sản xuất, chi phí, v.v .... Chúng dựa nhiều vào truyền thống và những tập quán mang tính “thâm căn cố đế”
3 Những tổ chức cuồng động
Cấu trúc của họ không có khả năng thích ứng trước những nhu cầu hoạt động mới. Các công ty này rất bốc đồng và khó đoán, vì họ được dẫn dắt bởi các giá trị và ý tưởng của CEO hơn là phản hồi những sự kiện bên ngoài.
4 Những tổ chức suy yếu
Đây là những công ty rất quan liêu, vận hành tự động mà gần như không có sự lãnh đạo, dường như chỉ hoạt động cho qua ngày. Các công ty này có đặc điểm chính là thụ động, thiếu lòng tin và cực kỳ bảo thủ.
5 Những tổ chức phân liệt
Các công ty này thiếu vắng lãnh đạo thực sự: người lãnh đạo dường như không quan tâm đến tổ chức, không chịu nhất quán và không chịu lắng nghe ai, vì thế công ty phát triển theo đường zíc zắc ngược xuôi theo chu trình của nhân sự và phương thức quản lý mới.
Bước vào Bóng Âm
Jung cho rằng tất cả những phần “xấu xa” này được hợp lại thành nguyên mẫu Bóng Âm trong mỗi người . Đây là mặt đen tối, xấu xa trong tính cách của chúng ta, nó nắm giữ các đặc điểm mà chúng ta muốn chối bỏ. Bóng Âm cần phải bị che giấu và kìm nén, ngay cả với chính bản thân ta, và bởi vì nó bao gồm những đặc điểm mà chúng ta coi là không thể dung thứ được, nên gắn liền với Bóng Âm còn có khá nhiều cảm giác xấu hổ, tội lỗi và mặc cảm. Thật không may, mặc dù chúng ta đã cố hết sức để giữ kín về nó để có thể vờ như nó không tồn tại, nhưng nó sẽ trồi lên, đặc biệt trong những tình trạng căng thẳng. Bóng Âm là phần xuất hiện một cách đột ngột và bất ngờ trong ta khi ta làm điều gì đó gây tổn thương cho chính mình hoặc người khác, rồi sau đó thốt lên “Không thể nào tin được mình vừa làm thế!” Khi còn không chắc chắn, bạn sẽ nhận ra nó qua đặc trưng là cảm giác tội lỗi, nhục nhã và xấu hổ theo sau một cơn bùng nổ bột phát của Bóng Âm.
Bóng Âm chuyển sang người khác
Bóng Âm cũng thường xuyên xuất hiện ở người khác – hoặc ít nhất điều đó dường như đang xảy ra. Cơ chế phòng vệ phân tâm học này được gọi là sự phóng chiếu, một cách thức để chúng ta phủ nhận cảm xúc khó chịu trong chính mình, bằng cách nhìn thấy nó ở người khác chứ không ở bản thân – chúng ta phóng chiếu cảm xúc sang họ. Bóng Âm thường xuất hiện trong sự phóng chiếu. Chẳng hạn, nếu một người nào đó ở vị trí quyền lực đang quát mắng thậm tệ một nhân viên về sự bất tài hoặc kỹ năng yếu kém, người nhân viên hoàn toàn có thể cảm thấy bản thân mình vô tích sự và không thể chịu đựng nổi cảm giác này, từ đó trút cảm giác này lên một người khác trong cùng phòng. Rồi sau đó tâm trạng của họ được cải thiện hơn, ngay cả khi họ không nhận ra được động cơ vô thức của mình.
Bởi vậy, có khả năng rằng sự hằn học của sếp bạn xuất phát từ cảm giác bất tài của chính mình, cũng là điều mà sếp bạn không thể chấp nhận được. Bóng Âm chỉ thỉnh thoảng mới bộc phát (“Hôm nay chị ấy không còn là chính mình!”) hoặc đe dọa hủy diệt Cái Tôi và thậm chí hoán đổi vị trí vói nó, để Bóng Âm trở thành một phần thống trị trong cuộc sống hằng ngày.
“Mọi cộng đồng đều có xu hướng chối bỏ, với lý do này hay lý do khác, những cá nhân không chịu tuân phục những khái niệm chung về ‘bình thường’ và ‘chấp nhận được’ “
- René Girard
Tại sao lại chọn tôi?
Một trong những niềm tin thường gặp nhất về chuyện bắt nạt là nạn nhân đã mời gọi hành vi độc địa này bằng cách này hay cách khác, và có bằng chứng cho thấy những người lớn lên trong một kiểu gia đình độc đoán sẽ bị thu hút vào các mối quan hệ lặp lại tương quan quyền lực mất cân bằng này.
Tuy nhiên, còn có một kiểu “nạn nhân” tiềm năng nữa rất khác biệt – người cần độc lập nhiều hơn là được nhập vào tập thể. Nói cách khác, đó là một người không tuân theo giá trị, lý tưởng hoặc mục tiêu của nhóm chỉ vì chúng hiện đang được tập thể ủng hộ, mà thay vào đó tìm cách duy trì lối suy nghĩ và cách sống độc lập.
Sự độc lập này, theo nhà phân tâm học Wilfred Bion, bị các thành viên khác trong nhóm xem là mối đe dọa. Các giá trị của nhóm bị áp đặt bởi một nhà lãnh đạo quyền lực (không khác là bao so với người đứng đầu độc đoán của một gia đình), người “biết điều gì là tốt nhất” cho công ty và đã tốn rất nhiều công sức để truyền đạt những tư tưởng này cho toàn thể nhân viên và áp đặt họ phải làm theo. Theo nhà tâm lý học quản lý Harold J. Leavitt, tập thể nào cũng có động lực hướng tới sự tuân thủ và chấp nhận về cách cả nhóm hành xử, suy nghĩ, hành động và coi trọng điều gì. Đó là “những lực hướng tâm” mang lại bản sắc chung và cảm giác đoàn kết. Tất cả mọi thứ đều được hiểu rõ. Tất cả mọi thứ đều an toàn và dễ đoán – cho đến khi có một người nào đó xuất hiện và hoài nghi những điều ấy. Tại sao chúng ta sử dụng phần mềm lỗi thời này mà không phải phần mềm mới hơn, tốt hơn nhiều? Tại sao chúng ta không đổi chỗ xoay vòng[1] cho hiệu quả cao hơn? Hãy khuấy động mọi thứ lên!
“Thôi đừng…” là phản ứng theo bản năng của tập thể. Và giống như khi nghe thấy tiếng còi báo động trên một chiếc tàu viễn dương, mọi người bắt đầu chạy tán loạn (công việc và bản sắc của họ như bị đe dọa, những chức năng công việc của họ đột nhiên không còn rõ ràng). Phải làm gì đó đi chứ! Và giải pháp là… quăng người nhân viên mới xuống biển! Dẹp bỏ vấn đề, nhanh gọn!
Hiện tượng này được gọi là “tìm con dê tế thần” và nó từng được xem xét một cách chi tiết bởi nhà khoa học xã hội người Pháp René Girard. Ông cho rằng toàn bộ quá trình này xảy ra dưới nhận biết của ý thức. Trong quá trình đó, một người bị đổ lỗi quá mức trong suốt thời gian biến cố (điều này có thể là sự thật hoặc chỉ là tưởng tượng ra mà thôi), khiến cho người đó trở thành mục tiêu và trung tâm của sự thù địch leo thang. Mục tiêu của quá trình này là trục xuất đối tượng (“Chỉ cần tống khứ nó đi rồi chúng ta sẽ ổn thôi!”).
Một cách khác để xem xét về quá trình tìm vật tế thần là theo phương diện Bóng Âm, nó có thể vận hành ở cấp độ cá nhân và tập thể. Ở dạng thức tập thể, nó xuất hiện dưới hình thức một nhóm, đó có thể là một nhóm nhỏ cho đến cả công ty hay thậm chí một đảng phái hay chính phủ. Cả nhóm phóng chiếu Bóng Âm tập thể của nó, chẳng hạn như thất bại về kinh tế, sang một vật tế phù hợp – có thể là một cá nhân hay một nhóm khác (ví dụ như những người nhập cư hay một nhóm tôn giáo). Các nạn nhân có thể tìm cách đòi lại công lý bằng cách tố giác bí mật hoặc tìm cách tuồn câu chuyện ra cho giới truyền thông, nhưng Jung cho là điều này thường vô ích, vì không có cách nào thoát khỏi Bóng Âm. Phải có một người nào đó gánh thứ xấu xa đen tối này mà cả cá nhân lẫn tập thể không muốn nhận, và người đó sẽ là ... bạn.
Vì vậy, nếu bạn là một con người độc lập cảm thấy lạc lõng với tổ chức và nhận thấy rằng bạn đang trở thành mục tiêu của tay sai dưới trướng sếp, hay thậm chí toàn bộ phòng ban của mình, có lẽ bạn nên tính đến chuyện “thoát thân” trước khi bị ám hại. Ít ra thì cảm giác nhẹ nhõm của tập thể khi trục xuất “vật tế” chỉ rất ngắn ngủi, và công ty sẽ nhanh chóng cần tìm ra một nạn nhân khác. Đồng thời, có khả năng là Bóng Âm của bạn chứa cả nhu cầu luôn làm kẻ ngoài cuộc, và không bao giờ thuộc về bất cứ nơi đâu. Và nếu với bạn điều đó có vẻ là chuyện tuyệt đối không thể, thì thật ra chắc đúng là vậy đấy.
“Bóng Âm thuộc về sự trọn vẹn của nhân cách: người mạnh mẽ phải có phần nào đó bên trong là yếu đuối, đâu đó trong con người thông minh phải là sự ngu ngốc; bằng không, con người sẽ quá tốt đẹp để có thể là người thật, và rồi trở thành kẻ làm màu và lừa bịp.”
Carl Jung
Những lý thuyết chính
Nguyên mẫu Bóng Âm – Carl Jung
Quan hệ nhóm – Wilfred Bion
Con dê tế thần– René Girard
[1] Đổi chỗ xoay vòng - ND: hotdesking, một phương thức quay vòng chỗ ngồi nhằm tối ưu không gian và tài nguyên văn phòng làm việc
Bài viết trích từ cuốn Ơn giời, Freud trả lời - Lời khuyên từ những nhà tâm lý trị liệu hàng đầu- tác giả Sarah Tomley sắp phát hành vào ngày 3/8. Nếu bạn đọc thấy hay thì mong bạn tìm mua nhé.
Link đặt trước: https://www.fahasa.com/on-gioi-freud-tra-loi.html?attempt=1