Tại sao ta nên từ chối tranh cãi
Dù ta có cố gắng sống bình yên đến mấy, trong một ngày bình thường, ta vẫn dễ bắt gặp hàng loạt lời mời gọi tham gia vào những trận cãi vã.
Dù ta có cố gắng sống bình yên đến mấy, trong một ngày bình thường, ta vẫn dễ bắt gặp hàng loạt lời mời gọi tham gia vào những trận cãi vã.
Người bạn đời sẽ chạm vào “nút đỏ” mà họ đã quá hiểu, chẳng hạn như phàn nàn về mẹ của ta hoặc lựa chọn công việc của ta. Ở chỗ làm, đồng nghiệp có thể cố ý không trả lời một câu hỏi rất đơn giản mà ta cần giải quyết ngay. Hay nhân viên bán hàng chỉ nhún vai lạnh nhạt, hoặc ai đó trong siêu thị cáo buộc ta đứng sai hàng dù ta chẳng sai gì cả.
Claude Lorain, The Embarcation of Carlo and Ubaldo, 1667
Trong những lúc bị khiêu khích lộ liễu thế này, khi cảm giác bị xúc phạm dâng trào, ta dễ bỏ lỡ một điều quan trọng: rất nhiều người thật ra thích tranh cãi, thậm chí còn thèm muốn nó như một cách giải tỏa nỗi bất an của chính họ. Ta tưởng nhầm rằng có vấn đề thật sự cần ta vào cuộc, mà quên đi những động cơ tâm lý đằng sau. Người đang cố kéo ta vào cuộc chẳng phải vì họ có bức xúc thật sự, mà bởi họ đang vật lộn với cảm giác bức bối của chính mình, muốn xả nỗi giận dữ vào ta, biến ta thành “thùng rác” cảm xúc của họ, hoặc đơn giản là muốn lôi ta vào cơn hỗn độn của họ để không phải cô đơn gánh chịu.
Ta nên nhận diện những lời mời này cho đúng bản chất của nó: một nỗ lực giải cứu bản thân khỏi cảm giác khổ sở của đối phương. Nếu rộng lượng, ta có thể thấy tội nghiệp cho họ, nhưng không có nghĩa là ta cần tham gia vào màn kịch của họ.
Điều làm ta dễ nổi nóng nhất chính là sự bối rối: “Tại sao lại thế?” – ta tự hỏi. “Tại sao họ cứ nhắc mãi đến điều mà ta đã cầu xin họ đừng đả động đến? Tại sao họ lại lề mề, lạnh lùng hay thô lỗ thế này? Tại sao một người đáng ra phải tử tế lại đột nhiên hằn học và cay nghiệt?” Chính nỗ lực tìm lời giải hợp lý khiến ta càng thêm bức xúc. Thay vào đó, ta nên trả lời sự bối rối của mình bằng sự giản đơn: không có lý do nào hợp lý cả. Chỉ là người kia đang thực sự tệ hại, và họ tin rằng mình sẽ nhẹ nhõm hơn nếu ta cũng mất bình tĩnh, đỏ mặt, la mắng họ, rồi hối hận không nguôi.
Ta nên thấy rõ trò chơi tinh quái đó và không tiếp tục “tái đấu” – dù là với người bạn đời, người xa lạ, con cái hay đồng nghiệp. Việc từ chối tham gia chẳng phải vì ta từ bi hay trưởng thành thái quá, mà vì ta có những điều khác quan trọng hơn để làm: giữ vững tâm trí mình, hàn gắn những vết thương, dỗ dành những cơn sóng trong lòng và tìm con đường hạnh phúc. Ta cần khéo léo tránh xa mọi bẫy lưới vì còn quá nhiều việc quan trọng chờ ta phía trước.
Nguồn: WHY WE SHOULD REFUSE TO GET INTO ARGUMENTS