Tại sao tôi vẫn không cảm thấy mình đã trở thành một người trưởng thành thực thụ?
4 yếu tố sau đây giải thích lý do vì sao việc lớn lên lại khác với những gì bạn mong đợi đến vậy.
NHỮNG Ý CHÍNH
- Những thay đổi xã hội trong quá trình phát triển có thể giải thích một phần cho sự chậm trễ trong việc cảm thấy bản thân là một người trưởng thành.
- Sự ổn định tương đối trong tính cách và sở thích cũng có thể là nguyên nhân.
- Ấn tượng về người lớn từ thời thơ ấu có thể tạo ra những giả định và kỳ vọng sai lầm về tuổi trưởng thành.
Theo những gì tôi có thể nhớ được, hình ảnh cha tôi luôn in sâu trong tâm trí tôi là một hình tượng người trưởng thành điển hình, mạnh mẽ, độc lập, uy quyền và có trách nhiệm. Tôi vẫn không cảm thấy mình đủ trưởng thành như cha tôi khi ông ấy 33 tuổi dù tôi đã 48 tuổi. Tôi đã kết hôn được 27 năm, đứa con cả của tôi hiện đang học cấp 3, tôi có bằng cấp cao, độc lập tài chính. Kể cả khi tôi không còn thấy mình giống con nít nữa thì tôi vẫn không thật sự cảm thấy rằng mình là một người trưởng thành “chính hiệu”.
Tôi biết không phải riêng mình tôi cảm thấy thế. Rất nhiều những người bạn và khách hàng trị liệu của tôi cũng mô tả một trải nghiệm tương tự việc không thực sự cảm thấy rằng mình đã trưởng thành. Điều gì giải thích cho sự không phù hợp này giữa thực tế bên ngoài và cảm giác bên trong về từng giai đoạn cuộc đời của một người?
1. Những Thay Đổi Mang Tính Xã Hội Xoay Quanh Các Cột Mốc Quan Trọng Của Tuổi Trưởng Thành
Một phần của sự không phù hợp này dựa trên các sự thay đổi trong xã hội. Người trẻ kết hôn muộn hơn, có con muộn và thường tiếp tục con đường học vấn sau khi tốt nghiệp đại học cho đến khi họ qua 30 tuổi. Trung bình độ tuổi để một người sở hữu căn nhà đầu tiên của chính mình vào năm 1981 là 29 tuổi, đến năm 2022 đã tăng lên 36 tuổi. Sinh con muộn hơn cũng có nghĩa là đẩy lùi việc trở thành ông bà. Trở thành cha mẹ ở tuổi 25 khiến việc trở thành ông bà ở tuổi 50 khá dễ dàng, trong khi chờ đợi đến 35 tuổi mới có con có nghĩa là khi bạn có đứa cháu đầu tiên bạn đã 70 tuổi.
Tuy nhiên, những sự chậm trễ khách quan này trong một số cột mốc nhất định của tuổi trưởng thành chỉ là một phần của câu chuyện. Chúng không thể giải thích được tại sao cảm giác chưa trưởng thành trọn vẹn vẫn thường tồn tại mặc dù đã có đủ mọi cột mốc quan trọng của tuổi trưởng thành, như trường hợp của tôi.
2. Góc Nhìn Và Cảm Nhận Về Thế Giới Vẫn Như Cũ
Bạn cũng có thể cảm thấy như một người chưa trưởng thành vì quan điểm của bạn từ góc nhìn thứ nhất không thay đổi. Thế giới mà bạn nhìn thấy trông giống như khi bạn còn nhỏ và trải nghiệm hàng ngày của việc trưởng thành có lẽ không khác biệt như bạn đã tưởng tượng khi còn bé.
Hiện tượng này phổ biến ở mọi lứa tuổi và chúng giải thích tại sao chúng ta thường nói những điều như: “Tôi không cảm thấy mình 40 tuổi” hoặc “Tôi vẫn cảm thấy như mình còn chưa tốt nghiệp đại học” khi bước vào tuổi trung niên. Những chỉ tiêu bên ngoài của tuổi trưởng thành chẳng hạn như một đối tượng trăm năm, sở hữu một ngôi nhà, làm việc toàn thời gian không nhất thiết phải thông qua ý thức cơ bản về bản sắc của chúng ta.
3. Sở Thích Và Tính Cách Của Bạn Vẫn Không Thay Đổi
Nghiên cứu cho thấy rằng sở thích của chúng ta thường được hình thành ở tuổi thanh thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành. Ví dụ như âm nhạc yêu thích của bạn, cái mà các nhà nghiên cứu gọi là “bản sắc âm nhạc” của bạn, thường là các bài hát được ra mắt khi bạn trong độ tuổi từ 10 - 20 tuổi. Đó chính xác là trải nghiệm của tôi, Tom Petty là nghệ sĩ yêu thích của tôi khi tôi còn học lớp 8.
Những điều tương tự vậy có thể đúng trong các khía cạnh khác của cuộc sống, chẳng hạn như:
- Các môn thể thao bạn xem
- Phong cách ăn mặc của bạn
- Kiểu người mà bạn bị thu hút
- Khẩu vị của bạn
- Những giả định của bạn về cuộc sống
Điều này không có nghĩa là chúng ta không thay đổi và tiến hóa theo thời gian, nhưng nhiều đặc tính của chúng ta vẫn khá ổn định.
4. Những Ấn Tượng Thời Thơ Ấu Về Người Trưởng Thành
Có lẽ lý do lớn nhất khiến bạn không cảm thấy như một người trưởng thành thực thụ là do những ấn tượng của bạn thời thơ ấu về người lớn và chúng gần như không thay đổi. Kích thước, kiến thức và quyền lực lớn hơn đã mang lại cho những người trưởng thành xung quanh bạn một vẻ ngoài của tuổi trưởng thành huyền bí. Họ có vẻ như đã có mọi thứ trong tầm tay, kiểm soát được mọi việc, biết câu trả lời cho những câu hỏi lớn của cuộc sống. Ngược lại, bạn biết rằng bạn chưa tìm ra được câu trả lời của cuộc sống, vì vậy bạn vẫn đang chờ đợi cho đến khi trải nghiệm bên trong của bạn đáp ứng được kỳ vọng mà bạn đặt ra về cảm giác trưởng thành sẽ như thế nào.
Nhưng trên thực tế, những ấn tượng thời thơ ấu đó chỉ là ảo ảnh. Bây giờ tôi biết rằng bố tôi đã phải vật lộn như thế nào với sự nghi ngờ bản thân, tổn thương, tr*m c*m cũng như sự căng thẳng và bất an vốn có khi còn sống. Cha mẹ, giáo viên, bác sĩ, huấn luyện viên và mọi người trưởng thành khác mà bạn biết khi còn nhỏ có lẽ không cảm thấy như bạn nghĩ. Họ có thể có vẻ có trách nhiệm và thoải mái, nhưng bên trong họ cũng không chắc chắn như bạn bây giờ.
Vì vậy, có lẽ chúng ta thực sự cảm thấy mình là người trưởng thành nhưng cảm giác bản thân là một người trưởng thành không như chúng ta nghĩ. Có lẽ bạn không cần phải chờ đợi cái khoảnh khắc mà bạn cảm thấy mình đã trưởng thành xảy ra một cách kỳ diệu. Nếu bạn là một người trưởng thành, cách bạn cảm nhận chính là cảm giác của một người trưởng thành, với tất cả những bối rối, bất an và niềm vui. Đây chính là nó. Sự thật là những người trưởng thành mà bạn ngưỡng mộ đều là những con người mắc sai lầm đang phải cố gắng hết sức có thể, cũng giống như bạn.
Tác giả: Tiến sĩ Seth J. Gillihan
Dịch giả: Ngọc My - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ