Tâm linh dành cho những người ghét tâm linh

tam-linh-danh-cho-nhung-nguoi-ghet-tam-linh

Chỉ riêng từ “tâm linh” đã đủ sức tạo nên sự chia rẽ sâu sắc trong cảm nhận của con người.

Chỉ riêng từ “tâm linh” đã đủ sức tạo nên sự chia rẽ sâu sắc trong cảm nhận của con người. Với một số người, đó là một khái niệm thiêng liêng, là cánh cửa dẫn đến những trải nghiệm quý giá đến mức không nên mổ xẻ hay lý giải, để khỏi làm tan biến đi vẻ huyền nhiệm mơ hồ vốn có. Với những người khác, “tâm linh” lại chỉ là điều viển vông, chỉ dành cho những kẻ mơ mộng, lười biếng hoặc yếu đuối.

Chính vì những trải nghiệm “tâm linh” thường bị tôn thờ hoặc chế giễu như vậy, điều đáng làm hơn cả là ta nên nhìn nhận chúng một cách tỉnh táo và khách quan. Không phải để vội vã bác bỏ hay tôn vinh chúng, mà để giúp chúng trở nên dễ hiểu hơn, dù đối với người đồng tình hay phản đối. Bằng cách phân tách các khoảnh khắc tâm linh ra từng yếu tố và đánh giá chúng một cách thấu đáo, ta có thể hiểu được chúng. Và quan trọng hơn, ta hoàn toàn có thể tiếp cận tâm linh bằng lý trí nhưng vẫn giữ được sự tôn trọng.

VƯỢT RA KHỎI CÁI TÔI

Những khoảnh khắc “tâm linh” là trạng thái mà hầu hết chúng ta chỉ hiếm khi chạm tới – thường một cách tình cờ, bất ngờ. Đó là khi những bận tâm thực tế, thường ngày được gạt sang một bên, nhường chỗ cho một góc nhìn lạ lẫm nhưng đầy hứng khởi về sự tồn tại. Trong những khoảnh khắc này, thế giới bình thường và áp lực của nó dường như trở nên xa xăm, không còn nặng nề đè lên chúng ta nữa.

Có lẽ đó là một buổi sáng tinh mơ hay đêm khuya tĩnh lặng. Có thể ta đang lái xe trên con đường cao tốc vắng vẻ, hoặc nhìn xuống mặt đất từ chiếc máy bay lướt qua vùng đất băng giá của Greenland. Đó có thể là một buổi chiều hè nắng chói chang, hoặc một buổi tối mùa đông lạnh lẽo. Không còn việc gì cấp bách cần làm, chẳng có nguy hiểm nào đe dọa, và ta được giải phóng để nhìn thế giới từ một góc độ hoàn toàn mới mẻ và xa lạ.

Điều cốt lõi của những khoảnh khắc này là: ta thoát khỏi cái tôi của mình. Trong trạng thái thường nhật, ta luôn bận tâm và đầu tư quá nhiều vào bản thân mà đôi khi chính mình cũng không nhận ra. Ta bảo vệ lợi ích cá nhân một cách mãnh liệt, tìm kiếm sự tôn trọng, ám ảnh với niềm vui của riêng mình. Điều đó thật mệt mỏi và gần như chiếm trọn tâm trí ta.

Nhưng trong những khoảnh khắc tâm linh, có lẽ nhờ tiếng suối chảy róc rách hay tiếng cú mèo vọng từ xa, ta tạm thời thoát khỏi cuộc vật lộn thường ngày ấy. Ta được giải phóng khỏi sự cảnh giác quen thuộc của cái tôi và làm được điều phi thường: nhìn cuộc sống như thể ta không phải là chính mình. Ta trở thành một ánh mắt lang thang, có thể hòa vào góc nhìn của bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì: một người xa lạ, một đứa trẻ, một con cua trên bờ biển hay một đám mây lơ lửng cuối chân trời.

Trong trạng thái ấy, “tôi”, cái bản thể mà thường ngày ta dốc toàn lực để bảo vệ và gìn giữ, tạm thời không còn là trung tâm của sự chú ý. Ta rời bỏ nó để trở thành một kẻ lang thang tự do, một lữ khách không biên giới, sẵn sàng hòa mình vào mọi tâm thức, mọi cảm nhận không phải là ta. Những điều mà trước đây ta thường phớt lờ, nay lại trở nên quan trọng; những điều vốn chẳng liên quan đến ta, giờ đây lại thu hút ta mạnh mẽ.

MỘT SỰ NHẠY CẢM MỚI

Nhờ vậy, những cảm xúc mà ta thường chỉ dành riêng cho chính mình giờ đây có thể được trải nghiệm với mọi thứ xung quanh. Ta có thể cảm nhận nỗi đau của một người gần như xa lạ, hoặc vui mừng trước thành công của một người không quen biết. Ta có thể tự hào trước vẻ đẹp hay trí tuệ mà mình hoàn toàn không liên quan. Ta trở thành người tham gia đầy trí tưởng tượng trong vở kịch vĩ đại của vũ trụ.

TÌNH YÊU

Trong tất cả những điều này, có lẽ tình yêu là khía cạnh được nhấn mạnh đặc biệt. Nghe có vẻ kỳ lạ, bởi ta thường nghĩ đến tình yêu như một cảm xúc gói gọn trong mối liên hệ giữa một người và một người khác đặc biệt đáng ngưỡng mộ.

Nhưng khi hiểu ở góc độ tâm linh, tình yêu lại mang ý nghĩa rộng lớn hơn: đó là sự quan tâm và thấu cảm dành cho mọi thứ, bất kể điều gì. Ta có thể cảm thấy yêu – nghĩa là trân trọng, say mê, thấu hiểu và đồng cảm – với một gia đình bọ phân, một cánh đồng rêu phủ xanh, một đứa trẻ không phải của mình, hay sự ra đời của một ngôi sao xa xôi nào đó. Một cơn bùng nổ cảm xúc mãnh liệt, vốn trước đây chỉ dành cho một cái “tôi” hoặc một ai đó gần gũi, giờ đây được phân tán một cách rộng rãi, ngẫu hứng và hào phóng trên toàn vũ trụ và mọi dạng sống của nó.

THƯỢNG ĐẾ

Người có khuynh hướng tâm linh có thể nói rằng họ cảm nhận được sự hiện diện của Thượng Đế trong mình. Đối với những người vô thần, điều này nghe có vẻ đầy thách thức, thậm chí khiến họ khó chịu, nhưng thực ra ý nghĩa không hẳn như vậy. Điều họ muốn nói là, trong những trạng thái đặc biệt, họ có thể trải nghiệm một phần lòng vị tha, sự cao thượng và tình yêu vô điều kiện vốn thường được gắn liền với hình ảnh thần linh.

Điều đó không có nghĩa là họ tưởng tượng mình là một người đàn ông râu trắng ngồi trên mây; mà là họ cảm thấy, trong khoảnh khắc đó, những đức tính khách quan và dịu dàng, thường được xem như thuộc về một sức mạnh siêu nhiên, giờ đây dường như đã nằm trong tầm tay.

SỰ KHÔNG SỢ HÃI

Những trạng thái tâm linh có thể mang đến cho ta một cảm giác đặc biệt nhẹ nhàng và không lo âu. Khi không còn gắn bó chặt chẽ với cái tôi của mình, ta ngừng lo lắng quá mức về những điều có thể xảy đến với cơ thể nhỏ bé, mong manh của ta trong tương lai bất định. Ta sẵn sàng từ bỏ một số mục tiêu ích kỷ, những tham vọng nhỏ nhen mà trước đây ta luôn gắt gao bảo vệ.

Ta hiểu rằng có thể sẽ không bao giờ đạt được tất cả những gì mình mong muốn, và điều đó chẳng sao cả. Ta sẵn sàng để cuộc đời đưa đẩy, chấp nhận những thăng trầm như một dòng nước cuốn, không còn kháng cự. Ta làm hòa với những quy luật của sự tan rã, của tự nhiên. Có lẽ ta sẽ không bao giờ được yêu thương trọn vẹn, hoặc không bao giờ được người khác đánh giá đúng mức. Ta sẽ chết – và điều đó cũng ổn thôi.

Song song với sự buông bỏ đó, một niềm vui kỳ lạ lại hiện diện. Một phần lớn năng lượng của ta thường ngày vốn được dành để chăm sóc những vết thương của cái tôi, để đối mặt với nỗi sợ hãi thầm kín rằng ta không được người khác quan tâm. Nhưng giờ đây, điều đó không còn là một bóng ma ta cần xua đuổi. Ta có thể ngẩng đầu lên và thực sự nhìn ngắm cuộc sống, một cách mà trước đây ta chưa bao giờ làm được.

Sự vô hình và tầm thường của ta giờ đây không còn là nỗi ám ảnh, mà trở thành một điều hiển nhiên đáng để vui mừng đón nhận. Ta không còn run sợ trước ý nghĩ mình chẳng là ai cả, thay vào đó, ta vui vẻ chấp nhận sự hư vô vĩnh cửu của mình – và mỉm cười hạnh phúc khi thấy những bông hoa ngoài cánh đồng kia đẹp đến lạ lùng.

KẾT LUẬN

Tất nhiên, không ai có thể duy trì trạng thái tâm linh cao cả này mọi lúc. Rồi sẽ đến lúc ta phải thanh toán hóa đơn, đưa đón con cái, làm những việc thường ngày. Nhưng những đòi hỏi của cuộc sống bình thường không làm giảm giá trị của những khoảnh khắc ta chạm tới được một miền ý thức cao hơn.

Tâm linh đã quá lâu bị phó mặc cho những người nhiệt thành quá mức, những người có thể đã vô tình làm lu mờ vẻ đẹp thực sự của nó. Điều này đáng tiếc, vì tâm linh xứng đáng được khám phá, đặc biệt bởi những ai vốn dĩ hoài nghi về nó nhất.

Trải nghiệm tâm linh không phải là điều không thể diễn tả hay phi lý. Đó đơn thuần là những khoảng lặng quý giá, nơi ta tạm thoát khỏi gánh nặng và sự hạn chế của việc làm chính mình.

Nguồn: SPIRITUALITY FOR PEOPLE WHO HATE SPIRITUALITY - The School Of Life

menu
menu