Tám Lời Khuyên Của Đạo Phật Để Đối Phó Với Lòng Sân Hận

tam-loi-khuyen-cua-dao-phat-de-doi-pho-voi-long-san-han

Một khoảnh khắc sân hận cộng thêm một cây súng có thể hoàn toàn thay đổi tương lai của một người có một đời sống tự do thành một kiếp trong ngục tù.

Chúng ta đang sống trong một thời đại với lời khuyên rằng mình nên biểu lộ lòng sân hận, nhưng Đức Phật không đồng ý với điều này. Hành động với sự giận dữ sẽ khiến cho việc lập lại điều này dễ dàng hơn trong tương lai, tạo ra một chu kỳ bất tận. Đức Phật khuyên chúng ta không đè nén cảm xúc và cũng không biểu lộ chúng một cách ồ ạt, mà hãy phân tích chúng và thấu hiểu cách suy nghĩ mê lầm đằng sau lòng sân hận.

Phật tử có thể nói nhiều về lòng từ bi và khoan dung, nhưng ngay cả những bậc thầy vĩ đại như Đức Dalai Lama còn thừa nhận rằng đôi khi ngài cũng nổi giận thì những người như chúng ta có chút hy vọng gì không? Khoa học có thể nói rằng nổi giận là điều hoàn toàn bình thường, các tâm lý gia khuyên ta nên biểu lộ sự giận dữ, và ngay cả một số tôn giáo còn cho rằng giận dữ là điều đúng đắn. Mặt khác thì đạo Phật lại cho rằng giận dữ luôn luôn là điều không tốt đẹp.

Nhà học giả Phật giáo Tịch Thiên (Shantideva) vào thế kỷ thứ 8 đã mô tả tâm sân như mãnh lực tiêu cực cùng cực nhất, có khả năng tiêu diệt những thiện hạnh mà ta đã dày công tạo tác. Hãy thử nghĩ xem, một khoảnh khắc sân hận cộng thêm một cây súng có thể hoàn toàn thay đổi tương lai của một người có một đời sống tự do thành một kiếp trong ngục tù. Một ví dụ gần gũi với đời sống thường nhật hơn là tâm sân có thể hủy diệt tình bạn và lòng tin cậy ra sao, đó là những điều mà mất bao nhiêu thập niên chúng ta mới tạo dựng được. Cuối cùng thì tâm sân còn nguy hiểm hơn tất cả những quả bom, dao và súng gộp lại trên toàn thế giới.

Chúng ta biết sân hận không phải là một tâm thái vui vẻ, nhưng mình có thể làm gì đây? Đạo Phật đưa ra một số phương pháp đơn giản để giúp ta chuyển hóa tâm mình, nhưng xin báo trước là không có thần dược đâu nhé! Đây là tám lời khuyên thượng thặng của nhà Phật, để đối phó với tâm sân:

1. Đời Là Thế: Kiếp Luân Hồi

Bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật 2500 năm trước đã đi thẳng vào vấn đềcuộc đời bất toại nguyện. Bạn nghĩ sao? Cuộc đời của chúng ta sẽ không bao giờ được như ý.

Chúng ta sinh ra, rồi chết đi. Trong khoản thời gian giữa hai biến cố này sẽ có những lúc vui, lúc buồn, và những lúc mà ta hoàn toàn không có cảm giác gì cả: chu kỳ bất tận này là điều mà nhà Phật gọi là “luân hồi”. Khi bước vào thế gian này, không có ai nói rằng đời sẽ đẹp, sẽ dễ chịu và là nguồn vui bất tận, rằng mọi việc sẽ luôn luôn xảy ra theo ý muốn của mình. Khi hiểu được cảnh ngộ của mình trong luân hồi thì ta cũng sẽ hiểu được hoàn cảnh của mọi người.

Tất cả chúng ta đều có cùng cảnh ngộNổi giận với hoàn cảnh, với người khác hay với bản thân cũng không cải thiện được điều gì. Người ta nói và làm những điều mà mình có thể không thích, bởi vì cuộc đời của họ cũng tệ hại, đúng là như vậy đó.

Cách suy nghĩ như vậy có thể chuyển hóa cái nhìn của mình một cách triệt để. Dù mỗi một người trong chúng ta dường như là trung tâm vũ trụ của mình, nhưng không có nghĩa là mọi sự phải, hay sẽ luôn luôn xảy ra theo ý mình.

2. Hãy Làm Người Hùng: Nhẫn Nại

Phiền não sẽ bị dập tắt một cách hữu hiệu nhất bằng pháp đối kháng với nó; bởi vì dùng lửa để dập tắt lửa thì không được. Tại sao? Bởi vì tâm mình không thể ôm ấp hai cảm xúc đối nghịch trong cùng một lúc. Bạn không thể la mắng người nào và nhẫn nại với người đó trong cùng một lúc, không cách nào làm như vậy được. Nhiều người xem lòng nhẫn nại là dấu hiệu của sự yếu đuối, khi bạn để cho người khác chà đạp lên mình và có được bất cứ điều gì họ muốn. Tuy nhiên, trên thực tế thì điều này khác xa. Khi chúng ta bực bội thì sẽ dễ la hét dường nào, còn muốn giữ bình tĩnh và kiểm soát được cảm xúc thì khó khăn đến mức nào? Nghe lời cảm giác của mình và đi theo sự dẫn dắt của nó sẽ không khiến mình trở thành anh hùng, mà chỉ làm cho mình yếu đuốiVì vậy nên lần sau, khi sắp sửa nổi cơn la hét thì hãy vung kiếm nhẫn nại lên và chặt đứt cơn giận.

Bằng cách nào? Ta có thể cố thở thật sâu, đó là pháp đối kháng trực tiếp với hơi thở ngắn và hổn hển khi nổi giận, nếu như ta thấy tinh thần bắt đầu căng thẳng. Ta có thể đếm đến 100 một cách chậm rãi, để chận đứng việc thốt ra những lời mà mình sẽ hối hận sau này. Hoặc nếu phải trực tiếp đối đầu với người nào thì ta có thể rời bỏ hiện trường, trước khi mọi việc xuống dốc. Mỗi hoàn cảnh đều khác nhau, nên bạn cần phải sử dụng trí óc, để xem cách nào hữu hiệu nhất cho mình.

3. Hãy Thực Tế: Phân Tích Hoàn Cảnh

Khi nổi giận thì cơn thịnh nộ có vẻ xuất hiện như một đấng bảo hộ, như người bạn thân chăm sóc cho lợi ích của mình, giúp mình chiến đấu nơi bãi chiến trường. Ảo tưởng này sẽ cho phép mình nghĩ rằng giận dữ là điều hợp lý, nhưng nếu suy xét kỹ thì sân hận không phải là bạn của mình, mà chính là kẻ thù.

Sân hận khiến ta căng thẳng tinh thầnkhổ nãoăn không ngon và ngủ không yên. Nếu cứ tiếp tục giận hờn ai đó thì điều này sẽ khiến cho người khác có ấn tượng lâu dài về mình. Hãy đối diện với điều này: ai lại muốn ở gần một người giận dữ?

Khi bị buộc tội về điều gì và cảm thấy nút tự vệ bắt đầu thắt chặt trong bao tử thì nên ngừng lại và suy nghĩ một cách hợp lý. Chỉ có hai sự chọn lựa: một là lời buộc tội đó đúng, hai là sai. Nếu như nó đúng thì tại sao mình lại nổi cáu? Nếu muốn làm người lớn trưởng thành thì mình nên nhận lỗi, rút kinh nghiệm từ lỗi lầm này và tiếp tục dấn bước trong cuộc sống. Nếu nó sai thì tại sao mình lại nóng giận? Người ta đã phạm sai lầm, vậy chứ mình chưa bao giờ lầm lỗi hay sao?

4. Thấu Suốt Tâm Mình: Thiền

Hành thiền và giữ chánh niệm có thể vô cùng lợi lạc để chống lại tâm sân. Nhiều người có thể xem thiền là việc mất thì giờ, sao lại mất 20 phút ngồi trên gối, trong khi mình có thể sử dụng ngày giờ một cách hữu hiệu nhất, đúng không? Người khác thì nghĩ rằng thiền là một cách hay để trốn tránh đời sống thật, khi mình có thể dành thời gian để xa lánh các con/email/chồng/vợ.

Nhưng thiền có nhiều ý nghĩa hơn thế rất nhiều, nó là sự chuẩn bị cho đời sống thật sự. Nếu như mình thiền quán về lòng bi mỗi sáng, nhưng khi vào sở thì lại la lối với nhân viên và than phiền về đồng nghiệpvậy thì không có gì tốt đẹp.

Thiền giúp tâm thức trở nên quen thuộc với tư tưởng tích cực như nhẫn nhụctừ bi, và đó là điều mà ta có thể thực hành ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào. Nếu như dùng nửa tiếng trên đường đi học hay đi làm vào buổi sáng để nghe nhạc mà mình yêu thích thì ít nhất ta có thể bỏ ra 10 phút trong khoảng thời gian đó để phát tâm từ với mọi người. Đó là điều hữu hiệu để giảm thiểu tâm sân hận, và giúp ta trở thành người mà ai cũng muốn gần gũi.

5. Hạ Mình Xuống: Học Hỏi Từ Kẻ Thù

Phật pháp thường dạy ta thực hiện những điều trái ngược với những gì mình thường làm. Khi giận dữ với ai thì mình có ý muốn trả thù. Kết quả của điều đó là gì? Ta vẫn khổ như trước, nếu như không nói là khổ hơn cả trước khi trả thù nữa. Tuy có vẻ phản trực giác, nhưng nếu ta hành động ngược lại thì sẽ có được kết quả trái lại: đó là con đường dẫn đến hạnh phúc.

Ý tưởng này nghe có vẻ điên rồ, nhưng hãy thử nghĩ về cách xem đối tượng mà bạn giận dữ như thầy mình. Nếu như muốn trở thành người tốt hơn, nghĩa là người kiên nhẫn hơn, từ ái hơn, tử tế và vui vẻ hơn thì ta cần phải thực tập. Ai cũng biết nếu muốn làm một cầu thủ đá banh quốc tế hay một nhạc sĩ vĩ cầm có tầm vóc quốc tế thì phải tốn nhiều công sức và thời gian, thế thì việc luyện tâm có khác gì với điều này? Nếu như những người xung quanh luôn luôn đồng ý hay làm theo ý mình thì ta sẽ không bao giờ có bất cứ sự thử thách nào.

Nhờ vậy, người mà ta sân hận sẽ trở nên vô cùng quý báu, vì họ cho ta cơ hội để thật sự thực hành hạnh nhẫn nhục. Điều này sẽ lập tức ngăn chận làn sóng sân hận đang trào lên, vì nó sẽ thay đổi cái nhìn của mình từ những gì họ đã cư xử tệ bạc với mình, thành những gì họ giúp cho mình.

6. Nhớ Đến Cái Chết: Vô Thường

Rồi bạn sẽ chết. Tôi cũng sẽ chết. Chúng ta đều sẽ chết. Vậy thì khi người mà mình không chịu đựng nổi làm điều gì khiến cho ta bực mình thì hãy ngừng lại và nghĩ rằng: “Khi nằm trên giường hấp hối thì mình có quan tâm đến điều này không?”. Có lẽ câu trả lời sẽ là “không”, trừ khi ta biết người đó thật sự quỷ quyệt, muốn chiếm đoạt thế giới và hủy diệt nó. Lời khuyên nho nhỏ này vô cùng đơn giản, nhưng lại có thể làm giảm đi nhiều sự phiền toái nhỏ nhặt trên đời.

Ai cũng biết rồi mình sẽ chết, nhưng nó không phải là điều mà chúng ta thật sự thấu đáo. Cái chết là một khái niệm trừu tượng, xa xôi xảy ra cho người khác, cho những người già, bệnh hoạn, gặp những tai nạn kỳ quái. Tuy nhiên, đó không phải là hiện thực. Mỗi ngày, người trẻ vẫn chết trước người già, và người khỏe mạnh chết trước người bệnh hoạn

Khi chú trọng vào cái chết chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai (có thể là ngày mai, trong vòng một năm, hay 50 năm?) thì nhiều chuyện ngày thường khiến ta nổi điên lên sẽ trở thành không quan trọng. Không phải là chúng không làm cho mình bực bội, mà ta sẽ nhận ra rằng không cần phải tốn thì giờ, hơi sức hay năng lượng quý giá của mình vì những điều này làm gì.

7. Tạo Tác Điều Gì: Nghiệp Lực

Người ta thường nói: “Mình tạo ra nghiệp gì thì sẽ nhận lấy quả đó,” hay, “Đó là nghiệp của hắn, hắn xứng đáng để gánh lấy những gì đang xảy ra cho hắn”, điều này ngụ ý rằng người ta gieo gió thì sẽ gặt bão. Điều này không hẳn là sự hiểu biết về nghiệp trong nhà Phật, vì nó phức tạp và tinh vi hơn nhiều. Dù vậy, khi người ta hả hê nói rằng nỗi khổ của người khác là nghiệp của họ thì phần đông lại ngần ngại để nhìn nhận khi chính bản thân họ ở trong tình huống khó xử thì điều này cũng xảy ra vì nghiệp của họ.

Tất cả những gì mình kinh qua, từ những khoảnh khắc vô vàn hân hoan cho đến đáy sâu tuyệt vọng, đều sinh khởi từ nhân duyên. Những nhân duyên này không phải bất thình lình rơi xuống từ thinh không, vận vào thân ta, mà là do chính mình tạo ra. Vậy thì thay vì nổi giận khi gặp phải cảnh ngộ thê thảm, bạn nên ngừng lại và nghĩ rằng: “Điều này xuất phát từ đâu? Mình có muốn làm cho nó tệ hại thêm không?”.

Nghiệp là cách hành động bốc đồng, phản ứng theo thói quen mà mình luôn có. Nếu hiểu cách nghiệp vận hành thì ta sẽ thấy mình có khả năng để thay đổi những kinh nghiệm trong tương lai, dựa vào những gì mình đang làm trong hiện tại, và ở đây, nó có nghĩa là thực hành hạnh nhẫn nhục khi tâm sân phát sinh.

8. Nó Không Phải Là Thật: Tánh Không

Tuy hạnh nhẫn nhục có thể là pháp đối kháng trực tiếp với tâm sân, nhưng tánh Không lại là pháp đối kháng mạnh mẽ nhất, không chỉ đối với tâm sân hận, mà đối với mọi khó khăn và vấn đề của mình. Trên thực tế, không cần biết mình kiên nhẫn đến mức nào mà nếu chưa thấu đáo được tánh Không, hay Không tướng, thì khó khăn sẽ tiếp tục rơi xuống thân ta như mưa trong mùa mưa ở Ấn Độ.

Nếu bỏ ra một chút thời giờ để phân tích tâm mình khi nổi giận thì ta sẽ chú ý tới một điều: đó là cảm giác về “mình”, hay “tôi”. “Tôi rất giận vì điều bạn nói với tôi. Tôi không thể tin nổi điều anh ta đã làm đối với bạn của tôi! Chắc chắn là tôi đúng về vấn đề này và chắc chắn là cô ta sai!” Tôi, tôi, tôi.

Khi nổi giận thì ta sẽ có cơ hội tuyệt hảo để phân tích cái “tôi” xuất hiện vô cùng vững chắc. Nó không hề hiện hữu! Chúng ta không nói rằng mình không hiện hữu, hay không có gì hệ trọng, mà là khi cố tìm ra cái “tôi” này, có phải nó ở trong tâm mình, trong thân mình, hay là ở trong thân tâm, thì không có cách nào để mình nói, “Ừ, nó đây rồi!”.

Đối với nhiều người thì điều này khó mà hiểu được, nhưng thực tế là khi bắt đầu phân tích thực tại thì nó sẽ thay đổi cái nhìn của mình một cách triệt để. Ta sẽ thấy rằng ngay từ ban đầu, không hề có bất kỳ điều gì mà mình có thể xác định để nổi giận với nó.

Tóm Tắt

Không cần biết mình đã lập đi lập lại bao nhiêu lần câu “Tôi sẽ không nổi giận”, nhưng nếu không cố gắng thì ta sẽ chẳng bao giờ có được sự bình an mà mình mong muốn.

Những điểm nêu ra ở trên không chỉ là một danh sách hay ho, mà thật sự là những công cụ ta có thể sử dụng để thoát khỏi sự thất vọnggiận dữ và buồn rầu. Nếu như chịu thực hành thì bất cứ ai trong chúng ta đều có thể làm được điều này.

Nguồn: https://studybuddhism.com/en/essentials/how-to/8-buddhist-tips-for-dealing-with-anger

Nguồn dịch: https://tienvnguyen.net/a1549/tam-loi-khuyen-cua-dao-phat-de-doi-pho-voi-long-san-ha

menu
menu