Tâm lý của kiểu gắn bó lo âu
Khi được một người dịu dàng, kiên nhẫn, và cuốn hút nói rằng họ yêu chúng ta, lẽ tự nhiên là ta nên tin lời họ – sau một chút bất ngờ pha lẫn xúc động.
Khi được một người dịu dàng, kiên nhẫn, và cuốn hút nói rằng họ yêu chúng ta, lẽ tự nhiên là ta nên tin lời họ – sau một chút bất ngờ pha lẫn xúc động. Nhưng thật ra, cảm xúc của con người chẳng bao giờ đơn giản như thế.
Để tin rằng một lời yêu thương là chân thành – rằng họ không đang âm thầm chế giễu ta, không thay đổi suy nghĩ bất chợt, không lén lút bên ai khác, hay không đang ôm ý định phản bội hoặc bỏ ta mà đi – ta cần có một nền tảng tâm lý vững chắc từ những năm tháng đầu đời. Nhưng đối với nhiều người, lời tuyên bố tình yêu – dù trên lý thuyết vô cùng đáng khao khát – lại dễ trở nên kỳ lạ, khó tin, và đáng sợ. Nó có thể khơi dậy những luồng cảm xúc dữ dội, trồi sụt giữa hy vọng và tuyệt vọng, niềm tin và nỗi sợ, khao khát và hoài nghi.
Vilhelm Hammershøi, Portrait of the Artist’s Sister, 1885
Chúng ta có thể gọi đó là kiểu gắn bó lo âu, nhưng thực ra, cái tên này vẫn còn quá nhẹ nhàng. Dựa trên những hành vi nó gây ra, có lẽ nên gọi là kiểu gắn bó giận dữ. Khi đối mặt với tình yêu, một số người trong chúng ta cảm thấy cần phải kiểm chứng nó một cách mãnh liệt, thậm chí bùng nổ ở mọi bước ngoặt. Chúng ta có thể chia tay người yêu tám lần trong một năm, không phải vì thật sự muốn, mà vì mỗi lần như vậy lại mang đến một liều thuốc tinh thần: nỗi hoảng loạn thuần khiết, tiếp theo là sự nhẹ nhõm khi họ quay về bên ta. Chúng ta có thể làm ầm lên mỗi khi người ấy đi chơi với bạn bè, chỉ vì không tin sâu thẳm rằng họ có thể vừa yêu ta, vừa quan tâm người khác. Nếu họ tặng ta một bữa ăn ngon hay một món quà ý nghĩa, ta có thể vô thức phá vỡ bầu không khí dễ chịu ấy, tạo ra một cơn khủng hoảng chỉ để chứng tỏ rằng ta không dễ bị lừa gạt.
Chúng ta có thể buộc tội họ phản bội trên mạng, và sẽ không yên lòng cho đến khi họ bị thẩm vấn trong nhiều giờ liền. Thậm chí, ta thấy việc tạo ra drama đôi khi còn... thư giãn hơn là ngồi trong yên bình. Dĩ nhiên, điều này có thể rất đau đớn cho cả hai phía.
Trong quá khứ của một người gắn bó lo âu, tình yêu từng bị đe dọa nghiêm trọng. Những tổn thương từ nhỏ khiến họ phải luôn cảnh giác, như một chú chó Alsatian canh giữ ngôi nhà. Không giống kiểu gắn bó né tránh, những người lo âu đã từng được yêu thương – nhưng tình yêu đó lại đi kèm với những hiểm họa đáng sợ: ai đó rời đi hoặc qua đời, ai đó thay đổi thái độ, hoặc tìm một gia đình mới để sống cùng. Bài học thời thơ ấu dạy họ rằng tình yêu có thể tồn tại, nhưng không bao giờ là vĩnh cửu. Và vì thế, tình yêu cần được giám sát liên tục với sự quyết liệt đến khắc nghiệt.
Điều bi kịch là trong nỗi tuyệt vọng kiểm tra sự bền vững của tình yêu, họ lại vô tình làm nó tan vỡ. Một người yêu vốn có ý định chung thủy từ đầu, khi bị chất vấn liên tục, có thể bắt đầu tự hỏi liệu họ có nên tìm đến ai khác. Sau lần bị nghi ngờ thứ một trăm, một ngày nào đó, họ có thể thực sự tạo ra lý do để ta phải nghi ngờ.
Nếu những người gắn bó lo âu chấp nhận rằng tình trạng của họ không phải là dấu hiệu của một “căn bệnh ngẫu nhiên”, mà là hệ quả từ một kiểu nuôi dưỡng rất cụ thể, họ sẽ dần có đủ dũng cảm để giãi bày nỗi sợ với đối phương (và trước hết là với chính mình). Họ có thể, mà không cần cảm thấy xấu hổ, giải thích với người mình yêu rằng họ không hề muốn giận dữ – chỉ là họ lo lắng. Họ không muốn nghi ngờ – chỉ là họ chưa biết cách tin tưởng. Họ không muốn cứ mãi chia tay, nhưng họ không tin rằng mọi thứ có thể bền lâu.
Với sự kiên nhẫn, người yêu của họ sẽ nhận ra rằng điều tốt nhất họ có thể làm là ôm thật chặt người ấy vào lòng, nhẹ nhàng nhắc họ ngừng suy nghĩ và lặng yên trong một cái ôm thật ấm áp.
Càng hiểu rõ nguồn gốc của hành vi, người lo âu sẽ càng nhận ra rằng phản ứng của họ đã không còn cần thiết nữa. Ngày xưa, ôm chặt lấy cha mẹ ở tuổi lên năm là chiến thuật sống còn – một cách phòng thủ đầy thông minh. Họ có thể tự hào về phiên bản nhí nhảnh nhưng kiên cường của chính mình. Nhưng giờ đây, họ cũng có thể nhẹ nhàng nói lời cảm ơn đứa trẻ ấy, rằng mọi chuyện đã ổn rồi. Giờ đây, họ có thể buông tay, để bản thân tận hưởng những điều êm đềm đáng ra thuộc về mình từ thuở ban đầu.
Thảm họa mà họ từng lo sợ đã xảy ra rồi – nhưng nó thuộc về quá khứ. Với một chút thận trọng hợp lý của người trưởng thành, sẽ không có bi kịch nào như thế xảy ra lần nữa.
Nguồn: THE PSYCHOLOGY OF ANXIOUS ATTACHMENT - The School Of Life