Tâm lý tránh né

tam-ly-tranh-ne

Một trong những hành vi khó hiểu nhất của con người là xu hướng – trong các mối quan hệ – chạy trốn khỏi sự ấm áp và yêu thương

Một trong những hành vi khó hiểu nhất của con người là xu hướng – trong các mối quan hệ – chạy trốn khỏi sự ấm áp và yêu thương, những điều mà bản năng tự nhiên khiến ta luôn khao khát. Đứng trước một người dường như rất thích mình, người luôn mỉm cười dịu dàng mỗi khi ta bước vào phòng, quan tâm đến từng chi tiết trong cuộc sống của ta, thì đôi khi phản ứng của một số người lại hoàn toàn ngược lại: họ cảm thấy khó chịu, thậm chí buồn nôn, và rồi, có lẽ theo thời gian, họ sẽ bỏ chạy.

Để hiểu được sự tránh né cảm xúc này, ta có thể so sánh nó với cách con người phản ứng với thức ăn. Hãy tưởng tượng một người lớn lên trong cảnh thiếu thốn, với chế độ ăn uống cực kỳ hạn hẹp: họ không còn cách nào khác ngoài việc tập quen với những bữa ăn ít ỏi nhất. Cách duy nhất để tồn tại là học cách không cần gì nhiều.

Ta có thể cho rằng khi cuối cùng được tiếp xúc với sự dư dả, người này sẽ hào hứng bù đắp cho những tháng năm thiếu thốn. Nhưng thực tế thường hoàn toàn trái ngược. Hệ tiêu hóa của họ, vốn đã thích nghi với sự thiếu hụt, không thể xử lý được sự phong phú trước mắt. Chỉ cần nhìn thấy một đĩa thức ăn đầy ắp cũng đủ khiến họ bất an; thậm chí họ có thể cảm thấy ốm yếu trước sự dư thừa mà họ từng ao ước.

Jean Metzinger, At the Cycle-Race Track, 1912

Tình yêu cũng vậy. Những người trong chúng ta lớn lên trong môi trường mà tình cảm bị "phân phát" một cách dè sẻn thường chỉ học được cách muốn rất ít từ người khác. Khi một người yêu thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến từng chi tiết trong ngày của ta, ta có thể cảm thấy ngột ngạt thay vì được yêu thương. Khi ai đó muốn dành trọn mọi buổi tối bên ta, ta lại cảm thấy bị trói buộc thay vì được khao khát. Khi người yêu ngợi khen ta, thay vì hạnh phúc, ta lại cảm thấy bất xứng. Và khi họ nhắc đến chuyện hôn nhân, phản ứng đầu tiên của ta có thể là tìm cách tán tỉnh người yêu cũ. Sự khó chịu này chính là di sản còn sót lại từ một tuổi thơ thiếu thốn và đau buồn.

Nếu có thể chấp nhận rằng trạng thái này không phải là biểu hiện của sự xấu xa, mà chỉ đơn thuần là hệ quả của một kiểu trưởng thành đầy thiếu hụt, ta có thể dần đủ can đảm để giải thích điều này với người yêu (và trước hết là với chính mình). Ta có thể, không chút hổ thẹn, hướng dẫn người ấy rằng điều tử tế nhất họ có thể làm cho ta chính là… đừng quá tử tế, ít nhất là không phải quá sớm. Điều hào phóng nhất họ có thể làm là đừng trao đi quá nhiều cùng một lúc. Ta muốn nhận được tình yêu của họ, chắc chắn là thế, nhưng ta cần nó với liều lượng rất nhỏ, không phải tất cả cùng một lúc. Ta cần thời gian ở một mình, cần sự vừa phải, cần những lời khen cách quãng. Ta trân trọng sự dịu dàng, nhưng ta chỉ có thể tiếp nhận nó từng chút một – bằng chiếc thìa nhỏ.

Hiểu được lý do vì sao tình yêu cần được “pha loãng” như thế sẽ giúp đối phương của ta bớt cảm thấy bị tổn thương, từ đó tránh được những cơn giận dữ hay những lời kết tội như "sợ cam kết" hay "ngại thân mật". Cả hai có thể hiểu rằng cách ta tiếp cận tình yêu ban đầu thực ra là một sự thích nghi hợp lý và thông minh với hoàn cảnh thiếu thốn cảm xúc mà ta không tự chọn – và điều này hoàn toàn không liên quan đến sự ích kỷ hay bệnh lý.

Đồng thời, càng hiểu rõ nguồn gốc của cảm giác choáng ngợp này, ta càng có cơ hội nhận ra rằng sự cẩn trọng ấy giờ đây đã không còn cần thiết. Ta có thể học cách đón nhận sự mãn nguyện và viên mãn từ tình yêu đôi lứa, và có lẽ, không cần phải tự bảo vệ mình một cách quá mức khỏi chính điều sẽ nuôi dưỡng và chữa lành ta.

Nguồn: THE PSYCHOLOGY OF AVOIDANCE - The School Of Life

menu
menu