Tâm trí quan tâm đến địa vị xã hội nhiều ra sao
Tâm trí con người cực kỳ nhạy cảm trước quyền lực. Những người với địa vị xã hội cao được người khác nhớ tốt hơn so với những người có địa vị xã hội thấp hơn.
Điều gì khiến một người trở nên đáng nhớ? Trực giác cho thấy nếu một ai đó có những đặc điểm ngoại hình khác thường, ăn mặc sáng tạo, hoặc nói những điều khác lạ trong trò chuyện thì chúng ta nhớ người đó tốt hơn. Nhưng còn những đặc điểm tinh tế hơn thì sao?
Nghiên cứu gần đây bởi một nhóm các nhà nghiên cứu do Nathaniel Ratcliff dẫn đầu (đại học Penn State) cho rằng tâm trí con người cực kỳ nhạy cảm trước quyền lực. Những người với địa vị xã hội cao được người khác nhớ tốt hơn so với những người có địa vị xã hội thấp hơn.
Trong một nghiên cứu, họ cho những người tham gia xem một loạt khuôn mặt trên một màn hình máy tính. Mỗi khuôn mặt được trình chiếu với một cái nhãn nghề nghiệp ở dưới – đôi lúc đó là một nghề nghiệp có địa vị xã hội cao (CEO, bác sĩ), lúc khác là một nghề có địa vị thấp (thợ cơ khí, thợ sửa ống nước). Sau khi xem một loạt ảnh 20 khuôn mặt địa vị cao và 20 khuôn mặt địa vị thấp được trộn lẫn ngẫu nhiên, những người tham gia hoàn thành một nhiệm vụ kéo dài trong 5 phút (nhằm mục đích gây sao lãng). Sau đó các nhà nghiên cứu trình chiếu một loạt ảnh 80 khuôn mặt, một nửa trong số đó là những khuôn mặt mà người tham gia đã xem lúc trước và một nửa là số khuôn mặt mới. Nhiệm vụ của người tham gia là cho biết với mỗi khuôn mặt, liệu đó là khuôn mặt họ đã xem trước đây hay là một khuôn mặt mới.
Các kết quả cho thấy những người tham gia quả thật phân biệt tốt hơn những khuôn mặt cũ với khuôn mặt mới khi những khuôn mặt có địa vị cao so với địa vị thấp.
Trong nghiên cứu thứ hai, các nhà nghiên cứu đã thay đổi cách tiến hành một chút. Đầu tiên, thay vì chỉ ra nghề nghiệp của mỗi khuôn mặt với một từ, mỗi khuôn mặt được trình chiếu với quần áo giúp nhận diện nghề nghiệp. Ví dụ, một bác sĩ mặc áo khoác trắng và ống nghe quanh cổ. Thứ hai, thay vì đơn giản là nhớ lại những khuôn mặt, người tham gia chơi một trò chơi gọi là Concentration. Người tham gia di chuyển hai bức ảnh trên màn hình máy tính để tạo ra sự hoàn chỉnh (hai hình cho thấy cùng một người). Ratcliff và cộng sự phát hiện thấy những người tham gia có thể ghép hình dễ dàng hơn đối với những đối tượng có địa vị cao so với địa vị thấp. Nói cách khác, họ không chỉ nhớ những khuôn mặt địa vị cao tốt hơn mà họ còn nhớ vị trí của những người đó tốt hơn.
Những phát hiện đó nói với chúng ta điều gì? Chúng làm sáng tỏ việc làm thế nào mà những động cơ (một cách tự động và hiệu quả) của chúng ta có thể ảnh hưởng đến tri giác, nhận thức của chúng ta. Có lẽ bạn bị thôi thúc chú ý nhiều đến một người quyền lực hơn một người không quyền lực vì, theo định nghĩa, một người quyền lực có nhiều sự kiểm soát hơn đối với những kết quả của bạn. Như vậy, bạn phải có nhiệm vụ thu thập càng nhiều thông tin mà bạn có thể về người này để biết cách làm thế nào hành xử trước người đó. Điều thú vị là những sự tính toán đó dường như xảy ra một cách tự động và nằm ngoài ý thức. Hơn nữa, những sự toan tính đó mở rộng ngay cả đối với những người có địa vị cao chỉ tồn tại qua những bức ảnh - nói cách khác, những người không thực sự có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với những kết quả của bạn. Gần như ai ai cũng có thói quen rà soát quyền lực.
Hồng Nga dịch
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/in-the-eye-the-beholder/201107/are-powerful-people-more-memorable