Tất Tần Tật Về 'Tín Hiệu Xã Hội' (Social Cues) – Định Nghĩa Và Cách Đọc

tat-tan-tat-ve-tin-hieu-xa-hoi-social-cues-dinh-nghia-va-cach-doc

Theo nhà tâm lý học Nicole Beurkens, “tín hiệu xã hội” là cụm từ thường được dùng để gọi những khía cạnh phi ngôn ngữ trong giao tiếp, “như ánh mắt, như điệu bộ, như tông giọng,

“Tín Hiệu Xã Hội” Là Gì?

Theo nhà tâm lý học Nicole Beurkens, “tín hiệu xã hội” là cụm từ thường được dùng để gọi những khía cạnh phi ngôn ngữ trong giao tiếp, “như ánh mắt, như điệu bộ, như tông giọng, như bất cứ thứ gì không thuộc phạm trù ngôn ngữ hay tiếng nói.” Một nhà trị liệu tâm lý khác, cô Annette Nuñez cũng cho hay, những yếu tố như thái độ của một người khi tương tác với ta và tỉ lệ phần trăm quyết định xem liệu tình bạn của ta với họ có đơm hoa kết trái được không, tất thảy đều có thể được định đoạt bởi các tín hiệu xã hội.

Vậy, Làm Thế Nào Để Đọc Được Tín Hiệu Xã Hội?

Từ khi được sinh ra, con người, dù là vô tình hay hữu ý, đều đã bắt đầu luyện đọc tín hiệu xã hội. Trên thực tế, Beurkens cho biết, “Cái khía cạnh giao tiếp phi ngôn ngữ ấy mới chính là thứ ‘ngôn ngữ' thuở ban sơ của trẻ sơ sinh, bởi tụi nhỏ làm gì đã hiểu được ngôn ngữ nói.” Nuñez cũng bổ sung, rằng về sau khi đã trưởng thành hơn một chút, thì trẻ con bắt đầu thu nạp được thêm nhiều kiến thức hơn bằng việc quan sát các hành động hoàn toàn khác biệt của bạn bè đồng lứa (parallel play), từ đó dần dần nghiệm ra nhịp điệu của một cuộc đối thoại. Tương tự như vậy, kỹ năng này cũng rất tự nhiên lớn lên cùng trẻ qua thời gian.

Kiến thức về mảng giao tiếp không lời chính là nền móng cho toàn bộ quá trình giao tiếp nói chung, đồng thời còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng phong cách giao tiếp của chúng ta về sau này. Đáng tiếc thay, một khi đã biết sử dụng ngôn ngữ nói, tầm ảnh hưởng của chuyện giao tiếp không lời đối với ta cũng dần dần bị mai một đi. Dẫu vậy, nó vẫn cứ lớn lên trong cơ thể ta thật âm thầm và lặng lẽ  tuy lớn nhanh hay chậm thì còn tùy vào đối tượng ta muốn xét đến, bởi với những người mắc chứng tự kỷ, chứng khó học hoặc một số các chứng bệnh tâm lý khác, thì việc thể hiện và tiếp nhận các tín hiệu xã hội sẽ còn khó khăn hơn gấp bội phần.

18 Tín Hiệu Xã Hội Phổ Biến

Chúng tôi đã liệt kê ra một số loại tín hiệu xã hội có thể rất hay được bắt gặp trong các mối giao thiệp thông thường. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải lưu ý rằng không phải người ta cứ dùng tín hiệu A là nhất định đang bộc lộ cảm xúc B đâu nhé, danh sách dưới đây chỉ bao gồm những cách phân tích tiêu chuẩn nhất thôi:

1. (Không) Giao Tiếp Bằng Ánh Mắt

Ánh nhìn chính là một trong những yếu tố căn bản nhất thuộc phạm trù giao tiếp không lời. Đôi mắt kia có thể đang đăm đắm nhìn vào mắt bạn - họ thấy hứng thú đấy; hay ngược lại, né tránh - họ đang hoặc chán chường, hoặc nhấp nhổm không yên. Tuy vậy, cũng cứ phiên phiến thôi nhé, bởi lỡ đâu nơi bạn sống lại định nghĩa những ánh nhìn thẳng băng kia là vô phép vô tắc thì sao? Ngay “thẳng băng" cũng có hai loại: thẳng băng nhìn vào mắt, hoặc thẳng băng xuyên qua mắt đến luôn đầu bên kia; và hai thứ ấy lại thể hiện những cảm xúc khác hẳn nhau.

2. Khoanh Tay Trước Ngực

Nếu có ai đó cứ khư khư để hai tay trước ngực khi nói chuyện với bạn, thì có thể họ thấy căng thẳng, khó chịu, thậm chí xa cách. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người có thói quen này chỉ vì tư thế ấy thì thoải mái, do vậy tốt nhất bạn vẫn nên căn cứ vào nhiều tín hiệu khác nữa trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về cảm xúc một người.

3. Hướng Chỉ Khuôn Mặt

Nếu người ấy đang xoay người và hướng khuôn mặt về phía bạn, thì hẳn bạn cũng nhận ra rồi đấy, họ sẽ thấy hào hứng về cuộc trò chuyện hơn nhiều so với một người cứ nhấp nha nhấp nhổm chực tìm lối ra, đúng không?

4. Tư Thế

Tư thế chính là chiếc chìa khóa giúp ta khám phá được trạng thái của một người, dù là mệt mỏi, buồn bã hay háo hức. Ví dụ nhé, đừng dại gì mà nói chuyện với những người cứ chắm chúi đầu/thân mình xuống đất, họ chẳng có tâm trạng đâu.

5. Khoảng Cách

Đây chính là một tín hiệu khác nữa cho thấy mức độ thu hút một cuộc đối thoại, bởi hẳn trước đây bạn cũng đã từng bắt gặp bản thân cứ vô thức lùi ra xa nếu đối phương nói những điều đao to búa lớn quá, hoặc vô thức xích lại gần nếu bạn chuyện hợp gu rồi, đúng không?

6. Biểu Cảm Gương Mặt…

...cứ như một đứa con không vâng lời cha mẹ, bởi hiếm ai lại có thể kiểm soát được những cảm xúc hỉ nộ ái ố đã bày ra rõ ràng trên khuôn mặt mình. Nên hãy cố gắng đọc các phản ứng của đối phương, từ đó điều hướng cuộc trò chuyện sao cho hợp lý, lặng lẽ xin lui nếu người ta tỏ vẻ chán chường hay cau có chẳng hạn.

7. Nụ Cười

Nụ cười nửa miệng với nụ cười toàn miệng thực ra có thể truyền tải những thông điệp hoàn toàn khác nhau, và cũng tương tự như vậy, nụ cười chính là thứ bạn nên vin vào để xác định xem liệu người ta đang vờ vịt, chân thành, hay muốn tán mình. 

8. Quần Áo

Quần áo sẽ giúp phơi bày ra góc nhìn của một người đối với một sự kiện, hoặc chí ít là cách họ muốn thể hiện bản thân ở trong sự kiện ấy, ví dụ ăn mặc cho một buổi hẹn hò thì sẽ không thể chỉn chu như lúc sắm sửa chuẩn bị đi làm, đúng không? Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý rằng không phải ai cũng có bảy bảy bốn chín bộ quần áo để ăn diện trong dịp này dịp nọ khác nhau, nên nhiều khi người ta mặc thì mặc vậy thôi, chứ cũng chẳng có ý tứ sâu xa gì mà phân với chả tích. 

9. Đối Chiếu

Người ta có thể sẽ ráng bắt chước theo điệu bộ hay ngôn ngữ hình thể của bạn một khi đã thấy thích thú về cuộc trò chuyện, sao cho từ ngoài nhìn vào thấy thật “xứng đôi vừa lứa". 

10. Thở Dài/Ngáp

Hẳn bạn cũng đã từng nghe đối phương hỏi rằng “tôi nói chuyện chán lắm à" lúc bản thân vô ý che miệng ngáp một cái. Ừ, có thể lúc ấy bạn ngáp chỉ vì thấy mệt thôi, nhưng dù mệt cách nào thì bạn cũng sẽ không ngáp trong một cuộc trò chuyện thú vị đâu, đúng không? 

11. Mất Tập Trung

Bất cứ một tín hiệu nào thể hiện sự mất tập trung, dù là quay ngang quay dọc hay liên tục đổi chủ đề cuộc đối thoại, đều sẽ là những lời khẳng định ngầm ẩn với bạn rằng “tôi chẳng ưa gì việc phải nói chuyện với anh đâu".

12. Cắm Mặt Vào Điện Thoại

Điện thoại cũng chỉ đơn giản là một yếu tố gây mất tập trung thôi. Bất kể là đang lướt mạng hay kiểm tra đồng hồ (30 giây/lần), anh cũng đã đồng thời nhắn gửi đến tôi rằng là à, anh thực ra cũng chẳng quan tâm tới những điều tôi nói đến thế.

13. Im Lặng

Ai mà chẳng thích được một hồi im lặng giữa lúc đối thoại, đúng không? Đùa thôi, “chẳng ai lại thích được" thì đúng hơn ấy. Bạn có thể tận hưởng sự im lặng với những người đã quen thân, chứ còn im lặng lúc trò chuyện cùng bạn bè mới quen, thậm chí người yêu ấy mà, sẽ chỉ là những tín hiệu cho thấy hai bạn đã cạn kiệt ý tưởng để bàn luận cùng nhau rồi thôi.

14. Tông Giọng

Bạn có từng nghe thấy câu “đừng có nói với tôi bằng cái giọng ấy" chưa? Bởi từ giọng nói, người ta có thể nhận ra hết nào sự lỗ mãng, mỉa mai, thậm chí cả hờn giận. Ngược lại, những tông giọng thể hiện vẻ vui tươi và phấn khởi chính là tín hiệu cho thấy rằng à, bạn nên nói tiếp những gì đang nói đi, bởi đối phương người ta thích lắm đấy.

Tuy nhiên, mặc dù đứng ở ngoài nhìn vào thì có thể bạn phân tích tông giọng của một người rất dễ dàng, nhưng không phải ai ai cũng có khả năng tự mình phân tích tông giọng của chính mình đâu nhé, hãy cẩn thận điều ấy.

15. “Tông Chữ"

Tin nhắn thường có vẻ thách đố hơn, bởi rốt cuộc cũng chỉ là giấy trắng mực đen thôi mà, tuy không, tin nhắn cũng có “tông” đấy. Vì ví dụ nhé, bạn sẽ ngay tắp lự nhận ra có điều gì không ổn khi người ấy “rep" mình quá ngắn, vả lại còn hiểu được thêm chút gì qua những biểu tượng cảm xúc họ dùng nữa, phải không? Nhưng dù sao, tốt nhất hai bạn vẫn nên gặp mặt trực tiếp nếu muốn đọc được các tín hiệu cảm xúc từ nhau.

16. Va Chạm Thể Xác

Cũng tuỳ vào chuyện người ấy có rụt rè hay không nữa, nhưng nếu tự dưng họ lại cứ chạm vào tay bạn hoặc quàng vai bạn ấy mà, thì họ rõ rành rành đang muốn nói rằng “tôi thích đằng ấy" (chữ “thích” có tình tứ hay không vẫn chưa xác định được). Ngược lại, nếu người ấy cứ chỉ chực rụt về lúc bạn muốn trao cho họ một cái ôm nồng ấm, thì bạn biết rồi đấy.

17. Bồn Chồn

Những cử chỉ thể hiện sự bồn chồn như rung chân hay đánh nhịp ngón tay trên bàn sẽ có ý nghĩa tương tự với các tín hiệu bộc lộ vẻ mất tập trung: họ đang thấy chán mớ cả ra đấy. Dẫu vậy, bạn cũng cần thông cảm nhé, cho những người mắc các chứng bệnh như ADHD, khiến họ không thể ngừng chuyển động được.

18. Âm Lượng

Độ to của giọng nói cũng tỉ lệ thuận với độ hào hứng của một người về cuộc đối thoại (riêng có một số đối tượng, những người hướng nội chẳng hạn, thì sẽ chẳng bao giờ nói to đâu nhé).

Ai Sẽ Gặp Khó Khăn Trong Việc Đọc Các Tín Hiệu Xã Hội?

Đơn cử là những người mắc chứng tự kỉ, “Họ dường như không có khả năng nhận biết và phân tích mọi thành phần thuộc địa hạt giao tiếp phi ngôn ngữ, chính vì vậy thường sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong chuyện giao thiệp và thiết lập các mối quan hệ", Beurkens cho hay. Ngoài ra, những người mắc các rối loạn về học tập hay thần kinh như ADHD, thậm chí cả các chứng bệnh tâm lý cũng có thể sẽ bắt gặp những vấn đề tương tự. Những người mắc chứng lo âu chẳng hạn, thường sẽ cho rằng mọi tín hiệu phát hiện được đều mang tính chất tiêu cực. 

Nếu bạn cũng đang vô tình bỏ lỡ các tín hiệu kiểu này như thế nào, Nuñez khuyên bạn tốt nhất nên rèn luyện kỹ năng quan sát và tự nhận thức. Đồng thời, hãy luôn đặt cho bản thân mình những câu hỏi như “Mình đã nhìn vào mắt người ta chưa nhỉ" hay “Mình với người ta đã đối chiếu nhau chưa nhỉ?". Nếu bạn vẫn thấy quan ngại về vấn đề này, tốt nhất hãy đi tìm gặp một chuyên gia để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.

Lời Kết

Những điều bỏ ngỏ không nói ra thường vẫn sẽ mang trong mình một ý nghĩa nhất định, như các tín hiệu xã hội ở trên chẳng hạn. Hãy cố gắng rèn giũa khả năng đọc tín hiệu xã hội nhé, bởi chúng sẽ không chỉ giúp đỡ bạn trong các cuộc hội thoại, mà còn tạo ra thêm cho bạn thật nhiều các mối quan hệ ý nghĩa đấy. 

----

Dịch giả: Nguyễn Hà Anh – Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Link bài gốc: 17 Social Cues, What They Mean & How To Get Better At Reading Them

menu
menu