‘Thám tử’ của những cảm xúc vị thành niên
Cách đây nửa thế kỷ, một bác sĩ tự trao cho mình sứ mệnh tìm hiểu vì sao trẻ em tự tử, và kiên trì theo đuổi nó để rồi trở thành "thám tử" của những cảm xúc vị thành niên.
Một đứa trẻ sẽ không vô cớ tự kết liễu đời mình. Cần phải "khám nghiệm tâm lý" để hiểu chuyện gì đã xảy ra, từ đó có cách ngăn chặn những sự việc đau lòng tiếp diễn. Đó là sứ mạng mà một bác sĩ tự trao cho mình cách đây nửa thế kỷ và kiên trì theo đuổi nó để rồi trở thành "thám tử" của những cảm xúc vị thành niên.
Tiến sĩ David Shaffer, bác sĩ tâm thần người Mỹ nổi tiếng với các nghiên cứu về việc tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên, qua đời vào trung tuần tháng 10 ở tuổi 87. Ông đã dành nhiều thập niên để xây dựng khuôn khổ sàng lọc và đặt nền móng cho những nỗ lực phòng ngừa tự tử trong xã hội hiện đại. Các chương trình phòng ngừa và sàng lọc mà David Shaffer đấu tranh thực hành cách đây hàng chục năm giờ đã trở nên phổ biến.
Minh họa: SAGE Journals
Bác sĩ và tư duy trinh thám
Vào những năm 1970, hầu hết mọi người coi việc tự tử của một đứa trẻ ở độ tuổi vị thành niên là một hành động ngẫu nhiên và không thể đoán trước. Khi đang theo học ngành dịch tễ học, bác sĩ trẻ David Shaffer đã thực hiện một cuộc điều tra "khám nghiệm tâm lý" (psychological autopsy), thu thập thông tin chi tiết từ những người lớn chăm sóc 31 trẻ em đã chết vì tự tử.
Nghiên cứu mang lại nhiều kết quả bất ngờ. Trong hơn 1/3 số trường hợp, việc tự tử xảy ra vào thời điểm mà ông gọi là "khủng hoảng kỷ luật". Nhiều đứa trẻ được mô tả là không hề trầm cảm mà hung hăng hoặc bốc đồng.
Một số vụ tự tử lại cho thấy tính chất lây lan. Tiến sĩ Shaffer nhận ra điều này khi ông liên tục phát hiện ra tên của một thị trấn xứ Wales trong báo cáo của các nhân viên điều tra. Những khoảnh khắc lóe sáng như vậy trong nhiều năm dài nghiên cứu mang đến cho ông một hướng đi vững chắc.
Từ cuộc điều tra đầu tiên về tâm lý đó kéo theo những cuộc điều tra sau này trong suốt sự nghiệp nghiên cứu của mình, ông đã xác định được nhiều đặc điểm lâm sàng, thần kinh và hành vi liên quan đến tự sát. Shaffer là người đứng đầu chương trình tâm thần học trẻ em rộng lớn và có sức ảnh hưởng của Đại học Columbia danh tiếng.
Ông đã phát triển các bộ công cụ đánh giá lâm sàng được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới hiện nay, một trong số đó là Thang phỏng vấn chẩn đoán dành cho trẻ đánh giá hơn 30 chẩn đoán phổ biến (DISC-IV). Nhiều nhà nghiên cứu đã sử dụng thang đo này của ông để phát triển nhiều phiên bản khảo sát nâng cao chi tiết hơn.
Kết quả của những chương trình nghiên cứu về tự tử lứa tuổi vị thành niên trong nhiều năm của tiến sĩ David Shaffer hiện vẫn mang tính ứng dụng cao, thậm chí còn là nền móng cho nhiều nghiên cứu đa dạng hơn về sức khỏe tâm thần.
Con trai ông, bác sĩ Charlie Shaffer, chia sẻ về cha trên tờ The New York Times: "Cha tôi thích làm những công việc mang tính chất điều tra. Có thể đó là lý do ông thích làm một nhà dịch tễ học. Ông cũng yêu thích thể loại truyện trinh thám".
David Shaffer là trưởng khoa tâm thần trẻ em và vị thành niên tại Trung tâm y khoa Đại học Columbia. Công việc của ông tập trung vào việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm ở thanh thiếu niên và các yếu tố này ảnh hưởng như thế nào đến việc chẩn đoán rối loạn đơn cực và lưỡng cực ở giai đoạn thơ ấu và thanh thiếu niên. Ông là đồng tác giả của cuốn sách The many faces of depression in children and adolescents (Các phương diện trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên).
Bác sĩ Charlie Shaffer cho biết sức khỏe cha mình trở nặng do biến chứng hô hấp của bệnh Alzheimer. Trong khoảng sáu năm khi căn bệnh tiến triển, ông đã sống trong khu nhà của vợ cũ là tổng biên tập tạp chí Vogue, Anna Wintour.
Những cuộc điều tra cảm xúc
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2004 trên tạp chí Focus của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, tiến sĩ David Shaffer hồi tưởng về thời trai trẻ của mình khi cả xã hội vẫn xem tự tử là "một lựa chọn hợp lý cho những người phải đối mặt với hoàn cảnh khắc nghiệt". Quan niệm này khiến cho việc dự đoán và phòng ngừa trở nên đặc biệt khó khăn.
Phải mất một thời gian dài thì những công trình nghiên cứu của các nhà dịch tễ học, nhà tâm lý học xã hội và nhận thức mới chứng minh được rằng hầu hết những người chết do tự sát đều mắc bệnh tâm thần không được điều trị. Tiến sĩ Shaffer nói thêm: "Việc nói về kết liễu cuộc sống từng là lĩnh vực khai thác của các nhà văn, nhà thơ và triết gia, nhưng giờ đây nó lại hoàn toàn nằm trong địa hạt lâm sàng của y khoa".
Trong một bài phỏng vấn khác với Đài PBS năm 2007, David Shaffer lý giải vì sao lĩnh vực tâm thần học trẻ em lại tụt hậu so với phần còn lại của y học. Ông cho rằng tâm thần học dành cho người lớn dựa trên những quan sát được thực hiện trong các bệnh viện tâm thần, nơi mà trẻ con nói chung không được đưa vào. Theo Shaffer, đó có thể là một trong những lý do mang tính lịch sử tại sao mãi đến những năm 1940 mới có được những mô tả hay về các chứng rối loạn khác nhau ở trẻ em.
Trong ký ức của đồng nghiệp, David Shaffer luôn được nhớ đến với hình ảnh một nhà nghiên cứu không bao giờ thỏa mãn khi chưa tìm ra được chân tướng sự tình. Ông tìm kiếm gia đình của những người trẻ tuổi chết vì tự tử và cố gắng tìm hiểu mọi thứ về họ, với hy vọng tìm ra cách làm gián đoạn chuỗi sự kiện có thể dẫn đến tự sát.
Prudence Fisher - nhà khoa học nghiên cứu tại Viện Tâm thần bang New York ở Manhattan (Mỹ), người thường đi cùng ông trong những chuyến viếng thăm này - cho biết: "Ông ấy bị cuốn hút bởi cách mọi người cư xử và tại sao họ lại cư xử như vậy". Cô kể lại, các cuộc phỏng vấn thường kéo dài từ 4-6 giờ và các nhà nghiên cứu thường là những người đầu tiên mà các gia đình trải lòng về cái chết của con họ.
Một đồng nghiệp khác từng làm việc dưới sự giám sát của tiến sĩ Shaffer tại ĐH Columbia trong 10 năm nói thêm với The New York Times rằng ông "thực sự bị thu hút bởi việc nghiên cứu về loại bi kịch bi thương nhất".
Tiến sĩ Daniel Pine, trưởng nhóm cảm xúc và phát triển tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Mỹ), cho biết: "Ông ấy là thực sự một người nhiệt huyết và bi kịch không khiến ông ấy quay lưng lại với những người khác. Kiểu người mà người ta hay gọi là tự đâm đầu vào nguy hiểm".
Nơi đầu tiên David Shaffer được đào tạo là Anh, tại Bệnh viện nhi đồng Great Ormond Street và Bệnh viện Maudsley. Bà Anna Wintour, người vợ cũ thứ hai cũng là người đã bên cạnh ông đến những ngày cuối đời, chia sẻ ông có "tính cách lập dị và các giá trị sống kiểu Anh" cũng như "không tuân theo bất kỳ quy tắc truyền thống nào của cuộc sống".
Cũng chính trong giai đoạn sống ở Anh, ông bắt đầu làm việc với tiến sĩ Michael Rutter, người tiên phong về chuyên khoa tâm thần trẻ em. Ông coi việc tự tử là một cơ hội chưa được khai thác, một lĩnh vực mà khoa học chưa ngó ngàng gì đến và cần có một ai đó nên bắt đầu để tâm đến nó.
Khi ông chuyển đến Hoa Kỳ vào những năm 1970, ngành tâm thần học Hoa Kỳ bị chi phối bởi mô hình phân tâm học, trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận dựa trên dữ liệu của chính ông. Con trai ông cho biết mỗi phát hiện nghiên cứu mới về vấn đề tự tử "củng cố mong muốn của ông là muốn đẩy lùi sự kiểm soát của các nhà phân tâm học đối với tâm thần học vào thời điểm đó".
Cuối thập niên 1990, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trung tâm kiểm tra sức khỏe tâm thần TeenScreen của Đại học Columbia, do David Shaffer dẫn đầu, phát triển chương trình sàng lọc học đường để sớm phát hiện trẻ có nguy cơ trầm cảm và tự tử để can thiệp và điều trị kịp thời.
Họ xây dựng một bảng hỏi đáng tin cậy, gọi là bài sàng lọc sức khỏe Columbia (Columbia Health Screen), giúp sàng lọc các dấu hiệu: ám ảnh xã hội, lo âu lan tỏa, hoảng loạn, ám ảnh và cưỡng chế, trầm cảm, có ý định hoặc cố gắng tự tử, lạm dụng/nghiện rượu hoặc chất gây nghiện. Sau sàng lọc có thể giới thiệu trẻ em đến chẩn đoán và điều trị với các nhà tâm lý học trường học hoặc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại địa phương.
Từ năm 2003, TeenScreen trở thành sáng kiến kiểm tra sức khỏe tâm thần với quy mô quốc gia ở Mỹ, áp dụng theo hình thức tự nguyện cho học sinh cấp II và III. Chương trình kéo dài 10 năm trước khi kết thúc vào năm 2012. Tính đến tháng 8-2011, TeenScreen đã có hơn 2.000 điểm sàng lọc tại 46 bang ở Mỹ và cả một số nước như Úc, Ấn Độ, Brazil và New Zealand.
Theo HIẾU THẢO - Tuổi trẻ Cuối tuần