Chấn thương tâm lý liên thế hệ (Intergenerational Trauma)

chan-thuong-tam-ly-lien-the-he-intergenerational-trauma

Chấn thương tâm lý liên thế hệ là thuật ngữ dùng để chỉ cách mà những khó khăn tâm lý của một thế hệ – dù không được nhắc đến – vẫn có thể truyền tải và ảnh hưởng đến những thế hệ sau.

Chấn thương tâm lý liên thế hệ là thuật ngữ dùng để chỉ cách mà những khó khăn tâm lý của một thế hệ – dù không được nhắc đến – vẫn có thể truyền tải và ảnh hưởng đến những thế hệ sau. Những vết sẹo do chiến tranh, di cư, cô lập hay biến động chính trị gây ra không chỉ in hằn trên những người đã trực tiếp trải qua, mà còn có thể âm thầm lưu lại nơi những thế hệ con cháu tưởng như đã sống trong bình yên. Một người có thể lớn lên trong hoàn cảnh yên ả, thịnh vượng, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn – vì những lý do mà họ không tài nào hiểu được – họ vẫn bị giằng xé bởi những lo âu, sợ hãi, dường như gắn với cuộc đời của một người ông hay người bà từ hơn một trăm năm trước, ở một nơi xa lạ cách nửa vòng trái đất.

Ý tưởng này nghe gần như huyền bí, như thể chấn thương được truyền qua “dòng máu” hay một thứ “năng lượng” đầy ác ý nào đó, nhưng thực tế, ta có thể giải thích “chấn thương liên thế hệ” một cách hợp lý và thực tế hơn nhiều. Tất cả chỉ cần hiểu rằng, khi một người từng trải qua đau thương tâm lý có con, rất có thể họ sẽ cư xử với con cái theo những cách còn vương lại dấu vết của những đau thương mà họ đã trải qua.

Một người cha từng bị bắt giam tàn nhẫn trong thời chiến chẳng hạn, có thể sẽ nuôi dưỡng một mong muốn mãnh liệt rằng con mình không bao giờ phải chịu khổ như mình đã từng. Điều đó có thể biến họ thành một người chăm sóc luôn tỏ ra vui vẻ, chẳng còn mấy kiên nhẫn hay đồng cảm với những nỗi buồn thường nhật. “Ba không muốn con khổ như ba” dễ dàng chuyển thành một đòi hỏi đầy áp lực: “Ba cần con lúc nào cũng phải hạnh phúc.” Đứa trẻ lớn lên trong cái nhìn vô tình áp đặt ấy có thể cảm thấy xấu hổ và thiếu sót vì không thể đạt được cái hạnh phúc lý tưởng mà cha mong muốn, đến nỗi sau nhiều năm vật lộn với trầm cảm, cuối cùng đứa trẻ ấy tự vẫn khi đứa con út của họ chỉ mới là một thiếu niên. Đứa con út này, tan nát vì mất cha mẹ, có thể trở thành một người khép kín cảm xúc, nghi ngại mọi mối quan hệ, dẫn đến (ba mươi năm sau) một cuộc ly hôn với người bạn đời xa cách và một đứa trẻ khác tìm cách đối mặt với bầu không khí lạnh nhạt quanh mình bằng rượu chè hay phim ảnh khiêu dâm. Đến lúc này, có thể đã qua một trăm năm mươi năm kể từ thảm họa đầu tiên.

Thật không may cho những kỳ vọng về tiến bộ của chúng ta, chấn thương liên thế hệ vẫn tồn tại ngay cả khi không có những biến cố chính trị hay vật chất khốc liệt mà chúng ta thường liên tưởng đến cụm từ này và vẫn cố gắng loại bỏ. Chỉ riêng những biến cố của một cuộc đời bình thường cũng đã đủ. Ta có thể hình dung một cô bé đầy sức sống và giàu tình cảm lớn lên ở một thành phố thịnh vượng ở Thụy Sĩ, phải chứng kiến người cha thân yêu qua đời vì ung thư khi cô bé chỉ mới mười một tuổi. Bị đè nặng bởi mất mát, cô bé có thể dần chối bỏ sự mềm yếu của mình, trưởng thành quá nhanh thành một người phụ nữ cứng cỏi, có phần bất cần. Khi trở thành mẹ, sự yếu đuối của con mình có thể gợi lại nơi cô những nỗi đau cũ, dẫn đến việc cô đối xử với sự “dễ tổn thương” của con bằng sự mỉa mai và bỏ mặc. Đứa trẻ lớn lên, không chắc chắn về tình thương của mẹ, có thể phát triển phong cách gắn bó lo âu; và khi đến lượt chúng làm cha mẹ, lại giữ chặt đứa con của mình đến nghẹt thở, vô tình gieo vào chúng một nỗi bất an sâu sắc, dẫn đến một rối loạn ăn uống nghiêm trọng. Và lúc này, ta đã cách cái chết của một người bán hàng dệt may ở St. Gallen vì ung thư bảy mươi tám năm.

Cách để ngăn chặn chấn thương liên thế hệ là khởi đầu với một cam kết trang nghiêm: mọi đau khổ phải dừng lại ở ta. Ta nên đặt mục tiêu rằng sẽ làm mọi thứ để ngăn hoặc chậm lại sự truyền thừa những di sản cảm xúc đã từ người đau khổ này đến người đau khổ khác từ thời Đế chế La Mã đến đầu triều đại Hạ. Dù chuyện gì đã xảy ra ở Radziłów hay Huế, South Kensington hay Küsnacht, ta sẽ cố gắng dừng dòng chảy ấy bằng công cụ tốt nhất, và duy nhất, mà ta có: sự tự nhận thức.

Để đạt được điều này, ta cần vẽ ra một cây gia phả, ít nhất là từ đời ông bà trở lại, và ghi chú lại bất cứ điều gì mà ta nghĩ có thể đã được truyền lại cho mình. Việc cho rằng ta hoàn toàn vô can không hề khả thi; ta đang mang theo điều gì đó, chỉ cần biết đó là gì mà thôi.

Người ta thường nói rằng liệu pháp tâm lý là một sự nuông chiều. Nhưng nếu nó có thể ngăn chặn một số khó khăn được truyền đến các thế hệ sau, xét rằng nếu mỗi người có hai con thì trong ba thế hệ, chúng ta sẽ có hai mươi tám hậu duệ (mỗi người trong số đó sẽ có bạn đời, đồng nghiệp, bạn bè, và vân vân), thì việc gặp gỡ nhà trị liệu mỗi tuần có thể là hành động từ thiện cộng đồng vĩ đại nhất mà bất cứ ai có thể làm được. Chúng ta không phải đi trị liệu cho bản thân; chúng ta chỉ đang đứng giữa dòng suối thực hiện một nghi lễ để thanh tẩy những vấn đề của tổ tiên đã khuất cho những người chưa sinh ra.

Di sản có thể là một điều tuyệt vời. Chúng ta sẽ thực sự làm tốt công việc của mình và khám phá ra ý nghĩa thực sự của tình yêu khi chúng ta có thể đảm bảo rằng – khi nói đến di sản cảm xúc – con cái của chúng ta sẽ thừa hưởng từ chúng ta ít nhất có thể. 

Nguồn: INTERGENERATIONAL TRAUMA – The School Of Life

menu
menu