Thành tựu của việc nhớ nhung một người

thanh-tuu-cua-viec-nho-nhung-mot-nguoi

Nhớ nhung một người mà ta yêu thương – vì họ phải đi đến một đất nước xa xôi, tham gia một khóa học ở miền Bắc, hay lên núi với bạn bè – là một cảm xúc thật khó chịu.

Nhớ nhung một người mà ta yêu thương – vì họ phải đi đến một đất nước xa xôi, tham gia một khóa học ở miền Bắc, hay lên núi với bạn bè – là một cảm xúc thật khó chịu. Thế nhưng, thật kỳ lạ khi nói rằng, ở một tầng sâu sắc nào đó, việc nhớ nhung lại là một thành tựu phi thường, và cũng là một dấu mốc quan trọng của sự trưởng thành cảm xúc.

Đối với một người trưởng thành điển hình, việc thực sự nhớ ai đó không phải điều đơn giản. Nhiều lúc, ta vô thức thực hiện vô vàn cách thức phức tạp để đảm bảo rằng mình sẽ không bị cuốn vào cảm giác ấy.

Albert Marquet, Open Window, 1924

Trẻ nhỏ – theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực – là những bậc thầy trong việc nhớ nhung. Chúng cho ta thấy, một cách trần trụi và không phòng bị, nỗi nhớ nhung thuần khiết nhất, không giới hạn, không che đậy. Nhưng đó không phải lúc nào cũng là một cảnh tượng dễ chịu hay yên bình. Những tiếng khóc của chúng có thể vang vọng khắp con phố. “Đừng bỏ con!” – một đứa trẻ nhỏ sẽ gào lên với tất cả sự thống khổ, khi ta cố gắng giải thích rằng ta chỉ ra cửa hàng và sẽ trở về sau mười phút. “Tại sao mẹ phải đi?” – chúng nức nở, níu lấy tay áo ta, khuôn mặt ướt đẫm nước mắt, trong khi ta đành bất lực nhìn mọi kế hoạch của mình sụp đổ trước sự tuyệt vọng của chúng.

Rồi đứa trẻ ấy sẽ lớn lên, mang theo cảm giác xấu hổ về những cơn hoảng loạn ngày xưa. Dần dần, chúng lắng nghe những bài giảng dạy rằng mình phải biết lý trí, biết để người khác sống cuộc đời của họ. Một phần trong chúng bắt đầu chấp nhận sự logic rằng, đúng vậy, có lẽ cũng hợp lý khi để những người ta yêu thương rời xa ta – có thể chỉ là mười lăm phút, một ngày, một tháng, hay (trời ơi) thậm chí là vài năm.

Nghe qua thì có vẻ đó là một bước tiến. Nhưng điều này cũng tiềm ẩn một rủi ro: ta có thể trưởng thành thành những “người lớn ngoan” – những cô bé, cậu bé mà ai cũng tự hào vì sự yên lặng, ngoan ngoãn khi tự chơi một mình mỗi lần người thân biến mất khỏi tầm mắt. Nhưng cái giá phải trả không chỉ là sự kiên nhẫn lớn hơn một chút, mà có khi là việc ta mất đi khả năng cảm nhận bất kỳ điều gì sâu sắc. Trong hành trình trưởng thành, có lẽ ta cũng đã đánh mất khả năng yêu.

Ta có thể trở nên dị ứng với nỗi đau gắn liền với sự gắn bó chân thành. Để tránh nó, ta dựng lên những bức tường phòng thủ. Chẳng hạn, trước khi ai đó rời đi, ta có thể đột nhiên nhận ra rằng họ không thực sự đặc biệt như ta từng nghĩ. Có thể họ vô tổ chức, nhai nhóp nhép rất khó chịu, hoặc chẳng bao giờ nói điều gì thú vị về sách hay khoa học. Đột nhiên, việc họ vắng mặt không còn khiến ta bận lòng. Tại sao phải nhớ nhung một người không quá quan trọng ngay từ đầu?

Hoặc ta có thể thực hiện các nghi thức bề ngoài để tiễn biệt ai đó, nhưng trong thâm tâm, ta không thực sự ghi nhận rằng họ đã rời đi. Khi họ gọi điện từ một châu lục khác, ta có thể lơ đãng nhận ra rằng, mình cần phải sửa cái trần nhà bị nứt vào sáng mai, hoặc phải trả lời một email quan trọng ở chỗ làm. Ta không có thời gian nghĩ nhiều đến họ, khi ta còn đang tức giận vì chuyện cãi vã với hàng xóm, hay lo lắng về một cơn đau lạ ở đầu gối trái.

Thực sự là một thành tựu lớn lao khi ta vừa có thể yêu thương một người, vừa chịu đựng được sự thiếu vắng của họ, khi ta cảm nhận được nỗi đau mà không phải nhờ đến sự tê liệt cảm xúc, cơn giận dữ hay một mối tình thoáng qua nào đó để khỏa lấp. Ta đã bước những bước đầu tiên vào sự trưởng thành cảm xúc thực sự, khi ta có đủ dũng khí để bị tổn thương bởi người ta yêu thương – khi ta có thể, với sự chân thành giống như thời thơ bé, thừa nhận rằng việc một người ta yêu băng qua đại dương, hay thậm chí chỉ rời đi một buổi chiều để đi chơi cùng bạn bè, đau đớn đến nhường nào.

Nguồn: THE ACHIEVEMENT OF MISSING SOMEONE - The School Of Life

menu
menu