Thể hiện tình cảm siêu hiệu quả với 5 loại ngôn ngữ tình yêu sau

the-hien-tinh-cam-sieu-hieu-qua-voi-5-loai-ngon-ngu-tinh-yeu-sau

Đã bao giờ có ai hỏi bạn rằng “cậu thể hiện tình yêu của mình như thế nào” hay chưa?

Chắc hẳn bạn cũng từng có những nỗi băn khoăn như vậy. Bởi khái niệm “ngôn ngữ tình yêu" - một phát minh của nhà tư vấn kiêm mục sư Gary Chapman, đồng thời cũng được lý giải trong rất nhiều cuốn sách - đã lan toả hết sức rộng rãi. Năm loại ngôn ngữ tình yêu thực ra là cách gọi cho năm cách thức, mà qua đó hoặc chúng ta thể hiện tình yêu, hoặc chúng ta mong đợi tình yêu được thể hiện.

Công việc nghiên cứu của tôi xoay quanh các mối quan hệ, và mặc dù tôi vẫn chưa hoàn toàn thuần thục về khái niệm ngôn ngữ tình yêu, rất nhiều người khác đã thành công trong việc tìm hiểu về nó. Một số nghiên cứu đã khẳng định được sự quan trọng của ngôn ngữ tình yêu, bởi việc sử dụng chúng có thể khiến niềm hạnh phúc nảy nở, đồng thời tăng tuổi thọ cho các mối quan hệ.

Theo tôi, tác dụng lớn nhất của ngôn ngữ tình yêu là chúng cho phép ta được thành thật với lòng mình. Cốt rễ của khái niệm này có lẽ đến từ sự thật về tình yêu không ai có thể phủ nhận: chúng ta đâu yêu theo cách y hệt nhau. Nhiều người thấy hạnh phúc khi được nghe lời mật ngọt, những người khác trân trọng khoảng thời gian quý giá cùng người thương, và lắm trường hợp chỉ cảm nhận được sự quan tâm của đối phương khi họ chịu cọ rửa toa-lét.

Nói văn vẻ thì, tình yêu cũng giống như mệnh giá tiền ở mỗi quốc gia: một đồng có thể quý như vàng ở nước nọ, như bạc ở nước kế bên, hoặc chỉ tương đương với sắt ở nhiều nơi khác. Việc biết được mệnh giá cảm xúc của người chúng ta hằng trân quý là rất quan trọng, và tìm ra ngôn ngữ tình yêu của họ chính là một bước trong nhiệm vụ ấy.

Dù đang ở trong bất kì tình huống nào - một mình, 24/7 với ai khác, cùng những đứa con đã trưởng thành hoặc đồng hành trên chặng đường học online với mấy đứa bé hơn - thì năm kiểu ngôn ngữ tình yêu đều là những công cụ đắt giá để bôi trơn cho cỗ máy của sự gắn kết. Khi ta biết được loại ngôn ngữ đối phương sử dụng, ta có thể lựa chọn những cử chỉ và hành động phù hợp với “nền văn hoá" của cha mẹ, bạn bè, con cái hay người yêu. Đồng thời, khi hiểu rõ “nền văn hoá” của chính mình, ta sẽ dễ dàng nói ra với người thân và mong đợi ở họ kiểu quan tâm vừa ý với ta nhất. 

Ở trên mạng có rất nhiều các bài trắc nghiệm giúp bạn phát hiện loại ngôn ngữ tình yêu của mình. Tuy nhiên, chỉ cần bạn để ý đến điều gì khiến người ấy vui, người ấy thường tặng cho bạn món quà như thế nào (bởi chúng ta thường dành cho đối phương thứ gì chúng ta thích), và “một ngày tuyệt vời" của họ được định nghĩa ra sao; là bạn đã hoàn toàn có thể tự mình có được câu trả lời một cách dễ dàng. 

Dưới đây là năm kiểu ngôn ngữ tình yêu, đi kèm với cách sử dụng sao cho hiệu quả nhất ngay cả trong mùa dịch.

Maria Medem

Loại 1: Lời Nói Tin Cẩn

Đối với những người thuộc hệ lời nói tin cẩn, việc giao tiếp là hết sức quý giá với họ. Cụ thể, họ muốn được biết chính xác điều bạn thấy trân trọng và ngưỡng mộ ở họ, ví như “Tôi thấy việc bạn nấu bữa tối hôm qua đáng yêu lắm" hoặc “Ôi, em thật chu đáo khi đã tổ chức buổi cắm trại cho khu phố", hay đơn giản, “Tôi yêu bạn.”

Trong thời điểm hiện tại khi không thể gặp gỡ được nhiều người, bạn hoàn toàn có thể gửi đến cho họ những đoạn video ngắn. Tôi đã không được gặp đứa con gái đỡ đầu mới tuổi đi nhà trẻ của mình 7 tháng nay, nhưng hai mẹ con vẫn thường chat chit bằng những video ngớ ngẩn, trong đó chúng tôi nói, thậm chí cả hát những điều mình nhớ nhất về người kia. 

Còn đối với những ai mà gần như kè kè bên bạn suốt ngày, hãy nhớ rằng ngay cả những cử chỉ nhỏ nhất cũng đong đầy rất nhiều ý nghĩa. Đây là loại ngôn ngữ tình yêu chính của tôi, và ông chồng gắn bó keo sơn suốt 29 năm nay đương nhiên biết điều đó. Lắm lúc mới tỉnh dậy, tôi vươn vai đi vào nhà bếp chỉ để bắt được những tờ giấy nhắn thật ngọt ngào bên cạnh một cốc nước đá mát mẻ - một loại ngôn ngữ tình yêu tôi sắp nói đến đây, loại “nói ít làm nhiều".

Loại 2: Nói Ít Làm Nhiều

Đối với nhiều trường hợp, cử chỉ yêu thương nồng hậu nhất sẽ là khi đối phương giúp ta một tay, hoặc làm một điều gì đó dễ thương. Người bạn này của tôi đang phải chịu đựng phương pháp hoá trị liệu và xạ trị, khiến cô ấy rất dễ tổn thương trước các bệnh như COVID-19. Biết được loại ngôn ngữ của cô ấy là “nói ít làm nhiều", một nhóm bạn trong khu phố cô sống, dưới màn đêm đen hun hút giữa tháng Mười hai, đã lén lút phủ đầy những chậu kiểng trước nhà cô với hoa cỏ mang không khí lễ hội cùng những chồi non. Những người khác chịu trách nhiệm xúc tuyết cho đoạn đường dẫn đến nhà cô suốt mùa đông. (Cô ấy sống ở Minnesota, vì thế hành động ấy là hết sức cao cả.)

Thậm chí khi ở trong nhà, bạn cũng đã có thể chủ động làm điều gì đó để giảm bớt đi những nỗi khó khăn vất vả đối phương phải chịu đựng mỗi ngày. Tại sao không xung phong làm mấy thứ việc nhà ai cũng tránh: lau lò bếp, thay hộp cát chó mèo, cào tuyết bám trên xe, hoặc cho chạy máy rửa bát? Với những người có trái tim được lấp đầy bởi sự quan tâm của nhiều người khác, việc được chứng kiến một ai đó tìm hiểu về cách bảo vệ môi trường đã là đủ để họ cảm thấy được yêu thương.

Loại 3: Quà Cáp

Không phải tất cả những người có ngôn ngữ tình yêu là quà cáp đều thực dụng. Thay vào đó, họ chỉ có thể thấy hạnh phúc khi được ai đó tặng một thứ gì, không cần biết là về vật chất hay tinh thần, khiến họ cảm thấy bản thân mình đặc biệt. Thực vậy, việc nghĩ xem dành tặng cho ai đó món quà như thế nào cũng rất quan trọng. phải không?

Khi đi siêu thị, hãy tiện tay nhặt thêm thứ đồ uống yêu thích của bạn cùng phòng và để lại trước cửa. Con gái của chúng tôi có ngôn ngữ tình yêu là quà cáp, và chúng tôi biết con bé sẽ thấy rất vui khi được bố mẹ gửi quà đến trường đại học: một bưu phẩm nhỏ gắn các hình dán chủ đề Lễ Tình nhân chứa đầy loại sô-cô-la ưa thích, thẻ giảm giá uống cà phê cùng một khung ảnh hình hai con chó cưng Fred và George. Hành động này đã đồng thời lấp đầy hòm thư và cả trái tim con bé. 

Loại 4: Dành Thời Gian Bên Nhau

Loại ngôn ngữ này thuộc về những người mong muốn có được sự chú ý hoàn toàn của đối phương. Trong khoảng thời gian phải giãn cách vì đại dịch, việc ở bên nhau dường như là cả một thử thách hết sức khó nhằn. Nhưng nhờ có công nghệ, điều này đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Đơn cử, hãy cố gắng đặt ra lịch hẹn cà phê qua Zoom với người đồng nghiệp bao lâu chưa gặp gỡ, hoặc đi dạo cách xa hai mét với bố mẹ chồng/vợ. Hãy dành thời gian gọi điện thoại hằng tuần với người bạn thân thiết, hay tổ chức một buổi hẹn hò trong nhà với người thương - không điện thoại, không một sự đánh lạc hướng nào từ ti-vi hay cái gì khác. Từ “tôi yêu bạn" trong loại hình ngôn ngữ này hẳn sẽ được biểu hiện bằng độ tập trung của bạn với người kia. 

Loại 5: Đụng Chạm Thân Mật

Loại ngôn ngữ này có thể được biểu hiện theo nhiều cách: thân thiết như cú đập tay với người bạn vừa trúng tuyển công việc ưa thích; chìm đắm như nụ hôn nồng ấm với người yêu, đánh dấu sự kết thúc cho một ngày làm việc vất vả.

Tôi biết rằng với nhiều ông bố bà mẹ phải nuôi con nhỏ, việc phải dành quá nhiều thời gian trong khoảng không gian hạn hẹp đã khiến cho họ sợ việc động chạm, đến nỗi họ gần như sẽ làm bất cứ điều gì để đừng ai đụng đến họ thêm một giây nào nữa. Mặt khác, với một số người sống một mình vì sợ bị ảnh hưởng về mặt sức khoẻ, họ đang phải trải qua điều ngược lại: thiếu thốn động chạm.

Dẫu việc giải quyết các vấn đề như trên là không hề dễ dàng, nhưng cũng có rất nhiều cách cho bạn tha hồ sáng tạo. Nếu có ai đó bạn quen bị choáng ngợp bởi những bàn tay tí hon cứ kiếm tìm họ mãi, bạn có thể giúp họ đưa bọn trẻ đến công viên để bọn chúng tiêu bớt năng lượng đi. Đối với trường hợp còn lại, hãy thử gửi cho họ hình ảnh bàn tay của bạn, và bảo họ, “đặt bàn tay của cậu lên của tớ, đồng thời hãy tưởng tượng rằng tớ đang ở đó, bên cậu”. Hoặc một cái ôm trìu mến cũng có thể được truyền đến bằng các biểu tượng cảm xúc, kèm với tin nhắn “ôi, ước gì mình có thể thực sự làm điều này với cậu". Hành động trên có thể khiến cho não bộ của người ấy sản sinh ra loại endorphins giống với loại được tạo bởi những cái ôm thực sự.

Ngôn ngữ tình yêu là một khái niệm rất đáng để học cho nhuần nhuyễn trong khoảng thời gian này. Nhưng thậm chí trước cả khi dịch COVID xảy đến, chúng ta cũng đã sống trong kỉ nguyên của sự cô đơn. Cô đơn ấy không chỉ đến từ tình trạng ở một mình, mà còn bắt nguồn từ sự thiếu thốn của những kết nối về cảm xúc. Bằng cách thấu hiểu ngôn ngữ tình yêu của người kia và áp dụng chúng, ta hoàn toàn có thể khiến cho tình yêu cùng sự gắn kết thêm bền chặt, dài lâu. 

----------
Tác giả: Carol Bruess PhD

Link bài gốc: Do you know the 5 love languages? Here’s what they are — and how to use them

Dịch giả: Nguyễn Hà Anh - ToMo Learn Something New

menu
menu