Thế nào là ‘Bệnh Tâm Lý’?

the-nao-la-benh-tam-ly

Cụm từ “bệnh tâm lý” nghe có vẻ xa lạ, lạnh lùng và nặng nề, đến nỗi, dù chúng ta có ý tốt đến đâu, ta vẫn có thể khó lòng hiểu thực sự điều gì đang diễn ra trong tâm trí của những người mắc bệnh (đôi khi có thể bao gồm cả chính chúng ta).

Cụm từ “bệnh tâm lý” nghe có vẻ xa lạ, lạnh lùng và nặng nề, đến nỗi, dù chúng ta có ý tốt đến đâu, ta vẫn có thể khó lòng hiểu thực sự điều gì đang diễn ra trong tâm trí của những người mắc bệnh (đôi khi có thể bao gồm cả chính chúng ta).

Một cách hữu ích để hiểu khái niệm này là hình dung rằng “bệnh tâm lý” thực ra là một dạng suy nghĩ tiêu cực mà ai trong chúng ta cũng có thể gặp phải, nhưng ở đây, điều đặc biệt là nó dai dẳng và cản trở không ngừng. Cũng như tất cả chúng ta, người có vấn đề tâm lý cảm thấy lo lắng, biết đến tự hận, sợ hãi và xấu hổ. Nhưng khác với chúng ta, đó là tất cả những gì họ cảm nhận. Những suy nghĩ mà với người bình thường chỉ là thoáng qua, những lo lắng chỉ lướt qua trong chốc lát, lại trở thành nền tảng cho cách họ đánh giá bản thân và nhìn nhận cuộc đời. Họ bị nắm giữ trong khi đa số chúng ta chỉ thoáng bị chạm vào. Họ không thể tạm nghỉ, không thể nhìn nhận mọi thứ từ góc độ khác hay cho mình và cuộc sống một cơ hội suy xét khác. Mỗi sáng thức dậy, họ bị ám ảnh bởi những ý nghĩ kinh khủng giống nhau: rằng họ đã làm điều gì đó sai lầm không thể cứu vãn, rằng họ xấu xí không thể sửa đổi, rằng họ đáng bị căm ghét, rằng có kẻ thù khắp nơi đang lập mưu hại họ, rằng kết cục của họ sẽ rất tồi tệ.

Andrea Commodi, Detail from The Fall of the Rebel Angels, 1616

Tất cả chúng ta đôi khi cũng nghĩ đến những điều này, nhất là khi mệt mỏi. Nhưng một tâm trí lành mạnh có khả năng nhanh chóng mang lại những ý nghĩ tích cực mới, đôi khi chỉ trong vài giây. Một trí tưởng tượng nhẹ nhàng và nhân ái sẽ được áp dụng vào những khó khăn và nỗi đau: có thể có sai lầm, nhưng đâu phải tận thế; không phải ai cũng là bạn, nhưng có thực sự kẻ thù ở khắp nơi không? Có lẽ ta không phải là người đẹp nhất, nhưng ta vẫn có quyền đứng cạnh mọi người.

Ta có thể định nghĩa bệnh tâm lý là sự thất bại trong khả năng đối xử tử tế với chính mình. Người mắc bệnh tâm lý tự tạo nên một sân khấu nội tâm, nơi không có chỗ cho sự tha thứ, không có sự dịu dàng với bản thân, không thể buông bỏ, không thể đưa vào những suy nghĩ nhẹ nhàng hơn, cũng chẳng có tia sáng nào le lói. Theo một luật lệ thầm lặng, mọi ý nghĩ tử tế nhỏ nhoi nhất phải bị bóp nghẹt ngay từ khi vừa nhen nhóm.

Điều này hé lộ phần nào nguyên nhân của nỗi khổ đau ấy: một thiếu hụt về tình thương, một trải nghiệm thiếu vắng những quan tâm gần gũi, sự bình yên, ngọt ngào, hy vọng và cảm thông – những yếu tố cần thiết để một người trưởng thành có thể vượt qua những bất an và ngờ vực. Người mắc bệnh tâm lý đang tự hành hạ mình, giống như cách họ từng bị người khác đối xử. Sự căm ghét chính mình là phiên bản khác của những đòn roi mà họ đã nhận từ người thân hoặc người chăm sóc trước đây. Họ ghét bỏ chính mình, như từng bị ghét bỏ.

Chuẩn đoán này mở ra một con đường chữa lành: một tình thương hàn gắn, được trao tặng đủ thường xuyên, đủ mãnh liệt, đủ đáng tin và đủ bền vững để dần dà xuyên thủng lớp phòng ngự của sự tàn nhẫn, và chống lại những tiếng nói ghê rợn trong tâm trí – một tình thương có thể đến từ bạn đời, từ bạn bè, từ nhà trị liệu, hoặc từ phần tinh thần kiên cường còn lại trong chính tâm hồn người bệnh.

Ta bắt đầu rời khỏi hang tối của bệnh tâm lý khi nhận ra sự đặc biệt và bất công trong cách tự trừng phạt của mình – và cho phép bản thân tin tưởng vào khả năng có một sự dịu dàng, một lòng tốt với chính mình, mà cho đến nay ta chưa từng dám chấp nhận vì quá sợ hãi và đau đớn.

Nguồn: HOW SHOULD WE DEFINE ‘MENTAL ILLNESS’ | The School Of Life

menu
menu