Thí nghiệm đáng sợ chứng minh: Trẻ càng xem nhiều cảnh bạo lực thì càng hung hãn
Việc xem những cảnh bạo lực trên TV, phim ảnh hay video có làm tăng tính hung hãn ở trẻ?
Đây là một điều mà các bậc phụ huynh nhất định phải suy xét, vì những nội dung bạo lực rất phổ biến trên TV, phim ảnh, internet và một số game được trẻ nhỏ yêu thích.
Mặc dù vấn đề này thường được truyền thông nêu là còn gây tranh cãi nhưng có khá nhiều bằng chứng rằng tiếp xúc với truyền thông bạo lực làm trẻ hung hãn hơn.
Việc xem cảnh bạo lực ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?
Trong một nghiên cứu thuộc top nghiên cứu nổi tiếng nhất về đề tài này (xuất bản trong những năm 1960), các nhà nghiên cứu đã cho những đứa trẻ độ tuổi mầm non xem một đoạn phim ghi lại cảnh một người trưởng thành đang nghịch một con búp bê Bobo.
Trong đoạn phim những đứa trẻ xem, có cảnh người lớn đó ngồi lên con búp bê, đấm vào mũi nó, dùng búa đập đầu nó và liên tục đá nó.
Sau khi xem xong đoạn phim, những đứa trẻ được đưa vào một căn phòng có con búp bê tương tự và rất nhiều đồ chơi khác nữa.
Đúng như dự đoán, những đứa trẻ được cho xem đoạn phim bạo lực bắt chước những gì chúng đã xem – chúng dùng búa đập con búp bê, đấm và đá nó.
Điều ngạc nhiên nhất là bọn trẻ còn tìm ra những cách mới và sáng tạo hơn để hành hạ con búp bê, chúng cũng nghịch hung hãn hơn với những món đồ chơi khác trong phòng.
Nói cách khác, những đứa trẻ không chỉ bắt chước những hành động hung hãn mà chúng được xem, mà việc xem những hành vi hung hãn sẽ khiến trẻ nghịch và chơi theo cách hung hãn hơn nói chung.
Nghiên cứu đáng sợ về bạo lực súng và hành vi của trẻ
Nghiên cứu mới đây cho rằng những ảnh hưởng này có thể trở nên phức tạp hơn khi có sự góp mặt của súng.
Các nhà nghiên cứu từ trường Đại học bang Ohio đã cho các cặp trẻ trong độ tuổi từ 8 đến 12 vào một phòng thí nghiệm và cho chúng xem một đoạn ngắn 20 phút của một bộ phim nổi tiếng được phân loại là ‘PG’ (có một số hình ảnh có thể không thích hợp cho trẻ em, bố mẹ cần cân nhắc khi cho con cái xem phim) – The Rocketeer (1991) hoặc Kho báu quốc gia - National Treasure (2004).
Trong phiên bản phim được chỉnh sửa, những đứa trẻ sẽ được xem phim gốc – chứa cảnh nhân vật sử dụng súng – hoặc phiên bản mà những chiếc súng đã bị xóa đi.
Sau đó những đứa trẻ được đưa vào một căn phòng lớn chứa nhiều đồ chơi đa dạng từ Lego, súng đạn xốp và trò chơi điện tử.
Quả nhiên, những đứa trẻ xem phiên bản phim có súng chơi theo cách bạo lực, hung hãn hơn những đứa trẻ xem phiên bản đã bị xóa cảnh súng, điều này cũng thống nhất với nghiên cứu trước đó.
Nhưng đó chưa phải tất cả; nghiên cứu còn có thêm một điểm đặc biệt nữa.
Phòng đồ chơi có một chiếc tủ kín, và một ngăn kéo trong đó cất một khẩu súng thật 0,38 li.
Súng không được nạp đạn và đã được điều chỉnh để không thể bắn. Nó cũng được chỉnh để lưu được số lần cò bị bóp đủ mạnh để có thể bắn ra đạn thật.
Bọn trẻ không được thông báo rằng trong căn phòng có một khẩu súng, các nhà nghiên cứu chỉ muốn thử xem liệu bọn trẻ có thể tự tìm ra khẩu súng đó không và nếu tìm ra thì sẽ làm gì.
Khoảng 83% những đứa trẻ tham gia nghiên cứu đã tìm thấy khẩu súng và hầu hết đều nghịch khẩu súng ấy.
Trong số những đứa trẻ tìm thấy khẩu súng, 27% lập tức đưa cho người làm thí nghiệm để người làm thí nghiệm mang súng ra khỏi phòng. Trong số 58% còn lại, có 42% trẻ nghịch súng theo các cách khác nhau.
Điều quan trọng là gần như không một đứa trẻ nào xem bộ phim bị cắt cảnh súng thử bóp cò.
Những đứa trẻ xem bộ phim gốc có cảnh súng bóp cò nhiều hơn, trung bình mỗi đứa trẻ bóp cò 2-3 lần và cầm súng lâu hơn những đứa trẻ xem phim không có cảnh súng gấp 4-5 lần.
Điều đáng sợ hơn là có một số đứa trẻ bóp cò khá nhiều lần. Có những đứa trẻ bóp cò hơn 20 lần; 1 đứa trẻ ngắm súng vào những người đang đi bộ ngoài đường qua cửa sổ; thậm chí có 1 đứa trẻ đặt súng lên thái dương của trẻ khác và bóp cò.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, truyền thông bạo lực có thể gây ra các hành vi hung hãn ở trẻ nhỏ, và các hành vi này có thể gây vấn đề khó lường nếu truyền thông bạo lực có bao gồm cả súng.
Quả thực, trẻ rất tò mò về súng, chúng không hiểu sự khác nhau giữa súng và các đồ chơi khác.
Trên thực tế, đã có nghiên cứu cho rằng súng không cần xuất hiện trên truyền thông cũng có thể gây những hành vi hung hãn; sự hiện diện thuần túy của súng đã đủ để gây hành vi hung hãn.
Ví dụ, một khẩu súng được đặt trên bàn có thể khiến con người hành xử một cách hung hăng hơn, và kết quả nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng súng có trong ô tô khiến con người (dù không phải chủ khẩu súng) trở nên hung hăng hơn.
Ảnh hưởng của súng cũng tồn tại ở trẻ, bất kể khẩu súng là thật hay chỉ là đồ chơi.
Vậy việc xem các cảnh bạo lực trên phương tiện truyền thông có thể gây ra bạo lực ở trẻ nhỏ không? Câu trả lời dựa trên các nghiên cứu này là rõ ràng có.
Cũng phải để ý rằng những video mà trẻ được xem trong các nghiên cứu trên mà tôi mô tả vẫn là khá nhẹ nhàng; chúng chỉ xem những đoạn phim tự quay về một người trưởng thành nghịch búp bê hoặc một đoạn phim 20 phút được phân loại PG.
Mức độ bạo lực trong các đoạn phim đó vẫn là nhẹ nhàng nếu so với các bộ phim đủ tập hoặc các game bạo lực – chúng cũng đã được cho là gây gia tăng hành vi hung hãn (Anderson & Bushman, 2001).
Từ đây có thể thấy, nếu bạn không muốn con mình bạo lực và hung hãn, hãy giữ con tránh xa truyền thông bạo lực, thậm chí các loại vũ khí đồ chơi vì bản thân các đồ chơi đó đã có thể khuyến khích hành vi bạo lực.
Tuy nhiên điều đó chưa hẳn có nghĩa là con bạn sẽ không bạo lực – có những đứa trẻ sinh ra đã có tính hung hăng hơn những đứa trẻ khác – nhưng đương nhiên chỉ ở mức khởi đầu.
Theo tiến sĩ Vanessa LoBue, giáo sư tâm lý học của Đại học Rutgers bang New Jersey, Mỹ - Psychology Today
Tài liệu tham khảo
Anderson, C. A., & Bushman, B. J. (2001). Effects of violent video games on aggressive behavior, aggressive cognition, aggressive affect, physiological arousal, and prosocial behavior: A meta-analytic review of the scientific literature. Psychological Science, 12, 353-359.
Bandura, A., Ross, D., & Ross, S. A. (1963). Imitation of film-mediated aggressive models. The Journal of Abnormal and Social Psychology, 66, 3-11.
Berkowitz, L., & LePage, A. (1967). Weapons as aggression-eliciting stimuli. Journal of Personality and Social Psychology, 7(2p1), 202-207.
Dillon, K. P., & Bushman, B. J. (2017, in press). Effects of Exposure to Gun Violence in Movies on Children’s Interest in Real Guns. JAMA pediatrics.
Bushman, B. J., Kerwin, T., Whitlock, T., & Weisenberger, J. M. (2017). The weapons effect on wheels: Motorists drive more aggressively when there is a gun in the vehicle. Journal of Experimental Social Psychology, 73, 82-85.
Benjamin Jr, A. J., Kepes, S., & Bushman, B. J. (2017, in press). Effects of weapons on aggressive thoughts, angry feelings, hostile appraisals, and aggressive behavior: a meta-analytic review of the weapons effect literature. Personality and Social Psychology Teview.