Thiên kiến hoàn thành – Những rủi ro khi muốn hoàn thành công việc

thien-kien-hoan-thanh-nhung-rui-ro-khi-muon-hoan-thanh-cong-viec

Mong muốn hoàn thành công việc mà bạn đã bắt đầu có thể gây ra hậu quả nguy hiểm.  

Những điểm chính

  • Hầu hết mọi người nhận được niềm vui mất cân xứng khi làm xong một nhiệm vụ.
  • Điều này được gọi là "thiên kiến hoàn thành" có thể làm suy yếu khả năng đưa ra quyết định.
  • Một hệ quả thường thấy là chỉ lo tập trung vào hoàn thành những việc vụn vặt thay vì giải quyết những vấn đề lớn hơn. 

Khi nào thì việc theo đuổi những mục tiêu đầy thử thách trở thành một ám ảnh đầy nguy hiểm?

Bạn sẽ đi bao xa để theo đuổi mục tiêu của mình?

Nguồn: 11417994/Pixabay

Tôi từng tự hỏi mình câu này kể từ khi xem bộ phim tài liệu về leo núi "14 Peaks: Nothing is Impossible." Chương trình theo chân nhà thám hiểm người Nepal Nirmal Purja khi anh dấn thân vào một sứ mệnh ngông cuồng là leo hết 14 ngọn núi có độ cao trên 8,000 m trong vòng chưa đầy bảy tháng. Chẳng có chút kinh nghiệm nào về leo núi ngoại trừ việc thỉnh thoảng đi bộ đường dài để giải trí, tôi đã xem bộ phim tài liệu một cách say mê. Tôi ngưỡng mộ sức mạnh, khả năng chịu đựng và sự bền bỉ của Purja và đội của anh ấy khi họ tìm cách thay đổi lịch sử bằng một kỷ lục thế giới mới đầy táo bạo.

Tuy nhiên, không lâu sau khi xem chương trình, sự ngưỡng mộ của tôi bắt đầu suy giảm. Trong một cuộc hành trình mà Purja gọi là “nhiệm vụ khả thi,” anh đã chiến đấu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và suýt mất mạng trong cú ngã từ độ cao 100 m. Do sức ép thời gian, anh vẫn tiếp tục bất chấp những cảnh báo về tuyết lở và những cơn bão đe dọa tính mạng. Anh đã gặp những người bạn leo núi đang chết dần trong vòng tay của anh và những tay leo núi khác thoát chết trong gang tấc. Thậm chí việc tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu của mẹ anh rồi sau đó phải nhập viện cũng không thể khiến cho Purja sao nhãng khỏi nhiệm vụ tối quan trọng của mình. Anh theo đuổi việc hoàn thành nhiệm vụ của mình bằng quyết tâm không hề lay chuyển, bất kể giá nào.

Bộ phim tài liệu tôn vinh lòng kiên trì của Purja, gợi ý rằng bạn có thể đạt được bất cứ điều gì miễn là bạn bền chí. Tuy nhiên, khi Purja băng qua càng nhiều xác người leo núi đã bỏ mạng dọc đường, tôi càng bắt đầu hoài nghi về thông điệp này. Rốt cuộc thì nhiệm vụ của anh ấy có vẻ nguy hiểm, không cần thiết và rõ ràng là liều lĩnh. Dù tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi biết anh ấy còn sống sót sau cuộc hành trình đầy gian khó, nhưng tôi buộc phải tin rằng anh ấy đã quá may mắn khi còn sống để kể lại câu chuyện của mình.

Tại sao một dân leo núi kỳ cựu lại đặt tính mạng của bản thân (và người khác) vào rủi ro để hoàn thành một mục tiêu không đáng như vậy?

Thiên kiến hoàn thành là gì (Completion Bias)?

Nền văn hóa của chúng ta đề cao việc hoàn thành nhiệm vụ. Sinh viên sẽ không được nhận bằng nếu họ bỏ học trước khi làm bài thi cuối cùng. Còn các vận động viên sẽ cảm thấy thất vọng nếu họ bỏ dở một cuộc chạy khi sắp về đích. (Còn nữa, sao tôi dám nói rằng, bạn đọc thân mến, các bạn sẽ thấy thất vọng nếu tôi dừng viết bài này giữa chừng?)

Tầm quan trọng của việc hoàn thành nhiệm vụ đã khắc sâu trong tư duy của đa số mọi người. Bạn có thích đánh dấu vào những mục đã làm trong danh sách việc cần làm của mình không, và khó mà từ bỏ nhiệm vụ một khi bạn đã bắt tay vào làm? Hiện tượng này được gọi là “Thiên kiến hoàn thành.” Quả thực, có vẻ thiên kiến này bắt nguồn từ cơ chế sinh học thần kinh của não bộ, mà trong đó trải nghiệm hoàn thành nhiệm vụ dẫn đến sự giải phóng hóa chất hạnh phúc dopamine.

Mặc dù thiên kiến hoàn thành có thể đóng vai trò như một động lực mạnh mẽ có thể thúc đẩy mọi người vượt qua những trở ngại khó khăn, nhưng điều quan trọng là phải cẩn thận với những tác dụng phụ nguy hiểm của nó.

Mối nguy hiểm của Thiên kiến hoàn thành là gì?

Những gì tưởng chừng là động lực hữu ích cho hành vi và thành tích của con người có thể có những ảnh hưởng tai hại bất ngờ đối với việc ra quyết định hàng ngày. Chẳng hạn như:

  1. Tránh né những nhiệm vụ lớn: Với những ai liên tục cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, nhiều người có sở thích tập trung vào những việc dễ dàng mà sau khi hoàn thành chúng sẽ mang lại phần thưởng nhanh chóng. Các nghiên cứu gần đây phát hiện thấy con người thích đánh dấu các việc lặt vặt đã hoàn thành trong danh sách Những việc cần làm của họ. Ví dụ như gửi một email hay lời mời họp tại nơi làm việc. Mặc dù giữ được hòm thư email ngăn nắp thì rất tuyệt, nhưng tập trung vào những công việc tầm thường này dễ dàng tiêu tốn thời gian của chúng ta. Cuối cùng, nó có thể ngăn chúng ta xử lý những thách thức lớn hơn và những nhiệm vụ thực sự quan trọng.
  2. Hoàn thành những nhiệm vụ bất hợp lý: Trong một số trường hợp, thiên kiến hoàn thành có thể đi xa tới mức khiến cho con người hoàn thành những việc vô ích mà chẳng mang lại lợi lạc cá nhân nào. Một nghiên cứu về việc ra quyết định–ảnh hưởng qua lại lẫn nhau phát hiện thấy một số người cố gắng đi đến cùng trong một nhiệm vụ, dù việc chấm dứt sớm sẽ giúp họ nhận được phần thưởng tài chính lớn hơn. Một trong những người tham gia đã đưa ra lời giải thích như sau: "Mục đích của tôi là cố gắng đi đến cùng để có cảm giác là tôi đã hoàn thành xong."
  3. Tìm kiếm rủi ro mất cân đối: Hãy quay lại với ví dụ leo núi ở đầu bài, một mối nguy hiểm khác là cảm giác thôi thúc phải theo đuổi mục tiêu bằng mọi giá. Con người có thể không quan tâm đến những hậu quả tiêu cực khi tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ và loại trừ khả năng "từ bỏ" hay "bỏ cuộc." Quả thực, đây là một hiện tượng phổ biến trong bối cảnh leo núi đến nỗi cái khao khát đầy ám ảnh muốn leo lên đỉnh núi nhận được một thuật ngữ theo đúng nghĩa là: "cơn sốt lên đỉnh–summit fever."
  4. Bỏ quên hành trình: "Điểm đến không quan trọng bằng hành trình." Câu nói nổi tiếng này của triết gia Ralph Waldo Emerson nhấn mạnh một nguy cơ khác của thiên kiến hoàn thành. Nỗi ám ảnh với mục tiêu cuối cùng có thể khiến người ta sao lãng khỏi những trải nghiệm quý giá trong suốt cuộc hành trình. Cá nhân tôi phải nhắc nhở bản thân về sự thật này khi nỗ lực hướng tới mục tiêu thuần thục được một tư thế tập yoga mới. Khi mù quáng theo đuổi kết quả hoàn hảo cuối cùng, ta dễ bỏ lỡ việc tận hưởng trải nghiệm học hỏi trên hành trình.

Bạn có thể khai thác sức mạnh của thiên kiến hoàn thành không?

Vốn dĩ mong muốn hoàn thành công việc của con người không phải là vấn đề, miễn là ta biết cách kiểm soát nó. Một cách để khai thác thiên kiến này là học hỏi từ các kết quả của nghiên cứu về hành vi và cấu trúc Danh sách Việc cần làm của bạn sao cho hiệu quả hơn. Nghiên cứu về việc lựa chọn nhiệm vụ trong môi trường công sở cho thấy việc lên lịch cho một vài nhiệm vụ dễ dàng vào đầu ngày làm việc có thể giúp tăng động lực để thực hiện những nhiệm vụ lớn hơn sau đó. Chiến lược này thậm chí còn gia tăng sự thỏa mãn cá nhân và hiệu suất làm việc tổng thể. Vì vậy, sao lại không bắt đầu ngày làm việc của bạn bằng cách mở một số email trước khi tiếp tục chuyển sang xử lý những việc khó nhằn hơn?

Nếu gặp khó khăn với những mục tiêu lớn và dài hạn thì bạn nên chia nhỏ chúng ra. Điều này có thể bao gồm việc tạo ra các nhiệm vụ-phụ nhỏ và dễ quản lý hơn. Do đó, bạn có thể đánh dấu đã hoàn thành những nhiệm vụ nhỏ riêng lẻ trong suốt cuộc hành trình hướng đến mục tiêu lớn hơn của bạn. Điều này có thể giúp bạn có cảm giác hoàn thành được nhiều việc hơn và có động lực hơn ở mỗi bước của thử thách.

Cuối cùng, luôn ghi nhớ rằng việc từ bỏ một nhiệm vụ không đồng nghĩa với thất bại. Thường thì việc chủ động lựa chọn dừng một nhiệm vụ lại là một hành động dũng cảm hơn là thúc ép bản thân cố gắng và tiếp tục với một nhiệm vụ sai lầm.

 

Nguồn

https://www.psychologytoday.com/intl/blog/stretching-theory/202201/the-dangers-wanting-finish-task 

menu
menu