Tìm Lại Sự Tự Do

tim-lai-su-tu-do

Chúng ta có xu hướng ảo tưởng sự tự do là không phải làm việc hay có thể được vi vu tận hưởng những chuyến du lịch. Nhưng nếu chúng ta đào sâu vào cốt lõi của chính nó, tự do thực sự có nghĩa là không còn sống vì những kỳ vọng của người khác.

Tại sao cuộc sống của người trưởng thành lại xám xịt và đau khổ hơn? Có lẽ bởi ở những năm tháng đầu đời của chúng ta thường chỉ được gói gọn trong khuôn khổ là phải luôn vâng lời. Trong suốt thời thơ ấu ấy, hiếm ai phủ nhận rằng để trưởng thành chúng ta buộc phải hoàn thành hết thảy danh sách những điều khó nhằn mà chúng được đề ra bởi những người có quyền lực – người chúng ta không thể chất vấn bất cứ điều gì. Không ai hỏi liệu ta có quan tâm đến việc tìm hiểu về các góc của tam giác hay hiệu điện thế thực sự là gì hay không, nhưng chúng ta vẫn tuân theo trong mọi trường hợp. Ta dành cả ngày, phần lớn thời gian vào buổi tối và cuối tuần của mình để tuân thủ một lịch trình bận rộn được lên kế hoạch rõ ràng và kỹ lưỡng bởi những người quan tâm đến hạnh phúc của chúng ta một cách khó hiểu. Chúng ta khoác lên mình bộ dạng rầu rĩ, chán ngán và ngồi vào bàn, cố học cốt truyện của vở kịch Macbeth hay các đặc tính hóa học của Heli - và tưởng rằng ta đã sai khi luôn cảm thấy chán nản và mất hứng thú.

Chúng ta sau đó cũng dần bị lay động để rồi tiếp tục nghĩ như thế này với những người xung quanh về thế giới rộng lớn ấy. Ta cho rằng điều mình đặc biệt muốn dẫu sao đi nữa sẽ không bao giờ là chuyện quan trọng cả. Ví như ta chọn lựa một nghề nghiệp mà cơ bản đối với định kiến của người đời rằng nó ‘đúng đắn, phù hợp’, để tại những bữa tiệc, chúng ta sẽ có thể trả lời câu hỏi xã giao “Bạn đang làm công việc gì?” một cách dễ dàng và công việc đó sẽ không được đem ra bàn tán vì nó quá khác lạ hay tầm thường. Vào thời điểm đó, ta nhìn nhận sự tự do vừa hấp dẫn lại vừa phi lý vô vùng. Chúng ta sẽ cảm thấy tự do khi không có bất cứ thứ gì lấp đầy thời gian của mình như: vào những buổi sáng thứ bảy hay lúc chúng ta nghỉ hưu.

Theo năm tháng, chúng ta trở thành những chuyên gia trong việc hợp lý hóa những thất vọng của mình. Chúng ta tự nhủ rằng mình không còn lựa chọn nào nữa. Ta vẫn tiếp tục duy trì với một công việc mà mình bất mãn hay một cuộc hôn nhân nhạt nhẽo bởi vì (như chúng ta nói) ta cần tiền hay bạn bè ta sẽ thất vọng hoặc ta nghĩ, những ai lâm vào hoàn cảnh này cũng đều như ta mà thôi. Ta trở thành thiên tài trong việc bao biện cho chính cái điều làm mình không hạnh phúc như thể đó là điều cần thiết và lành mạnh.

Nhà phân tâm học người Anh sống vào giữa thế kỷ XX - Donald Winnicott từng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân (thường là những người có uy tín và tài giỏi) đang rơi vào tình trạng ‘phiền não’ bởi vì họ, theo như ông nói, là “quá hoàn mỹ”. Họ chưa bao giờ cảm nhận sự tự do và an toàn khi nói không với người khác, nói tóm lại là bởi vì những người chăm sóc họ ở những năm tháng đầu đời đã coi sự thể hiện cảm xúc chân thực là một sự nổi loạn mang tính đe dọa và cần phải được bác bỏ. Winnicott cho rằng sự lành mạnh chỉ có thể đến từ việc chống lại khuynh hướng này để tránh việc chịu phục tùng quá nhanh và quá tin tưởng vào quan điểm của những người khác, bao gồm cả những người một mực bảo rằng họ quan tâm đến ta rất nhiều. Trở nên “xấu xa” một cách chính đáng theo như quan điểm của Winnicott không có nghĩa là phá vỡ luật lệ hay trở nên hung hăng, mà nó có nghĩa là tìm thấy sự tự do ở ngay trong mình để làm những điều mà người khác có thể cảm thấy không đúng, nhưng chúng ta, với con người đích thực của mình, chân thành mong muốn được khám phá chúng. Điều này được hình thành dựa trên quan điểm sâu sắc là những người khác suy cho cùng chẳng bao giờ có thể là “thiên thần hộ mệnh” tốt nhất cho cuộc đời chúng ta, vì bản năng chấp nhận về điều gì đó của họ chỉ được hình thành từ những kiến thức của họ chứ không phải từ nhu cầu cá biệt của chúng ta.

Chúng ta có xu hướng ảo tưởng sự tự do là không phải làm việc hay có thể được vi vu tận hưởng những chuyến du lịch. Nhưng nếu chúng ta đào sâu vào cốt lõi của chính nó, tự do thực sự có nghĩa là không còn sống vì những kỳ vọng của người khác. Ta có thể tự do làm việc chăm chỉ hay ở nhà suốt những ngày nghỉ. Yếu tố quyết định là chúng ta dám sẵn sàng làm người khác thất vọng, buồn lòng hay rối bời. Chúng ta không cần phải thỏa mãn với điều này–được lòng càng nhiều người càng tốt. Nhưng chúng ta có thể tâm niệm rằng các lựa chọn cốt yếu của mình có thể không giống với quan niệm chung của số đông. Trong bữa tiệc, chúng ta có thể gặp phải một người hoàn toàn không mảy may ấn tượng với công việc ta đang làm, hay gán cho cuộc sống của ta là “không chính thống” hoặc những ý kiến, quan điểm của ta thật kỳ quặc. Nhưng chúng ta cũng chẳng để tâm quá nhiều bởi chúng ta đã và đang tự do. Ta nhận thức về cuộc đời của chính mình không còn bị xáo trộn bởi quan niệm phải đáp ứng sự kỳ vọng của người khác nữa.

Cuối cùng, được tự do là được tận tâm - theo những cách ta có thể sẽ rất vất vả - đáp ứng kỳ vọng của chính chúng ta.

---------------------------------

Dịch giả: Lương Nguyễn Quỳnh Trang

Biên tập: Thùy Vy

Link bài gốc: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/becoming-free/

Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

menu
menu