Tôi có đang kỳ vọng quá cao?
Thông thường, khi phải thận trọng suy xét đến việc rời bỏ một mối quan hệ, có nghĩa là – trong thâm tâm mình – chúng ta mang những kỳ vọng về khả năng gặp gỡ một ai đó khác, và quan trọng là một người tốt hơn.
Thông thường, khi phải thận trọng suy xét đến việc rời bỏ một mối quan hệ, có nghĩa là – trong thâm tâm mình – chúng ta mang những kỳ vọng về khả năng gặp gỡ một ai đó khác, và quan trọng là một người tốt hơn. Ta cảm thấy chán chường vì không còn bao dung thêm được cho những thiếu sót của người tình hiện tại: một vấn đề liên quan đến trí tuệ cảm xúc hoặc hòa hợp tình dục, vẻ đẹp hoặc sức mạnh, sự dí dỏm hoặc tử tế. Nhưng rồi những nghi ngờ trong ta trỗi dậy ngay sau khi ta bắt đầu tự hỏi, mình có quyền gì để mang những kỳ vọng đó. Bất cứ ai có chút ít khả năng tự nhận thức, và do đó thấu hiểu được sự không hoàn hảo bên trong bản thể không chút hấp dẫn nào của mình, đều có thể đặt câu hỏi: ta là ai mà dám phàn nàn kia chứ? Chẳng phải thật ngu ngốc khi hi vọng một điều gì đó tốt hơn sao? Chẳng phải ta nên đơn thuần chấp nhận và biết ơn những gì mình có sao? Đâu là mức độ kỳ vọng ta được cho phép? Có phải ta đang đòi hỏi “quá nhiều” hay không?
Chúng ta có thể bắt đầu bằng tin vui. Kiểu tính cách mà ta mơ ước thực sự có tồn tại đâu đó trên hành tinh này, có lẽ còn tồn tại qua nhiều thế hệ. Chúng ta không hề ngốc nghếch khi hình dung ra nó. Có lẽ ta đã gần như gặp được nó trong nhiều hoàn cảnh khác nhau qua thời gian: trong vòng tay một người bạn, trên các trang tạp chí, khi đắm chìm trong cuốn sách trước mặt trong quán cà phê. Cứ cho là chúng ta không đòi hỏi điều gì quá điên rồ (trí tuệ của Einstein trong thân hình của một ngôi sao Hollywood với lòng nhân ái của một vị thần và sức mạnh của người khổng lồ). Chúng ta không ngây thơ mà còn biết đại khái mình đáng giá bao nhiêu và có thể thu hút điều gì. Bằng lý trí chúng ta nghĩ rằng mình có thể có cơ hội cải thiện ứng viên hiện tại. Có đến bảy tỉ người trên trái đất này, hẳn là phải có một hoặc hai người trong số họ có thể đáp lại những tham vọng lớn lao hơn của chúng ta.
Tuy vậy, những thứ này không đảm bảo bất cứ điều gì. Có quá đủ những vận rủi, tình huống sai thời điểm và sự cố đáng tiếc trong đời sống lãng mạn bảo để đảm rằng ta có thể chia tay mối quan hệ hiện tại và không bao giờ tìm được bất cứ ai có khả năng trân trọng ở mức thấp nhất mơ ước của mình. Những cặp đôi hoàn hảo trong tương lai cứ liên tục lướt qua nhau rồi chết trong bất toại nguyện và cô độc ở hai phía đối diện nhau trên cùng một con đường. Việc biết rằng quả thật có nhiều người ở ngoài kia khớp với tiêu chuẩn của ta không có nghĩa là ta có cơ hội tìm được họ trong quãng đời ngắn ngủi của mình.
Bởi vậy chúng ta không thể công khai hay nói như đinh đóng cột với những người đang nghĩ đến chuyện chấm dứt một mối quan hệ rằng những kỳ vọng của họ về một người thay thế có thể được đáp ứng trong thực tế. Ta chỉ có thể rào trước rằng điều đó “có khả năng xảy ra” mà thôi.
Song trước khi tự hỏi liệu kỳ vọng của mình có “quá cao” hay không, thì ta nên dừng lại và hỏi một câu hỏi hơi khác một chút: quá cao so với điều gì?
Nếu ta hiểu “quá cao” theo nghĩa là quá cao để hoàn toàn chắc chắn mình có thể bắt đầu một mối quan hệ thỏa mãn sâu sắc với một người tình trong mộng, thì đúng, ta đang kỳ vọng quá cao. Ta chỉ có thể nói rằng mình “có khả năng” làm được điều đó. Tuy nhiên, nếu đặt ra câu hỏi này trước quyết định có nên chia tay mối quan hệ hiện tại để đón nhận một tương lai không chắc chắn nhưng chân thật hơn hay không, nếu ta tự hỏi liệu mình có sai không khi tự tạo ra một hình mẫu cụ thể mà ta mong muốn rồi bám theo ý tưởng ấy dù ta có tìm được người đó hay không, thì câu trả lời có thể là một tiếng “không” rõ ràng.
Trong nhiều khía cạnh khác của đời sống, ta có thể chấp nhận hoàn toàn và thường dành sự tôn trọng cho những người kiên định với những lý tưởng cụ thể mà họ tin tưởng, cho dù thành công chưa đến ngay lập tức. Có những con người sáng tạo nên các loại hình nghệ thuật qua nhiều thập kỷ, và chả thèm bận tâm đến việc nó có được thế giới công nhận hay không. Hoặc những người làm kinh doanh nhưng không thay đổi sản phẩm chỉ để thu được lợi nhuận cao hơn. Hoặc những người kiên định với những lý tưởng cụ thể trong chính trị, dù cho việc đó ngăn cản họ thăng tiến. Dĩ nhiên họ cũng thích những tràng vỗ tay, tiền bạc và quyền lực–song có một thứ quan trọng hơn đối với họ là biết rằng mình đang tồn tại nhờ vào thứ nghệ thuật mà mình tin tưởng, sản phẩm mà mình yêu thích và lý tưởng mà mình theo đuổi.
Lẽ tự nhiên chúng ta sẽ muốn đạt được những gì mình tin tưởng và kết quả như ý từ thế giới này, song nếu phải đi đến lựa chọn giữa nghệ thuật bị hắt hủi và được công nhận, giữa sản phẩm có doanh thu nghèo nàn và doanh thu cao, giữa đường lối chính trị phù hợp và một công việc trong chính phủ hoặc–chuyển sang khía cạnh tình cảm–ai đó để nằm chung giường nhưng không có những tiêu chuẩn về tâm lý và thể chất như ta thực sự mong muốn, thì có lẽ ta sẽ muốn trả cái giá của sự chung thủy cho những khát vọng nguyên bản của mình.
Trong bối cảnh của các mối quan hệ, có thể có hai lý do để sống như vậy, lý do thứ nhất mang tính thực tế, lý do thứ hai thiên về tâm lý hay sự tồn tại. Ở cấp độ thực tế, việc giải phóng bản thân khỏi một mối quan hệ chán chường ngay cả khi thiếu vắng sự thay thế ngay lập tức trong tương lai mang một lợi thế nhất định. Việc ở một mình trao cho ta một nền tảng hiệu quả trong việc tìm kiếm tình yêu thay vì bị trói buộc với một đối tác mà ta phải lén lút tìm cách thoát ra. Chúng ta được tự do nói với thế giới rằng mình đang tìm kiếm, ta không phải nói dối hay núp dưới cái bóng nào cả, ta cũng sẽ không phải hủy hoại khởi đầu của một mối quan hệ mới bằng kết thúc lằng nhằng từ mối quan hệ trước.
Song trên hết, hành động thông minh vẫn là chấp nhận những kỳ vọng thực của bản thân mặc cho việc có hay không có ứng cử viên nào đáp ứng được kỳ vọng đó. Tâm hồn của chúng ta có khả năng bị phá hủy từ từ bằng cách sống một cuộc đời chỉ có lợi thế là sự đồng hành thay vì đồng hành với người tình lý tưởng. Ta có thể không thoát khỏi hậu quả đối với lòng tự trọng và ý thức về phẩm giá của bản thân khi biết rằng nỗi sợ cô đơn đã che mờ khả năng của mình nhằm thiên vị cho kiểu người công khai làm ta bực bội hay phát chán. Ta thậm chí có thể không còn thích chính mình nữa khi hàng ngày phải ngẫm nghĩ về việc mình đã đi quá xa khỏi kỳ vọng chân thật ban đầu nhằm xoa dịu cơn khủng hoảng không cần thiết về khao khát có người bầu bạn.
Lịch sử Nhật Bản chứa đầy những ví dụ về thứ mà các nhà phê bình gọi là “thất bại cao quý”, những người mang trong mình ý niệm mạnh mẽ về những điều họ tôn trọng trong một lĩnh vực nhất định (nghệ thuật, chính trị, kinh doanh, văn hóa), những người nhất mực trung thành với niềm tin của mình mặc cho chúng không đạt được hoặc đạt được rất ít thành công thực tế, đôi khi còn phải trả cái giá rất đắt cho lập trường của mình. Một nhà thơ có thể rời xa trần thế trong quên lãng ở một túp lều tranh ngoại ô thành phố, một thợ làm gốm có thể phát hiện ra những đồ đất nung đơn giản nhưng tinh xảo của mình bị phớt lờ để nhường chỗ cho những mẫu vật được quét sơn màu sắc sặc sỡ, và một chính trị gia có thể nhận ra kế hoạch tạo dựng một xã hội tốt đẹp hơn của mình cũng là thứ gây bất lợi cho họ ở tòa án. Và trong tâm trí của người Nhật, những người này bị coi không khác gì những “kẻ vô dụng”. Từ một khía cạnh, có thể họ đã thua, nghệ thuật của họ không được công nhận, công việc kinh doanh thất bại, dự án không được ban hành, song họ hoàn toàn xứng đáng được tôn trọng vì ở họ có điều gì đó vượt ra khỏi danh tiếng, sự giàu có và những tiếng vỗ tay tức thì: chính là những lý tưởng về điều mà họ mong muốn. Thực hành ở một mức độ khiếm tốn hơn nhiều và theo đó cũng ít hậu quả hơn, trong đời sống lãng mạn, chúng ta cũng có thể dựa vào khái niệm thất bại cao quý này để định hình những gì có thể xảy ra sau khi bước ra khỏi một mối quan hệ. Sự cao quý của chúng ta sẽ xuất phát từ việc không cho phép nỗi sợ cô đơn chi phối cách cư xử của mình và từ việc bảo đảm rằng người mà chúng ta dành thời gian ở cùng phù hợp với một khái niệm đầy tham vọng về bản chất con người – ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải ở một mình trong thời gian dài. Đến cuối cùng, chúng ta sẽ tự mình chứng minh được lòng trung thành với tình yêu hơn là khi ở trong một mối quan hệ với người không phù hợp – cũng như người yêu nhạc yêu thích sự yên tĩnh hơn là thứ nhạc nền mà họ không ưa.
Sau khi ra khỏi một mối quan hệ, có thể chúng ta không thành công theo bất cứ tiêu chuẩn nào. Cuộc sống của chúng ta sẽ có vẻ hơi khác biệt. Chúng ta rời bỏ một mối ràng buộc đủ tốt để bắt đầu sự tồn tại độc lập với muôn vàn khó khăn. Song ta sẽ trở thành một điều gì đó thú vị thay vì buồn thảm, ta sẽ thất bại một cách cao quý trong nỗ lực theo đuổi tình yêu, ta sẽ hài lòng vì biết rằng thà chân thực với niềm hi vọng của chính mình còn hơn ở trong một mối quan hệ với một người đã không còn cảm giác.
Dịch: Hoàng Dung
Nguồn: The Book of Life