Tôi làm gì khi cảm thấy công việc của mình chưa đủ tốt

Lúc mới bắt đầu, mọi thứ thật dễ dàng. Không áp lực. Không ai quan sát. Không có kỳ vọng nào cả.
Tôi bắt đầu viết trong một tài liệu riêng tư suốt hơn một năm trời, trước khi đăng bài đầu tiên trên JamesClear.com. Tôi viết về những điều mình thích. Viết để gỡ rối suy nghĩ. Viết vì thấy bản thân cần được viết ra.
Thế rồi, sau vài tháng chia sẻ công khai, mọi thứ dần thay đổi.
Khi tôi dần có độc giả, tôi bắt đầu… phán xét chính công việc của mình. Lúc trước, chỉ cần viết ra được ý tưởng là tôi đã vui lắm rồi, còn giờ đây, những ý tưởng ấy lại “phải hay”. Tôi bắt đầu so sánh bài mới với những bài từng được nhiều người yêu thích. Cứ viết là tôi lại cân đo đong đếm, tự hỏi liệu nó có đủ “tốt” không – dù thật lòng mà nói, tôi cũng chẳng rõ “tốt” là như thế nào.
May mắn thay, sự nghi ngờ bản thân không ngăn được tôi viết tiếp. Tôi nghĩ: chắc ai làm sáng tạo cũng thế cả. Tôi tự nhủ: hoài nghi, phán xét chỉ là một cái giá phải trả nếu muốn tiến xa hơn, nếu muốn làm tốt hơn.
Ở một khía cạnh nào đó, điều đó là đúng. Ai cũng từng nghi ngờ bản thân – nghệ sĩ, người sáng tạo, doanh nhân, vận động viên, hay thậm chí là những người làm cha mẹ. Nhưng ở một mặt khác, tôi đã sai. Sự hoài nghi không phải là cái giá bắt buộc phải trả để giỏi hơn. Hãy cùng nói về lý do vì sao.
The Inner Game of Tennis – Trò Chơi Bên Trong
Tôi vừa đọc xong một quyển sách đã nằm trong danh sách chờ từ lâu – The Inner Game of Tennis của Timothy Gallwey. Dù nói về tennis, nhưng thật ra đó là một cuốn sách về cuộc sống.
Có một đoạn trích trong sách khiến tôi dừng lại rất lâu, và nghĩ mãi về những tháng ngày viết lách đầy hoài nghi của mình.
“Khi gieo một hạt giống hoa hồng xuống đất, ta thấy nó bé xíu, nhưng ta không chê trách nó là ‘không rễ, không thân’. Ta đối xử với nó như một hạt giống, và chăm bón nó bằng nước, bằng dưỡng chất – như cách mà một hạt giống cần. Khi nó nhú lên khỏi mặt đất, ta không buộc tội nó là non nớt hay chưa hoàn thiện; cũng chẳng ai trách những nụ hoa khi chúng chưa nở. Ta đứng đó, ngạc nhiên trước quá trình kỳ diệu đang diễn ra, và trao cho nó sự chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn. Từ khi chỉ là hạt giống cho đến khi lìa cành, nó luôn là một đóa hồng. Trong nó, vào bất kỳ thời điểm nào, cũng đã mang đầy đủ tiềm năng nở rộ. Nó luôn thay đổi, luôn phát triển; và ở mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn, nó đều hoàn toàn ổn như nó vốn là.”
— Timothy Gallwey
Khát vọng và sự hài lòng không phải là hai thái cực đối lập. Nhưng nhiều khi, ta lại nghĩ rằng chúng không thể cùng tồn tại. Một mặt, các chuyên gia bảo ta nên sống chánh niệm, trân trọng hiện tại, biết đủ dù kết quả ra sao. Mặt khác, các huấn luyện viên, những nhà vô địch lại khuyên rằng: muốn thành công thì phải làm việc nhiều hơn người khác, không bao giờ được hài lòng, và đừng bao giờ để sự an phận len lỏi vào tâm trí.
Thế nhưng, hạt giống hoa hồng vừa biết đủ, vừa đầy khát vọng.
Như Gallwey viết, ta chưa từng thấy bất mãn với trạng thái hiện tại của hạt giống. Mỗi khoảnh khắc, nó đều ổn. Nhưng đồng thời, nó cũng là một sinh thể đầy hoài bão – chẳng bao giờ ngừng vươn lên. Ngày nào nó cũng tiến thêm một bước, và ngày nào, nó cũng vẫn nguyên vẹn như chính nó nên là.
Liệu Hoài Nghi Có Phải Là Điều Kiện Cần Để Thành Công?
Liệu có phải hoài nghi và tự phán xét là điều kiện cần để thành công? Liệu ta phải không hài lòng với chính mình thì mới đủ động lực để tiến bộ? Việc tự soi xét liệu có thật sự khiến ta giỏi hơn?
Tôi không nghĩ vậy.
Luyện tập có chủ đích mới là điều giúp bạn tiến bộ.
Lặp đi lặp lại mới là điều làm bạn giỏi hơn.
Yêu lấy sự nhàm chán – ấy mới là điều tạo nên sự bền bỉ.
Tất nhiên, nói thì dễ hơn làm. Nên mỗi khi thấy mình bắt đầu rơi vào chiếc bẫy phán xét bản thân, tôi thường dùng cách này để kéo mình quay về quỹ đạo: Tôi nhắc bản thân rằng, mỗi kết quả chỉ là một điểm trên dải hành trình của sự lặp lại.
Ví dụ nhé…
Viết lách: Sự lặp lại có thể tính bằng “số bài đã đăng”.
- Điểm A: đạt 1.000 lượt đọc đầu tiên.
- Điểm B: ký được hợp đồng xuất bản sách.
- Điểm C: diễn thuyết quốc tế về những gì mình viết.
Khởi nghiệp: Có thể tính bằng “năm hoạt động” hoặc “số lần gọi vốn, gọi bán”.
- Điểm A: kiếm được 10.000 đô.
- Điểm B: chạm mốc 100.000 đô.
- Điểm C: đạt doanh thu 1 triệu đô.
Tập tạ: Lặp lại ở đây là “số lần squat” hay “số buổi chạy nước rút”.
- Điểm A: squat được 45kg.
- Điểm B: squat 135kg.
- Điểm C: squat 225kg.
Nhiếp ảnh: Có thể đo bằng “số ảnh chụp” hoặc “số gallery đã liên hệ”.
- Điểm A: bán được bản in đầu tiên.
- Điểm B: sống toàn thời gian bằng nghề ảnh.
- Điểm C: trưng bày trong gallery đầu tiên.
Mỗi kết quả đạt được chỉ là một điểm trên hành trình lặp lại và thời gian. Số lần lặp lại bạn cần để đạt một mục tiêu nào đó tùy thuộc vào hoàn cảnh, kinh nghiệm, sự rèn luyện và vô vàn yếu tố khác. Mỗi người có một hành trình riêng – phổ lặp lại của bạn không giống ai.
Và điều quan trọng là: việc bạn đang ở điểm A, còn người khác đã đến điểm C – không hề có nghĩa là bạn đang làm tệ.
Thật ra, không có gì là “tệ” hay “tốt” cả. Cũng như chẳng có hạt giống hoa hồng nào là "bị lỗi". Chỉ có thời gian. Chỉ có từng bước lặp lại đã đi qua.
Hãy buông bỏ nhu cầu phải định nghĩa bản thân là tốt hay dở.
Hãy thôi gắn bó với một kết quả cụ thể nào đó.
Nếu bạn chưa đến được điểm mình muốn, không sao cả – đừng vội phán xét mình vì điều đó. Bạn không thể làm thời gian trôi nhanh hơn, cũng chẳng thể thay đổi những gì mình đã làm trong quá khứ. Thứ duy nhất bạn có thể làm… là lặp lại một lần nữa.
Một lần nữa, như bạn vẫn đang làm.
Nguồn: What I Do When it Feels Like My Work Isn’t Good Enough | Jamesclear.com