Tôi Nghĩ Cuộc Đời Chính Là Như Thế Này Đây – Một vài suy tưởng về những điều quan trọng

toi-nghi-cuoc-doi-chinh-la-nhu-the-nay-day-mot-vai-suy-tuong-ve-nhung-dieu-quan-trong

Bạn định hình cuộc đời mình theo gương ai? Ai là người truyền cảm hứng cho bạn để trở thành một con người tốt đẹp hơn?

Tác giả: John P. Weiss

Nguồn: https://medium.com/personal-growth/i-think-this-is-what-life-should-be-about-e9a064b4963a

 

“Ba ơi, con không chịu đâu,” tôi nói với ba mình. “Chúng bạn sẽ cười con mất. Chẳng lẽ mình không nhờ người khác đưa bạn ấy về được ạ?”

“Thế nếu con là bạn ấy thì sao, hả Johnny? Con có muốn ai đó giúp con không? Đưa con về nhà ấy?” Ba mỉm cười với tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy thật khó chịu. Những cảm xúc của tuổi trẻ có thể làm lu mờ lương tâm của bạn.

Tên của cô bé ấy là Melinda và mẹ cô bé không thể đến đón cô sau giờ học vì xe bị hỏng. Khi các bậc phụ huynh khác đến đón con, thầy hiệu trưởng hỏi rằng liệu có ai có thể giúp được bạn hay không. Ba tôi, vẫn luôn tốt bụng như vậy, đã xung phong. 

Thầy hiệu trưởng đưa cho ba địa chỉ nhà Melinda, mà không xa nhà chúng tôi cho lắm. Ba tự giới thiệu mình với Melinda và nói rằng chúng tôi sẽ đưa bạn ấy về nhà.

Khi một vài người bạn của tôi cười khúc khích phía đằng xa, ba mở cửa xe hơi và Melinda ngồi vào ghế phụ lái với một nụ cười trên môi.

Tôi chui vào hàng ghế sau và ném cho mấy đứa bạn một cái nhìn giận dữ. Khi chiếc xe lăn bánh, tôi tưởng tượng ra cái cảnh mình sẽ bị trêu chọc khi đi học vào ngày hôm sau.

Melinda là một cô bé dễ thương, bị thiểu năng trí tuệ, đã bước vào ngôi trường tư thục mà tôi theo học vào một ngày thu se lạnh.

Khi lần đầu tiên bạn ấy bước chân vào lớp năm của chúng tôi, chúng tôi biết rằng bạn ấy hoàn toàn khác biệt. Bạn ấy có nước da sáng, mái tóc màu nâu xám, đôi mắt đẹp, và hơi ngọng. Bạn ấy phải mất một lúc mới có thể sắp xếp được các suy nghĩ và lời nói của mình.

 

Cô bạn ấy nom có vẻ kỳ cục trong bộ đồng phục và chiếc áo khoác bằng len. Và bởi vì trẻ con luôn là một lũ độc ác, chẳng tốn mấy thời gian trước khi những mẩu giấy vụn bay tới chỗ ngồi của cô bé. Vào những lúc khác, những tiếng cười và những lời đùa cợt ác ý nhắm thẳng vào cô.

“Trẻ con thật độc ác, vâng. Đúng vậy. Trẻ con đúng thật là những sinh vật nhỏ bé vô cùng độc ác.” – Dennis Potter

Trẻ tuổi, non nớt và muốn hòa đồng, tôi cũng tham gia trêu chọc Melinda như lũ bạn mình. Điều buồn cười là tôi đã quên béng mất cái cảm giác khi mình từng là một học sinh mới chuyển đến ngôi trường này. Cái cảm giác đầy bối rối và cô đơn ấy.

Cách đây không lâu, tôi vừa chuyển từ một trường công sang trường tư. Vậy mà tôi đã chóng quên đi sự ngượng nghịu của bản thân khi mới khoác vào bộ đồng phục của trường tư thục. Đấy là chưa kể tới nỗi sợ hãi về việc mình không thể kết bạn hay hòa nhập tại nơi này. Tôi không thể hình dung được làm sao mà một người bị thiểu năng trí tuệ sẽ chịu đựng những cảm giác như thế.

Chúng tôi đưa Melinda về nhà và ba bắt chuyện với cô bé. Theo cách nói chuyện đứt quãng của mình, cô bé thoải mái trò chuyện về những điều mình yêu thích, các chương trình TV, và lũ thú cưng. Cô bé cũng thích một số chương trình giống như tôi vậy.

Khi chúng tôi tới nhà cô bé, ba nhìn tôi ở hàng ghế sau. “Johnny, hãy là một quý ông và đưa Melinda đến trước cửa nào.”

Tôi cảm thấy như bị hành xác. Việc tôi phải ngồi chung xe với cô bạn này đã đủ tệ hại lắm rồi, thế mà giờ đây tôi còn phải đưa bạn ấy vào tận nhà nữa! Bất đắc dĩ, tôi xuống xe, mở cửa xe cho Melinda, và đưa cô ấy tới trước cửa nhà. Đi được nửa đường, cô bé quay sang tôi, nở một nụ cười xinh xắn, nhìn vào mắt tôi và nói, “Cảm ơn cậu, J-J-Johnny, vì đã thật tốt với mình.”

 

Tôi nghĩ là tôi sẽ không bao giờ quên cái khoảnh khắc đó. Nó đã gột sạch sự ngạo mạn đầy ích kỷ trong tôi và để tôi thấy được sự dễ thương của cô bé. Tính nhân văn trong cô bé. Và có lẽ là cả nỗi đau và sự yếu ớt của cô ấy nữa.

Khi tôi quay lại xe, ba vỗ nhẹ vào chân tôi và nói, “Ba biết là con không muốn đưa bạn về nhà, Johnny ạ, nhưng đó là việc đúng đắn cần phải làm. Cảm ơn con vì đã đưa cô bé tới tận cửa.”

“Không có gì ạ,” tôi nói với ba, “con nghĩ là bạn ấy cũng ổn.”

Ngày hôm sau tới trường, các bạn tôi đã không lãng phí thời gian. “Bồ mày thế nào rồi, hả John?” một trong những thằng con trai cười toe toét và hỏi.

“Nó không phải là bồ tao,” tôi nói, “Chúng tao chỉ giúp nó mà thôi.”

Sự trêu chọc cứ tiếp diễn trong vài ngày nhưng cuối cùng cũng kết thúc. Đối với tôi mà nói, có điều gì đó đã thay đổi trong tôi. Bỗng nhiên, một vài đứa bạn của tôi không còn hay ho như trước nữa. Theo một cách nào đó, chúng trở thành những đứa trẻ thật xấu xí. Cứ luôn giễu cợt những đứa trẻ yếu hơn hoặc kỳ lạ nào đó.

Thời gian qua đi, tôi bắt đầu giữ khoảng cách với một số bạn bè. Melinda, có lẽ đã cảm thấy sự thay đổi ấy ở tôi, bắt đầu nói chuyện với tôi nhiều hơn. Tôi nhận ra cô bé thật dễ thương vì không bao giờ nói điều tiêu cực về bất cứ ai.

Điều ấy làm tôi tự hỏi rằng ai mới thật sự là kẻ thiểu năng trí tuệ ở đây.

Tua nhanh thời gian qua nhiều năm nữa. Tôi trở thành một chàng thanh niên ngồi xem bộ phim của Tom Hanks trong rạp chiếu bóng. Bộ phim nói về một người đàn ông bị thiểu năng trí tuệ. Nó là một bản ghi những sự bắt nạt mà anh ta từng phải chịu đựng trong suốt thời thơ ấu, về tình yêu sâu sắc mà anh dành cho một người con gái, và con đường đầy ấn tượng của anh tới tuổi trưởng thành.  

Forrest Gump là một bộ phim về tình yêu, nhưng nó cũng đề cập đến nhiều bài học cuộc sống khác. Thực ra, tôi nghĩ rằng đây chính là những gì mà cuộc sống nên là:

Những bài học rút ra từ bộ phim Forrest Gump.

Đây là ba bài học lớn nhất mà tôi thu được qua bộ phim này.

Sự Đích Thực

Forrest Gump không hề biện giải cho việc mình là ai. Không khoe khoang. Không điệu bộ. Không quá quan trọng cái tôi của mình. Anh chỉ thích cắt bãi cỏ của mình. Ngay cả khi anh đã thành công, anh vẫn tự cắt bãi cỏ nhà mình.

 

Có bao nhiêu người trong chúng ta làm những việc mình làm hòng tìm kiếm sự chấp thuận hay chú ý từ người khác? Liệu chúng ta đi đến phòng tập gym để có được một cơ thể khỏe mạnh vì chính bản thân ta hay vì sự ngưỡng mộ của người khác? Có phải ta để người khác cắt cỏ cho mình bởi vì công việc ấy quá đỗi thấp hèn so với ta?

Ta mua một chiếc xe hơi đắt tiền vì bản thân mình hay vì cái hình ảnh mà ta muốn trưng ra? Chẳng có gì là sai với vẻ đẹp hình thể hay sự thành công hết cả, nhưng nó nên phản ánh con người đích thực của bạn, chứ không phải là nhu cầu gây ấn tượng với người khác.

Không Phán Xét

Có lẽ những ai từng nếm trải sự cay nghiệt từ những người khác sẽ hiểu rõ hơn về món quà của sự tử tế và không phán xét.

Forrest Gump là một người vô cùng thuần khiết và không hề phán xét. Ngay cả khi mối tình từ thời thơ ấu, Jenny, quay về quê nhà để gặp anh, thì ở đó cũng không hề có sự phán xét. Chỉ có sự chấp nhận, biết ơn, và tình yêu của Forrest Gump mà thôi.

Forrest Gump luôn nhìn thấy mặt tốt có trong mỗi con người – điều mà rất ít người trong chúng ta có thể làm được. Anh ấy có thể là một người khuyết tật, nhưng anh hiểu tình yêu là gì.

Nếu tất cả chúng ta có thể nhìn thấy thế giới theo cái cách mà Forrest Gump đã làm:

 

 

Chân Thành

Forrest Gump luôn luôn thành thật, bất kể người ta có thích điều đó hay không. Những gì bạn nhìn thấy là những gì bạn có. Không giả dối. Không nói nước đôi. Đây quả là một điều hiếm hoi trong xã hội hiện nay.

Vâng, tất cả chúng ta đều nói những lời nói dối vô hại lúc này hay lúc khác. Thường thì, mục đích của những lời nói dối thiện lương là để tránh làm tổn thương người khác. “Không đâu em yêu, vòng ba của em không hề quá khổ trong bộ cánh đó đâu.”

 

Mặc dầu vậy, hãy tưởng tượng mà xem, nếu như chúng ta có thể thành thật hơn. Nếu như chúng ta có thể tìm ra một cách, để nói sự thật một cách nhẹ nhàng. Có lẽ, về lâu về dài, ta sẽ tránh được những hiểu lầm và sự tổn thương. Có lẽ chúng ta sẽ tiến gần hơn tới những điều thực sự quan trọng?

Điều buồn cười là, sau tất cả những năm tháng ấy, tôi vẫn nghĩ về Melinda và hồi chúng tôi còn đi học. Tôi hiếm khi nào lại nhớ được tên của bọn con trai chơi cùng mình thưở ấy, nhưng tôi vẫn nhớ Melinda.

Sự duyên dáng ở người khác có một cách thức riêng biệt để làm nên điều đó. Nó sẽ ở lại với bạn qua năm tháng. Lòng tốt của cha tôi cũng là một loại duyên dáng. Và cả sự dịu dàng của bà ngoại Mary Murray của tôi nữa.  

Tôi đã cố gắng định hình hành vi và cuộc đời mình theo những người như cha tôi, bà tôi và thậm chí là cả Melinda. Đôi khi tôi thất bại, như tất cả chúng ta vẫn vậy, nhưng những kỷ niệm về họ đóng vai trò như chiếc kim chỉ nam đáng tin cậy.

Một trong những bài thơ yêu thích của tôi là Desiderata (tiếng Latin: “Khát vọng”) của Max Ehrmann.

Bài thơ nhắc nhở chúng ta cần phải hướng tới những lý tưởng cao đẹp. Để đối xử tử tế với mọi người, để chấp nhận người khác như chính con người của họ, và để tử tế với chính bản thân mình. Hầu hết đều là những điều mà Forrest Gump đã thực hiện.

Bên cạnh những bài học về Forrest Gump, bài thơ Desiderata đã tóm lược ý nghĩa của cuộc sống. Đây là một tác phẩm xuất sắc:

 

Bước đi lặng lẽ giữa ồn ào, vội vã,

và hãy nhớ rằng trong tĩnh lặng tồn tại sự yên bình.

Chừng nào còn có thể, mà chẳng cần nhượng bộ,

hãy đối xử tử tế với tất cả mọi người.

Hãy nói lên chân lý của mình rõ ràng và lặng lẽ;

và hãy lắng nghe những người khác,

bởi lẽ ngay cả kẻ khù khờ và ngu dốt; cũng có câu chuyện của riêng mình.

*

Hãy tránh xa những kẻ ồn ào và hung hăng; họ chính là nguồn cơn của những muộn phiền.

Nếu như đem bản thân so sánh với người khác, ta có thể sẽ thấy tự phụ hoặc cay đắng,

vì ở đời luôn có nhiều kẻ vĩ đại hoặc kém cỏi hơn ta.

*

 

Hãy tận hưởng các thành tựu cũng như những kế hoạch của mình.

Cứ tiếp tục yêu thích công việc của bạn, dù cho nó thật khiêm nhường

bởi đó chính là của cải của bạn giữa thăng trầm cuộc sống.

Hãy cẩn trọng trong các mối làm ăn,

vì thế gian này đầy thủ đoạn gian manh.

Nhưng đừng để nó che mắt ta khỏi những điều tốt đẹp;

bởi vẫn còn nhiều người tranh đấu cho những lý tưởng cao đẹp,

và khắp muôn nơi, cuộc sống vẫn đầy những vị anh hùng.

*

Hãy là chính mình. Và đặc biệt là đừng giả đò yêu thương

Nhưng cũng đừng yếm thế trước tình yêu;

bởi trước tất cả sự khô cằn và ảo mộng tan vỡ,

nó cũng bất diệt như là ngọn cỏ.

*

 

Hãy trân trọng lời chỉ bảo của tháng năm,

Và dịu dàng hiến dâng những gì thuộc về tuổi trẻ.

Hãy nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần

bởi đó là tấm lá chắn trước bất hạnh cuộc đời.

Nhưng đừng làm mình đau khổ với những tưởng tượng bi quan.

Nhiều nỗi sợ vốn dĩ được sinh ra từ sự mệt mỏi và cô đơn.

*

Ngoài việc nghiêm khắc với bản thân,

bạn cũng cần dịu dàng với chính mình.

Bởi vì ta là đứa con của Vũ trụ

cũng giống như cây cối và những vì sao;

ta xứng đáng có một chỗ trong đời.

Và dù bạn có thấy rõ điều này hay không,

thì Vũ trụ này đang mở ra đúng cách.

Vì thế hãy thuận theo ý Thượng đế,

bất kể bạn hình dung như thế nào về Người.

Và bất kể công việc và khát vọng của bạn là chi,

trong guồng quay hối hả của cuộc sống, hãy giữ sự thanh thản trong tâm hồn.

Với tất cả những điều giả dối, nỗi vất vả nhọc nhằn, và cả những giấc mơ tan vỡ,

Đây vẫn là một thế giới đẹp xinh.

Hãy vui lên. Và cố gắng để được hạnh phúc.

 

Thế còn bạn thì sao? Bạn định hình cuộc đời mình theo gương ai? Ai là người truyền cảm hứng cho bạn để trở thành một con người tốt đẹp hơn? Xây dựng một phiên bản mới tốt đẹp hơn của chính mình không bao giờ là quá muộn cả.

Có lẽ những bài học của Forrest Gump, hay sự thông thái của bài thơ Desiderata, sẽ giúp bạn hiểu ra ý nghĩa của cuộc sống.

Bởi vì, như bài thơ đã hùng hồn nhấn mạnh: “Với tất cả những điều giả dối, nỗi vất vả nhọc nhằn, và cả những giấc mơ tan vỡ, đây vẫn là một thế giới đẹp xinh.”

Tôi mong rằng bạn có thể trải nghiệm sự đẹp đẽ ấy trong cuộc đời mình.

Trước khi bạn đi

Bàn vẽ của tôi.

Tôi là John P. Weiss. Tôi vẽ hoạt họa, vẽ tranh và viết về cuộc sống. Bạn có thể đăng ký nhận bài viết của tôi ở đây.

Dịch bởi Hương Đào
menu
menu