Trầm cảm thay đổi cách chúng ta sử dụng trí nhớ của mình

tram-cam-thay-doi-cach-chung-ta-su-dung-tri-nho-cua-minh

Người mắc trầm cảm có nhiều ký ức tiêu cực hơn và bị chúng tác động nhiều hơn khi tưởng tượng về tương lai.

Cách chúng ta dùng trí nhớ/ký ức của mình để hình dung về tương lai của mình, và trầm cảm tác động đến nó như thế nào

Những điểm chính

  • Chúng ta dựa vào ký ức để mường tượng về tương lai của mình trông sẽ ra sao.
  • Người mắc trầm cảm có nhiều ký ức tiêu cực hơn và bị chúng tác động nhiều hơn khi tưởng tượng về tương lai.
  • Quan điểm tiêu cực này về tương lai có thể là một nguyên do tại sao người bị trầm cảm gặp khó khăn để đủ sức làm việc gì đó.

Mỗi người trong chúng ta liên tục sáng tác ra một câu chuyện về ta là ai, ta từng là ai, và chúng ta sẽ là ai. Chúng ta thường thấy mình hồi tưởng lại những sự việc mà ta từng trải qua và cố gắng dự đoán những tình huống trong tương lai của chúng ta. Các nhà khoa học gọi quá trình mà chúng ta nghĩ về quá khứ, rồi hình dung đến tương lai của chúng ta là “tư duy tự truyện.” Trên thực tế, một số nhà khoa học tin rằng mục tiêu của ký ức là giúp chúng ta dự đoán tương lai.

Khi nhớ lại chặng đường đời mình, chúng ta chắc chắn là sẽ hồi tưởng lại những sự việc tích cực lẫn tiêu cực mà ta từng kinh qua. Tuy nhiên, với những cá nhân được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm thì hồi ức về các sự kiện trong quá khứ thường đau khổ hơn: Những cá nhân có mức độ trầm cảm cao  thường xuyên đánh giá về các sự kiện quá khứ trong cuộc đời họ là nhiều tiêu cực và ít tích cực hơn so với những người có mức độ trầm cảm thấp (Anderson & Evans, 2015; Marsh et al., 2019). Những phát hiện này không có gì đáng ngạc nhiên, vì trong hầu hết trường hợp, trầm cảm nổi lên sau những sự kiện căng thẳng cực độ (ví dụ, mất người thân, biến cố đau thương nghiêm trọng). Nói cách khác, những cá nhân mắc trầm cảm thì có nhiều ký ức tiêu cực hơn, điều này có thể góp phần làm giảm khả năng thích ứng tâm lý và giảm sự tự tin về khả năng vượt qua những trở ngại trong cuộc sống (McAdams và McLean, 2013).

Ngoài việc hồi tưởng tiêu cực này về quá khứ thì những người trầm cảm còn bộc lộ kỳ vọng tiêu cực hơn đối với tương lai của chính họ. Những cá nhân với mức độ trầm cảm cao đánh giá về các sự việc được dự đoán trong tương lai là nhiều tiêu cực hơn, có ít suy nghĩ tích cực về tương lai, và nhìn nhận các sự kiện trong tương la là kém quan trọng hơn những cá nhân có mức độ trầm cảm thấp (Anderson & Evans, 2015; Marsh et al., 2019). Thái độ tiêu cực này đối với tương lai có khả năng ảnh hưởng đến tâm trạng và động lực của những cá nhân được chẩn đoán mắc trầm cảm: nếu bạn có những kỳ vọng tiêu cực thì khả năng cao là bạn sẽ cảm thấy buồn bã và nản lòng hơn—và nó khiến họ khó mà đủ sức để ra ngoài và làm điều gì đó. Những người bị trầm cảm ít tự tin vào khả năng của bản thân để thành công trong tương lai, và do đó tin rằng họ ít có khả năng đạt được những mục tiêu dài hạn, chẳng hạn như bỏ thuốc lá (Haukkala et al., 2000).

Thu hẹp khoảng cách giữa quá khứ và tương lai

Chưa có nghiên cứu nào trực tiếp kiểm tra xem liệu cách mà chúng ta nghĩ về quá khứ có ảnh hưởng đến cách ta nghĩ về tương lai của mình hay không. Hiểu được cách chúng ta dùng ký ức, trí nhớ của mình để mường tượng về tương lai của chúng ta sẽ giúp chúng ta khám phá ra những trải nghiệm trong quá khứ có thể định hình tương lai của chúng ta ra sao. Hơn nữa, hiểu được cách mà trầm cảm ảnh hưởng tới quá trình này có thể làm sáng tỏ những hiểu biết quan trọng có thể cải thiện khả năng điều trị trầm cảm của các chuyên gia sức khỏe tâm thần. 

Các nhà nghiên cứu Reuma Gadassi Polack, Tanya B. Tran, và Jutta Joormann (tác giả của bài viết này) đến từ khoa Tâm lý học trường đại học Yale và trường y Alpert thuộc đại học Brown tìm cách để đạt được mục tiêu này. Các nhà nghiên cứu xem xét liệu việc hồi tưởng lại những sự kiện trong quá khứ có liên quan đến kỳ vọng về tương lai ở những người bị và không bị trầm cảm hay không.

Chúng ta tin rằng quá khứ sẽ lặp lại  

Các nhà nghiên cứu đã xem xét 32 người trầm cảm và 32 người không bị trầm cảm. Những người tham gia đã hoàn thành một nhiệm vụ mà trong đó họ nhìn thấy cả các tín hiệu tích cực lẫn tiêu cực, rồi được yêu cầu hồi tưởng lại và miêu tả một ký ức tự truyện có liên quan tới tín hiệu.

Ví dụ, người tham gia được cho thấy tín hiệu tích cực về “một nỗ lực thành công” rồi được yêu cầu mô tả về một ký ức có liên quan đến tín hiệu này—trong trường hợp này, một ký ức tích cực về một lần mà họ cố gắng làm việc gì đó và đã thành công. Cũng thế, những tín hiệu tiêu cực chẳng hạn như “một ngày đầy căng thẳng” rồi yêu cầu những người tham gia mô tả về những ký ức tiêu cực về những sự kiện họ từng trải qua. Sau khi nhớ lại, người tham gia đánh giá ký ức về tính tích cực, tần suất mà sự kiện xảy ra với bản thân họ và với người khác, và—kiểm tra mối liên kết giữa ký ức và dự đoán sự kiện trong tương lai—khả năng tái diễn.

Đúng như dự đoán, những người tham gia trong nhóm trầm cảm đã báo cáo về các sự việc tiêu cực xảy đến với họ với tần suất cao hơn những người ở nhóm không bị trầm cảm, trong khi điều ngược lại thì đúng với những báo cáo về tần suất của các sự việc tích cực. Và phát hiện này—về một ký ức tiêu cực về quá khứ—đã mở rộng đến những kỳ vọng trong tương lai: Những người bị trầm cảm đã mong đợi sự việc tiêu cực tái diễn thường xuyên hơn sự việc tích cực, trong khi những người không bị trầm cảm thì mong đợi sự việc tích cực tái diễn thường xuyên hơn là sự việc tiêu cực (Gadassi Polack et al., 2020).

Một phát hiện thú vị khác được đưa ra khi những người tham gia được hỏi tần suất các sự kiện xảy ra với họ và với người khác. Những người tham gia bị trầm cảm đã đánh giá rằng các sự việc tiêu cực xảy đến với họ thường xuyên hơn so với những người khác, còn những sự việc tích cực xảy ra với họ thì ít gặp hơn so với người khác. Ngược lại, những người tham gia không bị trầm cảm đánh giá sự việc tích cực cũng thường xuyên xảy đến với họ giống như người khác, còn sự việc tiêu cực xảy ra với họ thì ít hơn so với người khác.

Điều này cho thấy trong khi những người không bị trầm cảm có thể cho rằng bản thân họ may mắn hơn người khác, thì người trầm cảm thường xem bản thân là kém may mắn hơn so với người khác. Điều này có thể gây ra cảm giác “khác biệt” ở những người trầm cảm khi họ xem bản thân mình là bất thường hoặc khác biệt so với người khác (Appelqvist-Schmidlechner et al., 2016). Điều này có thể làm tăng cảm giác cô đơn và lòng tự trọng thấp, củng cố những triệu chứng thường gặp ở bệnh trầm cảm.

Quan trọng là các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một mối liên kết giữa ký ức về quá khứ và kỳ vọng đối với tương lai. Các kết quả cho thấy đối với cả hai nhóm, những sự việc tích cực trong quá khứ từng xảy ra thường xuyên cũng được kỳ vọng là sẽ lặp lại trong tương lai. Tuy nhiên, chỉ những người trầm cảm mới tin rằng các sự việc tiêu cực đã từng xảy ra thường xuyên trong quá khứ rồi cũng sẽ lại tái diễn (ở tương lai).

Nói cách khác, chỉ có những người bị trầm cảm mới dựa vào các khía cạnh tiêu cực của quá khứ khi dự đoán tương lai. Vì người trầm cảm hồi tưởng lại những sự việc tiêu cực từng xảy ra với họ thường xuyên hơn người không bị trầm cảm, do đó mà họ có nhiều kỳ vọng tiêu cực hơn liên quan tới tương lai. Họ có nhiều kỳ vọng tiêu cực đối với các sự kiện xã hội và ít tự tin vào khả năng của mình để đạt được thành công trong tương lai.

Những gợi ý của nghiên cứu

Chúng là những kết quả khá quan trọng. Kiến thức mới về mối quan hệ giữa nhận thức về ký ức tự truyện và sự đoán sự việc trong tương lai ở bệnh trầm cảm có thể cung cấp hiểu biết sâu sắc về cách cải thiện những liệu pháp điều trị cho bệnh trầm cảm. Các kết quả thử nghiệm thêm vào tài liệu hiện có xoay quanh tư duy tự truyện hướng về quá khứ-và-tương lai bằng cách thiết lập mối quan hệ giữa chúng ở những cá nhân bị và không bị trầm cảm. Do đó những phát hiện này có gợi ý quan trọng sau:

  • Những người mắc trầm cảm có nhiều ký ức và dự đoán tương lai tiêu cực hơn người không bị trầm cảm, điều đó có thể góp phần gây ra sự tồn tại dai dẳng của tâm trạng tiêu cực là đặc trưng của bệnh trầm cảm.
  • Mối liên kết giữa việc hồi tưởng lại sự việc tiêu cực và những kỳ vọng về tương lai có thể giúp giải thích cho hành vi né tránh xã hội (ví dụ, không muốn ra ngoài đi chơi với bạn bè) ở những người mắc trầm cảm. Họ là những người hay nhớ lại nhiều ký ức xã hội tiêu cực hơn và vì thế mà cho rằng mình sẽ ít hứng thú với những buổi họp mặt, vui chơi.
  • Mức độ mà những người bị trầm cảm đặt những kỳ vọng về tương lai dựa trên nhận thức của họ về sự việc trong quá khứ có thể là một mục tiêu quan trọng để can thiệp. 

Từ dữ liệu được thu thập bởi Gadassi Polack, Tran, và Joormann, rõ ràng là những người trầm cảm đã đưa ra nhiều dự đoán tiêu cực về tương lai dựa trên sự hồi tưởng của họ về những sự việc tiêu cực trong quá khứ, trong khi những người không bị trầm cảm thì chủ yếu dựa trên những sự việc tích cực trong quá khứ của họ. Chúng tôi lạc quan về cách mà phát hiện này có thể mang lại những biện pháp can thiệp trong tương lai đối với bệnh trầm cảm.

Tài liệu tham khảo

Anderson, R. J. , & Evans, G. L. (2015). Mental time travel in dysphoria: Differences in the content and subjective experience of past and future episodes. Consciousness and Cognition, 37, 237–248. doi: 10.1016/j.concog.2014.05.006

Appelqvist-Schmidlechner, K., Wessman, J., Tuulio-Henriksson, A., & Luoma, M. (2016). “Experiences of otherness among students diagnosed with depression and/or anxiety disorder.” International Journal of Psychosocial Rehabilitation, vol. 20, no. 2, 39-54

Haukkala, A., Uutela, A., Vartianen, E., Mcalister, A., Knekt, P. (2000). “Depression and smoking cessation: The role of motivation and self-efficacy.” Addictive Behaviors, vol. 25, no. 2, 311-316, doi: 10.1016/S0306-4603(98)00125-7

Marsh, L. , Edginton, T. , Conway, M. A. , & Loveday, C. (2019). Positivity bias in past and future episodic thinking: Relationship with anxiety, depression, and retrieval-induced forgetting. Quarterly Journal of Experimental Psychology, 72 , 508–522. doi: 10.1177/1747021818758620

McAdams, Dan P., and McLean, Kate C. (2013) “Narrative Identity.” Current Directions in Psychological Science, vol. 22, no. 3, pp. 233–238, doi:10.1177/0963721413475622.

Reuma Gadassi Polack, Tanya B. Tran & Jutta Joormann. (2020) “What has been is what will be? Autobiographical memory and prediction of future events in depression.” Cognition and Emotion, 34:5, 1044-1051, doi: 10.1080/02699931.2019.1710467

 

Nguồn ảnh: Lisa Fotios/Pexels

Nguồn

https://www.psychologytoday.com/us/blog/thoughts-and-feelings/202103/depression-changes-how-we-use-our-memory

 

menu
menu