Trì hoãn nhưng cứ mãi nghĩ đó là sự tự do: Tự do kiểu thiếu tự chủ và vô tội vạ đang giết chết chính bạn

tri-hoan-nhung-cu-mai-nghi-do-la-su-tu-do-tu-do-kieu-thieu-tu-chu-va-vo-toi-va-dang-giet-chet-chinh-ban

Khi bạn trì hoãn, bạn có thể cảm thấy tốt trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài bạn sẽ phải khổ sở.

Sự trì hoãn xuất hiện từ khi nền văn minh hiện đại bắt đầu.

Các nhân vật lịch sử như Herodotus, Leonardo Da Vinci, Pablo Picasso, Benjamin Franklin, Eleanor Roosevelt, và hàng trăm người khác đã nói về sự trì hoãn là kẻ thù của hiệu quả.

Abraham Lincoln từng nói: "Bạn không thể thoát khỏi trách nhiệm của ngày mai bằng cách trốn tránh trách nhiệm ngày hôm nay."

Điều buồn cười về sự trì hoãn là tất cả chúng ta đều biết rằng nó có hại. Ai thực sự thích trì hoãn? Không ai thích làm điều đó. Tôi cũng vậy. Tuy nhiên, sự trì hoãn là câu chuyện của cuộc đời tôi. Khi tôi học đại học, mỗi học kỳ, đều sẽ xảy ra chuyện này:

 

Vào đầu mỗi học kỳ, tôi là một gã đàn ông ngầu nhất hệ mặt trời. Thư giãn, đi chơi, tận hưởng cực kỳ nhiều.

Tôi không trải qua bất cứ căng thẳng nào. Tuy nhiên, khoảng một tuần trước kỳ thi của tôi, tôi sẽ cuống cuồng. Tôi luôn tự trách bản thân: "Trời ơi, sao mình không bắt đầu sớm hơn trời?" Và rồi những gì tiếp theo là một cảnh tượng xấu xí của tôi, một đống Red Bull, nhốt mình trong phòng, cuống cuồng học.

Nghiên cứu cho thấy chính xác rằng: Khi bạn trì hoãn, bạn có thể cảm thấy tốt trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài bạn sẽ phải khổ sở.

Tại sao bạn lại trì hoãn không phải là vấn đề. Một số người rất thích sống trong áp lực của những deadline. Một số người thì lại sợ thất bại nên họ trì hoãn cho đến phút cuối cùng.

Một công bố đã được trích dẫn rất nhiều, được công bố trên tạp chí Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, bởi Dianne Tice và Roy Baumeister thảo luận về cái giá của sự trì hoãn. Nó liên quan đến:

- Tuyệt vọng

- Niềm tin phi lý

- Lòng tự trọng thấp.

- Lo lắng

- Áp lực

Trì hoãn không phải là hành vi vô tội. Nó là một dấu hiệu của sự thiếu tự chủ. Các nhà nghiên cứu thậm chí so sánh sự trì hoãn với lạm dụng rượu và ma túy.

Đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Và tôi đã trải nghiệm nó trong nhiều năm.

Những năm sau khi tôi rời khỏi trường đại học cũng là một cuộc đấu tranh về việc bắt đầu và kết thúc. Trì hoãn là một thói quen ngấm ngầm đi vào trong hệ thống của bạn.

Đây không phải là thứ dễ từ bỏ. Mỗi khi tôi có một ý tưởng kinh doanh hoặc muốn bắt đầu một cái gì đó, mọi chuyện lại diễn ra như sau:

 

Mỗi khi tôi có một ý tưởng hoặc một mục tiêu, tôi sẽ bắt đầu, nhưng trong quá trình thực hiện, mọi thứ sẽ đi theo một hướng khác. Tôi lại bắt đầu và mọi thứ trở nên hỗn loạn.

Những phiền nhiễu, những ý tưởng khác, những cơ hội khác, thất bại, những cuộc nói chuyện tiêu cực, ... sẽ cản trở.

Và kết quả luôn giống nhau: Bạn không bao giờ hoàn thành công việc.

Đánh bại sự trì hoãn

Các bằng chứng hiện tại cho thấy những người trì hoãn thích tận hưởng hơn là thực hiện các nhiệm vụ được giao, cho đến khi áp lực của deadline cận kề ngày càng tăng họ mới buộc phải đi làm. Theo quan điểm này, sự trì hoãn có thể xuất phát từ việc thiếu tự chủ. Do đó phải phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài để thúc đẩy công việc.

Tự chủ, tự giác, ý chí là tất cả những điều mà chúng ta đánh giá quá cao. Chúng ta nghĩ: "Yeah, tôi đảm bảo tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết trong 3 tuần."

Trong tâm trí của chúng ta, mình là thiên tài và có một tinh thần thép. Nhưng khi công việc đến, chúng ta né. Nếu bạn là một người trì hoãn, bạn không thể thôi trì hoãn công việc. Điều này áp dụng cho cả công việc lớn nhỏ. Tất nhiên là tất cả mọi người đều ngại vượt ra khỏi vùng thoải mái. Bạn phải có một sự can đảm để mạnh dạn bước ra khỏi nó.

Nhưng mà, bạn biết đó, bạn chẳng cần phải có một lòng can đảm mới có thể làm những việc nhỏ nhặt như thanh toán hóa đơn, in tài liệu cho sếp, tính thuế, ...

Sự thật là: Sự trì hoãn không liên quan gì đến những gì bạn đang cố gắng làm - dù nhỏ hay lớn, bởi vì công việc có thể để sau mà đúng không. Công việc luôn chờ chúng ta đúng không?

Đối với tôi, đây là sơ đồ quá trình làm việc:

 

Bạn nhìn thấy một khoảnh khắc giữa lúc bắt đầu và lúc kết thúc chứ? Tôi gọi đó là cái dốc trượt của sự trì hoãn. Khi bạn vấp phải một sự xao lãng. Và đó là khoảnh khắc bạn không còn quan tâm gì đến hiệu quả công việc nữa.

Khi bắt đầu một nhiệm vụ, bạn rất hào hứng, bạn tập trung, nhưng sau đó, sau một thời gian, bạn nghĩ: Hãy đọc tin tức xíu nào.

Sự trì hoãn luôn đến bằng một thứ gì đó.

Sau đó, bạn nghĩ: Mình cũng nên xem một tập Game Of Thrones. Sau đó, một video trên YouTube và sau đó là một video khác. Sau đó, lướt chút Instagram. Và rồi cứ vậy.

Và kết thúc luôn là một lời thề: "Đây là lần cuối cùng tôi lãng phí thời gian của mình!"

Ý chí không bao giờ hiệu quả. Nhưng hệ thống thì có thể. Những gì bạn thực sự cần là một hệ thống làm việc. Rất nhiều người không muốn làm việc theo một lịch trình cố định, hệ thống và rập khuôn vì họ muốn tự do.

Tôi xin lỗi vì đã làm bạn thất vọng: Tự do là kẻ thù của bạn. Thực tế là, nếu bạn muốn hoàn thành công việc, bạn cần có quy tắc. Một số điều mà nghiên cứu đã chứng minh là có hiệu quả là gì?

- Deadline tự đặt

- Hệ thống trách nhiệm (cam kết với bạn bè, hoặc huấn luyện viên).

- Làm việc/ học tập có thời gian.

- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày.

- Một chế độ ăn uống lành mạnh.

- Loại bỏ phiền nhiễu.

- Và quan trọng nhất: Động lực bên trong.

Nếu bạn kết hợp những chiến thuật trên đây một cách phù hợp, bạn sẽ có một hệ thống làm việc năng suất.

Deadline tạo nên những tình huống khẩn cấp, trách nhiệm sẽ tạo ra trách nhiệm, làm việc có thời gian giúp cải thiện sự tập trung, tập thể dục sẽ cho bạn nhiều năng lượng hơn, chế độ ăn uống lành mạnh và loại bỏ những phiền nhiễu sẽ đẩy lùi những cám dỗ.

Nhưng sẽ không có hệ thống nào có thể giúp bạn nếu bạn không có một động lực bên trong. Mọi người làm phức tạp cái khái niệm đó, nhưng thực ra nó rất đơn giản: Tại sao bạn phải làm những cái thứ mà hiện tại bạn đang làm?

Nếu bạn không biết câu trả lời: Hãy bịa ra một câu trả lời.

Nếu bạn biết tại sao bạn phải làm những việc này, thì thậm chí là những nhiệm vụ khó chịu nhất cũng trở nên có thể chịu được. Nó sẽ trở thành một phần của bức tranh lớn hơn.

Vì vậy, thay vì lao vào công việc, hãy lùi lại một bước, suy nghĩ về lý do tại sao bạn làm những gì bạn đang làm, và sau đó tìm một hệ thống hỗ trợ. Không cần phải làm quá phức tạp hay quá chi tiết. Chỉ cần khoa học.

 

Nguồn: https://dariusforoux.com/beat-procrastination/

menu
menu