Trong hố sâu

Ẩn dụ về trầm cảm đã trở thành chất xúc tác, và tôi bắt đầu tái tạo lại cách mình đối diện với khổ đau.
Gần đây, tôi nghe kể một câu chuyện về một người phụ nữ gọi điện cho bạn trong sự bình thản kỳ lạ, nói rằng cô đang đào một cái hố ở sân sau. Cô định nằm xuống trong đó và chết. Đó là một cơn khủng hoảng loạn thần. Nhưng tôi hiểu được cảm giác ấy.
Hồi đôi mươi, khi đang du học ở Đức, tôi rơi vào một trạng thái tồi tệ, khóc lặng lẽ giữa lớp học không rõ lý do, thu mình lại và dần dần mắc chứng ăn ói. Tôi tưởng chẳng ai để ý, nhưng rồi hai thầy giáo đã gọi tôi ra nói chuyện riêng. Một người hỏi tôi đang cảm thấy thế nào.
Tôi trả lời: “Ich fühle mich, als säße ich allein in einem Loch in der Erde und hätte keinen Ausweg.” – Tôi cảm thấy như đang ngồi một mình trong một cái hố dưới lòng đất, không có lối thoát. Thầy đáp lại: “Was ist falsch daran, eine Weile im Loch zu sitzen?” – Ngồi trong cái hố đó một thời gian thì có gì sai?
Góc nhìn ấy, thay vì cứ mãi ngước lên trời ao ước thoát ra, thì quay lại nhìn kỹ lớp bùn tôi đang ngồi trong đó, như một sự đầu hàng đầy cay đắng lẫn dịu dàng. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi cứ ngồi yên dưới đó, cùng với nỗi buồn và sự kiệt quệ, thay vì tiếp tục cào cấu vách tường, để móng tay đầy đất và máu? Biết đâu nó còn nhẹ nhàng hơn cuộc sống phía trên mặt đất.
Từ dạo ấy đến nay, đã gần ba mươi năm trôi qua, tôi đã nhiều lần bước vào rồi lại rời khỏi cái hố ấy.
Tôi đã nghe ẩn dụ về “cái hố” khi nói đến trầm cảm rất nhiều lần, từ bạn bè, chuyên gia tâm lý, và bây giờ là từ chính các thân chủ của tôi (vì sau đó tôi trở thành một nhà trị liệu). Hình ảnh ấy khơi gợi bóng tối, cô độc, tuyệt vọng và cảm giác bị mắc kẹt.
Việc ngồi trong hố và chấp nhận sự hiện diện của mình ở đó có thể là một ý tưởng gây tranh cãi. Nhiều người trong chúng ta được dạy rằng trầm cảm là một trạng thái sai hỏng, thứ mà ta phải tránh né, chống chọi, chiến thắng. Rằng nếu bạn bị trầm cảm, nghĩa là bạn có vấn đề.
Photo by Marcel Fagin/Unsplash
Tôi có thích cảm giác tuyệt vọng không? Không. Nhưng việc gọi đúng tên nó mang đến chút nhẹ nhõm, và mở ra một thôi thúc chăm sóc những cảm xúc ấy, thay vì chối bỏ chúng.
Như mọi điều trong cuộc đời mình, có lẽ tôi đã hiểu ẩn dụ ấy quá sát nghĩa, và đi quá xa.
Cuộc trò chuyện đầu tiên ấy, thật trùng hợp, lại diễn ra bằng tiếng Đức, một ngôn ngữ thô ráp như tình yêu nghiêm khắc, đã làm thay đổi góc nhìn của tôi, gieo vào lòng những hạt mầm đầu tiên. Nó chạm đến phần bản năng hoang dại trong tôi, phần luôn thôi thúc muốn khám phá mớ hỗn độn trong tâm trí và gắn kết nó với những bản năng cùng những chu trình tự nhiên.
Tôi trở về từ nước Đức và dành một mùa hè dưới nắng ấm Colorado, sống chậm lại, sống đơn giản hơn, ngồi với những cảm xúc chưa từng dám đối diện, và dành nhiều thời gian ngoài trời. Mọi thứ bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn, sáng trong hơn. Tôi tham gia một khóa học của Trường Lãnh đạo Hoạt động Ngoài trời Quốc gia (National Outdoor Leadership School), mang một ba lô nặng 70 cân qua suốt 21 ngày băng tuyết, kết nối với cây cối và chạm đến một cảm giác vững chãi sâu sắc, nhờ một kiểu khổ đau mới mẻ.
Rồi em gái tôi mất.
Nỗi đau buồn như cú đá quật ngã tôi, khiến tôi úp mặt xuống bùn lầy. Sarah khi ấy mới 11 tuổi, bị xe đâm khi đang dắt xe đạp qua một con đường bốn làn xe đông đúc. Oái oăm thay, trông em vẫn ổn, gần như không một vết trầy, chẳng có xương nào gãy. Dấu vết duy nhất là một vết lõm hình sao chổi trên má phải, một hố nhỏ với chiếc đuôi mờ kéo dài về phía miệng. Dù vẻ ngoài không đáng sợ, cú va chạm đã gây tổn thương nghiêm trọng đến não, đủ để khiến em hôn mê ngay tức khắc.
Tôi bay đến Wisconsin để gặp em, sống như một cái bóng vật vờ trong bệnh viện, sống nhờ vào những phần lasagna từ người lạ gửi tặng và niềm tin mong manh rằng “mọi chuyện xảy ra đều có lý do”. Tôi đã nắm tay Sarah khi em trút hơi thở cuối cùng, một tháng sau đó. Tại tang lễ, tôi đọc một đoạn trích từ tiểu thuyết My Ántonia (1918) của Willa Cather, nói về việc lặng lẽ ngồi trong đất, chờ đợi cái chết dịu êm để trở về với một điều gì đó bao la hơn. Tôi vừa đọc vừa nức nở: “Mặt đất dưới tôi thật ấm, và cũng ấm khi tôi bóp vụn nó qua từng ngón tay… Tôi giữ mình tĩnh lặng nhất có thể… Tôi chỉ là một thứ nằm dưới ánh mặt trời và cảm nhận nó, như những quả bí, và tôi chẳng muốn trở thành điều gì khác… Đó là hạnh phúc, được tan ra trong một điều gì đó trọn vẹn và lớn lao. Khi nó đến với ai, nó đến tự nhiên như giấc ngủ.”
Cái chết của em đã kéo tôi trở lại hố sâu.
Nỗi đau như đá tung tôi vào bóng tối, và tôi nằm sóng soài trong bùn đặc. Và trong khoảnh khắc tăm tối ấy, tôi nhận ra, thứ tôi đang than khóc không chỉ là sự ra đi của em gái. Mà là sự mất mát của cả một quãng đời.
Tôi nghĩ về tuổi thơ, lẽ ra nó phải như thế nào, và tôi đã sống tuổi thơ ấy ra sao, giữa một người cha nghiện rượu hay chửi bới và một người mẹ cam chịu. Ngay từ rất nhỏ, tôi đã học cách làm hài lòng mọi người, và bỏ rơi chính mình trong quá trình ấy. Giữa mớ hỗn độn vây quanh, tôi gần như không còn chỗ để thở. Tôi cảm thấy một khao khát âm thầm – khao khát làm công việc tỉ mỉ, chậm rãi và đầy nhẫn nại: gỡ rối từng chút một, xem điều gì đến từ đâu, điều gì thuộc về ai.
Những dòng chữ của Cather nhắc tôi nhớ rằng, đôi khi, sự tĩnh lặng chính là điều giúp ta nhìn rõ mọi chuyện. Tôi sống trong trạng thái lơ mơ, mộng du như thế suốt nhiều tháng trời.
Rồi tôi quay lại trường, lần này ở Oregon, trở về với guồng quay thường nhật, cố gắng cân bằng giữa việc học, công việc và chăm sóc bản thân. Tôi như vùng vẫy tuyệt vọng trong đủ mọi cách thức người ta vẫn hay nhắc đến khi nói về việc “đối phó với trầm cảm”: trị liệu tâm lý, thuốc chống trầm cảm, cố gắng nói chuyện cởi mở hơn với bạn bè về “vấn đề này”, làm việc như điên để không còn thời gian cảm nhận gì nữa. Mỗi lần thời gian trôi qua bất ngờ, tôi lại chợt nhận ra thế giới trở nên phẳng lặng và nhạt màu đến mức nào, rồi nước mắt lặng lẽ trào ra, và tôi uống.
Thỉnh thoảng, tôi tìm được chút bình yên trong những buổi leo núi bụi bặm, trong việc tình nguyện dẫn lũ học trò lớp sáu đi dạo giữa thiên nhiên, hay rải phân gà cho khu vườn đô thị của trường. Chính sự tiếp xúc với đất và sự mục rữa đã khiến tôi cảm thấy mình còn sống thật nhất.
Những tháng ngày ngồi trong hố, gỡ từng sợi chỉ cảm xúc, đã dẫn tôi đến một nhận thức: trầm cảm thường là một trạng thái rời rạc và lìa xa thân thể. Tôi chủ yếu sống trong đầu mình, bị cuốn vào những giấc mơ không thành, những nuối tiếc về quá khứ, hay nỗi sợ về những điều chưa đến. Khi tôi sàng đất bằng tay, tôi được kéo trở lại với thân thể, với hiện tại, nơi những suy nghĩ u ám không còn quá nhiều chỗ để lang thang. Chúng ta có thể ôm trọn tất cả, cả cảm giác mất chỗ đứng lẫn cảm giác đôi chân mình đang chạm đất, cùng một lúc.
Tốt nghiệp xong, tôi chuyển tới New York. Bóng tối lại quay về mỗi khi tôi cảm thấy bị bỏ rơi hay không được ai thấu hiểu, hoặc khi công việc trở nên quá tồi tệ, như lần tôi phải đối mặt với một trải nghiệm kinh hoàng đầy giận dữ khi bị quấy rối tình dục. Tôi cảm thấy mắc kẹt và kiệt sức. Những đêm một mình đi bộ qua Central Park, tôi cầm một viên đá sắc cào lên cánh tay, như để nhắc mình về ranh giới giữa việc tồn tại và rỉ máu, rồi thầm hy vọng một điều tồi tệ nào đó sẽ xảy ra.
Nhờ trị liệu và những buổi họp nhóm Al-Anon, tôi bắt đầu nhận ra rằng nỗi đau buồn sâu thẳm, cơn giận và sự bức bối tích tụ trong suốt cuộc đời tôi vốn chưa từng có lối thoát. Thay vì được giải tỏa, chúng cứ vang dội giữa làn da và xương cốt, thì thầm rằng tôi không thuộc về nơi này. Tôi bắt đầu khai quật lại những cảm xúc ấy, và học cách biểu đạt chúng một cách lành mạnh và điều độ hơn. Đó là một vùng đất mới, lạ lẫm và không hề dễ chịu.
Những người bạn cùng phòng cũ ở Oregon đến thăm tôi, và họ để lại một cuốn sách: When Things Fall Apart (1996) của Pema Chödrön, một nữ tu Phật giáo Tây Tạng sinh ra ở Mỹ. Tôi gập mép trang ở đoạn này: “Nếu ta sẵn lòng từ bỏ hy vọng rằng sự bất an và khổ đau có thể bị tiêu diệt, thì ta sẽ có đủ can đảm để thả lỏng trong chính sự vô định của mình. Đó là bước đầu tiên trên hành trình.”
Tôi thấy mình được thấu hiểu qua món quà ấy. Và những suy tư của Chödrön khiến tôi nhớ ra rằng: ta có thể ôm trọn tất cả, cả sự chông chênh lẫn cảm giác bàn chân mình đang chạm đất, cùng một lúc, miễn là ta mang theo một chút tò mò và lòng từ bi với chính mình trong bất kỳ điều gì ta đang khám phá. Tôi nghỉ việc làm báo và bắt đầu dạy làm vườn cho lũ trẻ tiểu học.
Cuối cùng, tôi rời New York để học cao học ngành khoa học môi trường ở Connecticut.
Nhưng càng học, tôi càng gặp nhiều cơn hoảng loạn. Một nhà trị liệu từng gợi ý tôi dùng lithium. Nhưng thay vào đó, tôi chuyển hướng sang học bằng trải nghiệm: thu thập mẫu đất ngập nước trong vai trò trợ lý nghiên cứu, và ấp ủ kế hoạch biến một khu đất từng là nông trại thuốc súng (được dùng để thử nghiệm và lưu trữ đạn dược trong Thế chiến thứ hai) thành công viên công cộng. Tôi dành thời gian lang thang ra vào các boong-ke đất, kiểm tra vật liệu độc hại và tưởng tượng những con đường mới giữa rừng thông. Những ẩn dụ cứ thế sinh sôi không ngừng.
Tôi vẫn còn ở trong hố, nhưng đã thường xuyên ngoi lên mặt đất hơn. Tôi bắt đầu nhìn thấy những suy nghĩ và cảm xúc của mình đan kết thành một mạng lưới phức tạp. Một ngày tôi có thể hân hoan, nhưng ngay hôm sau lại chìm trong nỗi đau sâu hoắm. Tôi nhận ra mình có thể đồng thời là nhiều điều. Và chứng lo âu hóa ra là một hệ thống tinh vi, nguyên thủy, được não bộ bày ra để “bảo vệ” tôi khỏi sự tổn thương và nỗi bất an khi mọi thứ đổi thay. Nếu tôi không trầm cảm nữa, tôi sẽ là ai? Phần nào trong con người tôi sẽ đứng dậy, chiếm lấy khoảng trống mà nỗi buồn từng lấp đầy?
Tro trở về với tro. Ngồi lại với trải nghiệm trong hiện tại, ngay giữa lòng hố sâu, đã giúp tôi nhìn rõ hơn, tháo gỡ nhẹ nhàng, và tiêu hóa trọn vẹn những cảm xúc mãnh liệt, để chúng không bùng ra theo những cách méo mó, hay dâng tràn như nước sau con đập nứt vỡ.
Tôi trở lại Colorado, dành nhiều thời gian hơn cho những chuyến đi bộ đường dài và thực hành chánh niệm. Tôi tốt nghiệp bằng thạc sĩ tư vấn tâm lý tại một trường đại học Phật giáo, nơi tôi học được rằng suy nghĩ giống như những đám mây trôi trên bầu trời: có đám xám xịt, u ám; có đám bồng bềnh, vui tươi, mang hình thù thú vị. Và cảm xúc thì như sao chổi, có thể đến dữ dội, rồi dần nhạt phai.
Có một ẩn dụ trong Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết, một phương pháp ra đời từ những năm 1980 do nhà tâm lý Steven Hayes phát triển, mang tên “Người ở trong hố”. Trong đó, mọi thứ bạn làm để cố trèo ra khỏi cái hố ấy thực chất chỉ khiến bạn lún sâu hơn. Nhưng nếu bạn chỉ đơn giản là hiện diện, như một quả bí đang mục dưới ánh mặt trời, bạn sẽ thấy lòng mình dịu lại.
Trầm cảm trong tôi là một khát khao được bén rễ, được vươn cành, rồi cuối cùng tan biến đi. Qua bao năm tháng, tôi đã học được rằng, chậm lại và nhìn mọi thứ bằng lòng tử tế chính là phép màu. Nó cho phép nỗi buồn, cô đơn, hổ thẹn và sợ hãi được hiện diện và tan dần đi, để nhường chỗ cho những điều vượt khỏi khổ đau. Nếu khi ấy tôi chỉ chăm chăm tìm cách thoát khỏi cái hố, từ chối chấp nhận mình là người đang trầm cảm, thì hẳn tôi vẫn đang lê lết mang theo một chiếc xẻng nặng trĩu, đôi tay rớm máu, hơi thở cạn kiệt. Và sự sống có lẽ đã sớm bị vắt kiệt khỏi tôi.
Sự chấp nhận, lần đầu tiên được gieo vào tôi bởi người thầy dạy tiếng Đức trong buổi gặp gỡ vừa vụng về vừa bừng sáng năm xưa, nay đã thấm sâu vào máu thịt. Nó đã hình thành nên con người tôi hiện tại, một nhà trị liệu dựa trên chánh niệm và thiên nhiên, biết nâng niu những điều đẹp đẽ.
Những khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời tôi là khi được ngồi giữa đất trời. Chỉ mới hôm trước thôi, tôi đang làm việc ngoài trời với một thân chủ đang trầm cảm. Những buổi đi bộ trò chuyện như thường lệ bỗng trở nên quá vội vã, năng lượng trong người bạn ấy như đang cần được lắng xuống. Thế nên chúng tôi dừng lại, tìm một nơi để ngồi. Chúng tôi băng qua một vùng đất ngập nước, nhẹ nhàng bước qua từng mảng bùn và đám cỏ ướt, cho đến khi tìm được một khoảng đất cao hơn. Khi tôi dẫn bạn ấy bước vào thiền, một tay tôi đặt lên mặt đất mềm ẩm. Bạn ấy tiếp tục lặng lẽ theo dõi những cảm giác, suy nghĩ và cảm xúc trong cơ thể, và một làn sóng biết ơn dâng trào trong tôi.
Tôi có thể chết hạnh phúc tại đây, tan vào đất, giữa tiếng ễnh ương, trong nắng ấm vờn da. Trầm cảm, theo nhiều cách, là khát vọng được trở thành một phần của điều gì đó lớn hơn, được cắm rễ, được bung cành, rồi một ngày tan rã, hay từ từ chuyển hóa thành chất mùn nuôi dưỡng, để rồi hòa mình vào lòng đất.
Tác giả:
Tasha Eichenseher là một nhà trị liệu tâm lý tại bang Colorado, Hoa Kỳ, chuyên trị liệu dựa trên thiên nhiên và phương pháp EMDR (Giải mẫn cảm và Tái xử lý bằng chuyển động mắt). Bà có hơn 20 năm làm nghề báo trong lĩnh vực khoa học và sức khỏe, với các bài viết từng xuất hiện trên National Geographic, Discover và Vox.
Nguồn: In the hole | Psyche.co