Tư thế ngồi & Sức khỏe tâm thần

tu-the-ngoi-suc-khoe-tam-than

Theo thời gian, sự lười biếng đối với việc cải thiện tư thế có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần.

“Ngồi thẳng lưng lên!”

Từ khi còn nhỏ, chúng ta thường được nhắc nhở hãy giữ một tư thế ngồi tốt để có phong thái đẹp. Tuy nhiên, việc ngồi thẳng lưng và đúng tư thế không chỉ dừng ở nguyên nhân xây dựng một ngoại hình đẹp hay sức khỏe thể chất tốt mà còn có liên quan mật thiết đến sức khỏe tâm thần. Theo thời gian, sự lười biếng đối với việc cải thiện tư thế có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần.

TƯ THẾ NGỒI VÀ SỨC KHỎE TÂM THẦN

Việc ngồi thẳng lưng có thể tạo nên sự khác biệt trong tâm lý của chúng ta. Nếu bạn đã từng thử tập yoga, bạn có thể đã nghe nói về “power poses” - tư thế quyền lực - tư thế thẳng đứng giúp tăng cường năng lượng và sự tự tin. Hoặc trong các tình huống đời thường, bố mẹ có thể đã từng yêu cầu bạn “ngồi thẳng lưng hoặc không gù lưng”. 

Chuyển sang khía cạnh khoa học, một nghiên cứu của Đại học bang San Francisco đã xem xét cách sinh viên hồi tưởng và suy nghĩ về những trải nghiệm trong quá khứ (cả tốt và xấu). Nhóm này được yêu cầu nhớ lại những trải nghiệm tiêu cực và tích cực trong hai trường hợp - một lần là khi ngồi thẳng lưng, lần còn lại khi cúi người xuống. Kết quả cho thấy 86% sinh viên đang ở trong tình trạng ngồi gục xuống cảm thấy dễ nhớ lại những cảm xúc/trải nghiệm tiêu cực hơn. Ngược lại, 87% sinh viên nhận thấy việc nhớ lại những trải nghiệm tích cực khi ngồi thẳng lưng dễ dàng hơn nhiều.

Ý tưởng tương tự có thể được áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của bạn. Luôn ngồi gù xuống có thể gây ra những vấn đề mà bạn có thể không ý thức được. Thông thường, ngồi cúi người xuống được coi là một tư thế của sự thất bại. Ý niệm này đến từ định kiến rằng tư thế sẽ phản ánh kết quả bạn có. Và không có gì ngạc nhiên khi những cảm xúc tiêu cực và những ký ức trong quá khứ có thể bắt đầu xuất hiện trở lại nếu bạn thả lỏng người và gù lưng.

Thậm chí, dù là bạn có tập thể dục thường xuyên, ngồi nhiều vẫn có thể ảnh hưởng xấu đối với sức khoẻ tâm thần.  

TƯ THẾ NGỒI VÀ TRIỆU CHỨNG LO ÂU, TRẦM CẢM

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra mối tương quan rõ ràng giữa tư thế và các triệu chứng lo âu. Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy rằng việc ngồi thẳng giúp cải thiện một số triệu chứng lo âu, căng thẳng và trầm cảm.

Lo lắng, căng thẳng hay trầm cảm đều là những tình huống cần được xem xét. Thông thường, chúng ta thường khắc nghiệt với bản thân và cảm thấy vô vọng khi đối mặt với quá trình này. Tuy nhiên, không phải tất cả hy vọng đều mất đi. Khi bạn thử thực hiện những thay đổi nhỏ như ngồi thẳng lưng và giữ tư thế ngồi này kiên trì, nó có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Chúng ta có thể dành hàng giờ để ngồi gù lưng mà không hề nhận ra, nhưng hãy thử nhắc bản thân trong một giây rằng “hãy ngồi thẳng” và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Đó là một quá trình đòi hỏi sự luyện tập và kỷ luật cao nhưng kết quả lại vô cùng đáng giá.

TƯ THẾ NGỒI VÀ SỨC KHỎE THỂ CHẤT

Không chỉ trạng thái tinh thần và suy nghĩ của một người có thể bị ảnh hưởng bởi các tư thế không tốt mà thể chất cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố này. Khi chúng ta liên tục ngồi gù lưng khi làm việc hoặc thậm chí thư giãn, về lâu dài, lưng, cổ, hông và vai của chúng ta đều sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta có thể bị cong vẹo cột sống, lệch đốt sống dẫn đến thoái hoá. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể mắc các bệnh liên quan đến các bó cơ ở cổ hay bị gù lưng, cổ rùa,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngoại hình và sức khỏe.

Giữ gìn tư thế ngồi đúng mang lại rất nhiều lợi ích. Ngồi thẳng dậy có thể giúp chúng ta giữ thăng bằng tốt và mang lại hình thể cân bằng bạn, đặc biệt là khi tập thể dục. Tư thế ngồi xấu sẽ ảnh hưởng đến cột sống, các cơ xung quanh cổ vai, các vùng quanh hông và xương chậu, khiến chúng ta dễ gặp chấn thương hơn khi chơi thể thao hoặc tập các bài tập thể dục. 

Ngoài ra, việc ngồi sai tư thế (cúi gằm mặt, gù lưng, nằm dài ra bàn) còn có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và oxy trong cơ thể. Điều này khiến bạn khó tập trung hơn và có thể dẫn đến mệt mỏi. Thậm chí, lưu lượng máu giảm còn gây ra nguy cơ bị ợ nóng hoặc mắc phải các vấn đề sức khỏe khác.

Cũng cần phải nói thêm rằng sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu như thể chất của bạn không được duy trì trong trại thái tốt, bạn cũng sẽ gặp phải những vấn đề về tâm lý. Nếu cơ thể của một người không được chăm sóc, tâm trí của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ với các thiết bị điện tử làm tăng cao các nguy cơ không chỉ là ở tư thế ngồi mà còn ở các điều kiện tư thế khác. Công nghệ và tương lai của sức khoẻ tâm thần như thế nào? 

LỢI ÍCH CỦA VIỆC DUY TRÌ DÁNG NGỒI TỐT

Dưới đây là những lợi ích của việc ngồi thẳng, bao gồm:

  • Tăng cường năng lượng.
  • Giúp duy trì sự tập trung và tâm trạng tốt hơn.
  • Tăng sự tự tin.
  • Thúc đẩy những cảm xúc và suy nghĩ tích cực thay vì những suy nghĩ tiêu cực.
  • Có hiệu suất làm việc tốt hơn và bền bỉ hơn.
  • Giúp ích trong việc điều trị chứng trầm cảm.

Mẹo Giúp Bạn Duy Trì Tư Thế Ngồi Tốt

Có những kỹ thuật khác nhau và những hành động bạn giúp cải thiện tư thế. Hãy nhớ rằng, việc luyện tập tư thế tốt cần có nỗ lực và kỷ luật. Nếu bạn thực hiện những thói quen sau, cả tâm trí và cơ thể của bạn sẽ trở nên tốt hơn rất nhiều:

  • Di chuyển nhẹ nhàng sau mỗi khoảng 20 phút ngồi yên hoặc lâu hơn để thiết lập lại tư thế và lưu lượng máu (có thể đặt hẹn giờ nếu cần)
  • Đặt TV hoặc màn hình gần hơn ở một vị trí phù hợp tầm nhìn. Bởi nếu bạn để tivi hay màn hình quá xa, bạn sẽ phải khom người lại để nhìn chúng và về lâu dài, chúng sẽ tạo thành tư thế ngồi sai.
  • Khám mắt hoặc đo mắt nếu bạn thường xuyên khom lưng hoặc di chuyển đầu về phía trước để nhìn mọi thứ.
  • Hãy thử các bài tập cải thiện tư thế ngồi, có rất nhiều bài tập như yoga có thể cải thiện tư thế và ngoại hình. Ngoài ra bạn cũng có thể đứng dựa vào các bề mặt phẳng như (tường, tủ) ít nhất 1 lần một ngày để duy trì tư thế thẳng lưng.

Nguồn: MontareBehavioralHealth - How Posture Influences Your Physical and Mental Health

Dịch bởi: Tâm lý Việt Pháp

menu
menu