Về thói quen ‘vạch lá tìm sâu’ - luôn tập trung vào khuyết điểm của người khác

ve-thoi-quen-vach-la-tim-sau-luon-tap-trung-vao-khuyet-diem-cua-nguoi-khac

Khó khăn trong việc cố gắng xác định chính xác hành vi được gọi là vạch lá tìm sâu - được định nghĩa là một sự ám ảnh vào những lỗi lầm và khuyết điểm của người khác

Khó khăn trong việc cố gắng xác định chính xác hành vi được gọi là vạch lá tìm sâu - được định nghĩa là một sự ám ảnh vào những lỗi lầm và khuyết điểm của người khác - đó là ai ai cũng đều có vô vàn những điều liên tục gây khó chịu. Dù cho chúng ta có mong ước điều ngược lại diễn ra chăng nữa, thì những thiếu sót của con người vẫn luôn tồn tại như một quy luật bất biến. Người này có giọng cười khó nghe, người kia nói chuyện lê thê, người thì quá sợ sệt, người lại hơi phô trương, có người quá thực dụng mà cũng có người lúc nào cũng ở trên mây.

Vì thế có thể mất khá lâu để một người nhận ra rằng họ có mang tính cách - hoặc trong bản chất của họ - là một người vạch lá tìm sâu: thông thường, một người không tự nhiên phát hiện ra thiếu sót này hay khuyết điểm kia ở người khác, nhưng có những người mang nhu cầu (một cách có hệ thống và ám ảnh) trong việc tìm ra những điều tệ hại ở người khác như một cách để tự phòng vệ trước những rủi ro của sự thân mật; có những người mang khao khát khẳng định tất cả mọi người đều không đáng để bận tâm chỉ để đảm bảo rằng bản thân sẽ không bị bất cứ ai làm tổn thương (một lần nữa).

Lesser Ury, Reader with Magnifying Glass, 1895

Chừng nào còn suy nghĩ mọi người đều mang nhiều khuyết điểm và thiếu sót, thì sẽ chẳng tồn tại nhu cầu bước vào một mối quan hệ. Chừng nào còn coi tất cả đều chẳng có gì tốt đẹp, thì sẽ luôn có một lý do thuyết phục để ở một mình - trong khi dường như lúc nào cũng tuyệt vọng tìm kiếm sự kết nối, điều mà người ta cho là đã bị ngăn chặn bởi những tiền lệ đáng tiếc của giống loài chúng ta.

Điều đáng buồn là lý do tạo ra những người chuyên vạch lá tìm sâu: bởi vì ai đó, có thể là bố mẹ của họ, đã liên tục bắt lỗi họ một cách quá đáng. Mặc dù hầu hết trẻ em ở khắp nơi đều vô cùng dễ mến, song những bậc cha mẹ chuyên vạch lá tìm sâu lúc nào cũng có thể phát hiện ra rằng đứa trẻ này quá trầm tính, đứa kia học dốt toán, đứa thì không vận động thể thao đủ nhiều còn đứa lại trông xấu xí khi nhìn từ phía bên trái. Và kết quả không tránh khỏi với việc luôn bị nhìn thấy lỗi lầm đó là những đứa trẻ ấy lớn lên và trở thành người miệt mài đi tìm khuyết điểm của những người xung quanh (và dĩ nhiên là của chính bản thân họ). Nếu không có ký ức về một mối quan hệ bao dung hợp lý an toàn với người khác, vạch lá tìm sâu sẽ không chỉ là một khuynh hướng trí tuệ mà còn là một điều tất yếu về cảm xúc.

Thứ mà một người vạch lá tìm sâu quên mất đó là tình yêu không liên quan đến việc tìm ra khuyết điểm, mà là sự rộng lượng trước những khuyết điểm. Điểm phân biệt một người vạch lá tìm sâu với một tâm hồn bao dung không phải là số lượng thiếu sót mà họ nhìn thấy; mà là cách họ diễn giải chúng. Tuy nhiên chúng ta cũng nên nhấn mạnh rằng những người có tâm hồn bao dung không hẳn là “người tốt hơn”; thế thì lại đang bắt lỗi chính những người hay bắt lỗi. Chỉ đơn giản là những người này đã có một tuổi thơ dễ dàng hơn rất rất nhiều.

Hoàng Dung dịch

Nguồn: https://www.theschooloflife.com/article/on-always-finding-fault-with-others/?/

menu
menu