Về việc ‘Bị kích động’
Hiện tượng “bị kích động” – dù đôi khi bị áp dụng quá rộng rãi – thực ra lại dựa trên một khái niệm vô cùng quan trọng trong đời sống tâm lý con người, ...
Hiện tượng “bị kích động” – dù đôi khi bị áp dụng quá rộng rãi – thực ra lại dựa trên một khái niệm vô cùng quan trọng trong đời sống tâm lý con người, đòi hỏi sự tôn trọng, lòng trắc ẩn và sự chú ý của chúng ta. Về bản chất, bị kích động là khi ta phản ứng bằng nỗi sợ hãi và cơn giận dữ mãnh liệt trước một tình huống ở hiện tại, điều mà với người khác có thể hoàn toàn vô hại và chẳng đáng bận tâm. Chỉ trong tích tắc, ta từ trạng thái bình yên bị ném thẳng vào tuyệt vọng và kinh hoàng; chỉ vài phút trước, tương lai còn đầy hy vọng, vậy mà giờ đây chỉ thấy toàn sự sụp đổ và thảm họa trước mắt.
Hầu hết những người thường xuyên rơi vào trạng thái này đều khao khát có thể bình tâm và nuôi dưỡng hy vọng tốt hơn. Biết lo lắng hay tức giận khi tình huống thật sự đòi hỏi là điều cần thiết. Nhưng (như bản thân người bị kích động thường tự nhận ra sau mỗi lần trải qua) việc bị cuốn đi bởi những cảm xúc mãnh liệt không phù hợp với thực tại chẳng những không giúp ích gì cho chúng ta mà còn vô cùng kiệt sức và phản tác dụng.
Photo by Capture Moments on Unsplash
Lối thoát khỏi việc bị kích động một cách mất kiểm soát là hiểu rõ cơ chế này hoạt động như thế nào. Tâm trí sẽ bị kích động khi nó tin rằng nó nhận ra trong thế giới xung quanh một tình huống từng được ghi nhớ là rất nguy hiểm và tổn thương. Những gì kích động ta chính là dấu chỉ bí mật của quá khứ: chúng kể cho ta nghe về những điều ta từng rất sợ hãi. Yếu tố gây kích động giống như một mảnh ghép sẽ khớp chính xác với một phần tương tự trong ký ức xưa cũ. Ta bị kích động bởi những gì đã từng làm ta suy sụp từ rất lâu rồi.
Ngay cả khi ta không còn nhớ rõ quá khứ của mình, ta vẫn có thể suy luận ngược lại từ những gì khiến mình bị kích động. Nếu ta luôn cảm thấy sợ hãi rằng mình sẽ bị cô lập và chế giễu, thì rất có thể, điều đó – theo một cách nào đó – đã xảy ra với ta trong quá khứ. Nếu ta luôn hoảng loạn trước ý nghĩ ai đó sẽ lấn át mình, sẽ phớt lờ lời từ chối của mình, thì đó gần như chắc chắn là tiếng vọng từ một trải nghiệm xưa cũ. Mối liên hệ giữa những gì kích động ta và sự kiện đã diễn ra có thể không hoàn toàn giống nhau, nhưng sẽ rất chặt chẽ. Kích động chính là nơi chứa đựng và phác họa lại một ký ức đau thương.
Hãy tưởng tượng một người bị kích động, tức là bị ném vào nỗi tuyệt vọng và cảm giác tự ghê tởm bản thân khi nhìn thấy hình ảnh những người xinh đẹp, nổi tiếng trên mạng xã hội. Ngay khi nhìn thấy những hình ảnh đó, họ lập tức nghi ngờ bản thân, khinh miệt chính mình, rồi nhớ lại tất cả lý do tại sao mình mãi mãi chỉ là kẻ thất bại, không được yêu thương.
Điều kích động họ không hoàn toàn là “không có gì”. Quả thực có chút gì đó đáng chán nản trong những cuộc diễu hành sắc đẹp vô nghĩa trên mạng xã hội. Nhưng vấn đề là ở mức độ phản ứng của họ. Để lý giải điều này, ta cần quay lại quá khứ. Người này bị kích động vì sự kiện hiện tại – dù được mã hóa, ngụy trang và vô thức – vẫn chứa đựng bản chất của một mối quan hệ đầy tổn thương trong cuộc đời họ, thứ mà họ chưa từng nhận ra và khám phá. Chính vì thế, nó nắm quyền kiểm soát và chi phối họ một cách dữ dội.
Hãy giả sử rằng người này từng có một người mẹ luôn thiên vị đứa em út vui vẻ, hoạt bát hơn mình, và vẻ ngoài của họ chính là một phần lý do khiến họ phải chịu đựng sự lạnh nhạt và bỏ rơi. Trong hoàn cảnh đó, chỉ cần một dấu hiệu nhỏ thôi cũng có thể đưa họ trở về thời điểm đau thương ấy. Ta là loài vật có khả năng đánh hơi thấy mối nguy hiểm xưa cũ dù chỉ là dấu vết mong manh nhất trong hiện tại.
Bi kịch của việc bị kích động nằm ở chỗ nó không nhận ra sự khác biệt giữa “khi xưa” và “bây giờ” – giữa những đau khổ ta từng trải qua và sự vô hại tương đối của khoảnh khắc hiện tại. Khi có điều gì xấu xảy ra, sự kích động cũng bỏ qua một sự thật quan trọng: rằng ta không còn là đứa trẻ năm xưa nữa, và giờ đây ta có thể đối mặt với hiểm nguy bằng nhiều sự sáng tạo, sức mạnh và bình tĩnh hơn hẳn khi ta mới bốn hay mười tuổi. Dù có tệ đến đâu đi nữa, ta cũng đã có thêm biết bao lựa chọn, và vì thế có biết bao lý do để không còn cảm thấy hoang mang và dễ tổn thương như trước.
Bị kích động là đánh mất khả năng phân biệt của mình. Trong cơn bão cảm xúc, ta không thể tách bạch giữa A và B. Chỉ cần A quá đáng sợ, ta sẽ coi mọi thứ từ B đến Q đều chẳng khác gì A. Ta không thể nhận ra rằng người kia không hề buộc tội mình, tình huống này không phải là dấu hiệu của thảm họa, rằng ta không bị chế giễu, không bị công kích, rằng ta không phải kẻ đáng bị trừng phạt hay là một kẻ ngu ngốc, xấu xa. Ta không phân biệt nổi giữa vẻ mệt mỏi thường ngày và sự kém cỏi hoàn toàn, giữa điều khiến ai đó bị ngồi tù và việc ta làm mà chẳng ai để ý. Quá khứ đã làm ta trở nên nhạy cảm với những kịch bản tồi tệ đến mức ta không thể không tìm thấy chúng ở khắp mọi nơi – nhất là khi ta đang mệt mỏi hay suy sụp.
Dù ta có thể nghĩ rằng mình muốn trốn chạy khỏi những điều khiến ta “bị kích động”, nhưng chính chúng lại thu hút ta bởi một cảm giác quen thuộc đến kỳ lạ và đầy ám ảnh. Bình yên và tự tin không phải là trạng thái thường trực của ta; chúng không mang lại cảm giác quen thuộc và do đó lại trở thành một nỗi bất an theo cách riêng của mình. Ta muốn những linh cảm tồi tệ được khẳng định. Đôi khi, thật “đúng” khi tự đặt mình vào những môi trường có thể khiến ta bị chế giễu, tìm kiếm những câu chuyện về thất bại và đổ vỡ, hay kết bạn với những người luôn sẵn sàng hạ thấp ta. Khi tâm trạng u ám và buồn bã, ta có thể tìm đến chính trang mạng mà ta biết sẽ làm mình tổn thương, hoặc gọi cho người mà ta biết chắc sẽ khiến mình bất an.
Phương thuốc chữa lành cho sự kích động chính là tình yêu – một tình yêu được hiểu như quá trình kiên nhẫn ôm lấy một ai đó, và giống như một bậc cha mẹ hiền từ, dịu dàng, giúp họ phân biệt rạch ròi giữa trắng và đen, nỗi sợ hãi và bình tâm, cái ác và điều thiện. Phương thuốc ấy còn nằm ở việc học cách lần tìm ngược lại từ những gì đang khiến ta kích động ở hiện tại đến những động lực sâu kín đã hình thành chúng từ thuở nào. Thay vì tiếp tục lo lắng về tương lai, ta hãy tự đặt cho mình một câu hỏi đơn giản: Nỗi sợ hãi về điều sắp xảy ra đang tiết lộ điều gì về những gì đã từng xảy ra? Kịch bản nào trong quá khứ ẩn chứa trong nỗi bất an về tương lai của ta?
Vượt qua được sự kích động là khi ta có thể tự do bước đi trong hiện tại với tất cả sự tự tin và niềm tò mò háo hức đáng lẽ đã thuộc về ta từ thuở ban đầu. Và sự trưởng thành có lẽ chính là: hiểu rõ điều gì kích động mình và vì sao, cùng với cam kết sẽ xoa dịu những phản ứng đầu tiên trong ta, để nhường chỗ cho một hành trình kiên nhẫn khám phá và thấu hiểu quá khứ.
Nguồn: ON BEING ‘TRIGGERED’ – The School Of Life