Vì sao ai cũng cần được ‘lạc lối’ một thời gian
Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được khát khao muốn có câu trả lời ngay lập tức, lý tưởng nhất là ngay bây giờ.
Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được khát khao muốn có câu trả lời ngay lập tức, lý tưởng nhất là ngay bây giờ. Hoặc ít nhất là trong vài giờ tới. Đáp án cho việc chúng ta nên làm gì, ở bên ai, giải quyết cuộc cãi vã ra sao, sống ở đâu và như thế nào. Trời ơi, chúng ta đã đợi đủ lâu rồi và sự kiên nhẫn cũng đến lúc cạn kiệt.
Bộ não là một cơ quan rất tận tụy. Khi được giao một nhiệm vụ, dưới áp lực khẩn cấp, nó sẽ nỗ lực hết mình để tìm câu trả lời. Nó sẵn sàng thức trắng đêm, căng mọi sợi thần kinh, ghi chép tỉ mỉ và sản sinh ra vô số phương án. Nó sẽ đi đi lại lại trong phòng, tập trung đến mức đôi khi khiến gương mặt ta trở nên đăm chiêu đến đáng sợ. Nó sẽ cắt đứt mọi việc khác và trả lời cụt lủn khi có ai rủ đi ăn tối hay bảo rằng mọi chuyện không đến nỗi tệ.
Georgia O’Keeffe, Black Mesa Landscape, 1930
Những nỗ lực ấy đôi khi thật đáng nể và có lúc đem lại hiệu quả lớn. Nhưng dù có tôn trọng bao nhiêu cho sự kiên quyết và căng thẳng này, chúng ta vẫn cần cho phép bản thân đôi lúc buông lỏng. Chính vì – hoặc có thể là bởi – mong mỏi kết quả mãnh liệt, chúng ta cũng cần những giây phút được lạc lối hoàn toàn, được không biết mình đang làm gì, được mắc kẹt trong mớ hỗn độn và chấp nhận rằng hiện tại mình hoàn toàn mù mờ. Để có cơ hội chạm đến điều gì đó sâu sắc, ta có thể phải từ bỏ hy vọng là mình sẽ đạt được nó.
Cần phải “dự trù” thời gian cho sự lạc lối. Chúng ta có thể muốn hoàn thành cuốn sách trước Giáng Sinh, nhưng có khi phải đợi bốn năm nữa. Ta có thể muốn hiểu mình nên làm công việc nào vào tháng Bảy, nhưng có khi đến tháng Ba năm sau vẫn loay hoay trong vùng trũng cuộc đời. Đây là điều đáng tiếc và – nếu nhìn bằng sự bao dung – cũng là điều cần thiết.
Bộ não của chúng ta cần những chu kỳ dài của giấc ngủ và sự tỉnh thức, nghỉ ngơi và chuyển động. Nó cần học từ những khoảng thời gian "lơ đãng" tưởng như vô nghĩa, nhưng sâu bên trong vẫn đang âm thầm làm việc quan trọng. Đôi khi, nó cần dừng việc kiểm soát tương lai để nhường chỗ cho những điều bất ngờ đến từ cuộc sống. Có thể ta chưa rõ cuốn sách hay album này sẽ mang lại điều gì, nhưng cứ thử mở ra xem. Có thể ta chẳng đoán trước được chuyến đi sẽ dạy gì, nhưng biết đâu đó vẫn là hành trình đáng để lên đường. Ta không thể dự đoán bạn bè sẽ nói gì trong bữa tối, nhưng biết đâu nếu nhận lời mời, ta sẽ học được điều quý giá nào đó.
Chúng ta cần được lay chuyển khỏi lối suy nghĩ mòn mỏi bằng những chân trời mới; những mùi hương lạ lẫm, cảnh sắc bất ngờ, những ý tưởng đầy sáng tạo. Ta không biết rằng căn phòng này, với tầm nhìn hướng ra dãy Andes hay những ngọn đồi của Extremadura, lại tồn tại, và chúng có thể mở ra trong ta những khám phá mới đầy sâu sắc từ bên trong.
Nếu cứ mãi e sợ trước những điều mới mẻ, ta sẽ chẳng tạo ra được gì khác ngoài những gì mình đã biết. Chúng ta cần bớt nghiêm trọng về khái niệm "thời gian lãng phí". Phải mất gần cả cuộc đời mới hiểu được tình yêu là gì – hay nhận ra ta thực sự đang muốn làm gì với công việc của mình. Những điều ấy quá phức tạp, mà tâm trí của ta lại là một cơ quan đầy rối rắm và ngẫu hứng. Đây không phải là "thời gian lãng phí" mà chính là thời gian cần thiết. Chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi một ý niệm sai lệch về thành tựu, quên mất vai trò thiết yếu của những bước khởi đầu vụng về và bản nháp thô sơ trên hành trình đạt đến bất cứ điều gì đáng giá và chân thật.
Nghĩ đến điều này thật không dễ chịu, vì lạc lối vốn không dễ chịu chút nào – nhưng có lẽ tất cả những điều ấy: nỗi hoang mang, sự trì hoãn, chờ đợi, những tuần tháng không biết phải làm gì, đều thuộc về hành trình tìm ra hướng đi. Nó, cũng như lý trí và lẽ phải, là một phần của việc đến được đích.
Nguồn: WHY EVERYONE NEEDS TO FEEL ‘LOST’ FOR A WHILE