Vì sao ai đó lại tự tử - Nghiên cứu mới nhất về dự đoán ai sẽ tự tử
Nhìn chung, người ta không tự tử vì họ đau khổ, họ tự tử vì họ không tin rằng có lý do đáng để họ sống, và thế giới sẽ đỡ phiền hơn khi không có họ.
Máy nhắn tin cạnh giường tôi báo tin lúc 1:30 sáng. Khi tôi gọi cho chủ tin nhắn, giám sát viên của tôi báo rằng khách của tôi đang tìm cách tự tử. Cô ta đang ở phía bên Canada của thác Niagara, cô, một cách thong thả, đã leo lên hàng rào lan can, đi một vài feet và đứng lại, 100 feet phía trên sông Niagara. Xe cảnh sát, lính cứu hoả, xe cứu thương và một đám đông người đứng trong tối, theo dõi xem việc gì xảy ra. Có ai đó cứu cô ấy không? Cô ấy sẽ sẵn sàng nhảy xuống? Hay cô ta sẽ leo xuống? Cô là mộ thủ thư viện, thông minh, có óc hài hước pha chút ma quái, được tô điểm thêm bởi một cơn trầm cảm không ngừng, kéo dài hơn một thập niên. Trước khi nổ máy xe, tôi nhận được một cuộc gọi thông báo rằng những nhà đàm phán đã khuyên được cô ấy không nhảy. Cô ta đã cố tự tử hai lần nữa sau đó trước khi tôi rời khỏi bệnh viện và chuyển sang làm việc ở một bang khác. Thỉnh thoảng những người làm chung bệnh viện đó với tôi tình cờ gặp nhau và khi tên cô ấy được nhắc đến, mọi người đều đồng ý với nhau là có lẽ cô ta đã chết.
Tự tử đáng được xem như “tin tức” bởi vì sự sống rất quí giá. Vào năm 1993, một bé gái 6 tuổi sống ở Florida đã nhảy ra trước đầu xe lửa. Cô bé đã để lại một lời nhắn rằng cô bé “muốn được ở bên cạnh mẹ mình” đã mất vì một căn bệnh hiểm nghèo. Và đây chính là sức mạnh của tâm trí con người. Một cô bé ở nhà trẻ nghĩ về quá khứ và tưởng tượng ra một tương lai hết sức trơ trọi, vắng đi những phút giây đầy ý nghĩa với người mẹ đến độ cô bé đã tự kết thúc cuộc sống của mình. Chính cái tâm trí làm chúng ta khác biệt với những động vật khác, chính cái tâm trí cho chúng ta khả năng giải quyết vấn đề và sản sinh ra những phát minh và sự sáng tạo, những thứ đã cho con người sự bất tử mang tính hình tượng, lại là thứ đã khiến một bé gái suy tư về một tương lai mịt mù đủ để em lao thân mình ra trước một chiếc xe lửa đang phóng tới. Nếu một bé gái 6 tuổi có khả năng nhận thức để tự tử, vậy thì chúng ta nên cố gắng hiểu về nó và ngăn chặn điều đó xảy ra.
Có một vài nghiên cứu quan trọng đã giúp chúng ta hiểu hơn về vấn đề này.
- Những nhà nghiên cứu đã “mổ xẻ” 20 di thư của những người tìm cách tự tử với 2 di thư khác của những người đã thực sự “thành công” trong việc tự giết bản thân. Những di thư được đánh giá trên 5 phương diện: cảm giác về gánh nặng (như “Liệu những người tôi yêu thương sẽ được tốt hơn nếu không có tôi?”), cảm giác đau đớn về mặt cảm xúc (như “cuộc sống của tôi đau khổ đến nhường nào?”), thoát khỏi những cảm giác tiêu cực (“liệu chết có chấm dứt mọi đau khổ?”), tâm lý xã hội bị biến đổi (“liệu chết có phải là câu trả lời cho những vấn đề về các mối quan hệ xã hội?”), và sự tuyệt vọng (“có bằng chứng nào cho thấy là cuộc sống sẽ trở nên tốt hơn?”).
Những gì họ tìm ra đáng để các bạn tập trung chú ý. Sự khác biệt lớn nhất là di thư của những người hoàn thành việc tự tử bao gồm nhiều chi tiết về việc họ là gánh nặng như thế nào đối với người khác và xã hội, hơn hẳn so với những người tìm cách tự tử (nhưng không thành). Trên thực tế, cảm giác gánh nặng này là phương diện duy nhất phân biệt những bức di thư tự tử của những người thuộc hai nhóm. Hẳn các bạn cũng sẽ ngạc nhiên như bản thân tôi rằng sự tuyệt vọng, mức độ đau khổ, và niềm tin rằng cái chết sẽ kết thúc những nỗi đau, đều là những khía cạnh thường thấy ở cả hai nhóm. Những nghiên cứu khác đã tái lặp lại kết quả giống vậy.
Nhìn chung, người ta không tự tử vì họ đau khổ, họ tự tử vì họ không tin rằng có lý do đáng để họ sống, và thế giới sẽ đỡ phiền hơn khi không có họ.
- Nhưng có lẽ có một mảnh ghép khác đưa chúng ta trở lại với câu chuyện đầu bài. Điều gì khiến một người đủ can đảm để làm cho đến cùng và nuốt cả lọ thuốc ngủ, uống cả chai thuốc độc hay đạp cái ghế đi để họ treo cổ? Có lẽ sẽ gây tranh cãi để dùng từ “dũng khí”, “tinh thần mạnh mẽ”, hay “sức mạnh” trong tình huống này. Tuy nhiên, một người tự tử thường phải vượt qua sự suy kiệt tinh thần rất mãnh liệt để thực hiện hành động cuối cùng đó. Những nhà nghiên cứu về tự tử hàng đầu cho rằng cảm giác mình là gánh nặng là điều kiện cần nhưng chưa đủ để hiểu về những người thực hiện việc tự tử. Một người có thể cũng đòi hỏi phải có khả năng tự tổn thương bản thân. Một người phải có sức chịu đựng cao trước nỗi đau, dằn vặt và mâu thuẫn khi lên kế hoạch kết thúc cuộc đời mình. Sức chịu đựng những phiền muộn này phải được hình thành trong họ đâu đó trong suốt quá trình. Các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm thấy sự củng cố cho ý tưởng rằng nguy cơ tự tử cao nhất có ở những người tin rằng họ là gánh nặng đối với xã hội VÀ có tiền sử cho thấy họ đã có được khả năng tự tổn hại bản thân. Khả năng có được đó có thể xuất phát theo những cách bất thường, chẳng hạn như:
- chơi những môn thể thao bạo lực hay cực kỳ táo bạo
- có nhiều xiêng người hay hình xăm.
- bắn súng
- tham gia ẩu đả
Những dạng sự kiện đau đớn và khiêu khích này thường tạo cho họ một cảm giác không sợ hãi về việc tự tổn thương nguy hiểm tính mạng. Một người có thể phản ứng tích cực trước những điều như “Những thứ làm hầu hết mọi người sợ không làm tôi sợ hãi” và “Tôi có thể chịu đựng nỗi đau nhiều hơn người khác.”
Nếu bạn vẫn thấy chưa thuyết phục về tầm quan trọng của việc có được khả năng chịu đựng đau đớn hay phiền não, hãy xem con số thống kê sau. Một trong số 25 người phải cần đến dịch vụ y tế ở bệnh viện vì hành vi tự tổn hại hay tự gây thương tích cho bản thân sẽ tự tử trong vòng 5 năm sau đó. Đối phó với những phiền não và đau đớn về cảm xúc sâu sắc bằng việc tự làm hại bản thân với những hành động như cắt rạch (như dùng dao lam rạch lên tay, không hẳn là cắt mạch máu), làm mình bị phỏng (như dùng tàn thuốc châm vào người), ghim các đồ vật vào da (xiêng người, dùng kim xiên da như khâu vết thương mặc dù không có vết thương), hay cố tình ngăn chặn vết thương lành lại, những người hành động như thế có khả năng tự tử tăng cao.
Một điều kỳ về những nghiên cứu này, đó là trong một khung cảnh, tình huống nào khác, khả năng chịu đựng đau đớn cao là sức mạnh, là một món quà, là một dạng tinh anh về cảm xúc giúp một người thành công hơn và thoả mãn hơn với cuộc sống. Đó là lý do tại sao tôi lại nghiên cứu về vấn đề này. Hãy xem xét động lực thôi thúc phía sau những hành động của con người, bởi vì những gì chúng ta xem là một tính cách mạnh mẽ đáng ngưỡng mộ trong một hoàn cảnh khác, lại là một yếu tố chết người trong tình huống này.
Đừng trở nên mệt mỏi với những câu chuyện không kể hết về những chiến binh xuất sắc trong chiến tranh và những trẻ em, thanh thiếu niên hay người trưởng thành có những phiền muộn về cảm xúc và dẫn đến tự tử. Hãy xem những câu chuyện này là một lời kêu gọi hành động. Và chúng ta có những hiểu biết khoa học giá trị để dẫn dắt chúng ta đi đúng hướng.
Trần Đình Tuấn dịch