Vì sao chúng ta nên nghĩ về sự đa dạng thần kinh như cách ta nghĩ về tính cách

Thật sai lầm khi xem những đặc điểm của người tự kỷ hay ADHD chỉ đơn thuần là khuyết tật hay sự khác biệt. Có một cách nhìn khác – dịu dàng và bao dung hơn.
Năm 2013, Bệnh viện Nhi Seattle từng chạy quảng cáo trên xe buýt với hình ảnh một đứa trẻ tươi cười và dòng khẩu hiệu: “Hãy cùng xóa bỏ ung thư, tiểu đường và tự kỷ trong suốt cuộc đời em.” Việc đặt tự kỷ – một phần cốt lõi trong bản sắc của rất nhiều người – ngang hàng với các bệnh nan y như một điều cần “xóa bỏ” đã khiến không ít người trong cộng đồng cảm thấy tổn thương sâu sắc. Quảng cáo bị gỡ bỏ nhanh chóng, phản ánh một làn sóng chuyển biến tư duy đang ngày càng lan rộng: nhìn nhận lại tự kỷ và các khác biệt thần kinh không phải là bệnh lý, mà là một phần tự nhiên của con người.
Làn sóng chuyển mình ấy đã giúp nhiều người tìm lại chính mình, được quyền tự hào về bản sắc riêng. Khái niệm “đa dạng thần kinh” (neurodiversity), ra đời từ những năm 1990, được truyền cảm hứng từ phong trào đấu tranh vì quyền của người khuyết tật – phong trào nhấn mạnh việc chấp nhận sự khác biệt thay vì cố gắng “chữa trị” nó. Từ đó, phong trào đa dạng thần kinh không ngừng nỗ lực thúc đẩy sự thấu hiểu, chấp nhận và hỗ trợ – đi ngược lại lối tư duy “bệnh lý hóa” từng thống trị, vốn xem các tình trạng như tự kỷ chỉ đơn thuần là điều cần sửa chữa.
Thay vào đó, cách tiếp cận mới kêu gọi xã hội chấp nhận con người như họ vốn là, và tạo ra những môi trường nơi người có sự khác biệt thần kinh có thể phát triển và tỏa sáng. Suốt hai thập kỷ qua, những nhóm vận động không ngừng lên tiếng, góp phần mở đường cho các chương trình giáo dục cá nhân hóa, mô hình làm việc linh hoạt, không gian thân thiện với cảm giác, và nhiều thay đổi tích cực khác. Những gương mặt như Temple Grandin hay Greta Thunberg ngày nay có thể tự hào tuyên bố: tự kỷ không chỉ là một phần bản sắc của họ, mà còn là yếu tố quan trọng làm nên thành công của họ. Nhà lý thuyết và nhà hoạt động nổi bật trong lĩnh vực này – Nick Walker – từng viết: “Một chuyên gia thực sự hiểu về đa dạng thần kinh sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện 'chữa trị' tự kỷ, giống như họ cũng không nghĩ đến việc 'chữa trị' xu hướng tính dục hay sắc tộc của một người.” Những khác biệt khác như ADHD cũng được nhìn nhận trong lăng kính tương tự – có người xem sự bốc đồng hay năng lượng cao của mình như những nét duyên ngầm, thậm chí là thế mạnh.
Photo by Andrew Testa/Panos Pictures
Tuy nhiên, dù có nhiều bước tiến đáng mừng, sự thay đổi tư duy này cũng đặt ra một câu hỏi khó: Liệu chúng ta có nên chỉ nhìn nhận sự khác biệt thần kinh như một yếu tố đa dạng (giống như chủng tộc hay xu hướng tính dục), chứ không bao giờ xem là khuyết điểm? Cách tiếp cận quá cực đoan ấy đã khiến một số người phản đối hoàn toàn khái niệm đa dạng thần kinh. Họ cho rằng nó tô hồng thực tế, bỏ qua những nỗi đau của những người sống chung với tình trạng thần kinh nghiêm trọng. Có người tự kỷ không thể giao tiếp hay sống độc lập, dù đã được hỗ trợ. ADHD cũng có thể là một gánh nặng lớn. Nhà văn Yasmin Tayag từng chia sẻ, việc điều trị ADHD đã thay đổi cuộc đời cô – giúp cô thoát khỏi “sự bốc đồng, những cơn giận dữ vô cớ và những dòng suy nghĩ hỗn loạn” – như cô viết trong tạp chí The Atlantic.
Giữa cuộc tranh luận ấy, có một sự lựa chọn giả tạo đang ẩn mình: Chúng ta không nhất thiết phải chọn giữa hai thái cực – hoặc xem sự khác biệt thần kinh là điều cần gìn giữ, hoặc là điều cần chữa trị. Ta có thể tiếp cận theo một góc nhìn tinh tế hơn về nhận thức con người. Tôi gọi đó là “tính liên tục nhận thức” – nhấn mạnh rằng tất cả các đặc điểm tâm lý, dù có dán nhãn là “khác biệt thần kinh” hay không, đều tồn tại trên một phổ trải dài. Não bộ con người vận hành theo muôn hình vạn trạng, không có ranh giới rạch ròi giữa các “kiểu người”.
Từ góc nhìn này, những khác biệt thần kinh không phải là sự phân loại dứt khoát, mà là sự dao động về mức độ. Tất nhiên, sẽ rất thiếu tinh tế nếu một người thần kinh điển hình buột miệng nói “chắc tôi cũng thuộc phổ tự kỷ” hay “tôi hơi bị ADHD”. Những câu nói thiếu cân nhắc đó có thể khiến người đang vật lộn với việc duy trì ánh mắt khi phỏng vấn xin việc, hay người quên mất buổi biểu diễn piano của con vì quá xao nhãng, cảm thấy mình bị xem nhẹ. Tuy vậy, những so sánh ấy vẫn phần nào phản ánh sự thật. Hay quên, suy nghĩ dồn dập, nhạy cảm với âm thanh, khó kết nối với người khác – đó là những mảnh ghép rất đời thường của trải nghiệm làm người, không chỉ bó hẹp trong một vài nhóm nhỏ. Khi nhìn các đặc điểm này như những điểm nằm trên một phổ trải nghiệm – ai cũng có ít nhiều – ta không chỉ hiểu đúng hơn về con người, mà còn thấy gần nhau hơn. Bởi cuối cùng, những đặc điểm mà ta gọi là “khác biệt thần kinh” cũng là một phần rất thật, rất tự nhiên, trong bản thể con người.
Có thể sẽ rất dễ rơi vào cái bẫy đơn giản hóa – chia biệt các mức độ của tự kỷ, ADHD hay những chẩn đoán khác thành “nhẹ” và “nặng”.
Ta có thể nghĩ rằng, những trường hợp nhẹ chỉ là sự khác biệt, còn những tình trạng “nặng” hay “sâu sắc” thì mới thực sự là khuyết tật. Nhưng cách nghĩ ấy không thể bao quát hết sự phong phú và tinh vi của trải nghiệm con người. Những người tự kỷ có nhu cầu hỗ trợ thấp – như Jonathan Mitchell hay cố nhà văn Donna Williams – đôi khi vẫn cảm thấy tự kỷ là một thử thách lớn trong cuộc đời họ, dù đang sống trong môi trường đầy thấu hiểu và hỗ trợ. Trong hồi ký Somebody Somewhere (1994), Williams quả quyết: “TỰ KỶ KHÔNG PHẢI LÀ TÔI”, và bà mô tả nó như một “vấn đề trong cách xử lý thông tin, thứ điều khiển cách tôi xuất hiện với thế giới”.
Năng lực – hay sự hạn chế trong nhận thức – đôi khi không nằm ở bản thân con người, mà ở hoàn cảnh. Khi đối diện với chẩn đoán tự kỷ của chính mình, Maia Szalavitz từng nhận ra, như cô viết trên The New York Times: “Trong một môi trường phù hợp, sự ám ảnh, nhạy cảm và đam mê mãnh liệt của tôi lại là những yếu tố giúp tôi thành công với tư cách một nhà văn.” Rất nhiều người ADHD dễ “đuối sức” trong môi trường cứng nhắc như những buổi học dài lê thê, nhưng lại rực rỡ và tràn đầy sức sống trong những nơi đòi hỏi phản xạ nhanh, sáng tạo và tự do. Ngay cả khi được người khác chấp nhận, người mang khác biệt thần kinh vẫn có thể cảm thấy mình đang sống trong một “mạng lưới đan xen” giữa bản sắc và rối loạn – như cách Matilda Boseley từng mô tả mối quan hệ của cô với ADHD trên The Guardian.
Một cách tiếp cận hữu ích là nhìn sự đa dạng thần kinh qua lăng kính của tính cách. Những đặc điểm được các nhà tâm lý học nhân cách nghiên cứu – các đặc điểm mà ai trong chúng ta cũng sở hữu ở mức độ này hay mức độ khác – có thể trở thành sức mạnh hay trở ngại, tùy theo bối cảnh. Người có chỉ số “dễ mến” cao có thể là đồng đội tuyệt vời trong một tập thể, nhưng cũng có thể trở thành người bị lép vế trong một môi trường cạnh tranh. Tính cách hướng ngoại có thể là lợi thế lớn trong công việc giao tiếp và lãnh đạo, nhưng đôi khi lại khiến người đối diện thấy họ hời hợt hoặc “chỉ nói về bản thân”. Trong khi đó, một người hướng nội có thể hạnh phúc với “pin xã hội” hạn chế của mình, sẵn sàng từ chối cuộc gặp gỡ và xin bạn bè hiểu cho nhu cầu nạp lại năng lượng trong cô đơn. Nhưng cũng có người hướng nội lại lo sợ bị cô lập, sợ các mối quan hệ tàn phai, và cố gắng học cách cởi mở hơn.
Mọi chuyện càng trở nên phức tạp khi các đặc điểm tính cách bắt đầu đan cài. Một người cực kỳ kỷ luật, có định hướng mục tiêu rõ ràng – tức là rất “tận tâm” – nhưng lại đồng thời dễ lo âu và hay trải nghiệm cảm xúc tiêu cực, có thể sẽ vật lộn trong cô đơn và hoài nghi chính mình. (Nếu bạn thích hệ thống MBTI hơn, thì một INTJ – “nhà kiến trúc sư” – có thể thấy sự hướng nội của mình dễ sống hơn nhiều so với một ISFP – “người nghệ sĩ”.)
Những đặc điểm tính cách từ lâu đã được xem là vừa đa chiều vừa linh hoạt – và điều này hoàn toàn có thể áp dụng vào các đặc điểm thần kinh. Một người tự kỷ có thể bị ảnh hưởng bởi sự nhạy cảm quá mức với âm thanh hay khó khăn trong giao tiếp, khiến họ chật vật theo đuổi ước mơ khởi nghiệp. Nhưng người khác lại chính nhờ những nét đó mà tìm thấy thành công trong nghệ thuật. Một người ADHD có thể chọn uống thuốc để làm cha mẹ kiên nhẫn hơn và làm sếp bớt bốc đồng. Trong khi đó, bạn của cô lại biết ơn cái đầu luôn nhảy nhót và tinh thần phấn khích không ngừng – những điều giúp anh tỏa sáng trong vai trò hướng dẫn viên du lịch.
Không phải lúc nào con người cũng kiểm soát được việc một nét tính cách nào đó đang nâng đỡ hay ngấm ngầm làm tổn thương họ.
Sẽ là sai lầm nếu ta chỉ chăm chăm nhìn vào những nhãn chẩn đoán rộng như tự kỷ hay ADHD rồi cố định nghĩa đó là khuyết tật hay chỉ đơn thuần là sự khác biệt. Mô hình tính cách cho phép những người mang khác biệt thần kinh được linh hoạt lựa chọn cách nhìn – như một khuyết điểm cần vượt qua hay một nét khác biệt đáng trân trọng – miễn là điều đó giúp họ phát triển tốt hơn. Với Tayag, việc nhìn ADHD như một rối loạn đã giúp cô tái định nghĩa những “nét riêng” của mình như những “triệu chứng cần chăm sóc”, từ đó mở ra cánh cửa điều trị mà cô ví như “ân huệ từ trời”. Nhưng với người khác, góc nhìn “chỉ là khác biệt” lại là liều thuốc lành giúp họ yêu thương bản thân và sống thật với chính mình, thay vì mãi đi tìm cách thay đổi trong vô vọng.
Tất nhiên, không dễ gì để biết liệu một đặc điểm nào đó đang ảnh hưởng xấu đến cuộc sống ta hay không. Một người hướng nội có thể tự hào với thế giới riêng của mình, nhưng không nhận ra rằng sự cô lập đang lặng lẽ gặm nhấm tinh thần và sức khỏe. Tương tự, người mang ADHD có thể đã quen với những cú bốc đồng, những cơn cảm xúc mãnh liệt đến mức không nhận ra chúng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trong một vài hoàn cảnh. Những nét tính cách của người tự kỷ có thể đưa họ đến đỉnh cao trong ngành kỹ thuật, nhưng cũng có thể âm thầm đóng lại cánh cửa tình yêu.
Bởi vậy, dù các kiểu não bộ không phải là “tốt” hay “xấu” một cách tuyệt đối, thì việc một đặc điểm nào đó mang lại hạnh phúc hay đau khổ lại không hẳn là do ta lựa chọn. Ngay cả khi đã chấp nhận và quý trọng một phần tính cách của mình, con người vẫn không thể hoàn toàn kiểm soát việc liệu nó có đang gây tổn thương âm thầm ở đâu đó trong cuộc đời mình hay không.
Cách tiếp cận tinh tế với sự đa dạng thần kinh là cách dung hòa giữa chấp nhận và hỗ trợ can thiệp.
Nhà trường, nơi làm việc hay hệ thống y tế không nên xem một kiểu suy nghĩ hay hành xử nào là “bình thường tuyệt đối”, còn mọi sự khác biệt đều là lệch chuẩn. Nhưng ngược lại, cũng không nên ngăn cản cá nhân hay tổ chức tìm kiếm sự giúp đỡ khi sự khác biệt ấy mang đến nỗi đau hoặc hạn chế những cơ hội quý giá.
Điều quan trọng là xây dựng những nhịp cầu cảm thông bắc ngang phổ thần kinh. Thay vì mong đợi – hay ép buộc – người mang khác biệt thần kinh phải khuôn mình vào tiêu chuẩn “bình thường”, những người xung quanh họ có thể tạo điều kiện, điều chỉnh môi trường – dù biết rằng, đôi khi, từng ấy là chưa đủ. Với một số người, thuốc men hay trị liệu là cần thiết để đối mặt với những thách thức thực sự đến từ kiểu não bộ của họ. Tuy vậy, như học giả Robert Chapman – một người neurodivergent – từng lập luận, ta nên cẩn trọng trước xu hướng tự động dán nhãn rối loạn cho mọi khác biệt.
Cũng như việc hướng nội cao độ có thể được nhìn nhận là một nét tính cách riêng, thì những đặc điểm thường gắn với tự kỷ hay các dạng thần kinh khác cũng có thể được xem như là biểu hiện tự nhiên của sự đa dạng trong hoạt động não bộ. Dẫu vậy, ngay cả trong một xã hội cởi mở và cảm thông nhất, sự khác biệt thần kinh vẫn có thể đặt ra không ít thử thách. Hai điều tưởng như mâu thuẫn ấy, kỳ thực có thể cùng tồn tại. Ta không cần phải chọn giữa “sự khác biệt để tôn vinh” hay “khiếm khuyết để sửa chữa” – bởi tác động của một kiểu não bộ lên cuộc đời một người luôn phụ thuộc vào chính họ và hoàn cảnh sống của họ.
Phong trào vì sự đa dạng thần kinh đã đạt được những bước tiến dài trong việc xóa bỏ kỳ thị và mở rộng các hình thức hỗ trợ. Và việc đề nghị điều trị cho những ai cần, một cách tự nguyện và nhân ái, không đồng nghĩa với định kiến hay áp bức. Khi tiếp tục đặt câu hỏi về điều gì tạo nên một con người neurodivergent, ta cần vượt qua thói quen suy nghĩ hai chiều và học cách ôm trọn sự phong phú, rối rắm và đẹp đẽ của chính con người.
Nguồn: Why we should think of neurodiversity like we do personality | Psyche.co